Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự can dự của Singapore trong vấn đề Biển Đông năm 2019

Sự can dự của Singapore trong vấn đề Biển Đông năm 2019

Từ đầu năm đến nay, Singapore tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng, làm cầu nối trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng nhằm đảm bảo chủ quyền, lợi ích trên biển.

Thể hiện quan ngại, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế

Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La (SLD) 2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, “Trung Quốc nên làm như vậy thông qua ngoại giao và thỏa hiệp hơn là ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời xem trọng lợi ích cốt lõi và quyền lợi của các quốc gia khác. Theo thời gian, Trung Quốc sẽ xây dựng danh tiếng như một cường quốc có trách nhiệm, sẽ được tôn trọng như một cường quốc có thể dựa vào để hỗ trợ một khu vực hòa bình và ổn định. Trung Quốc có thể vẫn còn nhiều thập kỷ nữa mới trở thành một quốc gia tiên tiến phát triển hoàn chỉnh. Nhưng họ không thể đợi hàng thập kỷ trước khi lãnh trách nhiệm lớn hơn”. Ngoài ra, Thủ tướng Singapore thừa nhận việc Trung Quốc muốn phát triển các lực lượng vũ trang hiện đại, có khả năng bảo vệ lãnh thổ và các tuyến đường thương mại của mình là điều đương nhiên. Mặc dù vậy, để tăng cường ảnh hưởng quốc tế ngoài sức mạnh quân sự, Bắc Kinh cần phải sử dụng sức mạnh này với sự kiềm chế và tính hợp pháp.

Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (8/10) đã đạt được thỏa thuận khung về việc giải quyết tranh chấp liên quan quản lý Vùng thông báo bay trên khu vực đảo Riau và huấn luyện quân sự trên Biển Đông. Nhiều năm qua, Vùng thông báo bay (FIR) trên khu vực đảo Riau vẫn đang được Singapore quản lý dựa trên những thỏa thuận quốc tế nhằm đảm bảo an toàn hàng không. Trong khi đó, Indonesia đang tìm cách tiếp nhận lại quyền kiểm soát vùng thông báo bay này. Ngoài ra, Singapore muốn Indonesia tôn trọng và công nhận quyền của Singapore trong việc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự trên Biển Đông theo Điều 51 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Tăng cường hợp tác với các nước

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một văn bản cho phép Không quân và Hải quân Mỹ sử dụng các cảng và sân bay của Singapore đến năm 2035.Tài liệu đã ký là văn bản bổ sung cho bản ghi nhớ về việc Mỹ được phép sử dụng khả năng của Singapore, được ký vào năm 1990. Bản ghi nhớ đã được ký lại vào năm 2005, theo đó định gia hạn thỏa thuận cho đến năm 2020. Thỏa thuận này tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân Singapore và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ, máy bay và tàu quá cảnh của nước này.

Trong chuyến thăm Singapore (22-24/9), Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Bình đã có nhiều cuộc tiếp xúc, hội đàm với Tổng thống Singapore Halimah Yacob, hội đàm với Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt và gặp Bộ trưởng Cao cấp điều phối an ninh quốc gia Tiêu Chí Hiền. Trong các cuộc gặp, Việt Nam và Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đó, tại cuộc tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore lần thứ 12 (14/8), hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hải quân Ấn Độ và Singapore (19 – 22/5) tiến hành cuộc tập trận chung thường niên SIMBEX-19 kéo dài 4 ngày ở Biển Đông, với sự tham gia của tàu chiến cùng máy bay chiến đấu nhằm tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến giữa hai nước.Lực lượng Ấn Độ tham gia diễn tập gồm khu trục hạm INS Kolkata, tàu chở dầu INS Shakti và một trinh sát cơ P-8I Poseidon, trong khi hải quân Singapore triển khai hai tàu chiến Steadfast, Valiant, một máy bay tuần tra biển Fokker-50 cùng một tiêm kích F-16. Trong giai đoạn đầu từ ngày 16 – 18/5, các chiến hạm neo đậu tại cảng để tổ chức các hội nghị lập kế hoạch, huấn luyện tác chiến trên cơ sở các tình huống giả định, giao lưu thể thao và thăm tàu của nhau. Giai đoạn thực hành trên biển từ ngày 19 – 22/5 bao gồm nhiều bài tập tác chiến như tấn công mục tiêu trên không và trên biển, giám sát vùng trời, hiệp đồng tấn công mục tiêu theo kịch bản định sẵn. Ấn Độ khẳng định đã điều các khí tài hiện đại nhất đến cuộc diễn tập lần này với mục đích tăng cường khả năng phối hợp, thiết lập sức mạnh chung để giải quyết những mối quan ngại về hàng hải chung của hai nước. Hải quân Ấn Độ cũng nhấn mạnh trong thông cáo rằng SIMBEX-19 cho thấy sự tiến triển trong cuộc tập trận thường niên này, từ các cuộc tập trận chống tàu ngầm truyền thống chuyển sang các cuộc tập trận hàng hải phức tạp hơn, như hoạt động phòng không mở rộng và các cuộc tập trận chiến thuật.

Tăng cường sức mạnh quân sự

Singapore đã công khai kế hoạch mua 12 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Theo đó, Singapore sẽ trở thành quốc gia thứ 4 sở hữu F-35 ở gần khu vực Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã công bố kế hoạch mua 12 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Nếu thỏa thuận này được thực thi, Singapore sẽ trở thành đồng minh thứ 4 của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương sở hữu máy bay F-35. Tuy nhiên, thương vụ này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, song ông Eng Hen nói rằng cả chính quyền Tổng thống Donald Trump và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ủng hộ. Trong bài phát biểu trước các nghị sỹ, Bộ trưởng Ng Eng Hen khẳng định: “Các lực lượng vũ trang thế hệ tiếp theo của Singapore sẽ trở nên lợi hại hơn trên mọi phương diện”. Bản thuyết trình cũng đưa ra hàng chục khí tài quân sự mà Singgapore có kế hoạch mua sắm trước năm 2030, trong bối cảnh quốc gia này tăng cường năng lực quốc phòng. Máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ đứng đầu trong danh sách.

Hiện Singapore đang vận hành khoảng 60 chiếc F-16 Block 52. Biến thể này sau khi được nâng cấp đã mang đến cho chúng các tính năng cao cấp hơn như radar AESA. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Singapore (MINDEF) dự tính rằng những chiếc máy bay này sẽ lỗi thời vào năm 2030. Theo hoạt động của lực lượng Singapore, F-16 được sử dụng đa chức năng. Tuy nhiên, bản nâng cấp gần đây nhất dường như đã ưu tiên vai trò như một chiếc máy bay tấn công hơn là chiến đấu không đối không. Trong khi các tên lửa không đối không nằm trong diện phụ tải của chiếc máy bay này, chúng chủ yếu là tên lửa tầm ngắn AIM-9X. Phần lớn các trang thiết bị đi kèm là dành cho nhiệm vụ tấn công, từ bộ dụng cụ dẫn đường bằng laser cho các loại bom đến tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick. Đối với một nhiệm vụ không đối không thuần túy, Singapore có thể chủ yếu dựa vào F-15SG – loại máy bay được tối ưu hóa cho vai trò này với các hệ thống bổ sung như tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST).

Xu hướng chính sách Biển Đông của Singapore

Thời gian tới, Singapore sẽ tiếp tục duy trì quan điểm trung lập do không phải là một bên tranh chấp chủ quyền, nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và tránh là gia tăng căng thẳng trong nội khối về vấn đề này. Tuy nhiên, để không làm giảm vai trò là đối tác của Mỹ ở khu vực và là thành viên tích cực của ASEAN, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC và các công cụ giảm thiểu nguy cơ va chạm bất ngờ trên biển.

Nhìn chung, Singapore không phải là nước tranh chấp, không có đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông, giữ lập trường trung lập không nghiêng về bên nào; Singapore quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này; Singapore hy vọng các bên tranh chấp kiềm chế; Singapore kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Trên thực tế nhìn biểu hiện hành vi của Singapore, biểu hiện hành vi ngoại giao của nước này trong vấn đề Biển Đông đã dần xa rời lập trường trung lập, nghiêng sang thân Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới