Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHội Luật quốc tế Việt Nam đấu luật với TQ về Biển...

Hội Luật quốc tế Việt Nam đấu luật với TQ về Biển Đông

Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) đã gửi thư trả lời chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc (CSIL), trao đổi lại về những vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương địa chất 8.

Bức thư này được đăng tải lên tranh web của Hội Luật quốc tế Việt Nam vào ngày 30-10.

Trước đó, vào ngày 24-8, chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn viết một bức thư ngỏ về tình hình Biển Đông. 

Trong đó ông Nguyễn Bá Sơn nêu rõ: “Toàn thể hội viên Hội Luật quốc tế Việt Nam hết sức lo ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây do phía Trung Quốc gây ra trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở nam Biển Đông”.

Ông Nguyễn Bá Sơn cũng khẳng định khu vực mà tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động từ đầu tháng 7 nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định trên cơ sở điều 57 và 76 của Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đến hôm 19-9, Trung Quốc có động thái đáp trả lá thư này bằng một thư hồi đáp của chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc Hoàng Tiến trên website của hội này.

Trong thư, ông Hoàng Tiến của Trung Quốc phê phán phía Hội Luật quốc tế Việt Nam lảng tránh đề cập vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, ông Hoàng nhấn mạnh “nguyên tắc chấp thuận” của quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế và nguyên tắc “đất thống trị biển” để xác định các quyền trên biển của quốc gia.

Trong bức thư mới nhất trả lời lại thư ông Hoàng Tiến, ông Nguyễn Bá Sơn khẳng định phê phán từ phía Hội Luật quốc tế Trung Quốc là “sự hiểu lầm hoàn toàn”.

Ông Nguyễn Bá Sơn khẳng định vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa không phải là chủ đề chính của thư ngỏ.

 “Lý do rất rõ ràng và không thể hiểu khác được, điều mà tôi cũng sẽ làm rõ dưới đây, đó là vấn đề chủ quyền đối với quần đảo này không hề có sự liên quan gì, cả về pháp lý hay địa lý đối với khu vực biển nơi Trung Quốc đang có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”, chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cho biết.

Ông cũng khẳng định tuy đồng ý với việc nhấn mạnh “nguyên tắc chấp thuận” của quốc gia, bản thân không chia sẻ những luận giải của chủ tịch CSIL về hai nguyên tắc này.

RELATED ARTICLES

Tin mới