Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ áp dụng chiến lược kép đối với Chính quyền Đài Loan

TQ áp dụng chiến lược kép đối với Chính quyền Đài Loan

Trong các vấn đề “lợi ích cốt lõi” mà giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố, Đài Loan được xem là một trong những vấn đề gai góc nhất hiện nay đối với Bắc Kinh. Trong bối cảnh tình hình Hồng Công chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và chưa có giải pháp hiệu quả, Chính quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ không muốn Đài Loan sẽ rơi vào tình trạng tương tự.

TQ tích cực lôi kéo Đài Loan bằng kinh tế, lợi ích, trong đó tập trung nhắm vào tầng lớp doanh nhân đang có ảnh hưởng ở Đài Bắc

Trong nỗ lực thu hút thêm nhiều nhân tài từ Đài Loan, Văn phòng Đài Loan Sự vụ và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc hôm 4/11 đã công bố 26 chính sách ưu đãi, bổ sung vào 31 chính sách mà họ đưa ra năm 2018. Trung Quốc đã thông qua “31 biện pháp” vào ngày 28/2/2018, động thái nhằm khuyến khích nhân tài Đài Loan đến đại lục và giành được tình cảm của công chúng. Tuy nhiên, những biện pháp này thường được xem là chính sách tuyên truyền hỗ trợ cho ý định của Bắc Kinh trong việc thu hồi hòn đảo tự trị. Những biện pháp này bao gồm 13 nội dung dành cho các công ty Đài Loan và 13 nội dung dành cho công dân Đài Loan, nhằm mang lại “sự đối xử bình đẳng như với nhân dân Trung Quốc”. Theo chính sách mới, các công ty thuộc chính quyền Đài Loan được tham gia bình đẳng vào việc đầu tư và xây dựng thiết bị kỹ thuật quan trọng, mạng 5G, kinh tế tuần hoàn, hàng không dân dụng, công viên giải trí và các loại hình tổ chức tài chính mới tại Trung Quốc. Các công ty Đài Loan giờ đây có thể được hỗ trợ tài chính, đền bù thương mại, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu và xây dựng tiêu chuẩn. Họ cũng có thể hỗ trợ xây dựng các địa điểm giới thiệu cho việc tuyển dụng nhân sự trẻ xuyên eo biển cũng như các trung tâm “khởi nghiệp”.

Trong khi tiếp tục tuyên bố “tôn trọng” lối sống Đài Loan sau thống nhất và phản đối mọi sự kêu gọi độc lập cho Đài Bắc

Hội nghị Trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, kết thúc hôm 31/10, đã thông qua “Quyết định về những vấn đề quan trọng của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến việc kiên trì và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia”. Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế với Đài Loan để hoàn thành “thống nhất hòa bình”, phản đối mọi sự kêu gọi độc lập cho hòn đảo này. “Khi chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia được đảm bảo, sau khi thống nhất hòa bình, chế độ xã hội và lối sống của đồng bào Đài Loan sẽ được tôn trọng hoàn toàn; tài sản cá nhân, tín ngưỡng tôn giáo và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ được bảo vệ đầy đủ”, văn kiện được thông qua sau hội nghị của đảng Cộng sản Trung Quốc viết. Văn bản cũng nói “thống nhất hòa bình” vẫn là “nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Trung Hoa”, là “lợi ích cơ bản của dân tộc Trung Hoa”. Văn kiện kêu gọi “làm sâu sắc sự phát triển hòa hợp giữa hai bờ” eo biển Đài Loan, phản đối mọi sự kêu gọi “độc lập cho Đài Loan”. Văn kiện của Hội nghị Trung ương 4 mang tinh thần giống phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu năm, khi kêu gọi Đài Loan chấp nhận mô hình bán tự trị “một quốc gia, hai chế độ”.

Chính quyền Thái Anh Văn và nguyện vọng người dân vẫn là rào cản lớn nhất đối với Bắc Kinh

Hiện nay cả bà Thái Anh Văn, Lãnh đạo đương nhiệm tại Đài Loan, lẫn ông Hàn Quốc Du, đối thủ của bà trong cuộc bầu cử 2020, đều phản đối ý tưởng thống nhất mà phía Lãnh đạo trung ương Bắc Kinh đưa ra. Các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng nhiều người Đài Loan không ủng hộ ý tưởng này, nhất là sau khi Hồng Công chao đảo vì phong trào biểu tình chống chính quyền đã kéo dài gần 5 tháng qua. Thông cáo công bố hôm 31/10 của Hội nghị trương 4 của Đảng cộng sản Trung Quốc cho biết “thống nhất lãnh thổ trong hòa bình” là chủ đề chính của hội nghị trung ương 4 vừa diễn ra. Vấn đề này liên hệ trực tiếp tới Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời đang chờ ngày thống nhất. “Chúng ta phải cương quyết thúc đẩy tiến trình thống nhất hòa bình của đất mẹ, làm sâu sắc hơn sự phát triển thống nhất của hai bờ eo biển”, thông cáo cho biết. Chính quyền Trung Quốc cũng khẳng định sẽ liên kết số lượng lớn người dân Đài Loan để cùng chống lại phong trào “Đài Loan độc lập” và thúc đẩy thống nhất hòn đảo về với Đại lục. Thông cáo đưa ra sau hội nghị trung ương 4 cũng thừa nhận Trung Quốc đang “đối mặt tình huống phức tạp với những nguy cơ và thách thức từ bên trong và bên ngoài gia tăng”, đồng thời khẳng định đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc “phải đoàn kết chặt chẽ hơn quanh Ban chấp hành trung ương đảng với ông Tập Cận Bình là trung tâm”.

Vào ngày 5/11, Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn thẳng thừng từ chối các chính sách mới của Bắc Kinh và cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan vào tháng 1/2020 và buộc Đài Loan phải chấp nhận chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. “Chỉ có một câu trả lời cho điều này, không thể ”, bà Thái nói. Bộ Ngoại giao Đài Loan phát đi tuyên bố trên trang Facebook của Bộ: “Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền. Các vấn đề lãnh sự mà chúng tôi cung cấp cho công dân của chúng tôi không liên quan đến Trung Quốc đại lục và chúng tôi không yêu cầu họ hành động thay cho chúng tôi”. Vào ngày 4/11, Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan cho biết Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy “sự thống nhất, lôi kéo Đài Loan và cố gắng chia rẽ nội bộ Đài Loan, cho thấy họ đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Đài Loan”. Hội đồng cũng cảnh báo người Đài Loan đi đến Trung Quốc cần phải nhận thức được những rủi ro và “sự khác biệt giữa hai chính quyền”.

Bắc Kinh có thể ra tay tiến hành xung đột quân sự với Đài Loan tự trị để chuyển hướng áp lực trong nước, nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại đe dọa tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. “Nếu sự ổn định nội bộ là vấn đề rất nghiêm trọng, hoặc suy thoái kinh tế đã trở thành vấn đề rất nghiêm trọng mà các nhà lãnh đạo hàng đầu phải giải quyết, đó là diễn biến mà chúng tôi cần phải hết sức cẩn thận”, ông Wu nói hôm 6/11. “Chúng tôi cần chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất xảy ra … là xung đột quân sự”, ông nói. Ông Wu nhận xét rằng sự hung hăng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực đã trở thành một nguồn gây căng thẳng “rất nghiêm trọng”, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, nhưng ông nói thêm rằng Đài Loan đang cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo hòa bình ở vùng eo biển Đài Loan.

Có thể nói, bước sang năm 2020, Đài Loan sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới, vì vậy Bắc Kinh sẽ triệt để lợi dụng tình huống này để tác động gây chia rẽ, phân hoá nội bộ tại hòn đảo này. Chính quyền của bà Thái Anh Văn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ khó có thể thực hiện được các bước đi tính toán một cách thuận buồm xuôi gió.

RELATED ARTICLES

Tin mới