Theo Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Greg Poling, Trung Quốc đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI).
Trung Quốc quá tự tin vào tiềm lực quân sự
Đây là nhận định được các chuyên gia, học giả quốc tế đưa ra trong khi thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông khi Trung Quốc có những động thái làm leo thang căng thẳng khiến các quốc gia trong khu vực và trên thế giới buộc phải lên tiếng bày tỏ quan ngại và phản ứng gay gắt.
Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cho rằng, trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa trên các bãi đá mà nước này đã cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo ở Trường Sa nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Với tiềm lực sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc tin rằng, nước này hoàn toàn có thể thách thức mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Một khi Trung Quốc hoàn tất tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông, sẽ khó có nước nào có thể ngăn chặn được các bước đi chiến lược của Trung Quốc trong tương lai.
Giáo sư – Tiến sĩ Leszek Buszynski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định, “sự trỗi dậy và bành trướng” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang gây ra rất nhiều lo ngại cho các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo GS. TS. Buszynski, Trung Quốc rất tin tưởng vào sức mạnh của mình và luôn tự tin cho rằng tham vọng của Trung Quốc là “không thể ngăn chặn” hoặc ít nhất là sẽ “rất khó bị kiềm chế” bởi bất kỳ quốc gia nào. Chính vì thế, không chỉ dừng lại ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc còn đang nhắm tới việc mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nicola Casarini thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Italy, cho rằng những căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực mà còn có tác động không nhỏ đến an ninh và thịnh vượng của Liên minh châu Âu (EU) do EU có quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế và thương mại với nhiều nước trong khu vực.
Tiến sĩ Nicola Casarini cũng cho rằng, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông chính là “tiếng chuông cảnh tỉnh” để các quốc gia EU có những động thái quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn những hành vi sai trái của Trung Quốc.
Làm thế nào để đẩy lùi mưu đồ của Trung Quốc
Dù có chung quan điểm rằng, tiềm lực quân sự của Trung Quốc là “không thể xem thường” và Trung Quốc sẽ có thêm những động thái khác nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình, các chuyên gia nhận định, không phải là không có cách để ngăn chặn mưu đồ độc chiếm Biển Đông và bành trướng ra ngoài khu vực của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất hiện nay chính là các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những nước chịu tác động trực tiếp từ những hành động phi pháp của Trung Quốc cần lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) chia sẻ: “Cách duy nhất để đẩy lùi mưu đồ của Trung Quốc là khiến nước này phải trả giá về ngoại giao, kinh tế… thông qua sự hợp tác, nhất trí của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi đối phó với Trung Quốc.
Sẽ rất khó để mỗi quốc gia riêng lẻ có thể thực hiện được điều này. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ và từng bước thuyết phục Trung Quốc rằng họ đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông”.
Cùng chung quan điểm với ông Poling, GS. TS. Leszek Buszynski cho rằng: “Các nước trong khu vực cần công khai với thế giới về những gì đang diễn ra ở Biển Đông và không chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc. Chỉ có làm như vậy mới khiến Trung Quốc không thể tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi lý của mình.
Trung Quốc luôn lo ngại các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và cả cộng đồng quốc tế có thể sẽ có những phản ứng quyết liệt hơn nếu như các nước trong khu vực cùng lên tiếng chỉ trích những hành động sai trái của nước này. Đây cũng là cách hiệu quả để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc”.