Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThách thức của các nước trong khu vực và quốc tế: Kế...

Thách thức của các nước trong khu vực và quốc tế: Kế hoạch bá quyền của TQ vẫn đang tiếp tục.

          Chiến lược ép buộc đàm phán song phương giải quyết vấn đề tranh chấp tại Biển Đông của Trung Quốc có vẻ đang được tiến triển một cách thầm lặng, ít gây chú ý hơn nhưng lại vô cùng hiệu quả. Kết của của chiến lược đó dường như đang dần hiện ra khá rõ ràng: (i) một Philippines mềm mỏng với nội bộ chia rẽ, (ii) một Malaysia ít nói sau khi thường xuyên lên tiếng phản đối Trung Quốc trước đó, (iii) một Việt Nam cố gắng thu hút sự chú ý quốc tế, (iv) một Ấn Độ nói được nhưng không làm được, (v) và một nước Mỹ cố gắng kiềm chế Trung Quốc nhưng không đạt được nhiều hiệu quả.

          Ngày 11/9, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói rằng Philippines “đã sẵn sàng thực đẩy hợp thác với Trung Quốc về vấn đề hợp tác khai khác dầu khí.” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã hứa với ông Duterte rằng Trung Quốc sẽ “rộng lượng” chia 60% cho Philippines để đổi lấy việc Philippines “dẹp phán quyết của Tòa Trọng tài qua một bên.”[1]

Ngày 12/9, Phủ Tổng thống Philippines Malacanang đã lên tiếng giải thích rõ lại phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về phán quyết Hague 2016. Người Phát ngôn Salvador Panelo nói rằng Philippines “sẽ lờ đi phần phán quyết về vùng đặc quyền kinh tế để có thể nghĩ ra được một hoạt động kinh tế”. Chính phủ sẽ “tập trung vào các vấn đề khác có lợi cho hai nước”, ví dụ như hợp tác thăm dò dầu khí thay vì chỉ đề cập đến vấn đề phán quyết.[2]

          Cùng ngày, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cũng đã lên tiếng chỉ trích ông Duterte vì có phát biểu ám chỉ rằng ông đã từng nghĩ đến việc bỏ vấn đề phán quyết về tranh chấp trên Biển Đông qua một bên để có thể cùng ký một hợp đồng thăm dò năng lượng chung với Bắc Kinh một cách dễ dạng hơn. Bà Robredo cho rằng đó là suy nghĩ “vô cùng thiếu trách nhiệm.” Theo phán quyết quốc tế thì Manila có toàn quyền khai thác ở khu vực đó nên việc đánh đổi chủ quyền quốc gia để hợp tác khai thác chính là “bán đi tương lai của các thế hệ sau”, “bán đi trách nhiệm” cao cả nhất của một chính phủ. [3]

          Malaysia vốn luôn phản đối yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông nhưng lại có vẻ ít lên tiếng hơn trong thời gian gần đây sau khi Trung Quốc đầu tư hàng tỉ đô-la vào các dự án xây dựng cơ sở vật chất của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tháng 8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu nói rằng Malaysia thường xuyên theo dõi các tàu hải quân và hải cảnh Trung Quốc đi vào lãnh hải Malaysia nhưng Trung Quốc tôn trọng Malaysia và vẫn “chưa gây phiền hà gì.” Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho biết hai bên đã “thống nhất thiết lập cơ chế tham vấn song phương cho các vấn đề trên biển, một nền tảng mới cho đàm phán và hợp tác giữa hai nước.”[4]

          Về phía Ấn Độ, theo ông Abhijit Singh, nghiên cứu sinh tại Observer Research Foundation (ORF) ở New Delhi, dù hay lên tiếng, có nhiều hành động nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và có lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông nhưng Ấn Độ thực sự không muốn gây hấn với Trung Quốc. Thứ nhất, Ấn Độ không có yêu sách gì trên Biển Đông nên sẽ tránh can thiệp vào những vấn đề mà Ấn Độ không bị ảnh hưởng trực tiếp. Thứ hai, Trung Quốc thực hiện yêu sách của mình thông qua sức mạnh quân sự và không quan tâm đến quyền cũng như lợi ích của các nước khác. Thứ ba, Ấn Độ muốn gìn giữ “đồng thuận Vũ Hán” với Trung Quốc. Ấn Độ mong Trung Quốc sẽ tôn trọng tầm ảnh hưởng của mình tại Ấn Độ Dương giống như cách mà Ấn Độ tôn trọng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Tin báo chí đưa về lợi ích kinh tế của Ấn Độ tại Biển Đông có thể làm sai lệch nhận thức về lập trường của Ấn Độ. Quả thật, Ấn Độ có lợi ích thương mại tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng mà lợi ích đó không đáng kể. Tại cuộc họp thứ ba của bốn nước “kim cương an ninh” tại Singapore cuối năm 2018, Ấn Độ cũng đã chọn chỉ nhấn mạnh vào việc “kết nối” tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khác với Nhật, Úc và Mỹ chọn tập trung vào trật tự luật pháp khu vực.[5]

Trong khi đó, có vẻ hiện tại chỉ có Việt Nam và Mỹ là hai nước tích cực nhất trong việc phản đối các hành động trên Biển Đông của Trung Quốc. Ngày 11/9, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã tổ chức triển lãm với nhiều hiện vật như bản đồ, văn kiện lịch sử chứng minh tuyên bố chủ quyền của mình tại thành phố Hồ Chí Minh.[6]

Tàu USS Gabrielle Giffords của Mỹ đang vận chuyển tên lửa chống hạm mới Naval Strike Missile có sức hủy diệt mạnh hơn để trợ giúp lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương. Nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Rand Corp Timothy Health cho rằng “Lầu Năm Góc đang xây dựng một lực lượng quân sự có khả năng hoạt động thường xuyên và có thể chiến đấu tốt hơn tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm và giới hạn của Trung Quốc.”[7]

Về phía mình, Trung Quốc có vẻ vẫn thản nhiên tiếp tục quân sự hóa và tăng khả năng kiểm soát của mình trên Biển Đông. Ngày 10/9, Bộ Tài nguyên Trung Quốc thông báo việc đưa vào sử dụng máy bay quan sát không người lái tầm xa tại Biển Đông. Các máy bay này nhẹ, dễ điều khiển và có khả năng truyền hình ảnh, video thời gian thực từ các khu vực khó tiếp cận. Các máy bay này sẽ tăng khả năng kiểm soát, theo dõi các trạm, căn cứ, nâng cao khả năng kiểm soát đường thủy của Trung Quốc. [8]

Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang dần chi phối hành vi của các nước tại Biển Đông bằng các biện pháp song phương. Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên tận dụng cơ hội kép của mình – thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN 2020-2021 để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế; đồng thời, củng cố vai trò của ASEAN và sự thống nhất, đoàn kết giữa các nước trong khu vực và quốc tế để chống lại kế hoạch chia rẽ nội bộ của Trung Quốc.


[1] CNN, 13/9.

[2] Inquirer, 13/9.

[3] SCMP, 12/9.

[4] Reuters, 12/9.

[5] SCMP, 13/9.

[6] Taiwan News, 12/9.

[7] American Military News, 12/9.

[8] Business Insider, 13/9.

RELATED ARTICLES

Tin mới