Hôm 22/9, tàu khảo sát Hải Dương 8 bất ngờ rời khỏi Bãi Tư Chính vào đầu giờ sáng. Tuy nhiên, tàu hải cảnh mang số hiệu 45111 vẫn ở lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là lần thứ 3 tàu này rút khỏi bãi Tư Chính và chưa biết khi nào trở lại tiếp tục gây rối.
Quá tam ba bận, sau hơn hai tuần quấy đảo ở Tư Chính, lần này Hải Dương 8 tiếp tục di chuyển về Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Còn tàu này về đó làm gì chắc hẳn vẫn chỉ là để tiếp vận và tiếp liệu. Nhưng theo các nhà phân tích, liệu đây có phải là hành động tạm lui của Bắc Kinh trước sự phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam? Bởi mới đây, hôm 21/9, ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Việt Nam đã bày tỏ thái độ dứt khoát với nhà cầm quyền Bắc Kinh: “Đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam”. Và, “không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển”.
Ông Vũ Đức Đam chắc hẳn phải được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam bật đèn xanh mới có thể phát ngôn cứng rắn như thế. Tuyên bố của ông được nêu trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính. Nơi hai ông gặp nhau là Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại, Đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 16, tổ chức tại Quảng Tây.
Một điều tưởng rõ như ban ngày, “Đất nước Nam vua Nam ở”, nhưng Bắc Kinh vẫn cố bưng tai bịt mắt trước sự thật. Họ tuyên truyền cho người dân Trung Quốc rằng, Bãi Tư Chính là Vạn An Bắc từ thượng cổ thuộc về Trung Quốc (!) Sao có thể nước chảy ngược? Bởi Bãi Tư Chính cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý trong khi đó cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý.
Theo luật biển quốc tế được LHQ thông qua, một quốc gia ngoài vùng nội thủy và lãnh hải thì từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven bờ được quyền có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý và có vùng thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý và tối đa là không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đằng sau 2.500m nước một khoảng cách là 100 hải lý.
Sẽ thật là nực cười khi vùng thềm lục địa của Trung Quốc kéo dài mãi đến… Bãi Tư Chính. Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế tại Lahaye năm 2016, cũng đã bác bỏ yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Vậy nhưng Bắc Kinh vẫn phớt lờ, vẫn ngang nhiên đưa tàu vào vùng biển Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Philippines, Malaisia, Brunay…
Cho đến nay Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách 3 không: “Không thừa nhận thẩm quyền, không tham gia tố tụng và không chấp nhận phán quyết” nhằm vô hiệu hóa trên thực địa phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016. Sự ngang ngược đó gây nguy hiểm, an ninh vùng biển, đe dọa xảy ra chiến tranh trên biển. Trước mắt nó ảnh hưởng, gây thiệt hại nặng nề đến việc thăm dò khai thác dầu khí của các trong khu vực.
Sớm hay muộn tàu Hải Dương 8, con ngóao ộp khổng lồ, sẽ trở lại Bãi Tư Chính. Trở vào rồi lại quay ra, Bắc Kinh muốn cho Hà Nội mệt mỏi, mất cảnh giác, họ sẽ lấn tới. Điều này Việt Nam và các nước trong khu vực đã có sự tính toán để bình tĩnh đối phó, không mắc mưu sâu kế hiểm. Cần tiếp tục tăng cường các biện pháp pháp lý là giải pháp căn cơ, bền vững, tôn trọng sự thật khách quan, phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho vụ kiện Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Những chứng cứ mới nhất là sự quấy rối của tàu Hải Dương 8 cùng với các tàu hải cảnh khác. Bàn tay không che nổi mặt trời. Những phát ngôn “mê sảng” của ông Cảnh Sảng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ càng làm xấu mặt giới cầm quyền Bắc Kinh trên trường quốc tế.