Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, Nhật Bản tiếp tục thể hiện chính sách tăng cường hợp tác với đồng minh, đối tác thân cận; đồng thời lên án, chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.
Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi (4/11) đã nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Theo đó, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ đã thảo luận kế hoạch ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới quốc gia Nam Á dự kiến vào cuối tháng 12 tới. Thỏa thuận này sẽ cho phép hai nước chia sẻ các nguồn lực và nguồn cung ứng quốc phòng, bao gồm nhiên liệu và đạn được. Để triển khai kế hoạch này, Nhật Bản và Ấn Độ đang chuẩn bị tổ chức cuộc gặp đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng hai nước vào cuối năm.
Quan hệ Nhật – Hàn – Trung
Bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)+3 (Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (4/11) đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Abe Shinzo đã nhắc lại những vấn đề đang gây khúc mắc đối với quan hệ hai nước và nhấn mạnh rằng, quan điểm của Nhật Bản đã được nói rõ trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon nhân dịp ông Lee sang dự lễ đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito vào cuối tháng trước. Thủ tướng Abe cho rằng, đối với Nhật Bản, mối quan hệ với Hàn Quốc là quan trọng và sự hợp tác giữa Nhật-Hàn và Mỹ-Hàn-Nhật trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cực kỳ quan trọng. Do đó, hai bên cần tiếp tục những cuộc đối thoại cấp Cục trong thời gian tới. Đồng quan điểm với Thủ tướng Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận thức rằng, thúc đẩy quan hệ hai nước là vấn đề cực kỳ quan trọng. Hai nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, Tổng thống Moon mong muốn những vấn đề khúc mắc giữa hai bên sẽ được giải quyết thông qua đối thoại. Nhân dịp này, Thủ tướng Abe cho biết thêm quan điểm của Nhật Bản về việc Hàn Quốc yêu cầu các công ty của Nhật Bản bồi thường cho lao động người Hàn Quốc trong thời chiến là không thay đổi. Vấn đề này cũng cần thiết phải tiếp tục thông qua đối thoại giữa hai bên.
Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Abe Shinzo và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã xác nhận sẽ tiến hành hội đàm cấp cao Nhật-Trung-Hàn vào tháng 12 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc; thống nhất hợp tác để thực hiện thành công chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến vào mùa Xuân năm 2020. Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh, hai bên đã thống nhất quan điểm quan hệ hai nước đã trở lại quĩ đạo bình thường và sẽ có những bước phát triển mới. Hai bên đều mong muốn đóng góp vào thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại trên thế giới. Thủ tướng Abe cho rằng, hai nước có trách nhiệm lớn đối với hòa bình và ổn định của Châu Á và Thế giới. Đồng thời khẳng định chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến thực hiện vào mùa Xuân năm 2020 có ý nghĩa to lớn phù hợp với giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe cũng bày tỏ sự quan ngại đối với việc tàu Trung Quốc tiếp tục xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa tại khu vực Biển Đông mà trong đó Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự tại khu vực này. Nhân dịp này, hai bên đã thống nhất quan điểm vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cần được thực hiện hoàn toàn dựa trên Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và một số hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước.
Hội nghị Cấp cao Mê Kông – Nhật Bản 11
Tại Hội nghị Cấp cao Mê Kông-Nhật Bản lần thứ 11, Các nước Mê Kông đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong thúc đẩy kết nối khu vực, thông qua nhiều hoạt động có bản sắc riêng như các sáng kiến “Đối tác vì hạ tầng chất lượng cao”, “Thập kỷ hướng tới Mê Công xanh”. Trao đổi về phương hướng hợp tác, các nước cam kết đẩy mạnh triển khai Chiến lược Tokyo 2018 đồng thời với việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở và Kế hoạch Tổng thể ACMECS.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hơn nữa kết nối, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường, giảm thiểu hậu quả thiên tai, gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Kông; tăng cường hợp tác với Uỷ hội sông Mê Kông nhằm hiện thực hóa Mê Công xanh và “Sáng kiến hợp tác Mê Kông – Nhật Bản về phát triển bền vững SDGs hướng tới 2030”, áp dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 phát triển đời sống kinh tế – xã hội tại Mê Kông. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh sáng kiến thiết lập “Đối tác năng lượng khu vực Mê Kông” (JUMPP) của Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các nước Mê Kông phát triển năng lượng một cách bền vững. Liên quan tới hợp tác kinh tế, các nước nhấn mạnh tính cấp thiết của kết nối số giữa các nền kinh tế Mê Công và Nhật Bản; đánh giá cao phê duyệt Tầm nhìn về Phát triển Công nghiệp Mê Kông 2.0 (MIDV2.0). Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Mê Kông – Nhật Bản lần thứ 11 và Sáng kiến Mê Kông – Nhật Bản về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hướng tới 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các nước Mê Kông, khẳng định quan hệ này đã góp phần quan trọng cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở Mê Kông và ở cả Đông Nam Á. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số định hướng cho phát triển hợp tác Mê Kông – Nhật Bản, theo đó hai bên cần tranh thủ nguồn vốn của khu vực tư nhân, tăng cường nguồn lực cho trụ cột Mê Kông xanh, nâng cao chất lượng hạ tầng các nước Mê Công và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Riêng về Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam và ASEAN. Nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các nước đề cao luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, kiềm chế, đối thoại hợp tác vì an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nhật Bản – Việt Nam
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài, chia sẻ nhiều lợi ích, chiến lược chung và ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò quốc tế tại khu vực và toàn cầu. Thủ tướng Abe đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito, bày tỏ cám ơn Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Nhật Bản trong vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN – Nhật Bản và bày tỏ trông đợi với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, hai nước sẽ phối hợp xử lý những thách thức khu vực và toàn cầu.
Hai Thủ tướng hài lòng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước phát triển mạnh và toàn diện thời gian qua, hợp tác ngày càng thực chất, các khó khăn vướng mắc đang được tháo gỡ. Hai Thủ tướng nhất trí sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, xây dựng hạ tầng, lao động, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA, đẩy mạnh tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương, cùng ứng phó và xử lý các thách thức tại khu vực cũng như toàn cầu, trong đó có vấn đề Biển Đông.