Ngày 17/11, tại Bangkok (Thái Lan), tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Lãnh đạo các nước đã thảo luậnvề tình hình khu vực và thế giới,các vấn đề an ninh nội khối, trong đó có vấn đề Biển Đông, trước khi làm việc chính thức với các đối tác vào ngày 18/11. Hội nghị do Đại tướng Prawit Wongsuwan, Phó Thủ tướng Thái Lan chủ trì hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/11. (Nguồn: Bangkok Post)
ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức, đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Prawit Wongsuwan, cho biết trong những năm qua, hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ, với việc thành lập các cơ chế hợp tác mới và các hoạt động liên quan khác. Đó là những minh chứng cho cam kết của các nước trong việc tăng cường sự ổn định, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN nhằm xây dựng ASEAN là một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển theo “Tầm nhìn ASEAN 2025”. Tuy nhiên, Đại tướng Prawit Wongsuwan cho rằng ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những thách thức và đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, điều không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được. Tại Hội nghị ADMM hẹp, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã trao đổi quan điểm về môi trường an ninh quốc tế và khu vực. Các bộ trưởng đều khẳng định ASEAN cần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm và dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác tại khu vực nhằm ứng phó kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên như vấn đề khủng bố, mặt trái của sự phát triển của công nghệ, an ninh mạng.
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới
Các Bộ trưởng cũng trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới.Một số Bộ trưởng đánh giá tích cực về tiến triển của đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), văn kiện được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực, song đã bày tỏ lo ngại về các diễn biến gần đây trên Biển Đông. Các Bộ trưởng đều nhất trì cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đồng thời yêu cầu các bên không có các hành động quân sự hóa, đơn phương gây phức tạp tình hình, đóp góp nỗ lực chung trong đảm bảo hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trước cuộc họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN cũng đã có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa, trong đó hai bên xác nhận sẽ tiến hành tập trận hải quân chung, tuy nhiên chưa thống nhất thời gian cụ thể. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho biết các nước ASEAN nhất trí kêu gọi tất cả các bên tôn trọng tiến trình đàm phán COC. Đáp lại, người đồng cấp Trung Quốc cho biết sẵn sàng làm việc để giải quyết bất đồng trên biển với các nước ASEAN. Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch trong ngày 16/11, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, đồng thời thống nhất cùng phối hợp giải quyết vấn đề ngư dân hai nước vi phạm vùng biển của nhau trên tinh thần nhân đạo, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo đúng luật pháp Indonesia và luật pháp Việt Nam, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ hai nước cũng như trở thành một vấn đề khu vực. Trong ngày 18/11, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN làm việc chính thức với các đối tác từ Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và Mỹ.