Trang web chính thức của Hải quân Mỹ (6/10) cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tàu đổ bộ Boxer của Mỹ vừa tập trận chung ở Biển Đông trong nỗ lực đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở.
Theo thông tin trên, tham gia cuộc diễn tập bao gồm các tàu và máy bay của Hải quân cũng như máy bay của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan còn có tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga và tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Trong khi đó, nhóm tàu sẵn sàng đổ bộ Boxer gồm tàu tấn công đổ bộ USS Boxer, tàu cập cảng đổ bộ lớp San Antonio và tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry. Trong đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan được điều động tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 nhằm hỗ trợ đảm bảo an ninh và ổn định ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Cuộc tập trận trên nhằm tăng cường khả năng tương tác thông qua một loạt bài tập để thúc đẩy khả năng sẵn sàng chiến đấu. Các bài tập bao gồm tấn công trên biển, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ – tấn công nhanh, kết hợp hàng hải, sử dụng vũ khí nhỏ, phòng không và tác chiến chống ngầm.
Chuẩn Đô đốc George Wikoff, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70 cho biết, “những hoạt động của chúng tôi ở Ấn Độ – Thái Bình Dương tập trung vào việc duy trì sự ổn định và an ninh khu vực. Chúng tôi phản ánh cam kết với các giá trị mà chúng tôi chia sẻ với nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực. Chúng tôi cũng sẵn sàng ngăn chặn những người thách thức các giá trị này bằng lực lượng áp đảo bao gồm các nhóm tác chiến tàu sân bay và đổ bộ kết hợp của mình”. Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7 ca ngợi sự linh hoạt của các lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho rằng “khả năng kết hợp cộng thêm khả năng đáng kinh ngạc của nhóm tác chiến tàu sân bay, sức mạnh chiến đấu viễn chinh của Hải quân – Thuỷ quân Lục chiến cũng như mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn của Mỹ mang đến cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh thực sự”.
Hạm đội 7 hiện là hạm đội có số lượng đông nhất trên thế giới. Cùng sự hỗ trợ của 35 lực lượng hải quân từ các nước đồng minh và đối tác, hải quân Mỹ đã hoạt động ở Ấn Độ – Thái Bình Dương hơn 70 năm qua nhằm duy trì nền hòa bình và ngăn chặn xung đột trong khu vực.
Trước đó, từ 2-6/9, hải quân Mỹ và ASEAN tiến hành tập trận hải quân chung đầu tiên (AUMX), bao gồm các cuộc tập trận ở Biển Đông. Cuộc tập trận bắt đầu tại căn cứ hải quân Sattahip ở Thái Lan và kết thúc ở Singapore. Cuộc tập trận với chủ đề “Tăng cường hiểu biết lẫn nhau và năng lực tác chiến hàng hải hỗn hợp”, nhằm mục đích thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải hàng không và các hoạt động thương mại không bị ngăn trở theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận. Theo chương trình dự kiến, các lực lượng hỗn hợp của ASEAN và Mỹ sẽ phải thực hiện các hoạt động trên biển và trên không trong khuôn khổ cuộc tập trận. Tình huống mô phỏng của cuộc tập trận là qua trao đổi thông tin, các lực lượng phát hiện ba tàu đáng ngờ, có hành vi vi phạm pháp luật trên biển tại vùng biển Đông Nam Á; sau đó, lực lượng hỗn hợp sẽ tiến hành truy tìm và bắt giữ các nghi phạm trên tàu. Cuộc tập trận có sự tham gia của 8 tàu chiến và 4 máy bay chiến đấu từ 7 quốc gia và 1.250 quân nhân của Mỹ và tất cả 10 nước ASEAN. Phía Mỹ cử liên đội tàu khu trục 7 thuộc Hạm đội 7 tham gia diễn tập, trong đó nổi bật nhất là tàu tuần duyên USS Montgomery, được hạ thuỷ vào năm 2016 và là một trong những tàu tuần duyên hiện đại nhất của hải quân Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam điều tàu Hải quân 18 – Bộ Tư lệnh Vùng 2 – Quân chủng Hải quân Việt Nam tham dự. Đây là tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang Flight III, với lượng giãn nước 1.200 tấn và giàn vũ khí mạnh.
Mỹ và Anh (18/2) tiếp tục điều tàu chiến tiến hành huấn luyện an ninh hàng hải và hậu cần ở Biển Đông nhằm khẳng định quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi lại trong khu vực. Hải quân Mỹ đã triển khai tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe trong khi Hải quân Hoàng gia Anh triển khai tàu hộ vệ HMS Montrose tham gia cuộc tập trận hậu cần và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Trong cuộc tập trận trên, các binh sĩ Anh và Mỹ đã diễn tập kịch bản mô phỏng hoạt động lên tàu, khám xét và bắt giữ với sự tham gia của tàu Montrose và tàu Guadalupe. Đây là đợt hợp tác huấn luyện lần thứ ba giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh trong vài tháng gần đây.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) vừa tiến hành các hoạt động an ninh trên Biển Đông. Hiện nhóm tàu sân bay Mỹ đã trở về căn cứ tại Nhật Bản. Trong khi đó, tàu chỉ huy USS Blue Ridge của Mỹ (13/3) đã đi qua Biển Đông và ghé thăm cảng ở ngoài khơi thủ đô Manila, Philippines nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Philippines. Hạm trưởng Eric Anduze, chỉ huy tàu USS Blue Ridge cho biết, chuyến thăm lần này của tàu chỉ huy hiện đại nhất Hải quân Mỹ tới vịnh Manila là động thái khẳng định liên minh vững chắc giữa Mỹ và Philippines; đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc triển khai tàu và máy bay hoạt động tại “bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép”. Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm khẳng định quan hệ đồng minh với Philippines và cam kết sẽ bảo vệ Manila trước các cuộc tấn công từ Bắc Kinh.
Mỹ và Philippines (1-12/4) cũng đã tiến hanh tập trận thường niên quy mô lớn “Vai kề vai” (Balikatan), trong đó có cuộc tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển đảo Luzon đối diện với khu vực Biển Đông. Theo đó, khoảng 8.000 quân tham gia cuộc tập trận trên. Trong đó có 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 lính Mỹ cùng với 50 lính Australia và quan sát viên từ 7 quốc gia khác. Giới chuyên gia nhận định, cuộc tập trận thường niên này nhằm chuẩn bị cho binh sĩ trước các cuộc khủng hoảng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tập trung vào an ninh biển – một mối lo ngại đang tăng lên khi Trung Quốc đang cố gắng chiếm quyền thống trị trên các tuyến đường thủy chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên tàu USS Wasp và các máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia vào cuộc tập trận Balikatan.
Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines (2/5 – 8/5) cũng đã tiến hành tập trận ở Biển Đông. Theo đó, tham gia cuộc tập trận có tàu khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ, tàu sân bay trực thăng JS Izumo và tàu khu trục JS Murasame của Nhật Bản, tàu khu trục INS Kolkata và tàu tiếp liệu INS Shakti của Ấn Độ và tàu tuần tra BRP Andres Bonifacio của Philippines. Trong cuộc tập trận, hải quân 4 nước đã thực hiện nhiều bài tập lập đội hình, liên lạc, vận chuyển binh lính, trao đổi giữa các sĩ quan lãnh đạo. Đây là lần đầu bốn nước nói trên cùng tham gia tập trận tại Biển Đông.
Ngoài ra, Lực lượng tuần duyên của Mỹ và Philippines (15/5) tiến hành cuộc tập trận chung tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough, phía Tây đảo Luzon. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Philippines ở gần bãi cạn này. Các quan chức Philippines cho biết, 3 tàu, gồm tàu tuần duyên Bertholf của lực lượng tuần duyên Mỹ và tàu tìm kiếm cứu hộ của lực lượng tuần duyên Philippines, đã tham gia cuộc tập trận mô phỏng chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ sau khi một tàu chở khách bị chìm.
Trước các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố ngang ngược nhằm chỉ trích, lên án và đe dọa hoạt động hợp pháp của Mỹ và các nước đồng minh; ngang ngược cho rằng động thái của tàu chiến Mỹ đã “vi phạm luật pháp quốc tế liên quan…, phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trật tự của vùng lãnh hải này”, đồng thời lớn tiếng cảnh cáo “Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động liên quan của Mỹ và kêu gọi Mỹ ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích tương tự. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc”; nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Trong khi đó, Người phát ngôn Chiến khu Nam Bộ quân đội Trung Quốc (PLA), Đại tá Lý Hoa Mẫn tuyên bố lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ được đặt trong “tình trạng báo động cao” và sẽ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền quốc gia”.