Trong suốt những năm qua, Việt Nam đã kiên trì thực hiện nhất quán nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Điều này đã được cộng đồng quốc tế và khu vực ghi nhận, đánh giá cao.
Lập trường nhất quán của Việt Nam
Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp được giải thích cụ thể trong Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia năm 1970 (Tuyên bố năm 1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tuyên bố này được tòa án quốc tế và các học giả có uy tín xem là văn bản có giá trị giải thích Hiến chương Liên hợp quốc. Tiếp theo đó, Đại hội đồng đã thông qua một số nghị quyết khác về nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm Tuyên bố Manila về Hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 1982 (Tuyên bố Manila) và Nghị quyết về Ngăn ngừa và hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 2003.
Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các nước khác, liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức nhau như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc Tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các Tòa Trọng tài.
Trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC): nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Thực tế, Việt Nam từng chủ động đưa ra giải pháp tạm thời đó. Chẳng hạn, trong Vịnh Bắc Bộ, mặc dù đã phân giới rõ ràng, Việt Nam vẫn sẵm sàng ký hiệp định đánh cá chung với Trung Quốc tạo điều kiện cho đôi bên làm ăn, ổn định đời sống ngư dân. Gần đây Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc mỏ dầu vắt ngang qua đường biên giới trên Vịnh Bắc Bộ.
Đó là những thực tiễn có ý nghĩa. Việt Nam không từ chối các giải pháp tạm thời trên cơ sở UNCLOS 1982. Tuy nhiên, Việt Nam không thể chấp nhận quan điểm gác tranh chấp cùng hợp tác dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, chiếm gần 90% diện tích Biển Đông, không dựa trên cơ sở pháp lý nào và hoàn toàn trái với tinh thần của UNCLOS 1982, để tạo ra “vùng chồng lấn” nhằm tìm mọi cách thực hiện chủ trương “gác Tranh chấp cùng khai thác” trong vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của quốc gia ven Biển Đông.
Minh chứng qua hàng loạt những văn kiện, tuyên bố
Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông đã được ghi nhận và nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện song phương và khu vực. Các văn kiện khu vực và song phương giữa hai nước nhấn mạnh chủ yếu đến biện pháp tham vấn và đàm phán, không nhắc đến và cũng không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp tài phán.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC). Các bên tái khẳng định cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”. Các bên cũng cam kết “sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiết lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên.”
Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Thỏa thuận này yêu cầu hai nước trong quá trình đàm phán phải “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần” của Tuyên bố DOC. Nếu Thỏa thuận này được xem là một thỏa thuận có tính chất ràng buộc (một điều ước quốc tế) giữa hai nước thì bằng cách dẫn chiếu đến Tuyên bố DOC, hai nước đã trao giá trị ràng buộc cho Tuyên bố DOC.
Trong các tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây, nghĩa vụ không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp được nhắc lại nhiều lần. Tuyên bố chung về chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (11-15/10/2011) ghi nhận: “Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”
Tuyên bố chung về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc (19-21/6/2013) bắt đầu ghi nhận Tuyên bố DOC: “…Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Việt Nam (13-15/10/2013) ghi nhận: “…Hai bên nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).”
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (7-10/4/2015) nhất trí “cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.” Trong cùng năm, Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (5-6/11/2015) nhắc lại nội dung trên.
Có thể thấy, từ năm 2011, các tuyên bố chung đã bắt đầu đề cập đến việc không làm phức tạp, mở rộng tranh chấp trên Biển Đông giữa hai nước. Từ năm 2013, các tuyên bố bắt đầu nhấn mạnh đến việc nghiêm túc tuân thủ một cách toàn diện, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và hướng đến xây dựng Tuyên bố COC. Trong các tuyên bố trên, Việt Nam và Trung Quốc đã cam kết sẽ giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp đàm phán trực tiếp giữa hai nước. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế trong việc lựa chọn một biện pháp hòa bình khác. Cam kết đưa ra trong Thỏa thuận năm 2011 và các tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp khác, trong đó có biện pháp tài phán. Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam không loại trừ sử dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng quan lại, Việt Nam đã kiên trì thực hiện nhất quán nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, Việt Nam không thể chấp nhận quan điểm gác tranh chấp cùng hợp tác dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và nhất quán rằng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”, như phát biểu trước Quốc hội vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.