Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBộ tứ tập trận thường niên ở Biển Đông và phản ứng...

Bộ tứ tập trận thường niên ở Biển Đông và phản ứng của Bắc Kinh

Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Australia và Canada đã triển khai lực lượng hùng hậu tham gia cuộc tập trận thường niên 2019 nhằm tăng khả năng hợp tác đối phó với tình huống bất ngờ trên biển. Thời gian qua, các hoạt động hợp tác quân sự đa phương ở Biển Đông gia tăng cho thấy mức độ quan tâm ngày càng tăng của các nước trong và ngoài khu vực.

Thành phần, địa điểm diễn ra cuộc tập trận

Cuộc tập trận chung diễn ra từ ngày 10-15/11 ở vùng biển ngoài khơi bờ biển Philippines, với sự tham gia của các lực lượng Hải quân Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) cùng Hải quân Hoàng gia Australia và Hải quân Hoàng gia Canada như tàu hộ tống HMAS Parramatta lớp Anzac của Australia, tàu khu trục Teruzuki lớp Akizuki của Nhật Bản, tàu tiếp dầu USNS Pecos của Mỹ, tàu khu trục USS Milius lớp Arleigh Burke (trước) và tàu hộ tống HMCS Ottawa lớp Halifax của Canada. Các tàu được biên chế vào Đội Khu trục hạm (DESRON) 15 thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ tham gia diễn tập với vai trò lực lượng mặt nước chính.

Mục đích, nội dung của cuộc tập trận

Phó đô đốc Hiroyuki Kasui, Chỉ huy đội tàu Nhật Bản cho biết cuộc diễn tập sẽ tăng cường khả năng tương tác, khả năng hợp tác đối phó với tình huống bất ngờ giữa Lực lượng Hải quân các nước, đồng thời tăng thêm độ tin cậy và hiệu quả răn đe từ sự phối hợp an ninh Nhật Bản, Mỹ và đối tác. “Quan hệ giữa JMSDF và Hải quân Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Quan hệ bền chặt của chúng tôi sẽ góp phần thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”, Phó đô đốc Hiroyuki Kasui cho biết thêm.

Trong cuộc diễn tập, lực lượng hải quân Nhật Bản, Mỹ và các nước đã phối hợp với nhau ở các chiến trường trên không, trên và dưới mặt biển, tham gia tập luyện theo một kịch bản toàn diện. Kịch bản này được thiết kế để các lực lượng thực hành các khả năng quan trọng cần thiết nhằm hỗ trợ sự phòng thủ của Nhật Bản và phản ứng với các tình huống khủng hoảng hoặc ngoài dự tính có thể xảy ra ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. “Mọi thứ chúng tôi làm ở Hạm đội 7 đều giúp thúc đẩy và củng cố mục tiêu duy nhất là thúc đẩy an ninh và ổn định trên toàn khu vực”, Phó đô đốc Bill Merz, Chỉ huy Hạm đội 7 cho biết.

Trong vòng 2 tháng qua, Mỹ và các nước đã tiến hành nhiều hoạt động hợp tác quân sự, diễn tập ở Biển Đông nhằm cảnh báo đến Trung Quốc về những “yêu sách chủ quyền”, như: Ngày 2-6/9, Hải quân Mỹ và ASEAN tiến hành tập trận hải quân chung đầu tiên (AUMX), bao gồm các cuộc tập trận ở Biển Đông, nhằm mục đích thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải hàng không và các hoạt động thương mại không bị ngăn trở theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận. Từ ngày 9-19/9, quân đội Mỹ tổ chức tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo ở Biển Đông và Hoa Đông, nhằm luyện tập kỹ năng đổ bộ vào các bờ biển của lực lượng “thù địch” và chiếm giữ các đường băng. Trong khuân khổ cuộc tập trận Sam-Sam Mỹ ngày 16/10, Philippines và Nhật Bản đã điều nhiều tàu chiến tập trận bảo vệ lực lượng trên biển, vô hiệu hóa thiết bị nổ, tác chiến chống phục kích trên cạn, trên không và theo dõi tàu đối phương ở vùng biển sát quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ ngày 9-19/10, Mỹ và Philippines tiến hành tập trận tác chiến trên không và trên biển thường niên “Kamandag” tại một số khu vực thuộc đảo Luzon và đảo Palawan, nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc thiên tại.

Phản ứng từ Bắc Kinh

Báo chí Trung Quốc và các cơ quan chính phủ của Trung Quốc như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng một mặt liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, song đồng thời lại tìm cách chỉ trích các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc, lên án và đe dọa hoạt động hợp pháp của Mỹ và các nước đồng minh; ngang ngược cho rằng động thái của tàu chiến Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế liên quan…, phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trật tự của vùng lãnh hải này, đồng thời lớn tiếng cảnh cáo Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động liên quan của Mỹ và kêu gọi Mỹ ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích tương tự. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc; nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trong khi đó, Quân đội Trung Quốc mạnh miệng tuyên bố lực lượng quân sự Trung Quốc luôn được đặt trong tình trạng báo động cao và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền quốc gia”.

Nhìn chung, khác với các cuộc tập trận và hợp tác quân sự của các nước nhằm khẳng định tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế. Các hoạt động tập trận của Trung Quốc thời gian qua đều bị dư luận lên án mạnh mẽ,cho rằng hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo ngại, trong bối cảnh leo thang tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông, Hoa Đông và căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Báo chí các nước cho rằng sự hiện diện và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng và các nguy cơ xảy ra sự cố trên biển. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng các hoạt động tập trận và hành động quân sự đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh, hòa bình, hợp tác trong khu vực. Những hoạt động này của Trung Quốc thể hiện chính sách bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, gây tổn hại đến các quy chuẩn của luật pháp quốc tế và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp của các nước. Ngoài ra, những hoạt động quân sự của Trung Quốc còn đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của hoạt động hàng hải, hàng không của khu vực và quốc tế, cũng như hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới