Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang phải hứng “búa rìu dư luận” vì hứa hẹn “chia chác” biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua của ông. Ông nói ông Tập đã hứa chia cho Philippines ‘phần hơn’ những gì khai thác được ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
“Hãy dẹp sang một bên các tuyên bố chủ quyền. Rồi cho phép mọi người liên kết với các công ty Trung Quốc. Các công ty này sẽ khai thác và nếu tìm được gì, họ sẽ hào phóng chia cho các ông 60%, họ sẽ chỉ lấy 40%. Đó là lời hứa của Tập Cận Bình”, ông Duterte nói với các nhà báo tại Philippines hôm 10/9.
Ông và ông Tập đã có cuộc hội đàm trực tiếp khi Duterte tới thăm chính thức Bắc Kinh hồi tuần trước. Trong buổi gặp mặt đó, ông Tập được cho là đã hứa hẹn nhiều ưu đãi kinh tế như tăng cường nhập khẩu nông sản của Philippines, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp và viễn thông cho Philippines.
““Miễn là hai bên xử lý đúng đắn vấn đề Biển Đông, bầu không khí của quan hệ song phương sẽ thuận lợi, nền tảng của mối quan hệ sẽ vững chắc, và hòa bình ổn định sẽ được bảo đảm”, Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông của chính phủ Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói.
Tại buổi họp báo hôm thứ Tư (11/10), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, không bình luận trực tiếp về phát biểu của ông Duterte. Bà Hoa Xuân Oánh nói:
“Hai bên đã loan báo việc thành lập một ủy ban thường trực liên chính phủ và một nhóm làm việc giữa các công ty có liên quan từ cả hai nước về vấn đề hợp tác khai thác dầu khí.”
Phát ngôn của Tổng thống Philippines đã làm rấy lên làn sóng phẫn nộ chỉ trích tổng thống đánh đổi chủ quyền lấy lợi ích kinh tế trong bối cảnh người Philippines hy vọng ông Duterte sẽ nêu lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA năm 2016 xử Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo gọi Duterte là kẻ “cực kỳ vô trách nhiệm” khi cân nhắc khả năng gạt sang một bên “chiến thắng vẻ vang của Philippines trước tòa án trọng tài” để hợp tác với Bắc Kinh khai thác năng lượng chung trong khu dặc quyền kinh tế Philippines.
Bà Leni Robredo, cũng là lãnh đạo phe đối lập, không che dấu sự bất bình của mình. Trang Rappler.com dẫn lời bà phát biểu:
“Bảo đảm tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta mới là nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của bất cứ chính phủ nào. Bán rẻ tương lai ấy để đạt một thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc là một cách đáng hổ thẹn, để trốn tránh trách nhiệm đó.”
Ông Duterte né tránh đối đầu với Trung Quốc tại vùng EEZ của Philippines với lập luận rằng Philippines sẽ thảm bại trước hải quân Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh.
Nhưng phó Tổng thống Robredo nói khẳng định chủ quyền lãnh thổ không nhất thiết dẫn tới chiến tranh với Trung Quốc, chẳng hạn cách xử lý của Việt Nam và Indonesia:
“Chiến tranh không phải là phương tiện duy nhất để khẳng định các quyền của chúng ta đối với khu dặc quyền kinh tế của mình. Các nước láng giềng của chúng ta, Việt Nam và Indonesia, đã nhiều lần chứng minh điều đó.”
“Tại sao Tổng thống và chính quyền của ông lại chính là những người coi nhẹ chiến thắng dứt khoát của chúng ta trước tòa trọng tài quốc tế năm 2016 với những phát biểu như thế?”
Trước làn sóng chỉ trích, phủ Tổng thống Philippines đã tìm cách biện minh cho ông Duterte. Người phát ngôn của điện Malacanang, Salvador Panelo, giải thích với các nhà báo rằng ông Duterte chỉ muốn “để sang một bên” vấn đề, nhưng “không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền”.
Panelo cho hay phán quyết của PCA vẫn đang được thảo luận giữa hai nước, hội đàm vẫn đang diễn ra một cách hòa bình, nhưng trong khi chờ đợi, Philippines nên tập trung vào những vấn đề khác có lợi cho cả hai nước.