Một cựu chính khách Mỹ thừa nhận, Mỹ có khả năng đánh thắng trong một cuộc chiến với Trung Quốc, nhưng sẽ thất nếu Nga-Trung liên thủ.
Mới đây, ông Newt Gingrich, chính luận gia người Mỹ và cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đã bày tỏ sự lo ngại về sức mạnh quân sự đang lên của Nga và Trung Quốc và khả năng hai quốc gia này liên thủ chống Mỹ.
Theo ông, tính từ cuối thế kỷ trước đến nay, Trung Quốc đã hiện đại hóa và phát triển lực lượng vũ trang, kinh tế và ảnh hưởng của mình trên thế giới trong một thời gian tương đối ngắn và đã chuyển đổi từ một quốc gia “nói chung là lạc hậu” thành một “cường quốc toàn cầu” thực sự.
Theo ông Gingrich, do kết quả những bước tiến như vậy, khả năng quân sự ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh đã trở thành thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền Washington.
Tình huống giả định về cuộc chiến vì Đài Loan
Theo vị chuyên gia Mỹ, tình hình có thể trở nên khó khăn hơn nữa nếu Trung Quốc hợp tác với một quốc gia như Nga. Trong trường hợp này, Bắc Kinh với “đồng đội Moscow” của mình sẽ trở thành mối đe dọa lớn đặt ra đối với an ninh của cả nước Mỹ cũng như đối với toàn thế giới.
Để minh họa thông điệp của mình, Gingrich mời độc giả tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu trong tương lai, Trung Quốc mở cuộc chiến tranh quân sự để giành lại quyền kiểm soát Đài Loan.Theo vị cựu quan chức Mỹ, điều đó sẽ đặt nước Mỹ vào một vị thế rất khó xử.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn khẳng định rằng Đài Loan là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Đại Lục” và Washington cũng đã chính thức công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo này.
Tuy nhiên, mặc dù đã công nhận quan điểm của Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì quan hệ không chính thức bền vững với Đài Loan. Theo “Đạo luật về mối quan hệ với Đài Loan năm 1979”, Hoa Kỳ cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho hòn đảo này.
Ông Gingrich chỉ ra rằng, với những phát ngôn trong quá khứ và cả hiện tại, Hoa Kỳ sẽ có trách nhiệm phải can thiệp vào cuộc xung đột nay và đứng về phía Đài Loan với danh nghĩa “vì hòa bình trong khu vực và luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, điều đó sẽ không hề dễ dàng.
Trung Quốc không chỉ tăng cường đáng kể lực lượng vũ trang và hiện đại hóa vũ khí của họ, mà còn “chiếm đóng trái phép và quân sự hóa Biển Đông”, điều đó có nghĩa là bất kỳ nỗ lực can thiệp quân sự nào để bảo vệ Đài Loan, kể cả từ Mỹ, cũng đều được chính quyền Bắc Kinh xem là “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”.
Chính điều này sẽ tạo ra tiềm năng cho một cuộc xung đột cực kỳ căng thẳng giữa hai siêu cường quốc, trong đó Hoa Kỳ có thể sẽ giành chiến thắng, nhưng với cái giá rất lớn – vị chính trị gia Mỹ cảnh báo.
Sự tham dự của Nga sẽ làm tình hình thêm trầm trọng?
Tác giả nêu ý kiến rằng, một khi kịch bản đã ảm đạm này có thể trở nên tồi tệ hơn, giả sử nếu Trung Quốc bắt đầu chiến dịch chống Đài Loan với sự hỗ trợ của không quân Nga, điều đó sẽ làm sứ mệnh của Mỹ trở thành “bất khả thi”.
Theo ông, sự liên kết này sẽ “thay đổi hoàn toàn toàn bộ động lực của cuộc xung đột, khiến nó trở nên phức tạp hơn và giảm đáng kể khả năng chiến thắng của Mỹ”.
Khi đó, Mỹ sẽ không chỉ phải chiến đấu với Trung Quốc vì một lãnh thổ riêng biệt, mà Washington cần phải quyết định “có nên mạo hiểm và đụng độ cùng một lúc với Bắc Kinh và Moscow hay không?”.
Với những rắc rối kéo dài từ thời Liên Xô và Trung Quốc còn nằm trong khối Xã hội Chủ nghĩa thời chiến tranh lạnh, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, quan hệ giữa Moscow với Bắc Kinh đã dần dần nồng ấm hơn.
Vào hồi tháng 8 vừa qua, Quân đội Nga và Trung Quốc đã viết lên một trang sử mới. Lần đầu tiên trong lịch sử, máy bay ném bom tầm xa hai nước đã thực hiện một cuộc tuần tra chung; trong đó, bốn chiếc máy bay ném bom chiến lược, gồm hai chiếc Tu-95MS Nga và hai chiếc H-6K Trung Quốc, đã bay vượt qua biển Nhật Bản và biển Hoa Đông.
Trước đó không lâu, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã chỉ thị tổ chức đàm phán về hợp tác quân sự giữa hai nước. Phương tiện truyền thông phương Tây đã dự đoán việc thành lập liên minh quân sự giữa Bắc Kinh và Moscow là có khả năng xảy ra, trở thành một thách thức cực lớn đối với Mỹ-NATO.
Nga và Trung Quốc có ưu thế trước Mỹ không chỉ về số lượng đầu đạn hạt nhân, mà cả về cán cân lực lượng thông thường ở châu Á-Thái Bình Dương cũng vượt trội. Gải sử nếu phát sinh một cuộc chiến ở khu vực này, Bắc Kinh và Moscow hoàn toàn chiếm ưu thế trước Mỹ.
Gingrich nhấn mạnh, ngoài việc hai nước đã tổ chức hàng loạt cuộc tập trận chung trong những năm gần đây (quân sự), các nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình (chính trị) đã gặp nhau 24 lần kể từ năm 2013 – một con số đáng kinh ngạc đối với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Sự gặp gỡ thường xuyên giữa các nguyên thủ cho thấy sự đồng điệu về các mối quan tâm và phương cách giải quyết các sự vụ trên trường quốc tế. Điều này tạo ra tiềm năng thực sự trong việc thiết lập liên minh chiến lược Trung-Nga, khiến tất cả các kế hoạch và chiến lược trong lĩnh vực an ninh quốc gia của các đối thủ của hai nước này bị đảo lộn”, nhà chính luận Mỹ tổng kết.