Chiều nay, 31/10, tại trụ sở Chính phủ, tiếp Đại sứ Đức tại Việt Nam, ông Guido Hildner, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên sớm xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược giai đoạn 2019-2021 và Đức tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chúc mừng Đại sứ Guido Hildner nhận trọng trách mới tại Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam tin tưởng với kinh nghiệm trong ngành ngoại giao, Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp thiết thực vào việc triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức trong thời gian tới. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành trọng trách. Thủ tướng Thủ tướng Việt Nam khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức.
Đại sứ Guido Hildner cho rằng, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng đối với Đức, bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn nữa với Việt Nam. Dẫn chứng về điều này, Đại sứ cho biết, riêng trong tuần này, có 4 đoàn đại biểu của Đức sang thăm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, khoa học, môi trường. Cách đây 2 tuần thì đại diện Bộ Tư pháp Đức đã sang thăm Việt Nam và tới đây, Bộ Ngoại giao hai nước sẽ tổ chức cuộc tham vấn chính trị. Đại sứ đề xuất hai bên có thể tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực: Khí hậu, môi trường, năng lượng, đào tạo nghề. Đại sứ cho biết, cộng đồng người Việt sinh sống ở Đức rất lớn, hòa nhập tốt vào nước sở tại và là những sứ giả kết nối hai nước.
Nêu rõ Đức hoàn toàn ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Đại sứ nhấn mạnh hiệp định này là cú hích mới cho sự hợp tác Việt-Đức. Đại sứ cũng khẳng định quan điểm của Đức ủng hộ hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông trên cơ sở thượng tôn pháp luật quốc tế. Sang năm 2020, theo Đại sứ, hai bên sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa khi cùng đảm trách vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN còn Đức làm Chủ tịch luân phiên EU vào nửa cuối năm 2020.
Đánh giá cao ý kiến của Đại sứ, Thủ tướng Việt Nam đề nghị hai bên sớm xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược giai đoạn 2019-2021 và phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020, tích cực hơn nữa trong việc trao đổi đoàn cấp cao; đề nghị Đức tiếp tục thúc đẩy Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), cố gắng để đưa các hiệp định này sớm đi vào thực thi, đáp ứng lợi ích của các bên. Nhiều năm liền Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU (năm 2018, kim ngạch hai chiều đạt 10,8 tỷ USD). Tuy nhiên, đầu tư của Đức tại Việt Nam còn khiêm tốn, mới đạt gần 2 tỷ USD, đứng thứ tư trong các nước EU. Thủ tướng mong muốn Đại sứ thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực hợp tác này; phối hợp với các cơ quan hai bên tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm giữa hai nước cũng như mong ngài Đại sứ cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Đức sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Việt Nam.
Trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam và đề nghị Chính phủ Đức và EU tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.