Liên quan vấn đề biển Đông, thái độ, cách tiếp cận của TQ vẫn “giọng điệu cũ”: một mặt, tỏ ra đạo đức, là quốc gia ứng xử văn minh, có trách nhiệm, mặt khác, vẫn khăng khăng lặp lại chủ trương bá quyền nước lớn cùng yêu sách chủ quyền tới 85% biển Đông, đồng thời lớn tiếng đe dọa các nước láng giềng.
Ông Ngụy Phượng Hòa ngang ngược đề cập vấn đề biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh 2019
Khẳng định vai trò nước lớn, tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng có tính toàn cầu là một trong những mục tiêu Trung Quốc đặt ra và theo đuổi. Tham vọng đó ngày càng được thể hiện một cách quyết liệt, ráo riết những năm gần đây, khi TQ cho rằng, sau thời gian dài “ẩn mình chờ thời”, đã đến lúc vươn mình trỗi dậy chiếm vị trí của Mỹ để trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Thực hiện tham vọng trên,TQ rất chú trọng tổ chức các sự kiện có quy mô quốc tế. Diễn đàn Hương Sơn về “Hợp tác an ninh quốc tế và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”là thí dụ điển hỉnh.
Diễn đàn nàykhông chính thức này do Hội Khoa học quân sự Trung Quốc chủ trì tổ chức 2 năm/lần, bắt đầu từ năm 2006. Có lẽ thấy thế là chưa đủ, từ năm 2014,theo chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, Diễn đàn Hương Sơn nâng cấp, trở thành một diễn đàn bán chính thức đối thoại về quốc phòng và an ninh quốc tế mà TQ tổ chức hằng năm có nhiều quốc gia tham dự nhất.
Dư luận quốc tế đủ tinh tường để nhận diện TQ một cách rõ nét: TQ đâu là gã khờ khạo, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thực chất, việc tổ chức diễn đàn này nhằm cạnh tranh trực tiếp với Đối thoại của Shangri-La –sự kiện được tổ chức tại Singapore, một trong những trung tâm địa chính trị của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được coi là diễn đàn do Mỹ ngầm hỗ trợ.
Tốn kém chút ít, nhưng bù lại, cái được là vô giá: TQ có cơ hội thể hiện vai trò cường quốc; phô trương thanh thế; chủ động cơ cấu, sắp đặt nội dung, chương trình; tiếng nói nước chủ nhà bao giờ cũng “nặng đồng cân”, có thể hướng lái diễn đàn theo hướng có lợi cho mình,v.v…
Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 năm nay có sự tham gia của 67 đoàn đại biểu với hơn 530 lãnh đạo quân đội, quan chức, chuyên gia, học giả đến từ nhiều nước và các tổ chức trên thế giới, trong đó có 23 bộ trưởng quốc phòng (nhiều hơn 6 bộ trưởng so với Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8).
Ngoài ra còn có 6 Tổng Tham mưu trưởng Quân đội các nước tham dự Diễn đàn.Xét về quy mô, đây là Diễn đàn có số lượng quan chức cấp cao và chuyên gia, học giả tham dự đông nhất từ trước đến nay; số lĩnh vực, chuyên ngành của các chuyên gia, học giả tham dự Diễn đàn cũng rộng nhất so với các kỳ trước.
Cùng với chủ đề của các phiên toàn thể là: Quan hệ nước lớn và trật tự thế giới; Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương; Lợi ích của các nước vừa và nhỏ và an ninh chung; Cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế và an ninh toàn cầu, là các phiên thảo luận theo nhóm “Khung an ninh châu Á – Thái Bình Dương” và “Xây dựng cơ chế tạo lập lòng tin”; 70 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân TQ (PLA) và sự phát triển hòa bình của thế giới,v.v…
Quy mô lớn, chủ đề, nội dung mở rộng, tuy nhiên, điều mà các nhà quan sát chú trọng là thái độ và thông điệp của TQ ?
Có một số nội dung mới. Nhưng giới bình luận quốc tế cho rằng: đối với một số vấn đề được quan tâm nhiều năm nay, như vấn đề biển Đông, thái độ, cách tiếp cận của TQ vẫn “giọng điệu cũ”: một mặt, tỏ ra đạo đức, là quốc gia ứng xử văn minh, có trách nhiệm, mặt khác, vẫn khăng khăng lặp lại chủ trương bá quyền nước lớn cùng yêu sách chủ quyền hầu hết biển Đông. TQ vẫn giữ thái độ ngạo mạn trước cộng đồng quốc tế và lớn tiếng đe dọa các quốc gia láng giềng.
Điều đó thể hiện rõ trong thông điệp của các nhà lãnh đạo, giới chức TQ.
Thông điệp gửichúc mừng Diễn đàn lần thứ 9,Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình to giọng: TQ quyết tâm thúc đẩy hòa bình, phát triển ở khu vực thông qua đối thoại và hợp tác.
Thậm chí, ông Tập còn trịnh trọng kêu gọi: trong bối cảnh hiện nay, các mối đe dọa về an ninh ngày càng phức tạp, do đó, các quốc gia cần phải đoàn kết với nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế và thông qua đối thoại để tìm kiếm các giải pháp xử lý các thách thức an ninh chung, cùng nhau đóng góp vào hòa bình và phát triển của khu vực.
Có thể đồng tình với nhận định của ông Tập về diễn biến phức tạp của bối cảnh quốc tế cùng các mối đe dọa về an ninh đang ngày càng gia tăng, nhưng dư luận quan tâm vấn đề biển Đông thật sự khó hiểu đối với cái gọi là “luật pháp quốc tế” mà ông đề cập trong trường hợp này: Luật pháp nào mà ông ông Tập đề cập ?
Chuyện chưa xa, chỉ 3 năm trước đây, TQ đã cay cú phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục 7 Công ước LHQ về Biển 1982 (UNCLOS) chỉ vì phán quyết đó bác bỏ yêu sách vô lý của TQ về “đường 9 đoạn” trên biển Đông.
Ông Tập cũng tái khẳng định điều đó với ông Duterte – tổng thống PLP trong chuyến thăm TQ của nhà lãnh đạo này tháng 8 năm nay.LHQ là tổ chức quốc tế lớn nhất. UNCLOSlà văn bản có tính pháp lý LHQ, trong đó ghi rõ tại Điều 1, Khoản 5, Điểm 2.1: “Các quốc gia thành viên” (Etats Parties) là những quốc gia đã chấp nhận sự ràng buộc của Công ước và Công ước có hiệu lực đối với các quốc gia đó”.
Như vậy, TQ, miệng đề cao giá trị pháp lý của luật pháp quốc tế, nhưng tay lại gạt bỏ không thương tiếc giá trị pháp lý của UNCLOS mà TQ là một thành viên tham gia ?Tự mình tát vào mặt mình chăng ?
Cùng khẩu khí ấy, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa lớn tiếng: “Chúng tôi không thể để mất một tấc đất nào do tổ tiên để lại”.
Đất “tổ tiên nào” trong trường hợp này ?
Ai cũng biết, hàm ý của ông Ngụy Phượng Hòa nói đến yêu sách chủ quyền đối Hoàng Sa, Trường Sa (của VN) và 85% diện tích biển Đông cùng đảo Điếu Ngư TQ có tranh chấp với Nhật Bản.
Cả ông Tập và ông Ngụy đều cao giọng đạo lý, đạo đức. Chỉ có điều, dư luận khó tin quá. Mà tin sao được khi trong thực tế, có quá nhiều thí dụ về hành động trái với lời nói của TQ.
Đến mức, Đô đốc Karl L. Schultz,tư lệnh tuần duyên Mỹ, nói rằng: ông nghi ngờ tuyên bố của TQ về tăng cường nền hòa bình, đặc biệt là ở biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tranh chấp với các nước láng giềng. Nghi ngờ này xuất phát từ việc TQ xây dựng các đảo nhân tạo và pháo đài quân sự trên biển Đông với mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của mình và chống lại các quốc gia khác.
Vẫn ông Karl L. Schultz: TQ rêu rao họ ứng xử hòa bình, nhưng rồi chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của những hòn đảo nhân tạo ở những nơi mà trước đó không phải là đảo. Chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của các đường băng trên những hòn đảo này, các tên lửa hành trình chống hạm và nhiều thiết bị vũ khí khác rõ ràng là không phù hợp với lời hùng biện về hòa bình của họ.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana – người trước đó đã bác bỏ lập luận của TQ nói rằng nước này tìm kiếm và theo đuổi xây dựng hòa bình với các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cũng nói toạc:thực tế rằng nhiều năm trước trong quá khứ, Bắc Kinh không quân sự hóa khu vực này (biển Đông). Nhưng giờ đây nước này đang làm khác đi.
Còn VN, Malaysia ? Đương nhiên, cả hai đều quá rõ thói đạo đức giả của TQ. Cùng với PLP, hai quốc gia này đã và đang là nạn nhân của TQ với quá nhiều các vụ đâm tàu, quấy nhiễu hoạt động khai thác tài nguyên chính đáng cùng các vụ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trước kia cũng như hiện nay.
Vậy nên, một khi TQ không từ bỏ lòng tham, thật khó hy vọng vào thành công của cái gọi là ““Xây dựng cơ chế tạo lập lòng tin” như một chủ đề quan trọng mà Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 9 nêu ra và thảo luận.