Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThẩm quyền của Toà án Công lý quốc tế và Toà án...

Thẩm quyền của Toà án Công lý quốc tế và Toà án Luật biển Quốc tế có thể được áp dụng cho các nước ở Biển Đông

Trong bối cảnh quan hệ chính trị quốc tế phát triển như hiện nay, các nước đã và đang sử dụng các cơ chế của cơ quan tài phán quốc tế, trong đó đặc biệt là Toà án Công lý quốc tế và Toà án Luật biển Quốc tế, để giải quyết hiệu quả các tranh chấp, bất đồng liên quan. Tại Đông Nam Á, đây cũng là xu thế tất yếu và phổ biến được các quốc gia vận dụng.

Các tòa án quốc tế là các cơ quan tài phán thường trực, bao gồm các thẩm phán được các quốc gia lựa chọn, xét xử với tư cách cá nhân và theo nhiệm kỳ. Hiện nay có một số tòa án quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ), Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR), Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ (IACHR), Tòa án Nhân quyền châu Phi (ACHPR). Các tòa án này có thể phân loại theo thẩm quyền nội dung (tất cả vấn đề pháp lý: ICJ, ECJ; chuyên ngành: ITLOS về luật biển, ICC về luật hình sự, ECtHR, IACHR và ACHPR về nhân quyền) và theo thẩm quyền lãnh thổ (phổ quát: ICJ, ITLOS, ICC; khu vực: ECJ, ECtHR ở châu Âu, IACHR ở châu Mỹ, ACHPR ở châu Phi). Một số tòa án đặc biệt không thường trực như các tòa án hình sự do Hội đồng Bảo an thành lập như Tòa Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ (ICTY) và Tòa Hình sự Quốc tế cho Rwanda (ICTR).

Thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)

Tòa ICJ được thành lập năm 1945 theo Hiến chương Liên hợp quốc, kế thừa của Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) của Hội quốc liên. Tòa có 15 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm, được lựa chọn bởi Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Các thẩm phán khác được lựa chọn bảo đảm công bằng về phân chia địa lý, hiện có các khu vực: Đông Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Carribe, Tây Âu và các nước khác. Năm nước ủy viên thường trực của HĐBA luôn có thẩm phán trong Tòa, trừ Anh từ năm 2018. Tòa ICJ có hai thẩm quyền chính: giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn. Ngoài ra Tòa còn có các thẩm quyền phái sinh mang tính thủ tục như thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Đối với thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Tòa có thẩm quyền áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tất cả các tranh chấp pháp lý giữa các quốc gia nếu các quốc gia đồng ý với thẩm quyền của Tòa. Sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Tòa của tất cả các bên tranh chấp là cơ sở pháp lý duy nhất để Tòa có thể xác lập thẩm quyền của mình đối với một tranh chấp cụ thể. Điều này phù hợp với một trong những nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế: không một quốc gia nào bị buộc phải mang tranh chấp của mình với quốc gia khác ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết khi không có sự đồng ý của quốc gia đó. Sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp có thể được thể hiện bằng nhiều cách như được trù định ở khoản 1-5 của Điều 36 Quy chế Tòa.

Các quốc gia có thể chấp nhận thẩm quyền của Tòa thông qua việc tham gia vào điều ước quốc tế có quy định phải chấp nhận thẩm quyền của Tòa. Các quốc gia có thể tại bất kỳ thời điểm nào đưa ra tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa. Phạm vi chấp nhận có thể không giới hạn, vô điều kiện hoặc có thể chấp nhận với điều kiện một hay một số quốc gia nhất định cũng chấp nhận có đi có lại như tế, hoặc giới hạn về nội dung tranh chấp, quốc gia tranh chấp hoặc thời hạn chấp nhận. Các quốc gia có ký kết thỏa thuận đặc biệt để chấp nhận thẩm quyền của Tòa đối với một tranh chấp cụ thể sau khi tranh chấp phát sinh. Nói cách khác, thẩm quyền của Tòa có thể xác lập dựa trên quy định của điều ước quốc tế, tuyên bố của các quốc gia và thỏa thuận đặc biệt. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Tòa có thể được đưa ra sau khi tuyên bố khởi kiện được đệ trình, như trường hợp forum prorogatum.

Về thẩm quyền cho ý kiến tư vấn, đây là thẩm quyền chỉ có ở các toà án thường trực như Toà ICJ và ITLOS mà không có ở các toà trọng tài vụ việc. Cơ sở pháp lý để Tòa ICJ có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn là Điều 96 Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 96 quy định Tòa có thể cho ý kiến tư vấn đối với bất kỳ câu hỏi pháp lý nào theo yêu cầu của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Điều 96 quy định các cơ quan khác của Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên trách có thể được Đại hội đồng cho phép đệ trình yêu cầu xin ý kiến tư vấn của Tòa về các câu hỏi pháp lý “phát sinh trong phạm vi hoạt động của các cơ quan này”. Có hai điều kiện để Tòa có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn: i) cơ quan, tổ chức xin ý kiến có quyền xin ý kiến (xem danh sách tại đây). ii) câu hỏi đặt ra cho Tòa phải là câu hỏi pháp lý. Câu hỏi pháp lý là câu hỏi “được viết bằng các thuật ngữ pháp lý và nêu lên các vấn đề của luạt quốc tế … và về bản chất cần trả lời dựa trên luật”. Một điểm cần chú ý là, khác với quyền xin ý kiến tư vấn không hạn chế của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an, các cơ quan khác phải thỏa mãn hai điều kiện tiên quyết: i) được Đại hội đồng cho phép. ii) câu hỏi phải nằm trong phạm vi hoạt động của cơ quan xin ý kiến tư vấn. Năm 1996 Tòa ICJ đã không cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do câu hỏi mà tổ chức này đưa ra không thuộc phạm vi hoạt động của mình. Mục đích của việc đưa ra ý kiến tư vấn là làm sáng tỏ về mặt pháp lý các vấn đề mà các cơ quan, tổ chức này đang xử lý, qua đó, định hướng được hoạt động của các cơ quan, tổ chức đó. Một điểm quan trọng khác cung cần chú ý là các cơ quan, tổ chức có quyền xin ý kiến tư vấn của Tòa nhưng Tòa cũng có quyền từ chối không cho ý kiến tư vấn. Nhưng trường hợp này rất hạn hữu bởi vì một khi cơ quan, tổ chức đã có quyền xin ý kiến thì với tư cách là cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc, Tòa không nên từ chối cho ý kiến tư vấn. Việc từ chối này khác với việc Tòa không có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn; vấn đề có hay không có thẩm quyền phục thuộc vào việc yêu cầu xin ý kiến tư vấn có thỏa mãn điều kiện ở Điều 96 hay không. Việc từ chối cho ý kiến tư vấn đang nói ở đây là trường hợp Tòa xét thấy có thẩm quyền nhưng Tòa từ chối thực thi thẩm quyền đó. Việc từ chối này chỉ có thể khi Tòa xét thấy có lý do xác đáng. Một ví dụ mà Tòa đưa ra là nếu việc đưa ra ý kiến tư vấn vi phạm nguyên tắc rằng không một quốc gia nào có thể bị buộc mang tranh chấp của mình ra giải quyết ở cơ quan tài phán quốc tế mà không có sự đồng ý của quốc gia đó.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định ở Điều 41 Quy chế Tòa. Điều 41 quy định Tòa sẽ có quyền đưa ra, nếu hoàn cảnh yêu cầu, bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào nhằm bảo đảm quyền của bất kỳ bên nào trong tranh chấp. Tất cả các bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Thẩm quyền của Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS)

Tòa ITLOS được thành lập theo UNCLOS 1982, bắt đầu hoạt động từ năm 1996. Tòa có 21 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm, được lựa chọn bởi Hội nghị Quốc gia Thành viên. Các thẩm phán được lựa chọn bảo đảm công bằng về phân chia địa lý. Tòa ITLOS có hai thẩm quyền chính: giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn. Ngoài ra Tòa còn có các thẩm quyền phái sinh như thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Tòa ITLOS có thẩm quyền dựa trên các quy định của Phần XV UNCLOS. Khi là thành viên của UNCLOS, các quốc gia đã chấp nhận đồng thời thẩm quyền của Tòa ITLOS, một trong bốn cơ quan tài phán bắt buộc được trù định ở Điều 287 UNCLOS, đối với tất cả các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước. Tòa ITLOS có thẩm quyền đối với tất cả các tranh chấp không được giải quyết theo các quy định ở Mục I, Phần XV và không rơi vào giới hạn ở Điều 297 và ngoại lệ tùy chọn ở Điều 298. Điều 288 cũng cho phép Tòa ITLOS giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các thỏa thuận khác liên quan đến mục đích của Công ước được đệ trình phù hợp với quy định của thỏa thuận đó. Một điểm khác giữa Tòa ITLOS và Tòa ICJ là trong khi chỉ có quốc gia mới có tư cách là một tranh chấp trước Tòa ICJ,[9] Tòa ITLOS mở cho mọi thành viên của UNCLOS, bao gồm cả quốc gia và tổ chức quốc tế (như EU). Bên trong Tòa ITLOS có Viện giải quyết tranh chấp đáy biển (Seabed Dispute Chamber), gồm 11 thẩm phán lựa chọn từ 21 thẩm phán của Tòa ITLOS. Viện này có thẩm quyền bắt buộc đối với các tranh chấp liên quan đến hoạt động ở Vùng đáy biển quốc tế.

Về thẩm quyền cho ý kiến tư vấn, là thẩm quyền chỉ có ở các toà án thường trực như Toà ICJ và ITLOS mà không có ở các toà trọng tài vụ việc. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS được chia làm hai loại: thẩm quyền của Viện giải quyết tranh chấp đáy biển và thẩm quyền của toàn thể Tòa ITLOS. SDC có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Đại hội đồng hoặc Hội đồng của Cơ quan Quyền lực Đáy biển quốc tế (ISA) về các câu hỏi pháp lý nằm trong phạm vi hoạt động của hai cơ quan này. Trong khi thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của SDC được quy định cụ thể và rõ ràng thì thẩm quyền đó của toàn thể Tòa ITLOS được quy định ngầm định ở Điều 21 Phụ lục VI UNCLOS (Quy chế Tòa ITLOS). Điều 21 quy định thẩm quyền của Tòa “bao gồm tất cả tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đệ trình cho Tòa phù hợp với Công ước này và tất cả các vấn đề được quy định cụ thể trong các thỏa thuận khác trao thẩm quyền cho Tòa”. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn được ngầm định trong cụm “tất cả các vấn đề khác được quy định trong các thỏa thuận khác trao thẩm quyền cho Tòa”. Tòa ITLOS cho rằng Điều 21 không tự nó trao cho Tòa thẩm quyền cho ý kiến tư vấn mà chính “các thỏa thuận khác” mới là trao thẩm quyền này cho Tòa. Điều 21 và “các thỏa thuận khác” trao thẩm quyền cho Tòa có liên hệ chặt chẽ với nhau và cấu thành cơ sở pháp lý thực chất cho thẩm quyền tư vấn của Tòa.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa ITLOS và cả SCD đều có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 290. Điều 290 quy định “Nếu một tranh chấp được đệ trình đúng thủ tục lên một tòa mà tòa đó xét thấy có thẩm quyền prima facia … tòa có thể đưa ra bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào mà tòa thấy phù hợp với hoàn cảnh nhằm bảo đảm quyền của các bên trong tranh chấp hoặc ngăn ngừa tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, trong khi chờ phán quyết cuối cùng.” So với quy định ở Điều 41 Quy chế Tòa ICJ, thì Điều 290 mở rộng ra thêm một mục đích nữa khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: bảo vệ môi trường biển. Trong án lệ của Tòa (và Tòa thường dựa trên án lệ của Tòa ICJ), biện pháp khẩn cấp tạm thời được đưa ra nếu thỏa mãn. Ngoài những vụ việc đang được Tòa ITLOS thụ lý giải quyết, Tòa còn có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ việc đệ trình lên trọng tài trong giai đoạn tòa trọng tài đang thành lập. Các tòa trọng tài theo Phụ lục VII và VIII của UNCLOS là các cơ quan vụ việc mà trọng tài viên chỉ được chỉ định hay lựa chọn khi có tuyên bố khởi kiện. Có những vụ việc mà tòa trọng tài mất gần 06 tháng để thành lập, như Vụ kiện Biển Đông. Trong giai đoạn đó, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau, thì có thể đệ trình yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lên Tòa ITLOS theo khoản 5, Điều 290. Sau khi thành lập các tòa trọng tài có thể thay đổi, hủy bỏ hay xác nhận lại các biện pháp này.

Về thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh, là một thẩm quyền đặc thù được trù định tại Điều 292 của UNCLOS. Mục đích của việc tạo ra thẩm quyền này cho các cơ quan tài phán là nhằm bảo đảm việc phóng thích nhanh tàu thuyền và thuỷ thủ khi bị quốc gia ven biển bắt giữ sau khi nộp bảo lãnh hợp lý. Chủ tàu sau đó sẽ quay lại để giải quyết với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển. Do đó, thủ tục thả tàu nhanh không ảnh hưởng đến việc giải quyết cáo buộc chống lại tàu thuyền của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển. Điều 292 quy định rằng: “Khi cơ quan chức năng của một quốc gia thành viên bắt giữ tàu thuyền mang cờ của quốc gia thành viên khác và có cáo buộc cho rằng quốc gia bắt giữ đã không tuân thủ các quy định của Công ước về thả nhanh tàu và thủy thủ của tàu sau khi nộp tiền bảo lãnh hay các bảo đảm tài chính hợp lý khác, vấn đề thả tàu khỏi giam giữ có thể được đệ trình lên bất kỳ tòa nào được các bên chấp nhận hoặc, nếu không có thỏa thuận trong 10 ngày kể từ thời điểm giam giữa, đệ trình lên tòa được quốc gia bắt giữ chấp nhận theo Điều 287 hoặc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.” Như vậy thủ tục thả tàu nhanh sẽ phải kích hoạt bởi quốc gia có tàu bắt giữ, không phải chủ tàu thuyền bị bắt giữ. Chủ tàu tự mình phải thuyết phục quốc gia mà tàu mang cơ kích hoạt thủ tục. Quốc gia mà tàu mang cờ có quyền chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu kích hoạt thủ tục của chủ tàu.

Tòa có thẩm quyền (có thể là Toà ITLOS nếu không có thoả thuận) sẽ ra phán quyết thả tàu nhanh nếu quốc gia có tàu bị bắt giữ chứng minh được rằng quốc gia bắt giữ đã không tuân thủ các quy định của Công ước về thả nhanh tàu và thủy thủ sau khi nộp bảo lãnh hợp lý. Nghĩa vụ thả nhanh tàu thuyền và thuỷ thủ được quy định trong các điều khoản về hoạt động chấp pháp của quốc gia ven biển trong lĩnh vực tài nguyên sinh vật (như đánh bắt cá) ở Điều 73, lĩnh vực bảo vệ môi trường biển ở Điều 220 và Điều 226. Việc thủ tục thả tàu nhanh liên quan đến thẩm quyền chấp pháp của quốc gia ven biển trên vùng biển của mình tạo ra quan ngại cho một số quốc gia không kích hoạt thủ tục này để yêu cầu phóng thích tàu của họ bị bắt giữ trên các vùng biển tranh chấp. Bởi vì nếu yêu cầu thả tàu nhanh thì có thể bị cho là ngầm công nhận vùng biển tranh chấp là của quốc gia bắt giữ vì i) nộp bảo lãnh và ii) công nhận quốc gia bắt giữ tàu đang thực hiện thẩm quyền của quốc gia ven biển tại vùng biển đó dựa trên các điều 73, 220 và 226. Các án lệ về thả tàu nhanh của ITLOS chủ yếu liên quan đến việc xác định mức hợp lý của khoản bảo lãnh. Các án lệ khá thống nhất nhau và đã hình thành nên cách tiếp cận và tiêu chí chính khi xem xét tính hợp lý của mức bảo lãnh. Tính hợp lý của khoản bảo lãnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tuỳ hoàn cảnh của vụ việc cụ thể, và cần được đánh giá một cách khách quan. Các yếu tố chính cần xem xét đến bao gồm mức độ nghiêm trọng của cáo buộc vi phạm, hình phạt có thể bị áp dụng theo luật của quốc gia bắt giữ, giá trị của tàu bị bắt giữ và hàng hoá trên tàu, mức bảo lãnh và hình thức bảo lãnh mà quốc gia bắt giữ yêu cầu. Số vụ việc liên quan đến thả tàu nhanh chiếm đa số trong tổng các vụ việc Toà ITLOS xem xét trong giai đoạn đầu Toà đi vào hoạt động. Vụ việc thả tàu nhanh cuối cùng là Vụ Tomimaru (Nhật Bản và Nga) có phán quyết năm 2007. Một vài ý kiến có thể cho rằng việc hơn 10 năm qua không có vụ việc mới liên quan đến thả tàu nhanh được cho là nhờ một phần vào việc Toà ITLOS đã làm sáng toả cách tiếp cận và tiêu chí chính để xác định mức bảo lãnh hợp lý, qua đó, các quốc gia tự xử lý với nhau mà không cần mang ra Toà xem xét nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới