Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang vướng vào cáo buộc và sức ép của Hạ viện liên quan việc luận tội Tổng thống, cựu Thứ trưởng Ngoại thương Trung Quốc Long Yongtu lại đưa ra tuyên bố khẳng định Trung Quốc “chào đóng ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020”.
Hạ viện Mỹ quyết định luận tội Tổng thống
Với 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống, Hạ viện Mỹ chính thức thông qua các bước cần thiết để luận tội Tổng thống Donald Trump. Trong phép đo chính thức đầu tiên đối với sự đoàn kết của đảng trong cuộc điều tra luận tội Trump, các nghị sĩ Dân chủ, hiện kiểm soát Hạ viện, đồng loạt bỏ phiếu thuận, ngoại trừ hai nghị sĩ. Tuy nhiên, Dân chủ không nhận được phiếu nào từ nghị sĩ Cộng hoà.
Với số phiếu 232 thuận so với 196 chống, Hạ viện Mỹ đã chính thức mở ra một giai đoạn mới và công khai trong cuộc điều tra Trump, liên quan tới cuộc điện đàm hồi tháng 7 giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trump được cho là đã hối thúc Zelensky điều tra Joe Biden, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, để phục vụ mục đích chính trị cá nhân. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, “Hạ viện đã thực hiện bước kế tiếp khi chúng tôi thiết lập thủ tục để mở ra các phiên điều trần do Ủy ban Tình báo Hạ viện thực hiện để công chúng nhìn thấy sự thật. Tất cả những thứ bị đe dọa không gì khác ngoài nền dân chủ của chúng ta”.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu cũng tạo cơ hội cho luật sư của Trump kiểm tra chéo các nhân chứng. Đảng Cộng hòa trước đó nói rằng cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ không có giá trị vì không phải tất cả hạ nghị sĩ đều đồng thuận. Ngay sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, Trump đăng Twitter, gọi việc luận tội là “cuộc săn phù thủy lớn nhất” trong lịch sử nước Mỹ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cáo buộc đảng Dân chủ “bị ám ảnh về việc luận tội bất hợp pháp”. “Đảng Dân chủ đang chọn lãng phí thời gian mỗi ngày cho một cuộc luận tội giả mạo, một nỗ lực đảng phái trắng trợn để hủy hoại Tổng thống”.
Nếu Hạ viện cuối cùng thông qua luận tội Trump, một phiên xử ở Thượng viện sẽ được kích hoạt. Tuy nhiên, Trump sẽ chỉ bị phế truất nếu 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông – điều khó có thể xảy ra do phe Cộng hoà đang kiểm soát Thượng viện. Hiến pháp Mỹ cho phép Hạ viện có nhiều thẩm quyền để đặt ra quy định cho cuộc điều tra luận tội và đảng Dân chủ cho biết họ sẽ tuân theo quy tắc điều tra, như tổ chức các cuộc điều trần công khai.
Tuyên bố “lạ” của Trung Quốc
Trong cuộc hội thảo đầu tư của Credit Suisse Trung Quốc, cựu Thứ trưởng Ngoại thương Trung Quốc Long Yongtu cho biết Bắc Kinh sẽ “sẵn sàng chào đón ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020”; đồng thời cho biết “ông Trump nói về các lợi ích vật chất, không phải chính trị. Một đối phương như vậy là lựa chọn tốt nhất trong các cuộc thương lượng”. Cựu quan chức Trung Quốc cho rằng ông Trump rất “dễ đọc”, không giống như những người tiền nhiệm trước và ông Trump không muốn chiến đấu với Bắc Kinh về các vấn đề địa chính trị nóng như Hồng Công hay Đài Loan, những vấn đề được Bắc Kinh rất coi trọng; nhấn mạnh ông Trump “làm cho quy trình đưa ra quyết định của Mỹ rất hiệu quả và minh bạch, bởi vì cơ bản là ông ấy có sao nói vậy… Chúng tôi không cần phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu xem người Mỹ thực sự muốn gì, hay đi tìm những suy nghĩ thực sự của đối phương trong bóng tối nữa, như chúng tôi từng phải làm”.
Quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Donald Trump
Được biết, dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ – Trung luôn là một trong những tâm điểm chính của cộng đồng quốc tế. Trong đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra vào đầu năm 2018 khi Tổng thống Trump cho rằng Bắc Kinh tiến hành các hoạt động thương mại bất bình đẳng. Hiện nay, Mỹ đang áp thuế lên 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cũng có động thái đáp trả với 185 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề thương mại giữa hai nước. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết Mỹ và Trung Quốc phải đồng thời rút một phần thuế nhập khẩu đang áp lên nhau để đạt thỏa thuận giai đoạn một. Quy mô gỡ thuế của hai nước phải như nhau và con số cụ thể có thể được thỏa thuận. Theo ông Gao Feng, việc hủy bỏ thuế là điều kiện quan trọng với bất kỳ thỏa thuận nào và “chiến tranh thương mại bắt đầu bằng thuế, và nên chấm dứt với việc gỡ bỏ thuế”. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc không đưa ra lộ trình cụ thể. Trong khi đó, hãng tin Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bỏ thuế 15% với khoảng 125 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực hồi tháng 9. Họ cũng muốn hủy 25% thuế áp lên 250 tỷ USD hàng hóa, từ máy móc đến sản phẩm bán dẫn và đồ nội thất.
Theo giới chuyên gia, mặc dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra hết sức quyết liệt và sức nóng của cuộc chiến đang tăng lên từng ngày, nhưng về thực chất đây không phải là cuộc chiến thương mại đơn thuần, mà là cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai cường quốc – một bên đã xác lập được vị trí số một, còn một bên tìm mọi cách vươn lên, soán ngôi vị bá chủ và xác lập vị trí mới do mình lãnh đạo.
Dù cả Trung Quốc và Mỹ đều tránh đề cập, nhưng trên thực tế các nhân tố giúp duy trì ổn định quan hệ Mỹ – Trung trong hơn 40 năm qua đã lung lay tận gốc. Nói cách khác, mối quan hệ Mỹ – Trung như chúng ta từng chứng kiến đang đổ vỡ từng ngày, từng giờ, nhường chỗ cho mối quan hệ mới đang định hình. Sự đổ vỡ này thể hiện trên tất các phương diện: Quan hệ chính trị, ngoại giao ngày một xấu đi; lòng tin chiến lược giữa các nhà lãnh đạo hai nước cũng không còn và thay vào đó là sự ngờ vực chiến lược. Trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, Trump và chính quyền Mỹ đang tìm cách quân bình cán cân thương mại, không để Trung Quốc “trục lợi” với con số thâm hụt thương mại khổng lồ lên tới gần 400 tỷ USD trong năm 2018 và kéo dài trong hàng chục năm liền.
Nhìn bề ngoài, quan hệ Trung – Mỹ tưởng chừng chỉ do “sự hiếu chiến” của cá nhân ông Trump và chính quyền của ông ta. Điều này là đúng, nhưng có lẽ chỉ phản ánh một phần. Thái độ của Quốc hội Mỹ, giới hoạch định chính sách ở Washington cũng như nhiều học giả Mỹ đối với Trung Quốc vào thời điểm hiện nay cũng không khác nhau nhiều so với quan điểm của chính quyền Trump, thậm chí trong nhiều trường hợp còn “hiểu chiến” hơn. Trong xã hội, tỷ lệ cử tri Mỹ ngày càng lo lắng về Trung Quốc tăng lên tới 58%, trong khi chỉ cách đây 6 tháng con số này mới dừng ở mức 46%. Đây là hiện tượng “đồng thuận mới” ở Washington mà giới hoạch định chính sách của Trung Quốc cần phải tính đến. Theo quan điểm của giới tinh hoa Mỹ, đây có lẽ là lần cuối cùng nước Mỹ có thể “bắt nạt” được Trung Quốc và nước Mỹ cần phải hành động ngay trước khi quá muộn. Ở góc độ ngược lại, phía Trung Quốc cũng bắt đầu “mất kiên nhẫn” và tìm cách “phản công”. Một mặt, Trung Quốc tìm cách phản bác toàn bộ các cáo buộc của chính quyền Trump, không chấp nhận các điều kiện đơn phương, bất bình đẳng buộc Trung Quốc từ bỏ quyền phát triển của mình. Mặt khác, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường nội lực và thích ứng với cuộc chiến mà Trung Quốc biết chắc sẽ trường kỳ và khó khăn gấp bội so với bất kỳ các cuộc “đối đầu” nào mà Trung Quốc từng gặp trong quá khứ để hóa giải nguy cơ chưa từng có từ phía Mỹ.
Hỗ trợ cho chính sách thuế quan cứng rắn của Trump là nền kinh tế Mỹ đang ở chu kỳ tăng trưởng kéo dài gần 120 tháng liên tục với tốc độ tăng trưởng GDP 3,2% năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp thấp 3,6% (thấp nhất trong hơn 50 năm qua), chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng gần 30% trong vòng 2 năm rưỡi kế từ khi Trump lên cầm quyền. Trump cũng tin tưởng thuế quan cao sẽ làm cho các công ty Mỹ và nước ngoài chuyển dịch đầu tư về phía Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm, giúp chính quyền Mỹ tăng thu hoặc ít nhất cũng chuyển đầu tư ra khỏi hoặc gây khó khăn kinh tế cho đối phương mà Mỹ đang gây sức ép. Điều này trái ngược với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa của Trung Quốc trong hơn 1 năm qua kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống còn 6,2% năm 2018 – mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua, chỉ số tăng trưởng công nghiệp và chỉ số chứng khoán giảm, mức thất nghiệp gia tăng trong khi khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ một thời đang bốc hơi nhanh. Chắc chắn chiến tranh thương mại càng gia tăng, các vấn đề kinh tế – xã hội mà Trung Quốc đang phải đối mặt cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Từ những vấn đề trên cho thấy, việc Trung Quốc sẽ chẳng vui gì khi ông Donald Trump tái đắc cử năm 2020. Việc cựu quan chức Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên cũng chỉ nhằm tạo thêm “sóng gió” cho ông Trump trong bối cảnh đang chịu sự chỉ trích của phe đối lập.