Từ tháng 9/1945 đến tháng 9/2019, chặng đường lịch sử 74 năm của nước Việt Nam mới trải qua biết bao chông gai, thử thách để hôm nay đang là một quốc gia với dân số gần 95 triệu người, tổng thu nhập quốc dân (GDP) trên 240 tỉ USD và đang chuẩn bị lần thứ hai đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực của Liên Hợp Quốc vào năm 2020. Đó cũng là chặng đường tiếp nối lịch sử thực hiện quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng quy định của nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế, đó là: Một nhà nước có quyền thụ đắc lãnh thổ đối với một vùng đất phải trên cơ sở chiếm hữu và liên tục thực thi chủ quyền đối với vùng đất đó. Lịch sử và chứng cứ lịch sử của Việt Nam đã cho thấy từ thời các nhà nước phong kiến, nhất là từ thế kỷ XVI cho đến ngày nay, dù bối cảnh lịch sử có nhiều biến đổi, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất chiếm hữu và liên tục thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước thế kỷ XVI, khi mà các quốc gia trên thế giới chưa thấy hết vai trò của biển, đảo và cũng chưa nghĩ đến việc phân chia hoặc tranh chấp quyền làm chủ biển khơi quyết liệt, lại càng chưa nghĩ đến việc đánh dấu chủ quyền trên biển thì các thế hệ người Việt đã thay nhau quai đê lấn biển, mở mang bờ cõi về phía đông và sớm lấy nghề chài lưới trên các vùng biển, lấy nghề trồng hoa quả trên các đảo đất làm kế sinh nhai. Thế mới có truyền thuyết Mai An Tiêm ra tận đảo xa trồng dưa hấu rồi đến mỗi kỳ con nước thủy triều lại thả dưa xuống biển cho trôi về bờ, mang theo nỗi niềm nhớ quê. Giá như thời đó đã có bản đồ thế giới, khu vực hoành tráng thì quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng sớm được người Việt quy thuộc vào quyền quản lý của mình rồi.
Nhưng từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, các triều đại phong kiến Việt Nam khác nhau (với tư cách là Nhà nước Đại Việt), đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, tiến hành chiếm hữu và thực thi liên tục chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này được chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh rõ ràng.
Nhà nước Đại Việt giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627 – 1775), chúa Nguyễn làm chủ đàng trong, lấy sông Gianh làm giới tuyến, mở mang bờ cõi về phía đông và miền Tây; lập đội Hoàng Sa để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, lập thêm đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tấn tới Nguyễn Phúc Chu… cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy. Việc đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra và duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy ngay từ khi đó, Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo trên.
Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn,trong thời gian từ năm 1776- 1801, hầu như lúc nào cũng xảy ra chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, các lực lượng của chúa Nguyễn, chúa Trịnh, nhà Tây Sơn vẫnliên tục làm chủ từng khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi cát cứ, quản lý của mình.
Năm 1773, nhà Tây Sơn chiếm được Quy Nhơn, tiến về phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré, căn cứ xuất phát của đội Hoàng Sa.Năm 1775, thổ dân ở Cù Lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã nộp đơn xin nhà Tây Sơn cho phép đội Hoàng Sa và đội Quế Hương hoạt động trở lại theo thông lệ.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, củng cố chính quyền một cách hoàn chỉnh và năm 1786, đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa, chỉ huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra, còn có các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trên Biển Đông.
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long. Tuy bận việc nội trị, nhưng nhà nước phong kiến này vẫn tiếp tục chiếm hữu và làm chủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua việc tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 7/1803, vua Gia Long cho lập lại đội Hoàng Sa: “Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa” (theo Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 12).
Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), vua Gia Long quyết định: “Sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình…” (Đại Nam thực lục chính biên,đệ nhất kỷ, quyển 50, tờ 6a).
Sang đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện…Năm 1833, 1834, 1836, vua Minh Mạng chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ… mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc để dựng mốc chủ quyền, “Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc…”.
Như vậy, suốt từ thời chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn rồi triều đình nhà Nguyễn, đội Hoàng Sa, kiêm quản đội Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận tại châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp… hiện đang được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ nhà nước.
Trong giai đoạn hơn 250 năm lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến để chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì là trấn: “Bãi Cát vàng trong phủ Quảng Nghĩa”(Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (Phủ biên tạp lụccủa Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời triều đình nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Đến cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa thực dân tung hoành trên khắp các châu lục, xâm chiếm thuộc địa, tiến hành khai thác tài nguyên phục vụ cho sự phát triển của chính quốc. Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Theo Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884), với tư cách là đại diện của nhà nước Việt Nam về đối ngoại, chính quyền thuộc địa Pháp đã tiếp tục quản lý, bảo vệvà thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dưới đây là những hoạt động chủ yếu, có giá trị pháp lý:
Sau một thời gian tổ chức các cuộc nghiên cứu, khảo sát tại thực địa của các nhà khoa học và những cuộc trao đổi giữa những chính khách Pháp có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngày 08/03/1925, Toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận lãnh thổ thuộc địa của Pháp. Ngày 19/03/1926, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty phosphat Bắc kỳ.
Ngày 13/04/1930, Thông báo hạm Malicieuse do thuyền trưởng De Lattre điều khiển ra quần đảo Trường Sa theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương dựng bia chủ quyền, đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo, đá, bãi phụ thuộc. Ngày 23/09/1930, chính phủ Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về sự kiện đóng giữ quần đảo Trường Sa theo đúng thủ tục.
Ngày 31/12/1930, Phòng đối ngoại Phủ toàn quyền Đông Dương gửi báo cáo lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp về những hoạt động đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo phụ cận, cũng như các tư liệu khảo cứu về pháp lý bảo vệ cho sự kiện đóng giữ này.
Ngày 11/01/1931, Thống sứ Nam Kỳ thông báo cho Toàn quyền Đông Dương về việc sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Ngày 04/01/1932, chính phủ Pháp gửi Công hàm tới Công sứ Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức trọng tài quốc tế. Trung Quốc từ chối đề nghị này với lập luận rằng khi vua Gia Long chiếm hữu quần đảo này, Việt Nam là chư hầu của Trung Quốc.
Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer ký Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Ngày 18/02/1937, Pháp lại chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc lại khước từ.
Ngày 26/11/1937, Pháp phái kỹ sư trưởng J.Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ, nghiên cứu các điều kiện định cư ở quần đảo này.
Năm 1938, Pháp phái các đơn vị bảo an đến đồn trú trên các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng thế giới cho đăng ký với số hiệu là 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến điện TSF trên đảo Hoàng Sa.
Ngày 15/06/1938, Pháp xây xong trạm khí tượng ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa.
Ngày 30/03/1938, vua Bảo Đại ký đạo Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi trước đây.
Ngày 15/06/1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brevie ký Nghị định 156-S-V thành lập đơn vị hành chính quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Tháng 6/1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền đã được dựng tại đảo Hoàng Sa có khắc dòng chữ: Republique Francaise – Rayaume d’Annam – Achipel de Paracel 1816- Ide de Pattle 1938.
Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra, Nhật Bản tuyên bố sáp nhập các quần đảo ở Biển Đông vào các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Ngày 04/04/1939, chính phủ Pháp gửi Công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật Bản và bảo lưu quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 05/05/1939, Toàn quyền Đông Dương J.Brevie ký Nghị định số 3282 tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành hai đơn vị: Croissant và các đảo phụ thuộc; Amphitrite và các đảo phụ thuộc.
Ngày 26/11/1943, Tuyên bố Cairo về việc kết thúc chiến tranh với Nhật Bản và giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có vấn đề lãnh thổ nước khác bị Nhật Bản chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914).
Ngày 26/07/1945, Tuyên bố Posdam khẳng định các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện.
Ngày 15/08/1945, Nhật Bản thua trận,đầu hàng quân đội đồng minh, buộc phải rút khỏi Đông Dương và ngày 26/08/1945, quân đội Nhật Bản rút khỏi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Sự kiện trên đã là thời cơ có một không hai cho những người Việt Nam yêu nước tự mình đứng lên “đem sức ta giải phóng cho ta”, giành được độc lập, tự do và thống nhất cho dân tộc, đất nước bằng cuộc cách mạng lịch sử tháng 8/1945. Ngày 02/09/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với bản tuyên ngôn bất hủ do chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, mặc dù Việt Nam đã tuyên bố độc lập, không còn ràng buộc vào Hiệp định Pa-tơ-nốt, song Pháp cho rằng, theo Hiệp định sơ bộ ngày 06/03/1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 08/03/1949, Pháp dựng lên chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp,do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu bằng cách ký với Bảo Đại Hiệp định Hạ Long trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại, tháng 4/1949, Hoàng thân Bửu Lộc tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.Tuy nhiên trên thực tế,quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng năm 1949, Tổ chức khí tượng thế giới (Organisation Mondiale de Meteorologie – OMM) đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới: Trạm Phú Lâm số hiệu 48859, Trạm Hoàng Sa số hiệu 48860, Trạm Ba Bình số hiệu 48419.
Ngày 14/10/1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc đại diệncủa chính phủ Pháp bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa chochính phủ Bảo Đại.
Từ ngày 05 – 08/09/1951, Hội nghị San Francisco có đại diện của 51 nước tham dự để ký kết Hòa ước với NhậtBản. Tại phiên họp toàn thể mở rộng (05/09/1951), với 48 phiếu chống, 3 phiếu thuận, đã bác bỏ đề nghị của Ngoại trưởng Gromưcô (Liên Xô cũ) về việc tu chỉnh khoản 13 của Dự thảo Hòa ước, trong đó có nội dung: Nhật Bản thừa nhận chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam.
Ngày 07/09/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Không một đại biểu nào trong hội nghị trên có bình luận gì về tuyên bố này. Ngày 08/09/1951, Hòa ước với Nhật Bản được ký kết. Điều 2, Đoạn 7 của Hòa ước đã ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Sprathly” (khoản f).
Ngày 20/07/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã công nhận một nước Việt Nam có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định đã quy định lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa 2 miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam.
Tháng 4/1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa (VNCH), đã ra tiếp quản nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa. Vào thời điểm giao thời đó, Trung Quốc và Phi-líp-pin đã tranh thủ thời cơ, xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phản ứng trước hành động trên, chính phủ VNCH đã lên tiếng phản đối: Ngày 24/05 và 08/06/1956, VNCH ra thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa cùng với Trường Sa luôn luôn là một phần của Việt Nam và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam.
Ngày 22/08/1956, Tàu HQ04 của Hải quân VNCH đã ra quần đảo Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ bảo vệ quần đảo trước hành động xâm chiếm trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Đài Loan và Phi-líp-pin.
Ngày 20/10/1956, bằng Sắc lệnh 143/VN, VNCH đã đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.
Năm 1960, chính quyền VNCH đã bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng 1 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa; ngày 27/06/1961, bổ nhiệm ông Hoàng Yêm giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa. Ngày 13/07/1961, VNCH sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Ngày 11/04/1967, VNCH ban hành Nghị định số 809-NĐ-DUHC cử ông Trần Chuân giữ chức Phái viên hành chính xã Định Hải (Hoàng Sa), quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 21/10/1969, Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26 của Thủ tướng VNCHđã sáp nhập xã Định Hải (Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 13/07/1971, tại Hội nghị ASPEC diễn ra tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ngày 06/09/1973, Tổng trưởng Nội vụ VNCH ký Nghị định 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Từ 17 – 20/01/1974, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù đã chiến đấu quả cảm, nhiều binh sỹ hy sinh, quân lực VNCH đã không cản phá được hành động xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao,chính quyền VNCH đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế.Ngày 19/01/1974, Bộ Ngoại giao VNCH đã ra Tuyên cáo kêu gọi các nước, các dân tộc trên thế giới lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ lập trường trước sự kiện này:Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc; vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại; các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
Ngày 01/02/1974, VNCH tăng cường lực lượng đóng giữ, bảo vệ quần đảo Trường Sa trong tình hình Trung Quốc tăng cường sức mạnh tiến hành xâm chiếm lãnh thổ mà theo nhận định của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Trung cộng sẽ đánh Trường Sa và xâm chiếm bằng vũ lực giống như Hoàng Sa, có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của Mỹ”.
Ngày 02/07/1974, tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc tại Caracas, đại biểu VNCH đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là không tranh chấp và không thể chuyển nhượng.
Ngày 14/02/1975, VNCH công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 4/1975, đất nước Việt Nam chuyển sang bước ngoặt lịch sử: Chính quyền VNCH sụp đổ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn thành sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước. Saukhigiảiphóngđấtnước, Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền của mìnhđối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ 13 – 28/04/1975, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội VNCH đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ một số đảo khác trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 05/06/1975, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 02/07/1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (được bầu vào ngày 25/04/1976) đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam. Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 12/05/1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 28/09/1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố “Sách trắng chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, trong đó đã giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 12/1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố “Sách trắng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”.
Ngày 12/11/1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam.
Ngày 09/12/1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 11/12/1982, ký quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng.
Ngày 28/12/1982, Quốc hội khóa 7 nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.
Ngày 11/04/2007, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Nghị định số 65-NĐ/CP quyết định thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa bao gồm:Thị trấn Trường Sa, gồm đảo Trường Sa Lớn và phụ cận; Xã Song Tử Tây, gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận; Xã Sinh Tồn, gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận.
Năm 1988, CHND Trung Hoa đánh chiếm các bãi cạn phía tây bắc quần đảo Trường Sa. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp Quốc và gửi các Công hàm tố cáo và phản đối CHND Trung Hoa đã đánh chiếm các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi.
Tháng 4/1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố “Sách trắng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Luật pháp quốc tế”.
Ngày 01/07/1989, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 23/06/1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng.
Ngày 25/04/2009, Thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Sa.
Cho đến nay, ngoài những hoạt động kể trên, Việt Nam đang đóng giữ và quản lý 21 vị trí với 33 điểm đóng quân tại quần đảo Trường Sa, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Từ những chứng cứ trên đây, có thể khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ XVI, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình; phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện thời.Trong suốt hàng trăm năm làm chủ như vậy, không có một tài liệu nào, hành động nào từ phía các chính quyền Trung Quốc cho thấy họ làm được điều tương tự như Việt Nam. Bởi chính trong thời gian trên, Trung Quốc còn mải mê với việc chinh chiến trên đất liền, phát triển đế chế “Trung nguyên”, tiến hành “bế quan tỏa cảng” không chơi với ai thì họ đâu có quan tâm đến biển cả và những vùng đất ngoài khơi xa. Cũng không có tài liệu, chứng cứ nào từ phía Trung Quốc đòi “chủ quyền” ngoại trừ những “khiếu nại” từ chính quyền Tưởng Giới Thạch năm 1951 và chính quyền này sau đó đã không làm gì để chứng minh được “chủ quyền” của mình. Mãi đến năm 1974, sau khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc mới huy động đông đảo các học giả tiến hành kê cứu và biên soạn một cuốn sách đồ sộ, ra sức chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc “chủ quyền” Trung Quốc. Năm 1985, bộ sách hoàn thành với tiêu đề “Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hối biên” (tập hợp các sử liệu về các đảo của nước ta ở vùng biển phía nam) và tái bản năm 1988 bởi nhà xuất bản Đông Phương. Tập sách này nhanh chóng trở thành cơ sở lập luận chủ yếu cho các tuyên bố ngoại giao, những quyết định chính trị của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sanói riêng, Biển Đông nói chung. Tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách là cố chứng minh người Trung Quốc đã phát hiện, đặt tên các đảo và chiếm hữu hai quần đảo này từ thời Đông Hán, cách ngày nay gần 2000 năm. Sau đó đến các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và nhất là từ triều nhà Thanh đến nay, Trung Quốc liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Phương pháp nhất quán của các tác giả sách này là không nói rõ bối cảnh lịch sử, trích dẫn cắt xén, gán ghép tư liệu để người đọc khó hình dung được bối cảnh lịch sử, ngữ cảnh nguyên tác, rồi giải thích ý nghĩa những đoạn trích ấy theo ý mình. Nhưng chỉ cần trích dẫn nhận xét sau đây của học giả người Trung Quốc, giáo sư Lý Lệnh Hoa,thuộc Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, đã cho thấy rằng Trung Quốc không có đủ cơ sở về quyền chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử. Ông Lý Lệnh Hoa viết: “Nói đến quyền lợi Nam Hải (tức Biển Đông), chúng ta thường thích nói một câu là từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ thiêng liêng. Đó chính là cái gọi là chứng cứ lịch sử… Nhưng chứng cứ lịch sử đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại. Chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế. Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa. Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không. Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là có thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta đã không có được điều đó…”.
Không phải ông Lý Lệnh Hoa có cảm tình với Việt Nam hay “ăn tiền” của Việt Nam mà có nhận xét “có lợi” cho Việt Nam như vậy. Mà cái chính ông là học giả chân chính, cũng bới tung kho lịch sử Trung Hoa ra để tìm bằng chứng bênh vực cho chủ quyền của nước mình nhưng tìm mãi không ra. Trong khi, vì là học giả, ông cũng phải nghiên cứu cả sử liệu của Việt Nam và những chứng cứ về quyền chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam lại quá đầy đủ, quá rõ ràng khiến ông không thể “a dua” theo đám “học thật” theo ý chỉ của lãnh đạo Bắc Kinh mà “nói lấy được”. Chính giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng thừa biết rằng nếu mang cái sự “nói lấy được” trình bày trong cuốn sách nói trên của họ ra Tòa trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc để đọ với những bằng chứng lịch sử của Việt Nam thì họ lại thua là chắc chắn. Thế nên, họ cứ một mực từ chối sự phân xử của bất cứ tòa án quốc tế nào về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày đất nước độc lập, nhìn lại lịch sử Việt Nam chiếm hữu, làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mới thấy hết những gì mà các thế hệ người Việt đi trước đã làm là vô cùng mẫn tiệp và lớn lao. Những bằng chứng lịch sử trên chính là nguồn cổ vũ các thế hệ người Việt đi sau có đủ dũng khí và tự tin để giữ gìn và bảo vệ thành quả do cha ông để lại.