Hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có thành tựu bước đầu trong việc thay thế hệ thống của Mỹ.
Sử dụng sức mạnh đồng USD và hệ thống thanh toán tiền tệ lớn mạnh của mình, Mỹ đã công bố hàng loạt các trừng phạt thương mại, không cho các quốc gia khác được giao dịch với thế giới. Với tầm ảnh hưởng của mình, Mỹ đã đe dọa nhiều nước sử dụng hệ thống tin nhắn tài chính SWIFT để kiểm soát việc gây sức ép này.
Trước sức ép ngày càng tăng, những quốc gia bị trừng phạt, gồm có Nga, đang ngày càng mở rộng liên minh không sử dụng “hàng Mỹ” mà tạo ra một hệ thống nhắn tin tài chính mới là SPFS liên kết với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc là CIPS.
Mới đây, Nga và Trung Quốc cùng phát đi tín hiệu lạc quan là họ đã “kéo” được Ấn Độ – một thành viên trong khối thương mại BRICS – gia nhập vào liên minh liên kết sử dụng hệ thống tin nhắn tài chính không phải của Mỹ. Ấn Độ sau khi có những động thái mua vũ khí quân sự của Nga cũng đã bị Washington cảnh báo về khả năng chịu trừng phạt.
Ấn Độ hiện chưa có hệ thống nhắn tin tài chính trong nước song họ có kế hoạch kết hợp nền tảng của Ngân hàng Trung ương Nga để phát triển một dịch vụ như vậy tại nước này.
Theo Izvestia, các bên liên quan sẽ làm việc trên một nền tảng duy nhất và đồng bộ mà không gặp bất kỳ khó khăn nào với các giao dịch tài chính.
Nga đã bắt đầu phát triển SPFS vào năm 2014 trong bối cảnh Washington tung ra các mối đe dọa ngắt Nga khỏi hệ thống viễn thông tài chính SWIFT.
Giao dịch đầu tiên thông qua SPFS được thực hiện vào tháng 12/2017. Cho đến nay phía Nga cho biết đã có tới 3 tỷ người trên thế giới tiếp cận được hệ thống này.
“Chúng tôi có cơ hội kết nối cả ngân hàng nước ngoài và pháp nhân nước ngoài với SPFS. Ngày nay khoảng 400 người dùng đang tham gia hệ thống. Các thỏa thuận đã được ký với 8 ngân hàng nước ngoài và 34 pháp nhân, tổ chức” – một đại diện của bộ phận thanh toán quốc tế thuộc Ngân hàng Nga cho biết.
Hệ thống của Nga phù hợp với những quốc gia đang chịu sức ép đe dọa trừng phạt của Mỹ. Iran là một ví dụ.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, các nước châu Âu đã phải tìm nhiều cách để yêu cầu Iran thực hiện các cam kết của thỏa thuận cũ. Một trong số đó là thiết lập kênh thanh toán riêng với Iran.
Hiện các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu cũng đang làm việc với Ngân hàng Nga về các lựa chọn kỹ thuật nhằm kết nối với hệ thống SPFS của Nga.
Năm ngoái, SWIFT đã cắt một số ngân hàng Iran khỏi hệ thống nhắn tin của họ và điều này phần nào gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của Tehran.
Đây có thể coi là những thành công bước đầu của Nga trong việc phát triển các công cụ có thể thay thế các nỗ lực đe dọa kinh tế Mỹ.