Đã từ lâu Trung Quốc xác định muốn trở thành cường quốc số một Thế giới thì phải trở thành quốc gia mạnh về biển. Bắc Kinh đã bằng mọi biện pháp để dần dần làm chủ tuyến đường biển nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trong thực tế một phần hàng hoá của Mỹ đến Ấn Độ, các nước Tây Á, Đông Âu, 80% hàng hoá của Nhật, 90% hàng hoá của Hàn Quốc là hai nước đồng minh thân cận của Mỹ đều phải đi qua Biển Đông. Hơn nữa các hạm đội của Mỹ ở Ấn Độ Dương và khu vực Trung Á cần phải liên kết hỗ trợ nhau với hạm đội Thái Bình Dương đều phải kết nối qua Biển Đông.
Vì thế Trung Quốc đã quyết phải chiếm và bồi đắp bằng được các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc chiếm được từ Việt Nam.
Hiện tại Trung Quốc đã xây dựng đảo Phú Lâm thành căn cứ quân sự, các máy bay cất cánh từ Phú Lâm đã có thể khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông. Trung Quốc bồi đắp và xây dựng xong 3 sân bay có đủ điều kiện cho các máy bay quân sự hiện đại nhất ở ba đảo: Chữ Thập, Vành Khăn, Su Bi thuộc quần đải Trường Sa. Như vậy với hệ thống căn cứ quân sự và các sân bay trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì tàu và máy bay Trung Quốc đã hoàn toàn khống chế Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc. Hơn thế nữa, Trung Quốc không chỉ khống chế con đường hàng hải qua Biển Đông mà họ sẽ còn tuyên bố vùng nhận dạng hàng không buộc máy bay của Mỹ và các nước đồng minh muốn bay qua khu vực này phải xin phép Trung Quốc.
Chính vì tầm quan trọng của Biển Đông mà Mỹ đã coi Biển Đông là vùng lợi ích tối cao của Mỹ. Còn Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Vì thế Trung Quốc đã bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế quyết phải chiếm bằng được các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam biến các đảo này thành căn cứ quân sự quan trọng. Còn Mỹ cũng đang kiên quyết kêu gọi các nước cùng lên tiếng phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc, và Mỹ cũng trực tiếp gia tăng hoạt động của các tàu quân sự ở khu vực này.
Không chỉ trên Biển Đông mà Trung Quốc còn đang thực hiện việc xây dựng các căn cứ quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương, cái mà Trung Quốc gọi là “Chuỗi ngọc trai” nhằm khống chế nốt con đường hàng hải trên Ấn Độ Dương.
Để đáp lại hành động của Trung Quốc thì Mỹ và Ấn Độ đang hợp tác để xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đang cố vươn lên thành cường quốc số một, ngoài việc phát triển kinh tế thì còn phát triển quân sự, và họ sẽ thành công khi khống chế được con đường hàng hải từ Thái Bình Dương qua Biển Đông để nối với Ấn Độ Dương. Có người đã dự báo Trung Quốc sẽ thành công vào năm 2020. Đây là một thách thức lớn đối với Mỹ, Ấn Độ và các nước khác.