Cục Hải sự Quảng Đông đang triển khai kế hoạch đóng các tàu Hải Cảnh mới có lượng giãn nước lên đến 12.000 tấn để thực hiện nhiệm vụ “tuần tra” ở Biển Đông.
Theo thông tin trên, Hải Cảnh Trung Quốc đã giới thiệu hình ảnh đồ họa về mẫu tàu tuần tra cỡ lớn tương lai của họ, điều gây bất ngờ là thiết kế của nó có rất nhiều nét tương đồng với khu trục hạm Type 055. Dựa vào hình ảnh mà nhà máy Hoàng Phố công bố thì dễ dàng nhận ra rằng đây chính là thiết kế của khu trục hạm Type 055 được sửa đổi khi đã cắt giảm bớt các vũ khí hạng nặng. Theo các nguồn tin ban đầu, tàu tuần tra do nhà máy Hoàng Phố thi công có lượng giãn nước đầy tải lên đến 12.000 tấn, chiều dài 165 m, chiều rộng 20,6m, độ sâu mớn nước 9,5 m, có thể chở được 100 thuyền viên và 200 nhân viên cứu hộ.
Chiếc tàu tuần tra mới dự kiến sẽ có “vũ khí phòng vệ” cơ bản tương tự, nó không được lắp đặt “vũ khí tấn công”, bởi loại trang bị thường dùng nhất của tàu hải cảnh khi có xung đột trên biển là vòi rồng. Tuy nhiên căn cứ theo cấu hình vũ khí tiêu chuẩn của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thì gần như chắc chắn 100% con tàu sẽ được tích hợp pháo chính cỡ 76 mm cùng pháo bắn nhanh 30 mm điều khiển tự động. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc thậm chí còn rằng, tàu tuần tra mới của họ có “khả năng phòng thủ siêu hạng”, chịu được bão cấp 12, đáp ứng yêu cầu hành trình không giới hạn. Phạm vi hoạt động của con tàu này có thể kéo dài từ vùng biển Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản hoặc kéo xuống Biển Đông.
Thời gian tới, Hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ đưa vào biên chế tới 12 khu trục hạm Type 055, tạo ra biên đội tác chiến rất mạnh khi lớp tàu mặt nước này đảm nhiệm tốt cả vai trò tác chiến độc lập lẫn trong biên đội. Trong thời gian gần đây lực lượng Hải cảnh Trung Quốc cũng được đầu tư rất mạnh với nhiều tàu tuần tra cỡ lớn vào biên chế, điều đặc biệt là thiết kế của những con tàu trên đều là bản sửa đổi từ tàu của hải quân. Do vậy đã ngay lập tức có những nhận định cho rằng Trung Quốc sẽ sớm sửa đổi thiết kế của khu trục hạm Type 055 nhằm biến nó thành tàu tuần tra lớn nhất thế giới nhằm trang bị cho lực lượng Hải cảnh.
Được biết, trong tháng 5/2019, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương Trung Quốc cũng vừa nhận hợp đồng trị giá 23,5 triệu USD đóng một tàu hải cảnh, dự kiến hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo trang web của chính quyền tỉnh Hải Nam, tàu hải cảnh này sẽ có trọng tải 1.900 tấn, dài 102 m và có thể chở theo thủy thủ đoàn lên đến 50 người. Tàu có tốc độ hành trình 32 km/h, tốc độ đối đa 41 km/h, phạm vi hoạt động hơn 10.000 km. Giới quan sát nhận định dự án đóng con tàu này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng sự hiện diện của lực lượng phi hải quân tại Biển Đông, phục vụ tham vọng độc chiếm vùng biển này bất chấp luật pháp quốc tế. Dự kiến đến năm 2021, cái gọi là “chính quyền Tam Sa” của Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 20 tàu hải cảnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất.
Ngoài ra, Hải Cảnh Trung Quốc còn được trang bị các máy bay MA-60, (còn gọi là Tân Chu 60) là loại máy bay cánh bằng 2 động cơ cánh quạt được cải tiến trên cơ sở máy bay vận tải Y-7 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An; các tàu của Hải Cảnh Trung Quốc gồm các loại: tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh” (bao gồm cả các tàu Trung Quốc Ngư chính và Trung Quốc Hải giám trước đây); tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”. Theo tài liệu Trung Quốc, hiện CCG chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1.000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2.000 đến 5.000 tấn; trong đó có 2 tàu “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn. Những năm gần đây Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của Hải quân thành tàu Hải Cảnh (như Tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, 339; tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, 540; tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc, 541; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B; tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818….hay tàu Hải cảnh thác – 25 nguyên là tàu đổ bộ Type 072 của Hải quân có lượng giãn nước 4.170 tấn)…
Đáng chú ý, trên các tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có khả năng sát thương cao như: Pháo phòng không tầm gần 6 nòng 30mm H/PJ-13, có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây; pháo bắn nhanh 76,2mm kiểu H/PJ-26; pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2mm; pháo phòng không tầm gần H/PJ-17 30mm, là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc; tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên.