Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐi đêm với TQ: Duterte bị lên án và chỉ trích thậm...

Đi đêm với TQ: Duterte bị lên án và chỉ trích thậm tệ

Sau khi quyết định “đi đêm” với Trung Quốc, từ bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) về vấn đề Biển Đông để thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc, Tổng thống Philippines Duterte đang phải chịu làn sóng phản đối, chỉ trích thậm tệ từ giới chức, cũng như người dân trong nước.

Bị chỉ trích từ trong nội bộ

Việc Tổng thống Duterte liên tục tiết lộ thông tin về những thỏa thuận giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về hợp tác khai thác chung ở Biển Đông, cũng như “giao dịch ngầm” để đổi lấy đầu tư kinh tế từ Trung Quốc đã vấp phải sự lên án, chỉ trích chưa từng có trong nội bộ Philippines.

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (12/9) cho rằng ý định phớt lờ phán quyết Biển Đông là đáng thất vọng và cực kỳ vô trách nhiệm. Bà nhấn mạnh việc bán tương lai để lấy một thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc là một cách đáng xấu hổ để từ bỏ trách nhiệm với các thế hệ sau này. Ngoài ra, bà Robredo nói rằng Hiến pháp Philippines cho phép hợp tác với các công ty nước ngoài trong vùng EEZ của nước này mà không cần phải nhượng bộ.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. trong cuộc phỏng vấn với ANC khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài vượt lên trên thỏa hiệp, do đó không thể gạt sang một bên; đồng thời cảnh báo Tổng thống Philippines “nếu bạn muốn từ bỏ nó, bạn có thể từ bỏ nó nhưng phải chịu hậu quả”.

Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpion khẳng định, ông Duterte không có thẩm quyền “gạt sang một bên” phán quyết Biển Đông theo luật pháp Philippines; đồng thời nhấn mạnh kể cả tạm gác phán quyết sang một bên và đưa ra sau này, Philippines vẫn phải phản đối bất cứ hoạt động nào của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Manila ở Biển Đông.  Theo ông Antonio Carpion, “bất cứ sự đồng ý hoặc ngụ ý đồng ý nào cũng đều có thể dẫn tới việc đánh mất các quyền chủ quyền của Philippines theo phán quyết của Tòa Trọng tài. Chính quyền và người dân Philippines phải luôn cảnh giác để tránh điều này”. Trong khi chỉ trích Tổng thống, thẩm phán Antonio Carpion lại lời ngợi khen cho Ngoại trưởng Teodoro Locsin vì đã làm rõ vấn đề và góp phầnngăn chặn ý định từ bỏ chủ quyền của chúng ta theo phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Cựu Tổng thống Benigno Aquino III thì cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc; đồng thời khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho Philippines.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario (11/9) cho biết, chính phủ Philippines không cần gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) để tiến hành hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trích dẫn đề xuất của Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, ông Rosario giải thích, hoạt động thăm dò chung giữa hai nước ở Biển Đông sẽ “hợp hiến và nhất quán” với phán quyết của Tòa trọng tài nếu Trung Quốc có thể ký hợp đồng dịch vụ với Philippines với tỷ lệ phân chia doanh thu 60-40, trong đó Philippines nhận phần nhiều hơn; đồng thời nhấn mạnh nếu một thỏa thuận hợp đồng dịch vụ được đưa ra, theo đó công ty Trung Quốc tham gia với tư cách là chủ sở hữu cổ phần hoặc nhà thầu phụ, thì Tổng thống sẽ vẫn thể hiện được sự trung thành với hiến pháp và phán quyết của tòa. Theo cách này, Tổng thống sẽ không quay lưng lại với cam kết với người dân Philippines ông đã đưa ra vào tháng 10/2016 khi ông bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và Brunei. Ngoài ra, ông Albert del Rosario viện dẫn kết quả cuộc khảo sát mới đây của SWS (Social Weather Stations – tổ chức nghiên cứ xã hội độc lập của Philippines) cho biết, 87% số người được hỏi đều nhất trí quan điểm, chính phủ nên khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, cho rằng các quan chức Philippines nên bắt giữ và truy tố ngư dân Trung Quốc đã gây ra sự hủy hoại các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông; nhấn mạnh “chúng ta thường xuyên phải chứng kiến các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, bao gồm ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt tại bãi cạn Scarborough và tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngăn chặn Philippines phát triển các nguồn tài nguyên, phá hủy môi trường biển, xây dựng các căn cứ quân sự và đối đầu với nhà lãnh đạo của chúng ta bằng lời đe dọa chiến tranh”; khẳng định “chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bảo toàn lãnh thổ quốc gia, trong đó có EEZ, có giá trị hơn nhiều so với hoạt động kinh tế sắp được tiến hành tại khu vực này. Khả năng hoạt động kinh tế tại EEZ vẫn luôn ở đó. Nhưng nếu chúng ta mất EEZ, chúng ta sẽ mất nó mãi mãi”; nhấn mạnh “vùng EEZ của Philippines không thuộc về Trung Quốc, nó thuộc về người Philippines, con cái chúng ta và các thế hệ người Philippines chưa được sinh ra. Theo quy định của Hiến pháp và là vấn đề danh dự quốc gia, người Philippines có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn quyền lợi của đất nước mình”.

Trước đó, hàng ngàn người dân Philippine đã thể hiện phản đối Tổng Thống Rodrigo Durterte vì Chính phủ Philippine hoàn toàn không có tiếng nói gì trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời phản đối việc Chính phủ Philippine vay nợ từ Trung Quốc; họ gọi phát ngôn của ông Duterte là “yếu đuối” và “nhu nhược” trước Trung Quốc; ngoài ra, họ cáo buộc ông Duterte “thân Trung Quốc” và phản bội người lao động Philippines vì cho phép người nhập cư trình độ thấp của Trung Quốc làm những công việc lẽ ra là của người dân địa phương. Đáng chú ý, theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do Social Weather Stations (16/7) công bố, cứ 5 người Philippines thì có 4 người không tán thành Chính phủ nước này không hành động đối với sự xâm nhập của Trung Quốc ở vùng biển phía Tây Philippines, cụ thể: 81% trong số 1.200 người tham gia khảo sát nói rằng hoàn toàn không đúng đắn khi để Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và quân sự hóa các đảo này; 80% những người được hỏi khẳng định chính phủ có quyền tăng cường năng lực hải quân. Trong khi đó, 74% cho biết chính phủ nên đưa vấn đề này tới các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, ASEAN cho các cuộc đàm phán hòa bình và ngoại giao với Trung Quốc để xử lý tranh chấp Biển Đông; 73% người tham gia khảo sát nói rằng hoàn toàn đúng đắn khi tiến hành đàm phán song phương trực tiếp với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trong khi 68% cho rằng chính phủ Philippines nên đề nghị các nước khác làm trung gian hòa giải. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 18% người được hỏi nói rằng họ tin tưởng Trung Quốc, 53% rất ít tin tưởng và 27% chưa quyết định. Đáng chú ý, 81% người được hỏi biết về tranh chấp trên Biển Đông trong khi 19% người mới chỉ biết về vấn đề này khi được phỏng vấn trong cuộc khảo sát. Sự thiếu tin tưởng đối với Trung Quốc có chiều hướng cao hơn ở những người biết nhiều hơn về tranh chấp.

Trước hàng loạt các ý kiến phản đối, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo nói rằng Manila chỉ “gạt sang một bên chứ không từ bỏ” phán quyết Biển Đông. Theo đó, “việc đặt sang một bên không có nghĩa là chúng tôi từ bỏ nó. Điều mà Tổng thống muốn nói là như chúng tôi và ông ấy từng nói nhiều lần, phán quyết của Tòa Trọng tài vẫn phải tuân theo. Các cuộc đàm phán giữa 2 nước vẫn đang diễn ra hòa bình. Nói cách khác, có một sự bế tắc. Vì vậy hãy để họ nói chuyện. Hãy cùng nói về những vấn đề khác như đề xuất khai thác chung”; nhấn mạnh Tổng thống Philippines coi phán quyết của Tòa Trọng tài là vĩnh viễn, ràng buộc và không kháng cáo. Về tuyên bố trước đó của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario rằng việc đảm bảo hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước không yêu cầu phải gạt phán quyết của Tòa Trọng tài sang một bên, ông Panelo cho rằng ông Del Rosario đã “nói quá nhiều” và “nên soi lại gương và thừa nhận mình là người chịu trách nhiệm dẫn tới việc đánh mất bãi cạn Scarborough”. 

Cách làm ăn chưa có tiền lệ

Thực tế trong lịch sử, việc các nước gác lại tranh chấp để cùng nhau khai thác chung trên biển không phải hiếm, thậm chí được xem là một giải pháp hiệu quả. Ví dụ, hai quốc gia có các vùng biển chồng lấn về yêu sách, tức là có tranh chấp; hoặc hai quốc gia dù đã phân định biên giới trên biển nhưng có nguồn tài nguyên vắt ngang biên giới hai bên. Khi đó các bên có thể dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) thực hiện các biện pháp hợp tác khác nhau để khai thác nguồn tài nguyên.

Tuy nhiên, trường hợp “gác tranh chấp, cùng khai thác” kiểu Trung Quốc đang làm và lôi kéo Philippines tham gia thì chưa từng có tiền lệ. Lý do là Trung Quốc dựa vào yêu sách “đường chín đoạn” ôm gần hết Biển Đông để đơn phương tạo tranh chấp. Phần lớn các khu vực mà Trung Quốc dùng đủ sức ép để đề nghị “gác tranh chấp, khai thác chung” đều nằm trên khu vực thuộc EEZ hoặc thềm lục địa của nước khác, điển hình là Philippines và Việt Nam. Như vậy, chấp nhận “ăn chia” với Trung Quốc đồng nghĩa với việc thừa nhận có tranh chấp với Trung Quốc, qua đó gián tiếp thừa nhận sự hiện diện của yêu sách “đường chín đoạn”, vốn đã bị tòa bác từ năm 2016. Trước đó, Đại sứ Philippines Chito Sta Romana (8/2019) từng tuyên bố rằng hợp đồng khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines phải tuân thủ: Hiến pháp Philippines; UNCLOS và Hiến pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến lúc này các chỉ dấu về ý định “ăn chia” 60/40 cho thấy đó là “bộ ba bất khả thi”.

Philippines tự đánh mất chính mình

Philippines dưới thời người tiền nhiệm ông Duterte được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về chủ trương thượng tôn pháp luật, sẵn sàng đưa mâu thuẫn ra Tòa trọng tài để giải quyết. Nước này theo đuổi vụ kiện nhiều năm liền, bất chấp Bắc Kinh nhiều lần đe dọa và duy trì chính sách bốn không: Không tham gia, không công nhận thẩm quyền của tòa, không chấp nhận và không thi hành phán quyết của tòa. Thành quả là Philippines thắng kiện và được đông đảo quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ.

Tuy nhiên, Philippines dưới thời ông Duterte lại chọn cách tiếp cận đổi phán quyết để nhận các lợi ích kinh tế. Quyết định lờ phán quyết của tòa đi ngược lại với quyết tâm đưa Trung Quốc ra công luận quốc tế phân xử mà Manila từng theo đuổi. Điều đó tạo ra nhiều rủi ro. Thứ nhất, Philippines đã để Trung Quốc bước đầu thành công trong việc biến vùng biển của quốc gia khác thành vùng biển tranh chấp, qua đó lật lại yêu sách đường chín đoạn. Ngoài ra, lờ phán quyết của tòa tức lờ tính công lý UNCLOS sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm chung của khối ASEAN trong việc giải quyết vấn đề biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Cần nhớ rằng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN phải được xây dựng dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế mà UNCLOS là một trong những cơ sở tham chiếu đặc biệt quan trọng. Đối với chính quyền Duterte, lờ phán quyết và làm ăn với Trung Quốc sẽ đặt chính phủ vào tình thế khó khăn khi tham chiếu hiến pháp và luật pháp Philippines. Ngoài ra, việc dư luận Philippines phản đối có thể tạo ra bất ổn chính trị. Bài học từ sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 cho thấy chỉ cần Manila sơ hở dù rất nhỏ, Trung Quốc ngay lập tức dùng vũ lực để cát cứ. Ông Duterte cần phải thấm thía bài học này nếu không muốn bị Trung Quốc tiếp tục mở rộng kiểm soát vùng biển bên trong đường chín đoạn phi pháp.

RELATED ARTICLES

Tin mới