Phát biểu trước báo chí hôm 12/11, tân Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti đã tái khẳng định lập trường ủng hộ mạnh mẽ của khối này đối với cách giải quyết của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Phát biểu trước báo giới lần đầu tiên sau khi nhận nhiệm vụ, Đại sứ Aliberti đã chia sẻ về quan điểm hiện nay của EU trong vấn đề Biển Đông. Đại sứ Aliberti cho biết, EU rất chú ý tới các căng thẳng leo thang trên vùng biển này 2 năm qua. Ông nhấn mạnh, EU coi Biển Đông không phải là vấn đề song phương, cục bộ hay khu vực mà là vấn đề toàn cầu. Đại sứ EU cho biết, 2 trong số những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ 4 năm tới là trợ giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế số, và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. “Tất cả các nước đều có lợi ích trong vấn đề này. Vấn đề tự do hàng hải rất quan trọng đối với chúng tôi. Vùng biển này quan trọng về thương mại, chỉ cần một chút gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới thương mại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngay tức thì”, ông Aliberti nói.
Theo Đại sứ Aliberti, trong vấn đề Biển Đông, EU ủng hộ một trật tự dựa trên các quy định, ủng hộ việc tuân thủ chặt chẽ các quy định và luật pháp quốc tế. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với cách xử lý của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó đề cao Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), coi đây là nền tảng để tất cả các bên phải tuân thủ.
Chia sẻ về Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA) mà Liên minh châu Âu và Việt Nam mới ký kết hồi tháng trước, ông Aliberti cho hay hiệp định này tạo ra mối liên kết mạnh mẽ về vấn đề an ninh giữa Việt Nam và EU, tạo thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự do EU lãnh đạo. “Châu Âu là nhà tài trợ lớn nhất nhưng cũng là một chủ thể an ninh quan trọng trên thế giới ở khía cạnh quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự. Hiện EU đang có 16 phái bộ tại các địa bàn nóng trên thế giới và nếu không ký kết một hiệp định như vậy thì các nước không thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động an ninh của chúng tôi”, ông nói.
Theo ông Aliberti, có thể nhìn ở 2 khía cạnh của hiệp định: chính trị và vận hành. Về mặt chính trị, nó tạo ra một cơ chế đối thoại về an ninh và quốc phòng giữa Việt Nam và EU. Mặt khác, đây cũng là một tín hiệu gửi đi rằng Việt Nam sẵn sàng hội nhập hơn nữa với thế giới trong lĩnh vực hợp tác an ninh, quốc phòng. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh đầu năm tới Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN cũng như trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020. Theo ông Aliberti, hiệp định mở ra các nền tảng cho việc thảo luận các vấn đề an ninh và quốc phòng giữa hai bên, như Việt Nam có thể thảo luận với EU về các mối quan ngại liên quan tới vấn đề an ninh ở Biển Đông. “Các hợp tác như vậy rất quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực và trở nên sẵn sàng hơn nữa cho các hoạt động an ninh, như việc Việt Nam đang hợp tác với Liên hợp quốc trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình”, ông nói. Nhà ngoại giao EU cho hay, ông vui mừng khi Việt Nam sắp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, nhất là khi Việt Nam luôn ủng hộ quan hệ với EU và có cách tiếp cận mang tính hợp tác. “EU coi Việt Nam là một đối tác rất tích cực trong ASEAN. Chúng tôi coi việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và ASEAN là một trong những ưu tiên quan trọng, đặc biệt nhân dịp Việt Nam là Chủ tịch ASEAN thì ưu tiên này càng có ý nghĩa hơn. EU muốn tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam và thông qua Việt Nam để tăng cường quan hệ với khu vực ASEAN”, Đại sứ Aliberti cho biết.
Nhìn chung, phát biểu trên của Đại sứ EU thể hiện quan điểm quan điểm của EU về vấn đề Biển Đông trong năm 2019, trong đó nhấn mạnh bảo vệ quyền tự do hàng hải, kiên quyết tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm luật biển và các phán quyết của tòa trọng tài, đồng thời khuyến khích giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, phản đối các hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng dẫn tới làm gia tăng căng thẳng. EU cũng lên án việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo phá vỡ nguyên trạng của khu vực Biển Đông cũng như các hành động đơn phương của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.