Việc Bộ Tài nguyên Trung Quốc (11/9) cho biết Bắc Kinh đang vận hành mạng lưới máy bay không người lái “theo dõi tình hình trên các đảo và thực thể tranh chấp ở Biển Đông cũng như những vùng biển rộng lớn”, làm dấy lên quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập trái phép Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
ADIZ trái phép của Trung Quốc ở Hoa Đông
ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng. Các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định và khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ. Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp phạt khác.
Quan ngại về khả năng Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông
Một số chuyên gia, học giả quốc tế nhận định động thái triển khai UAV “theo dõi” diễn biến tình hình trên biển của Trung Quốc chỉ là cách đánh lừa cộng đồng quốc tế, âm mưu của Bắc Kinh là lập ADIZ trong vùng biển này. Giáo sư Peter Dutton của Trường Cao đẳng Hải quân Hoa Kỳ (US Naval War College) cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông không chính thức. Giáo sư Seokwoo Lee, Đại học Inha, Hàn Quốc từng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ trên Biển Đông để gây sức ép buộc Mỹ phải rút ra khỏi khu vực này. Ý đồ của Trung Quốc nếu thiết lập ADIZ trên Biển Đông là “làm leo thang căng thẳng, tăng cường mức độ đối đầu đến một ngưỡng mà Mỹ không chịu đựng được và phải rút lui khỏi khu vực”, cho rằng “đây là một dạng ‘trò chơi thách đố’ trên Biển Đông, trong đó bên nào cảm thấy yếu thế hơn sẽ phải ngừng lại”.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hoàng Việt nhận định đây có thể là bước tiến của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Tuy không tuyên bố nhưng Trung Quốc sử dụng điều đó ngăn chặn máy bay các khu vực khác, đặc biệt là máy bay dân sự cũng phải xin phép, dù trên thế giới, về mặt lý thuyết, tất cả vùng nhận dạng phòng không chỉ áp dụng cho máy bay quân sự. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang âm thầm làm việc mà nước này muốn làm: kiểm soát được toàn bộ vùng Biển Đông bằng mọi cách khác nhau. Trung Quốc có thể đưa ra những lý thuyết rất khác nhau, lúc thì quyền lịch sử, lúc chủ quyền, lúc vùng đặc quyền kinh tế… nhưng bằng mọi giá Trung Quốc sử dụng các biện pháp và sức mạnh của mình trên thực tế để cưỡng bức các quốc gia khác phải tuân thủ theo nó và như vậy Trung Quốc đã đạt được mục đích. Nếu các quốc gia trong ASEAN đồng lòng, có sức mạnh đoàn kết thì Trung Quốc cũng phải ngại phần nào. Tuy nhiên, bản thân ASEAN cũng đang gặp phải thách thức và thách thức này đang chia rẽ nội bộ ASEAN. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc Trung Quốc lấn tới ở Biển Đông. Bên cạnh đó, phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng chưa đủ mạnh mẽ. Hệ quả là, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ bằng mọi cách chiếm hữu trên thực tế dù không có cơ sở pháp lý.
Trước đó, Tạp chí Quốc phòng Kanwa của Canada cho biết, Trung Quốc đã xác định khu vực lập ADIZ ở Biển Đông. ADIZ của Trung Quốc sẽ dựa trên vùng đặc quyền kinh tế của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 7 đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi lấp trên các thực thể chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nó sẽ bao trùm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, thời điểm công bố quyết định trên còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ không lập ADIZ ở Biển Đông, vì: Đầu tiên, Trung Quốc vẫn thích duy trì sự mơ hồ về bản chất những tuyên bố của họ ở Biển Đông (Trung Quốc vẫn chưa giải thích được về yêu sách “chủ quyền” theo “đường lưỡi bò”) trong lúc ráo riết củng cố các căn cứ, thay đổi hiện trạng và thiết lập thế đã rồi. Thứ hai, việc lập ADIZ ở Biển Đông chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ vấn đề địa lý, khí hậu và môi trường. Theo đó, môi trường biển rất khắc nghiệt, sự ăn mòn của muối biển sẽ khiến những hạ tầng có kim loại hay bêtông cốt thép xuống cấp nhanh chóng, khiến Trung Quốc sẽ phải duy trì lượng máy bay luân phiên lớn ở Biển Đông; những đảo đá nhân tạo được Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Trường Sa có kết cấu không bền vững, có khả năng lún sụt; hàng năm ở khu vực Biển Đông xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đớn lớn (trung bình có khoảng 13-16 cơn bão/năm); Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc dự trữ và vận tải nhiên liệu để duy trì đủ nhiên liệu cho máy bay và các trang thiết bị liên quan (máy phát điện)…
Trung Quốc từ lâu đã ngầm chuẩn bị thiết lập ADIZ ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa “quyền kiểm soát thực tế” trong khu vực
Về ngoại giao: Quan chức cấp cao của Trung Quốc (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) từng nhiều lần úp mở về khả năng Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở Biển Đông, cho rằng nước này “có quyền” thiết lập ADIZ nếu cảm thấy bị đe dọa về an ninh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng thông báo cho biết việc lập một ADIZ là “quyền của một quốc gia có chủ quyền”, và rằng “thời điểm tuyên bố một khu vực như vậy sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có đối diện các mối đe dọa từ trên không và mức độ mối đe dọa an toàn trên không là như thế nào”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên tuyên bố “ADIZ không phải là phát minh của Trung Quốc, mà là của một số cường quốc. Nếu an ninh của chúng tôi bị đe dọa, tất nhiên chúng tôi có quyền (tuyên bố ADIZ). Tất cả phụ thuộc vào phán đoán tình hình toàn cục”. Trước đó, tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng từng dẫn lời một quan chức quân đội Trung Quốc giấu tên cho biết Bắc Kinh đã hoàn tất kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông, song thời điểm Trung Quốc tuyên bố thiết lập sẽ tùy thuộc vào tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và các mối liên hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước láng giềng, nguồn tin nhấn mạnh “nếu quân đội Mỹ tiếp tục có những hành động để thách thức chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, thì điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh một cơ hội tốt để tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông”.
Về quân sự, quốc phòng: Đầu tiên, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, tiến hành cải tạo phi pháp nhiều đảo, đá, bãi cạn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm; cải tạo, nâng cấp sân bay trên đảo Phú Lâm; xây mới nhiều cầu cảng lớn. Tại Trường Sa, Trung bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại 7 đá, bãi cạn, biến chúng thành 7 đảo nhân tạo; xây dựng một đường băng 3.250m x 55m (dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu) trên đá Su Bi, hai đường băng ngắn hơn ở trên đá Chữ Thập và đá Vành Khăn (2.644 m x 55m); xây dựng nhiều kho chứa máy bay chiến đấu, tên lửa, ụ pháo phòng không… trên các đảo, đá chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Thứ hai, Bắc Kinh cũng triển khai nhiều khí tài quân sự hiện đại có khả năng tấn công, phòng thủ và cảnh báo ở Biển Đông, trong đó có thiết bị gây nhiễu sóng và các radar quân sự tân tiến. Trung Quốc đã triển khai nhiều loại hình radar hiện đại, máy bay chiến đấu J-8, J-11, máy bay ném bom chiến lược H-6K ở cả Hoàng Sa và Trường Sa; triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B đến 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi. Thứ ba, Trng Quốc liên tục tiến hành tập trận phòng không, không quân và hải quân trong khu vực nhằm “nâng cao năng lực tác chiến” của các lực lượng quân sự và khả năng ứng phó khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, tại căn cứ quân sự ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc cũng triển khai hàng loạt khí tài quân sự tiên tiến, hiện đại để phục vụ kế hoạch thiết lập ADIZ trên Biển Đông khi cần thiết. Bên cạnh các tàu chiến, Hạm đội Nam Hải còn được biên chế thêm hai sư đoàn không quân trực thuộc hải quân, trang bị máy bay ném bom Tây An JH-7A và tiêm kích đánh chặn Thẩm Dương J-11B (đều sử dụng hệ thống radar nội địa đa chức năng và có khả năng tác chiến không đối, đủ khả năng thực thi ADIZ). Bắc Kinh cũng triển khai luân phiên máy bay cảnh báo sớm trên không như máy bay Thiểm Tây KJ-200 AEW ở căn cứ Lăng Thủy (Lingshui) trên đảo Hải Nam; triển khai nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa, tên lửa đất đối không…
Về tuyên truyền, định hướng dư luận: Ngày 23/11/2013, Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc (Bắc Kinh gọi là Tô Nham Tiêu trong khi Seoul gọi là Ieodo) để thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi quyết định mạo hiểm lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế, khiến Bắc Kinh trùn bước, không dám làm liều và thách thác công luận quốc tế.
Về pháp lý: Trung Quốc sớm nghiên cứu, đưa ra những căn cứ pháp lý để tiến hành âm mưu kiểm soát, thực hiện quyền bá chủ ở Biển Đông và tạo tiền đề, cơ sở để lập ADIZ trong khu vực, cụ thể: Năm 1996, Trung Quốc đã ra “Tuyên bố các đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa” thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông; năm 1998, Bắc Kinh tiếp tục thông qua “Luật Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc”, trong đó qui định rằng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của nước này kéo dài “200 hải lý tính từ đường cơ sở”;
Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ là hành động thách thức luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực
Việc tuyên bố ADIZ là hoàn toàn đơn phương và không dựa trên căn cứ pháp lý quốc tế hay thương thuyết với nước láng giềng. Nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng không dân dụng đi qua vùng biển này. Một số hãng hàng không không muốn phiền toái với Bắc Kinh có thể nộp lộ trình bay, đồng nghĩa với việc công nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Mỹ sẽ xem xét bất kỳ hành động lập ADIZ nào của Trung Quốc trên Biển Đông là “hành vi khiêu khích, gây mất ổn định khu vực, làm gia tăng căng thẳng và nghiêm túc đặt câu hỏi về cam kết của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao. Vì vậy, chúng tôi thúc giục Trung Quốc không đơn phương thực hiện các hành động khiêu khích”.
Không những vậy, Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông. Trong đó có Điều 3 (quy định “các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”) và Điều 5 (quy định về việc các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định của khu vực). Hành động trên cũng sẽ vi phạm các quy định về tự do hàng không trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Cụ thể, tại Điều 56, 76 đều quy định chung về quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình và Điều 58 quy định, “trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển… được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm”, khẳng định “khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước…”. Ngoài ra, thiết lập ADIZ ở Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda) – một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc. Đương nhiên, Trung Quốc sẽ vi phạm nội dung các thỏa thuận song phương và đa phương về Biển Đông, trong đó có thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc được ký kết vào ngày 11/10/2011.
Ngoài ra, nếu lập ADIZ trái phép ở Biển Đông, hoạt động hàng không ở khu vực sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn do các quy định Trung Quốc đưa ra. Việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông đồng nghĩa với việc tất cả máy bay (dân dụng, quân sự, tìm kiếm cứu trợ thiện tai…) đều phải thông báo lịch trình, kế hoạch bay cho Trung Quốc và phải tuân thủ hành lang bay do Trung Quốc chỉ định. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có biện pháp can thiệp, kể cả việc sử dụng máy bay quân sự tấn công, xua đuổi nếu máy bay nước ngoài “vi phạm” ADIZ do Trung Quốc đặt ra.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp trong lãnh hải được thành lập dựa trên UNCLOS. Nếu Trung Quốc ngang nhiên lập ADIZ ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, an ninh và lợi ích của Việt Nam ở trong khu vực. Để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia ở Biển Đông, Việt Nam cần tiếp tục nghiêm túc tuân thủ và hỗ trợ thực hiện các quy định, thủ tục của UNCLOS, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo cho đồng bào ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài hiểu được chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cần thông tin kịp thời, chính xác, cụ thể về âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông; tiếp tục đầu tư, nghiên cứu toàn diện về Biển Đông, phổ biến kiến thức về biển và Luật biển, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; tăng cường sức mạnh quân sự theo hướng tự vệ, đủ sức “ răn đe”, can thiệp khi đụng độ và hỗ trợ cho mặt trận chính trị, ngoại giao; đủ mạnh để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh bao vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước.