Trung Quốc hiện là một trong những cường quốc quân sự trên thế giới, đang từng bước hiện thực hóa giấc mộng xây dựng quân đội trở nên hùng mạnh bậc nhất thế giới vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01/10/2049).
Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ tiềm lực quân sự
Nhờ kinh tế liên tục tăng trưởng từ khi cải cách, mở cửa bốn thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng cũng tăng lên. Từ năm 1996, Trung Quốc tăng chi phí quân sự trung bình 11%/năm. Mấy năm gần đây, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 7,6%. Trong khi đó, tổ chức quân đội Trung Quốc chuyển sang cơ bản giống mô hình quân đội Mỹ. Hệ thống chỉ huy gồm Quân ủy Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Quân ủy (cũng chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đảm nhiệm) có quyền chỉ huy tối cao và tuyệt đối, thông qua Bộ Tổng tham mưu liên hợp (như mô hình Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ) và các Bộ Tư lệnh liên hợp chiến khu, các Tổng bộ. Lãnh đạo Trung Quốc nắm toàn quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang. Quân đội Trung Quốc đặt công tác xây dựng chính trị, tư tưởng lên hàng đầu, chú trọng sáng tạo phát triển lý luận quân sự mới, loại bỏ quan niệm “một khẩu súng, một đôi chân, ba bát cơm, bốn quả lựu đạn”. Trung Quốc đứng thứ sáu châu Á về quân số tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Trung Quốc thành lập ba Bộ tư lệnh mới. Lục quân chuyển từ “phòng ngự khu vực” sang cơ động liên khu vực và toàn cầu, nâng cao khả năng tác chiến liên chiến trường. Hải quân giữ nguyên ba hạm đội và một Sư đoàn thủy quân lục chiến, nhưng tăng lên ba chi đội hộ vệ khu trục cho mỗi hạm đội. Hải quân chuyển trọng tâm từ “phòng thủ ngoài khơi” sang kết hợp với “bảo vệ vùng biển mở”; tăng cường khả năng cơ động và tác chiến liên hợp trên biển. Không quân Trung Quốc chuyển trọng tâm từ phòng thủ lãnh thổ sang tiến công và phòng thủ. Quân chủng hỗ trợ chiến lượcđược thành lập, trên cơ sở sáp nhập Lực lượng pháo binh II (tên lửa chiến lược), bộ đội tác chiến điện tử (mạng) và bộ đội phát triển vũ khí chiến tranh không gian, tăng cường khả năng đánh đòn trả đũa hạt nhân, tiến công tầm trung và tầm xa.
Về hải quân, Trung Quốc cắt giảm quân số, tiến tới đưa tỉ lệ lục quân so với hải quân, không quân tiếp cận tỉ lệ 4/6 như các nước Mỹ, Anh, Pháp. Nét nổi bật là Trung Quốc cắt giảm quân số lục quân, nhưng tăng quân số hải quân, không quân và tên lửa chiến lược, tức tăng quân số ở các đơn vị được trang bị vũ khí công nghệ cao. Trung Quốc chú trọng đầu tư trang bị, hiện đại hóa, bổ sung trang bị mới, tăng cường đáng kể sức mạnh của quân đội. Ngoài lực lượng đã có, Trung Quốc hiện đang có 1 tàu sân bay đã biên chế, 1 tàu sân bay đang trong quá trình chạy thử nghiệm trước khi bàn giao cho hải quân và đang đóng mới 3 tàu sân bay nữa.
Tại Thái Bình Dương, Trung Quốc hoàn tất bồi đắp đảo quy mô lớn trên 7 thực thể; nối liền các đảo nhân tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng 3 đường băng dài 3.300 m, cho phép các máy bay chiến đấu hiện đại hạ cánh, biến chúng thành những “căn cứ dân sự – quân sự” nhằm tăng cường sự hiện diện lâu dài trên Biển Đông. Trung Quốc đạt được thỏa thuận xây dựng cảng nước sâu ở Campuchia, thời hạn sử dụng là 99 năm, cách Biển Đông vài trăm cây số, có thể trú đậu tàu thuyền có lượng giãn nước đến hàng vạn tấn; tuần dương hạm và tàu sân bay Trung Quốc có thể ghé cảng, từ đây nhanh chóng vươn ra Biển Đông hoặc vươn tới Ấn Độ Dương. Ngoài Quân chủng Hải quân, Trung Quốc chú trọng xây dựng lực lượng Dân quân biển từ ngư dân, sử dụng tàu đánh cá để tập trận trong vùng tranh chấp. Ngư dân được huấn luyện quân sự, trợ cấp về nhiên liệu và đá trong các chuyến đánh bắt cá, có nhiệm vụ thu thập thông tin về các tàu nước ngoài đi qua Biển Đông, tham gia tìm kiếm cứu hộ, vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng, cải tạo đảo đá hay ngăn chặn tàu nước ngoài trong trường hợp hải quân không tiện can thiệp. Đây là chiến lược “đánh cá, bảo vệ, chiếm giữ và quản lý” – một phần trong chiến lược tổng thể nhằm làm chủ vùng Tây Thái Bình Dương. Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự trên đại dương này. Lần đầu tiên, Trung Quốc có căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong chủ trương thiết lập chuỗi các căn cứ quân sự ven biển dọc các tuyến đường vận tải từ Trung Quốc sang châu Phi, Trung Đông. Căn cứ quân sự đầu tiên đặt tại Dibuti, nối Biển Đỏ và Vịnh Ađen, gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi và Ấn Độ Dương, đồng thời còn nhằm ngăn Mỹ hỗ trợ lực lượng cướp biển vùng Sừng châu Phi hoạt động trên tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng của Trung Quốc.
Về không quân, tháng 12/2016, Trung Quốc đưa vào biên chế máy bay chiến đấu tàng hình FC-3 thế hệ thứ 5, chấm dứt độc quyền của phương Tây sản xuất loại máy bay này. Tháng 3/2017 Trung Quốc đưa vào sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình loại mới nhất J-20, tương đương máy bay tàng hình F-35 của Mỹ.
Về Lực lượng tên lửa, Trung Quốc liên tục hiện đại hóa tên lửa, tăng cường khả năng răn đe chiến lược. Năm 2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng tên lửa mới DF-31AG, cải tiến tên lửa phòng không tầm trung DF-16G với độ chính xác hơn. Năm 1996, Trung Quốc mới bắt đầu nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo thông thường, nhưng tiến bộ nhanh, đến năm 2015, Trung Quốc đã triển khai hơn 1.200 tên lửa đạn đạo (tầm bắn của tên lửa DF-21C bao phủ toàn bộ Đông Nam Á) với độ lệch mục tiêu chỉ vài mét. Tháng 2/2017, Trung Quốc đưa vào biên chế tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao, có thể đặt trên các bệ phóng di động và tấn công tất cả tàu chiến, tàu ngầm, căn cứ không quân cách biên giới Trung Quốc 2.000 km, đe doạ các căn cứ quân sự của Mỹ đóng ở Nhật Bản, đe dọa Nhật Bản, Đài Loan, Philippines. Như vậy, khả năng giành quyền kiểm soát trên không, trên biển và mục tiêu tấn công tầm xa của Trung Quốc nâng lên rõ rệt, có thể phòng ngự biển gần hiệu quả.
Thực trạng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông
Thứ nhất, hoạt động chiếm giữ và xây dựng các điểm đảo ở Biển Đông. Trung Quốc cũng khẳng định mình có “chủ quyền” bất khả tranh biện đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng đa số các thực thể địa lý ở Biển Đông. Năm 1956, Trung Quốc đã lợi dụng khoảng trống bố phòng mà quân đội Pháp vừa mới rút đi để đưa quân chiếm đóng phía Đông quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1974, một cuộc hải chiến đã diễn ra giữa quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc. Kể từ sau cuộc hải chiến đó, quân đội Trung Quốc đang chiếm giữ toàn bộ các đảo, đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng sức mạnh quân đội, để chiếm đóng sáu thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Xu Bi, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Ga Ven có sự phản kháng từ phía quân đội Việt Nam. Năm 1995, Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn lúc chìm lúc nổi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa có sự kháng cự từ quân đội Philippines. Năm 2005, Trung Quốc mở rộng chiếm đóng bãi cạn lúc chìm lúc nổi Bàn Than thuộc quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, tồn tại nhiều tranh cãi về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi Én Đất. Nhiều nguồn tin từ các nhà nghiên cứu và nhà báo cho biết bãi Én Đất vẫn chưa có bên nào chiếm đóng. Điều này cũng phù hợp với thông tin từ vệ tinh tháng 02/2014 cho thấy chưa có công trình kiên cố nào trên bãi. Nói tóm lại, Trung Quốc hiện tại đang chiếm đóng phi pháp trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và chín thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, việc chiếm đóng bằng vũ lực này hoàn toàn đi ngược lại với luật pháp quốc tế hiện đại và sẽ không bao giờ được xem như một phương thức hợp pháp xác lập chủ quyền.
Thứ hai, hoạt động hiện đại hóa quân đội. Các nhân tố quan trọng của khía cạnh quân sự trong các căng thẳng gần đầy là việc hiện đại hóa hải quân một các vững chắc của Trung Quốc và việc trưng bày sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc thông qua các chuyến hải trình giám sát và các cuộc tập trận. Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đều hiện đại hóa lực lượng hải quân của hai nước trong thập kỷ vừa qua, song các nỗ lực của Trung Quốc lại vượt rất xa Việt Nam đến một mức độ rất lớn. Trong nội bộ Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hạm đội Biển Nam (SSF) có căn cứ ở Zhanjiang, Quảng Đông, hiện nay đang có một số trong những tàu chiến bề mặt có khả năng tốt nhất Trung Quốc, bao gồm năm trong số bảy tàu khu trục hiện đại mà Trung Quốc đã tự phát triển trong mười năm qua. Hạ tầng của SSF gần đây cũng được nâng cấp, bao gồm mở rộng căn cứ hải quân quan trọng Yulin ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Dù căn cứ được mở rộng để phù hợp với hạm đội các tàu ngầm hiện đại đang mở rộng (bao gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin mới, hoặc SSBNS, được phát triển cuối những năm 2000), nó cũng có sân tàu mới phục vụ cho các chiến dịch trên mặt biển. Với những nhà quan sát khu vực, việc mở rộng căn cứ này biểu tượng hóa cho lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc và sự tập trung của nước này vào việc định vị sức mạnh hải quân ở Biển Đông. Chắc chắn, nguyên nhân chính cho việc mở rộng căn cứ hải quân Yulin là để tăng cường sự răn đe hạt nhân của Trung Quốc (bằng việc coi như một căn cứ của SSBNs) và để tạo chỗ trú cho hạm đội tàu ngầm đang mở rộng (hạm đội này sẽ đóng vai trò quan trọng trong một xung đột bất kỳ với Đài Loan). Tuy nhiên, với vị trí địa lý của căn cứ ở đảo Hải Nam, tỉnh xa nhất về phía Nam của Trung Quốc giữ phần phía Bắc của Biển Đông, việc mở rộng trên cũng thể hiện khả năng mới rằng Trung Quốc có thể đứng vững trong các tranh chấp Biển Đông, thậm chí còn triển khai nhiều lực lượng hơn nữa ở khu vực này trong tương lai. Tốc độ và quy mô của việc hiện đại hóa hải quân còn được biểu hiện qua tốc độ gia tăng của chi phí dành cho quốc phòng của Trung Quốc. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có chiều hướng tăng nhanh (xem Phụ lục số 03a và Phụ lục số 03b). Chỉ trong thời gian sáu năm, chi phí quốc phòng của Trung Quốc đã tăng hơn hai lần so với mức ở năm 2008. Bên cạnh đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới và đồng thời cũng là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới trong giai đoạn 2008-2015.
Thứ ba, sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng được củng cố theo chiều hướng mang tính chiến đấu nhiều hơn phòng thủ. Trung Quốc là nước duy nhất trong các quốc gia tiếp giáp Biển Đông được sở hữu vũ khí hạt nhân. Hoạt động hiện đại hóa quân đội trong khi đang chiếm giữ trái phép lãnh thổ của quốc gia khác là vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế. Nhìn rộng ra, Biển Đông còn tồn tại nhiều tranh chấp, Trung Quốc là một bên trong tranh chấp đó, việc hiện đại hóa quân đội một cách mạnh mẽ gây sức ép rất lớn cho các quốc gia khác trong tranh chấp phải hiện đại hóa quân đội nhằm phòng vệ và tự vệ. Điều này tạo đà cho việc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia, gây phương hại đến hòa bình và an ninh trong khu vực. Dựa vào thế mạnh quân sự này, Trung Quốc ngày càng có những hành vi làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông.
Thứ tư, một số hoạt động quân sự có quy mô sâu rộng từ năm 2008 đến nay. Các hoạt động diễn tập là cách chính mà Hải quân quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thực hiện thể hiện năng lực hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc để răn đe các bên tuyên bố chủ quyền khác. Dữ liệu về các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc khó có thể thu thập được bởi vì nó không được báo cáo một cách có hệ thống trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Tuy nhiên, trong các năm qua, phạm vi, mức độ và nhịp độ của các cuộc tập trận trong khu vực dường như đã tăng lên. Các hoạt động tập trận này thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và được thực hiện ở Biển Đông, phục vụ cho các tuyên bố chủ quyền và quyền trên các vùng biển.
Một số khó khăn, thách thức
Đầu tiên, trang bị vũ khí và phương tiện quân sự của Trung Quốc trang bị chủ yếu từ thời những năm 1990 khi sức mạnh kinh tế còn rất hạn chế, cho nên khá lạc hậu, khó có thể sử dụng trong thực tế chiến tranh hiện đại. Các loại vũ khí và phương tiện hiện đại như chiến đấu cơ, hầu hết đều bị đánh giá là ăn cắp và sao chép công nghệ từ Nga và Mỹ. Ví dụ chiếc J-11, J-15 là bản sao lần lượt của Su-27 và Su-33 của Nga, J-20 và J-31 lần lượt là bản sao của F-22 và F-35 của Mỹ. Tuy có các tính năng và hình dáng giống như của các phiên bản gốc nhưng mức độ công nghệ vẫn bị đánh giá là kém hơn. Thậm chí chiếc J-20 “tàng hình” được cho là hiện đại nhất, thực tế lại vẫn phải sử dụng động cơ AL-31F của Su-27 mua từ Nga, vì động cơ WS-15 Trung Quốc tự sản xuất cho J-20 chưa đạt yêu cầu. Về phát triển công nghệ quân sự, tư tưởng chủ yếu của Trung Quốc là tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, như gián điệp và cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Trung Quốc không có công nghệ gốc và dễ bị tụt hậu khi đối phương tăng cường bảo mật. Về lực lượng hải quân, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu sử dụng động cơ diesel (hiện mới có 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong biên chế) nên không so sánh được với sức mạnh của đội tàu ngầm Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân. Riêng đội tàu sân bay, Mỹ hoàn toàn áp đảo với số lượng 20 chiếc và hai chiếc sắp hoàn thành, trong đó có 10 chiếc siêu tàu sân bay lớp Nimitz. Trung Quốc hiện có 1 chiếc Liêu Ninh mua lại của Ukraine năm 1999 và chiếc Type-001A đang chạy thử. Trung Quốc cũng trang bị thêm từ nguồn mua của Nga, chủ yếu là máy bay Su 35, tên lửa S 400, hàng trăm động cơ phản lực và một số trực thăng. Nói chung về phương diện vũ khí, khí tài và lực lượng quân đội thì Trung Quốc còn kém xa so với Mỹ.
Thứ hai, việc tinh giảm biên chế gặp khó khăn về tạo việc làm, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chính phủ khó bố trí ngân sách hỗ trợ quân nhân giải ngũ. Nội trị Trung Quốc gặp không ít thách thức, như khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, vấn đề Hồng Công, Ma Cao… khiến quân đội phải dàn trải nguồn lực để đối phó. Quân đội Trung Quốc nhìn chung vẫn ít dịp thử thách, thiếu kinh nghiệm tác chiến, năng lực sử dụng vũ khí hạn chế, khả năng tấn công từ xa và kỹ thuật tác chiến chống tàu ngầm còn yếu; chưa phát triển được năng lực tác chiến biển xa đáng tin cậy.
Thứ ba, việc thực hiện mục tiêu “cường quân” của Trung Quốc thách thức trực tiếp lợi ích và địa vị của Mỹ, làm cho thách thức an ninh của Trung Quốc tăng lên. Mỹ tăng cường hiện diện, củng cố các liên minh quân sự trong khu vực. Mỹ có căn cứ ở Hawaii, 54.000 quân đóng tại Nhật Bản, 28.500 quân đồn trú tại Hàn Quốc, tăng cường quan hệ quân sự, bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, nhưng Mỹ vẫn đối xử với Đài Loan như “đồng minh”. Đồng thời, Mỹ lại có kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, đem mối họa đến gần biên giới Trung Quốc hơn, tạo nên thế bao vây, kiềm chế Trung Quốc ở phía Bắc. Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Ấn Độ, Australia, Afghanistan, tạo thế kiềm chế Trung Quốc ở phía Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và phía Tây.Biển Đông là môi trường tác chiến thuận lợi cho hải quân và không quân Mỹ khi can thiệp vào eo biển Đài Loan để bảo vệ vùng lãnh thổ này. Do vậy, việc giành và giữ quyền khống chế Biển Đông trở nên rất quan trọng đối với việc duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ ở Đông Á. Mỹ tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, trong hoạt động ngoại giao cũng như trên thực địa nhằm kiềm chế Trung Quốc, cam kết đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này. Ngoài ra, từ năm 2016 tới nay, Mỹ tập trận chung với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng cường khả năng phối hợp. Kiểm soát Biển Đông, tranh chấp trên Biển Hoa Đông, tăng cường sức mạnh tổng hợp, Trung Quốc đang tạo nên sức ép, nguy cơ đối với Mỹ, ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Không những thế, Trung Quốc từng bước ép Việt Nam, Philippines và tất cả các nước khác phải chấp nhận yêu sách về Biển Đông của Trung Quốc, buộc các nước ven Biển Đông chạy đua vũ trang, làm cho khu vực thêm bất ổn.
Thứ tư, Trung Quốc không chỉ cạnh tranh chiến lược với Mỹ, tranh chấp với Nhật Bản mà còn tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Tranh chấp này tồn tại từ khi Ấn Độ mới ra đời. Ấn Độ cho rằng địa vị địa -chính trị của mình ở Nam Á bị Trung Quốc thách thức khi Trung Quốc thúc đẩy toàn diện ý tưởng “Vành đai và Con đường” đi qua khu vực Nam Á và Trung Á gần Ấn Độ.
Thứ năm, cạnh tranh, tranh chấp không chỉ diễn ra giữa Trung Quốc với các nước lớn, mà Trung Quốc còn uy hiếp chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của các nước có yêu sách chủ quyền ở Trường Sa, làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, khiến môi trường an ninh Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông phức tạp hơn.14 Trung Quốc có “truyền thống” dùng vũ lực đánh chiếm các đảo,15 do đó các nước khu vực tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc tôn tạo đảo, đá, triển khai tên lửa, quân sự hóa các đảo nhân tạo.