Trong vòng một tuần, sau khi quần đảo Solomon tuyên bố “chia tay” với chính quyền Đài Loan, chính phủ Kiribati cũng quyết định làm theo.
Đã có 7 quốc gia chấm dứt quan hệ với Đài Loan kể từ sau khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo đảo này vào năm 2016. Ảnh: CNA
Chính quyền Đài Loan ngày 20/9 tuyên bố, Đài Bắc đã “chia tay” với Kiribati, một quốc đảo ở Thái Bình Dương.
“Chính phủ Cộng hòa Kiribati đã chính thức thông báo cho chúng tôi vào ngày hôm nay 20/9 rằng, họ chấm dứt quan hệ với chúng ta. Chúng tôi rất lấy làm tiếc và lên án mạnh mẽ việc chính phủ Kiribati không quan tâm tới tình hữu nghị và sự hỗ trợ nhiều mặt trong nhiều năm qua của [Đài Loan] đối với Kiribati.
Chính quyền Đài Loan cũng tuyên bố sẽ đình chỉ quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Kiribati kể từ bây giờ, chấm dứt hoàn toàn kế hoạch hợp tác song phương và ngay lập tức sơ tán cơ quan ngoại giao, các nhóm kỹ thuật và nhân viên y tế. Chúng tôi cũng yêu cầu Kiribati ngay lập tức rút nhân viên khỏi Đài Loan”, cơ quan ngoại giao Đài Loan tuyên bố.
Trước quyết định của Kiribati, lãnh đạo Thái Anh Văn cho biết, chính quyền đảo này đã nắm rõ toàn bộ tình hình trong khi đội ngũ ngoại giao đã nỗ lực hết sức mình. “Chúng tôi cảm thấy rất tiếc về quyết định của Chính phủ Kiribati”, bà Thái nói.
Đồng thời, ngay trong cuộc họp chiều nay, bà Thái đã lên tiếng phản đối động thái “lôi kéo đồng minh” của Bắc Kinh và cho biết, chính quyền Đài Loan hiện nay phản đối chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh.
“Đối với chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, câu trả lời của chúng tôi chỉ có ba từ “không thể được””, lãnh đạo Đài Loan nhấn mạnh.
Được biết, giống như quần đảo Solomon – đã chấm dứt quan hệ với Đài Loan vào ngày 16/9 vừa qua, Kiribati sẽ thiết lập quan hệ với Bắc Kinh sau khi chia tay Đài Loan.
Cùng ngày, Viện Mỹ tại Đài Loan AIT đã bày tỏ sự “thất vọng sâu sắc” về động thái của Kiribati, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh “chủ động thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan, bao gồm việc lôi kéo khiến các quốc gia đồng minh chấm dứt quan hệ với Đài Loan, gây ảnh hưởng tới ổn định của khu vực”.
Theo AIT, việc các quốc gia sau khi “chia tay” với Đài Loan, thiết lập quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, chủ yếu hy vọng rằng điều này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng nhưng về lâu dài, xu hương này sẽ làm cho tình hình của họ càng trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, AIT cũng cho biết, Mỹ tiếp tục tuân thủ chính sách Một Trung Quốc dựa trên Ba thông cáo chung giữa Mỹ-Trung và Đạo luật quan hệ với Đài Loan, đồng thời đang xem xét các lựa chọn đối phó khác nhau.
Trong khi đó, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là “phần lãnh thổ không thể tách rời”. Trong cuộc họp báo ngày 11/9, người phát ngôn Văn phòng các vấn Đài Loan Mã Hiểu Quang cho biết, “tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc là sự đồng thuận phổ biến của cộng đồng quốc tế và chuẩn mực quan hệ quốc tế” và đây là sự lựa chọn của hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, Kiribati là quốc gia thứ 7 chấm dứt quan hệ với Đài Loan kể từ sau khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo đảo này vào năm 2016. Do đó, đồng minh của Đài Loan đã giảm xuống còn 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, đa phần là các quốc gia nghèo ở Nam Thái Bình Dương.