Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHợp tác Nga-Trung: Mặt trái và tính phô diễn hình thức

Hợp tác Nga-Trung: Mặt trái và tính phô diễn hình thức

Quan hệ phối hợp mang tính chất “diễn” và tuyên truyền là chính

Nhân đọc bài: “Người Nga trao bí mật tuyệt đỉnh cho Trung Quốc?” (DVO, 14/10/2019), xin được giới thiệu một cách nhìn khác về thực chất các mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga- Trung của một học giả Nga quen thuộc với bạn đọc DVO, Phó Giám đốc Viện phân tích Chính trị và Quân sự VHL KH Nga Aleksandr Khramchikhin. Bài đăng trên tuần báo chuyên ngành “Bình luận quân sự độc lập” ngày 8/10/2019.

Nhưng bên cạnh đó, quan hệ hợp tác quân sự Nga-Trung cũng chứa ngay bên trong nó những vật càn (trở ngại) tự thân rất lớn và rất khó vượt qua. Trở ngại nghiêm trọng nhất trong tất cả những trở ngại- đó là “sự không tin tưởng lẫn nhau cực kỳ sâu sắc” giữa hai bên, và vật cản này là thứ mà trên thực tế không thể vượt qua được.

Thêm nữa, Trung Quốc không hề mảy may có ý định vì lợi ích của Nga mà lại đi “cãi nhau” với các nước châu Âu (bất kể nước đó có là thành viên NATO hay không), còn về phần mình- Nga cũng hoàn toàn không muốn vì các lợi ích của Bắc Kinh mà lại gây mâu thuẫn và xung đột với những nước Châu Á đang có các tranh chấp khác nhau với Bắc Kinh (nhiều nước trong số này, xét trên một số khía cạnh thì lại là đồng minh chứ không phải là đối thủ của Nga).

Và như vậy, đối thủ chung duy nhất của cả hai bên chỉ là Mỹ và thêm một đối thủ “tăng cường” nữa là Nhật Bản. Vì thế, Nga và Trung Quốc cần cùng phát triển một mô thức đặc biệt nào đó trong lĩnh vực hợp tác quân sự- làm sao để (quan hệ hợp tác đó) chỉ nhằm chống lại Mỹ và Nhật Bản, chứ dứt khoát không nhằm chống lại các nước Châu Âu và Châu Á còn lại.

Tuy thế, nhưng ngay cả đối với Washington và Tokyo, thì Matxcova lẫn Bắc Kinh cũng đều không muốn “đoạn tuyệt” hoàn toàn, nên môt thức hợp tác quân sự Nga- Trung cũng khó có thể định hình “chỉ một lần và mãi mãi”.

Một trong những hình thức hợp tác quân sự Nga- Trung là tổ chức các chuyến bay tuần tiễu chung của các máy bay chiến đấu như vụ bay tuần tiễu chung làm dậy sóng dư luận tại Viễn Đông vừa qua.

Một điều mà ai cũng nhận thấy là các chuyến bay tuần tiễu chung của các máy bay ném bom Nga và Trung Quốc cùng máy bay AWACS của Nga theo hình thức mới được thể hiện trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông vào cuối tháng 7/2019 vừa qua không hề có một chút ý nghĩa quân sự nào.

Trong trường hợp có chiến tranh thực sự, cả các máy bay ném bom Tu- 95MS, các máy bay AWACS A-50 của Nga cùng máy bay ném bom H- 6K của Trung Quốc đều không thể hoạt động trên vùng biển quốc tế, hơn nữa, lại càng không thể bay trên lãnh thổ đối phương nếu không có một lực lượng máy bay tiêm kích cực hùng hậu bay hộ tống, vì chúng (các máy bay ném bom và AWACS) không được trang bị các phương tiện (vũ khí) tự bảo vệ.

Hop tac Nga-Trung: Mat trai va tinh pho dien hinh thuc

Tuy Tu- 95MS có hệ thống tác chiến điện tử khá mạnh đủ khả năng phát nhiễu rất hiệu quả để vô hiệu hóa các tên lửa của đối phương, nhưng nó (Tu-90MS) lại rất dễ bị pháo của máy bay tiêm kích kẻ thù bắn hạ (đặc biệt là nếu bắn vào động cơ).

Vì lý do đó, nên những chiếc máy bay này không được thiết kế để thực hiện chức năng tiến hành những hoạt động tương tự như vậy (các chuyến bay tuần tiễu như vừa nói-ND).

Cả Tu- 95MS và cả H- 6K đều là những “cỗ xe tải mang tên lửa”, có nghĩa là, chúng mang một số lượng rất đáng kể các tên lửa có cánh phóng từ trên không (máy bay) tầm xa cả phiên bản đầu đạn hạt nhân và phiên bản đầu đạn thông thường,- những tên lửa này sẽ được phóng từ không phận Nga (hoặc Trung Quốc), hoặc từ không phận quốc tế, nhưng phải (từ một địa điểm) cách xa lãnh thổ đối phương, và, nếu có thể, càng được nhiều máy bay tiêm kích bay cùng yểm hộ càng tốt.

Lấy ví dụ để minh họa- nếu các máy bay Nga tiến hành một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu gần, phương án đầu tiên sẽ được lựa chọn (tức Tu-95MS sẽ phóng tên lửa từ lãnh thổ Nga), còn nếu tấn công Hawaii hoặc đảo Guam, phương án thứ hai (phóng tên lửa từ không phận quốc tế) sẽ được chọn.

Dù sử dụng phương án một hay phương án hai thì cũng sẽ rất vô nghĩa nếu bay theo tuyến bay như tuyến bay mà các máy bay Nga và máy bay Trung Quốc vừa mới thực hiện vào cuối tháng 7 vừa qua.

Và như vậy, chuyến bay tuần tiễu chung nói trên hoàn toàn chỉ mang tính chất chính trị, hay nói cho chính xác hơn- toàn là “diễn” và chỉ để tuyên truyền. Bên cạnh đó, cũng không hiểu là liệu việc các máy bay Nga và Trung Quốc xâm nhập khu vực phòng không Nam Triều Tiên trên các đảo Dokdo (Takeshima) là vô tình hay cố ý, nhưng dù thế nào việc làm trên cũng không có một ý nghĩa mang tính nguyên tắc nào.

Càng không rõ là với Washington (rõ ràng chính Washington mới là địa chỉ chính mà thông điệp của chuyến bay tuần tiễu chung muốn gửi tới) thì hiệu ứng đó phải có liều lượng bao nhiêu để làm Washington phải quạn tâm, vì thái độ “hờ hững” sau đó của Washington đã cho thấy một điều là động thái trên (bay tuần tra chung trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông) đã không tạo được hiệu ứng đáng kể như Bắc Kinh và Matxcova muốn đối với Washington.

Không loại trừ khả năng máy bay Trung Quốc sẽ được tiếp nhiên liệu tại một trong những sân bay Viễn Đông của Nga, và nếu vậy, kịch bản này sẽ lại tạo nên một hiệu ứng tuyên truyền thậm chí còn mạnh hơn cả bản thân chuyến bay tuần tiễu chung.

Cũng có khả năng (hai bên) sẽ thực hiện một chuyến bay tuần tiễu chung của các máy bay ném bom hai nước về hướng đảo Guam. Về mặt lý thuyết, cũng không thể loại trừ một chuyến bay chung của các máy bay Nga- Trung quanh Đài Loan, nhưng khi đó sẽ có nhiều vấn đề chính trị tế nhị phát sinh.

Nước Nga, cũng như đại đa số các quốc gia khác (kể cả các nước phương Tây), đều chính thức công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Một chuyến bay phô trương quanh Đài Loan ở chừng mực nào đó sẽ là một hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Không hiểu là Matxcova cần một sự can thiệp như vậy đến mức nào, ngay cả trong trường hợp có đưọc Bắc Kinh mời tham gia vào “một cuộc can thiệp như vậy” đi chăng nữa. Thêm nữa, những hoạt động quân sự mang tính phô diễn chung Nga- Trung trước hết là nhằm vào Mỹ, chứ ít có khả năng là nhằm vào các nước thứ ba khác.

Về khả năng các máy bay Nga và máy bay Trung Quốc bay tuần tiễu chung trên Biển Đông, từ góc độ lý thuyết là có thể, nhưng trên thực tế thậm chí còn ít khả năng xảy ra nhất.

Một chuyến bay tuần tiễu chung như vậy (nếu có), sẽ có ý nghĩa khác hoàn toàn với cuộc diễn tập “Phối hợp trên Biển- 2016”, vì như thế nó sẽ nói lên rằng Matxcova đã đứng về phía Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp quyền chủ quyền đối với vùng biển này, điều mà (tỏ thái độ đứng về phía Bắc Kinh) từ trước đến nay Matxcova vẫn nói không. Không hề có một chút nghi ngờ gì rằng Matxcova không có ý muốn dù chỉ là nhỏ nhất tự tạo ra cớ để gây bất hòa với các nước ASEAN, đặc biệt là với đồng minh lâu đời của mình là Việt Nam.

Sẽ còn phi thực tế hơn nữa nếu bàn tới khả năng hợp tác tuần tra chung Nga- và Trung Quốc trên Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và các biển thuộc các đại dương này (cả các biển mở và biển kín). Ít nhất thì các máy bay Trung Quốc sẽ không có đủ tầm bay nếu cất cánh từ các sân bay của họ, có nghĩa là các máy bay đó sẽ phải cất cánh từ các sân bay Nga.

Sẽ rất khó tin nếu Matxcova lại sẵn sàng đi xa đến như vậy trong hợp tác quân sự với Trung Quốc (trừ trường hợp chỉ cho cất cánh từ các sân bay Nga một lần và không lặp lại). Còn đáng nghi ngờ hơn nữa việc Trung Quốc sẽ chọn phương án này vì làm như vậy sẽ đặt quan hệ giữa Trung Quốc với các nước EU trước một mối đe dọa nghiêm trọng.

Liên minh Châu Âu là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc và cũng là điểm đến cuối cùng của “Một Vành đai- Một con đường”. Bắc Kinh tuyệt đối không có lý do để tự cài mìn dưới một dự án địa chính trị quan trọng bậc nhất của mình bằng cách tiến hành các cuộc phô trương quân sự vô nghĩa như vậy, thậm chí ngay cả trong trường hợp đó là “hành động chỉ một lần duy nhất”.

Sẽ có nhiều khả năng hơn nhiều nếu nói về các cuộc tuần tra chung của các tàu Hải quân PLA và Hải quân LB Nga (các cuộc tuần tiễu tác chiến chung, chứ không phải là các cuộc tập trận chung). Vùng biển thích hợp nhất cho các hoạt động như vậy là Ấn Độ Dương, đặc biệt là phần Phía Tây Ấn Độ Dương.

Ngay vào thời điểm hiện tại, cả Hải quân PLA và Hải quân Nga đều đang thực hiện các sứ mệnh chống cướp biển thường xuyên ở đó, nhưng là các sứ mệnh riêng rẽ. Về mặt lý thuyết, không có gì gây trở ngại nếu hai nước “kết hợp” các sứ mệnh riêng rẽ như vậy thành một sự mệnh chung (dù trong mấy năm gần đây tần suất và cường độ hoạt động của hải tặc Somali đã giảm đi nhiều), bởi vì làm như thế sẽ rất tiện lợi nếu xét từ góc độ chính trị.

Ngoài ra, một sứ mệnh tuần tra chung tại các vùng biển này, lại về mặt lý thuyết , cũng có thể trở thành một nhân tố kiềm chế nhất định nào đó trong bối cảnh tình hình tại eo biển Hormuz và các vùng phụ cận eo biển trên đang nóng lên nhanh chóng.

Ngoài ra, các cuộc tuần tra trên biển chung giữa Nga và Trung Quốc, cũng như các chuyến bay tuần tiễu trên không, có thể sẽ được tiến hành ở các vùng biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, nhưng cực kỳ ít có khả năng diễn ra trên Biển Đông và các vùng biển Châu Âu (cũng vì những lý do tương tự như đã mô tả ở trên).

Về vấn đề này, cần phải nhớ lại rằng trong năm 2015, Hải quân LB Nga và Hải quân PLA đã tiến hành cuộc tập trận chung trên biển Địa Trung Hải, nhưng sau đó các tàu Trung Quốc đã tham gia một cuộc tập trận tương tự với các tàu của các nước thành viên NATO khu vực Địa Trung Hải .

Cụ thể, năm 2017, tàu Hải quân PLA đã tập trận chung ở biển Địa Trung Hải với các tàu của hải quân của Ý, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2015, các tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc diễu binh của Hải quân Nga ở Kronstadt (Sant- Peterburg-ND), nhưng ngay sau đó, nhũng tàu này đã thực hiện chuyến thăm hữu nghị Helsinki (Thủ đô Phần Lan) và Riga (Thủ đô Latvia).

Bằng cách đó, Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng là nước này sẽ không bao giờ tham gia vào bất cứ hành động chung nào với Nga chống lại các nước Châu Âu và rằng quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Châu Âu không hề tệ hơn quan hệ giữa Trung Quốc với Nga.

Và như vậy, các chuyến tuần tiễu chung Nga- Trung cả trên không lẫn trên biển đều không mang tính chất quân sự, mà hoàn toàn chỉ mang màu sắc chính trị.

Căn cứ vào kết qủa các hoạt động quân sự chung đó, Matxcova và Bắc Kinh sẽ đưa ra các quyết định chính trị,- nhưng về phần mình thì những quyết định chính trị lại sẽ phụ thuộc và được xác định bởi lợi ích chính trị của các bên. Nhưng do những lợi ích đó của các bên rất ít khi trùng khớp với nhau và sự không trùng khớp đó lại trở thành rào cản khiến các hoạt động quân sự chung khó có thể tiến hành được.

Có thể nhận định rằng hợp tác quân sự Nga-Trung trong tương lai gần sẽ được hoàn chỉnh hơn về mặt pháp lý và các quy trình thủ tục, tuy nhiên khó có thể có thêm bất kỳ một hình thức hợp tác mới nào về nguyên tắc (so với các hình thức hiện có). Thêm nữa, chắc chắn rằng trong mối quan hệ hợp tác đó, thành tố tuyên truyền và “diễn” vẫn sẽ chiếm vai trò chủ đạo.

Vì thế, hai bên có thể sẽ cùng tổ chức một số sự kiện quân sự nhất thời nào đó để tạo ra các hiệu ứng bên ngoài mạnh , nhưng lại không có hiệu quả thực tế. Dự đoán tính chất của những hành động chung Nga- Trung như vậy là chuyện không thể và cũng không cần thiết.

RELATED ARTICLES

Tin mới