Mỹ hai lần điều tàu chiến đến gần các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tàu chiến đấu ven biển USS Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 20/11. Thực thể này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo.
Một ngày sau, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tuần tra bảo đảm tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
“Các nhiệm vụ này thể hiện cam kết của chúng tôi nhằm duy trì tự do và quyền sử dụng vùng trời, vùng biển một cách hợp pháp với tất cả các quốc gia”, phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ Reann Mommsen hôm nay cho biết.
Đây là lần đầu hải quân Mỹ triển khai tàu chiến áp sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hai ngày liên tiếp. Hoạt động này diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết nước này sẽ duy trì tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, bất chấp sự ngăn cản của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có bổn phận thể hiện quan điểm thật rõ ràng, đồng thời khẳng định quyền chủ quyền và nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp”, ông Esper nói trong buổi họp báo với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana tại thành phố Quezon hôm 19/11.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, chồng lấn vùng biển các nước trong khu vực, đồng thời tiến hành bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép để củng cố tuyên bố chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trên thế giới.
Tình hình Biển Đông gần đây trở nên căng thẳng khi tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ở phía nam Biển Đông từ tháng 7. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Chuyên gia Biển Đông cảnh báo hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ biến một tính toán sai lầm nhỏ thành cuộc xung đột lớn.
Washington nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông trong các chiến dịch tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Hải quân Mỹ cuối tháng 8 điều tàu USS Wayne E. Meyer tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Hai tuần sau, chiến hạm này tiếp tục áp sát quần đảo Hoàng Sa.