Giới truyền thông mới đây tiết lộ thông tin, Trung Quốc đang có kế hoạch đưa các tàu du lịchdi chuyển trái phép tới nhóm đảo Lưỡi Liềm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và có thể sẽ đi quanh Biển Đông. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.
Theo thông tin trên, Trung Quốc có kế hoạch, trong 5 năm tới, có thể Trung Quốc sẽ đưa 8 tàu du lịch ra Biển Đông. China Daily của Trung Quốc cho biết, công ty phát triển du lịch biển quốc tế Sanya – dự án chung của Vận tải COSCO, Tập đoàn dịch vụ du lịch quốc gia Trung Quốc (HK) và Công ty xây dựng Communications Trung Quốc (CCCC) – sẽ mua từ 5-8 tàu du lịch. Công ty này cũng sẽ xây dựng 4 bến tàu ở Tam Á, thành phố cực Nam của đảo Hải Nam, để phục vụ tàu du lịch.
Chủ tịch công ty Sanya Liu Junli tuyên bố, công ty này đã bắt đầu vận hành tàu du lịch “Giấc mơ Biển Đông” và dự tính sẽ triển khai thêm 2 tàu nữa vào mùa hè tới. Các tàu này sẽ di chuyển (trái phép) tới nhóm đảo Lưỡi Liềm, một phần của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam ), và cũng sẽ “cân nhắc tới hành trình quanh biển Đông vào thời điểm thích hợp”. Khách sạn, nhà nghỉ và cửa hàng cửa hiệu đều sẽ được xây dựng phi pháp trên nhóm đảo này. Thậm chí Bắc Kinh còn muốn xây các khu nghỉ dưỡng kiểu Maldives quanh Biển Đông.
Được biết, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nằm trong một phạm vi khoảng 15.000km2, giữa khoảng 111o đến 113o Đông, rộng khoảng 95 hải lý, từ 17o05’ xuống 15o45’ bắc dài khoảng 90 hải lý; xung quanh là độ sâu hơn 1.000m, song giữa các đảo có độ sâu thường dưới 100m. Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi. Về khoảng cách với đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần với đất liền Việt Nam hơn cả: từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tức đất liền lục địa Việt Nam đo được 135 hải lý, cách cù lao Ré chỉ có 123 hải lý, trong khi đó cách điểm gần nhất của đảo Hải Nam (Trung Quốc) tới 140 hải lý; nếu tính tới đất liền lục địa Trung Hoa thì còn xa hơn nhiều, tối thiểu là 235 hải lý. Trong khoảng 30 đảo, đá, bãi, cồn, hòn trên, hiện có 23 đã được đặt tên, gồm 15 đảo, 3 bãi, 3 đá, 1 cồn, 1 hòn. Các đảo trên không cao, cao nhất là đảo Hòn Đá, thấp nhất là đảo Tri Tôn. Các đảo chính gồm hai nhóm: nhóm Lưỡi Liềm ở tây nam và nhóm An Vĩnh ở đông bắc.
Nhóm Lưỡi Liềm, còn gọi là Trăng Khuyết hay Nguyệt Thiềm, theo như Sơn Hồng Đức nếu nhìn từ máy bay xuống, nhóm đảo này trông như hình chiếc bánh “croissant” châu đầu vào nhau. Có 7 đảo chính và vô số đá: Đảo Hoàng Sa tuy là đảo chính nhưng không phải là đảo lớn nhất, có vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam, hơn cả đảo Phú Lâm. Đảo nằm trên tọa độ 16o32’ bắc, 111o35’ đông, hình bầu dục, dài khoảng hơn 900m, rộng khoảng 700m, diện tích gồm cả vòng san hô bao quanh. Đảo Hữu Nhật nằm ở phía nam đảo Hoàng Sa cách độ 3 hải lý, hình bầu tròn, đường kính 800m, chu vi 2.000m, diện tích khoảng 0,32km2 có vòng đai san hô bao ngoài, giữa là vùng bể lặng. Nằm ở tọa độ 16o30’ bắc, 111o34’ đông. Xung quanh đảo cây cối um tùm, chính giữa là lòng chảo không sâu lắm. Biển quanh đảo có nhiều rong biển, phủ kín cả mặt biển. Đảo này không có người ở nên con vích thường lên bờ đẻ la liệt từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Đảo Duy Mộng nằm ở phía đông nam đảo Hữu Nhật, phía đông bắc là đảo Quang Hòa, cũng do san hô tạo thành, bãi san hô ra xa đảo, nhô lên khỏi mặt nước khoảng 4m. Đảo hình bầu dục, diện tích khoảng 0,41km2 không có loại cây lớn, chỉ toàn loại cây nhỏ. Giữa đảo là vùng đất trống, có thể định cư được. Đảo có một con lạch nhỏ, có thể dùng ghe đi vào trong nội địa. Tàu có thể neo cách đảo 200m. Có nhiều chim biển và vích sống trên đảo. Đảo Quang Hòa nằm trên tọa độ 16o26’ bắc, 111o42’ đông, là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, xung quanh đảo là bãi cát màu vàng. Vòng san hô lan ra rất xa khỏi bìa đảo. Cạnh đảo lớn có những hòn đảo nhỏ nối liền nhau bằng bãi cát dài. Một vài bản đồ địa chất ghi Quang Hòa thành hai đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây. Quang Hòa Đông có rừng cây nhàu, một loại cây dùng để làm thuốc thường thấy nhiều ở vùng Nam bộ Việt Nam và cây phosphorite mọc ở phía tây của đảo, nhiều cây cao tới 5m. Phần phía đông trơ trụi chỉ có dây leo sát mặt đất. Chu vi đảo 2.700m, diện tích khoảng 0,48km2. Quang Hòa Tây là một đảo nhỏ, hình gần tròn, chu vi 1.000m chỉ bằng 1/10 đảo Quang Hòa Đông, khoảng 0,09km2, cũng có những loại cây như ở đảo Quang Hòa Đông nhưng chỉ cao hơn 3m. Đảo Quang Ánh nằm trên tọa độ 160o27’ bắc, 111o36’ đông, do san hô tạo thành, nhô lên mặt nước độ 6m, nơi cao nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm. Xung quanh đảo, bờ biển có nhiều đá ngầm sắc nhọn rất nguy hiểm, tàu lớn không thể cặp neo được. Các tàu lớn phải neo ở ngoài khơi, muốn vào được phải dùng thuyền nhỏ. Vì địa thế hiểm trở và trên đảo không có nước ngọt nên trên đảo ít vết chân người lui tới. Đảo mang tên Phạm Quang Ánh, một đội trưởng Hoàng Sa được vua Gia Long sai đo đạc thủy trình ở Trường Sa năm 1815, hiện có hậu duệ và nhà thờ họ ở cù lao Ré. Đảo hình bầu dục hơi tròn, chu vi khoảng 2.100m, diện tích khoảng 0,3km2. Có một số cây lớn mọc ở giữa đảo cao đến 5m. Ở phía ngoài của đảo có các cây phosphorite và một vài loại cây khác giống như cây mít nhưng không có quả. Nhóm đảo Lưỡi Liềm ngoài 5 đảo trên còn có 4 đảo nhỏ như đảo Ba Ba, đảo Xà Cừ, và các đá như Hải Sâm, đá Lồi, đá Chim Yến, đá Bạch Quy.
Trong những năm gần đây, cùng với việc củng cố hồ sơ pháp lý và hoạt động trên thực địa, một số nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động du lịch biển nhằm tuyên truyền về yêu sách “chủ quyền” cũng như củng cố chứng cứ về quyền quản lý trên thực địa.
Trung Quốc thông qua việc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp đối với vùng biển này. Từ tháng 4/2013, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Đến tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông. Trên cơ sở đó, đến năm 2016, chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể nhằm kết nối Hải Nam với Hoàng Sa. Với ngân sách từ tỉnh Hải Nam, chính quyền của “thành phố Tam Sa” đã xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy du lịch Tam Sa”, trong đó đề xuất mở cửa sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm cho các chuyến bay dân sự, phục vụ du lịch biển. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020.
Thực hiện chủ trương của chính quyền Trung Quốc, vào tháng 4/2013, Công ty Vận tải eo biển Nam Hải đã tổ chức chuyến du lịch đầu tiên đưa du khách từ đảo Hải Nam đến một số địa điểm ở Hoàng Sa. Theo thống kê của phía Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa khoảng 100.000 du khách đến Hoàng Sa. Số lượng khách “du lịch yêu nước” tăng nhanh cùng với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, nhất là sau khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (7/2016). Năm 2016, số khách Trung Quốc du lịch đến Hoàng Sa tăng gần 50%.
Theo các chuyên gia quốc tế, việc tổ chức hoạt động “du lịch yêu nước” nằm trong chính sách tổng thể của Trung Quốc nhằm thực thi “chủ quyền” ở Biển Đông. Trung Quốc muốn tăng cường khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông, không chỉ bao gồm phương diện hạ tầng, quân sự mà còn trên lĩnh vực dân sự và sự hiện diện của người dân. Phản bác các chỉ trích của các nước bên ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và hậu thuẫn cho các tuyên bố tuyên truyền của Trung Quốc rằng tình hình Biển Đông đang phát triển hòa bình, hợp tác. Về lâu dài, nếu các chủ thể quốc tế sử dụng các kết cấu hạ tầng dân sự và dịch vụ của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc có thể coi đó là cơ sở để khẳng định sự hiện diện hợp pháp, cũng như chủ quyền của họ tại khu vực này. Trung Quốc muốn tăng cường sự ủng hộ của người dân và tích cực tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong vấn đề biển đảo.
Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tham gia cổ súy hoạt động du lịch để tuyên truyền vấn đề chủ quyền. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc hợp tác phát triển du lịch như một biện pháp giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Để cổ súy cho du lịch trái phép trên Biển Đông, thời báo Hoàn Cầu viết rằng việc phát triển du lịch biển còn giúp tránh được việc tàn phá sinh thái biển do hoạt động đánh bắt cá trái phép gây nên, giúp bảo vệ các rạn san hô và các nguồn tài nguyên khác khỏi sự tàn phá của con người. Sau khi dẫn giải dài dòng về những gì đã diễn ra và những “lợi ích” của hợp tác du lịch trên Biển Đông , cuối cùng báo Hoàn Cầu cũng lộ rõ chủ ý của bài báo là nhằm bao che cho việc mở rộng phát triển tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo báo Hoàn Cầu, việc mở cửa du lịch trên quần đảo Hoàng Sa và phát triển tài nguyên du lịch trên cái gọi là thành phố Tam Sa được đánh giá cao trong việc xây dựng đảo du lịch quốc tế. Báo Hoàn Cầu ngang nhiên viết rằng: phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa cũng là dịp để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tán phát các thông tin liên quan và phát biểu của giới lãnh đạo liên quan vấn đề du lịch phi pháp ở Biển Đông.
Đằng sau những hành động phi pháp trên của Trung Quốc là nhằm phục vụ các ý đồ chính trị: Thứ nhất, Trung Quốc muốn tìm cách độc chiếm Biển Đông. Đài RFI của Pháp cho rằng Trung Quốc đang dùng mọi phương tiện để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông. Khi thường xuyên đưa du khách tới Hoàng Sa, Trung Quốc muốn củng cố đòi hỏi chủ quyền, khẳng định Trung Quốc quản lý tuyệt đối toàn bộ vùng này. Thứ hai, Trung Quốc muốn củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Hoàng Sa. Bằng các hành động trên, Bắc Kinh đang muốn chứng minh rằng Trung Quốc “đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục và hòa bình”. Thứ ba, tuyên truyền việc Trung Quốc có “chủ quyền” không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Thứ tư, Trung Quốc muốn thông qua các hoạt động du lịch trái phép tới Hoàng Sa để đẩy mạnh “lòng yêu nước”, chủ nghĩa dân tộc của người dân lên cao nhằm hướng lái dư luận trong nước trước một số vấn đề nhạy cảm trong nước.
Trước các hoạt động du lịch trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. Cùng với các tuyên bố đó, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các các hoạt động sai trái và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.