Nhật Bản và Nga nhất (22/11) nhất trí bắt đầu từ năm 2020 sẽ triển khai các dự án kinh tế chung tại một nhóm đảo tranh chấp như một bước đi hướng tới ký kết một hiệp ước hòa bình. Khu vực trên được Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, Moskva gọi là Nam Kuril.
Hợp tác chung Nga – Nhật Bản
Tranh chấp chủ quyền đối với 4 đảo ngoài khơi Hokkaido, mà Nhật Bản gọi là Các vùng lãnh thổ phương Bắc còn Nga gọi là quần đảo Nam Kurils, đã cản trở hai nước tiến tới ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức sau hơn 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Hai nước đã theo đuổi các dự án kinh tế chung tại quần đảo trong 5 lĩnh vực nông nghiệp, trang trại nhà kính, du lịch, điện gió và tái chế rác thải như một cách thức nhằm xây dựng lòng tin.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong cuộc họp bên lề hội nghị bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Nagoya (Nhật Bản), Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegu và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã nhất trí tiếp tục thảo luận vào trung tuần tháng 12 tại Moskva. Trong cuộc họp, ông Motegi đã tán dương sự thành công của một chương trình thử nghiệm từ cuối tháng 10, theo đó khách du lịch Nhật Bản đã được tới thăm 2 trong số 4 đảo ở ngoài khơi Hokkaido (Nhật Bản gọi là Các vùng lãnh thổ phương Bắc còn Nga gọi là quần đảo Nam Kuril).
Mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản đã nhiều năm nay bị phủ bóng đen do chưa thể ký được hiệp ước hòa bình do tranh chấp chủ quyền trên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đàm phán để giải quyết tranh chấp trên, song cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá nào.
Cách làm lố bịch của Trung Quốc ở Biển Đông
Trái ngược với cách mà cộng đồng quốc tế, nhất là những nước phát triển, có vị thế, vai trò quan trọng trên thế giới đã, đang làm về việc gác lại tranh chấp để cùng hợp tác phát triển, quan điểm của Trung Quốc (và cả Đài Loan) thể hiện qua có những điểm khác biệt. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên chính thức đưa ra đề xuất khai thác chung tại khu vực quần đảo Trường Sa và cho đến nay dường như theo chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” để giải quyết vấn đề Trường Sa. Điều đáng chú ý trong nội dung của quan điểm này là luận điểm khai thác chung trên cơ sở “chủ quyền thuộc về Trung Quốc”. Ở đây, Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc mà không đề tập tới chủ quyền của Việt Nam và các quốc gia khác, đồng thời không bao gồm quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Do đó, quan điểm này của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý quốc tế và không được bất cứ quốc gia nào trong khu vực ủng hộ.
Trung Quốc chủ trương sử dụng vấn đề hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông với khẩu hiệu “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Tuy nhiên, chính sách này của Trung Quốc, ngay từ khi mới được manh nha, đã bị cộng đồng quốc tế phản đối bởi tính chất bành trướng và tính phi pháp quốc tế của nó.
Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển quan hệ ngoại giao với ASEAN trong hai thập niên 1970 và 1980, một phần là để mở rộng quan hệ ngoại giao, một phần là để đối trọng Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đưa ra với ASEAN đề xuất về tranh chấp Trường Sa với luận điểm là: “Quần đảo Trường Sa là một phần không tách rời được của Trung Quốc từ thời cổ xưa; tranh chấp chủ quyền phát sinh từ thập niên 1970; Vì quan hệ hữu nghị với những nước liên quan, Trung Quốc muốn tạm gác tranh chấp sang một bên và sau này tìm một giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được”. Tháng 2/1984, ông Đặng Tiểu Bình trong cuộc hội kiến với đoàn đại biểu Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế trường đại học của Mỹ đã nói: “Có một số tranh chấp lãnh thổ trên thế giới có thể trước tiên không bàn tới vấn đề chủ quyền tiến hành cùng nhau khai thác” thể hiện rõ quan điểm “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác”. Năm 1984, Đặng Tiểu Bình một lần nữa trình bày quan điểm này: “Nhiều tranh chấp quốc tế nếu giải quyết không tốt sẽ dẫn tới xung đột”, “Đối với tranh chấp quần đảo Trường Sa, vừa có phương pháp tạm thời gác lại tranh chấp chủ quyền gay gắt, trên thực tế cũng còn có giải pháp cùng nhau khai thác”. Tháng 6/1986, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Phó Tổng Thống Philippines Salvador Laurel rằng Trung Quốc và Philippines nên gác tranh chấp Trường Sa, “không nên để vấn đề này cản trở tình hữu nghị của Trung Quốc với Philippines và các nước khác” . Tháng 4/1988, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Tổng Thống Philippines Corazon Aquino, “Xét quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta, chúng ta có thể tạm gác vấn đề này và tiếp cận theo hướng khai thác chung” .
Ngay cả khi đề nghị gác tranh chấp, Đặng Tiểu Bình cũng “giải thích” rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với Trường Sa”. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình nói thẳng rằng, “Các bản đồ thế giới luôn vẽ Trường Sa thuộc Trung Quốc”, “Chúng tôi có nhiều bằng chứng. Các bản đồ thế giới của nhiều nước cũng chứng minh điều này”. Đặng Tiểu Bình cũng nói với Tổng Thống Corazon Aquino rằng Trung Quốc có “nhiều thẩm quyền nhất về vấn đề Trường Sa vì Trường Sa luôn luôn là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”.
Như vậy, phương án “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” của Trung Quốc được hình thành trên cơ sở quan điểm của Đặng Tiểu Bình từ việc tham khảo các mô hình giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên thế giới, nhưng một mặt ngang ngược khẳng định chủ quyền “không bàn cãi” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (đang chiếm đóng trái phép của Việt nam) và quần đảo TrườngSa, mặt khác lại đề nghị gác tranh chấp cùng khai thác.
Theo giới phân tích, nội dung cơ bản của quan điểm “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác”: Thứ nhất, đối với quan điểm “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” bản chất có tiền đề là “Trung Quốc có chủ quyền không phải bàn cãi đối với quần đảo Nam Sa”. Vì vậy, việc “cùng khai thác” chẳng qua là cách để Trung Quốc che đậy âm mưu thôn tính Biển Đông, đánh lừa cộng đồng quốc tế về “thiện chí” của Trung Quốc trong việc “nỗ lực giải hòa bình quyết tranh chấp ở Biển Đông”.
Thứ hai, về bản chất và từ khía cạnh lịch sử cũng như luật pháp quốc tế, Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, song Bắc Kinh thông qua “gác tranh chấp, cùng hợp tác” để tìm cách biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng, “trong điều kiện chưa thế giải quyết triệt để tranh chấp, có thể chưa bàn tới vấn đề chủ quyền mà gác lại tranh chấp, nhưng gác lại tranh chấp không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền”, cũng là cách để Trung Quốc tìm cách khai thác trộm tài nguyên, khoáng sản, hải sản ở Biển Đông. Ngoài ra, quần đảo Trường Sa nằm ở tuyến đường hàng hải quốc tế, liên kết giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là hành lang biển Đông Á và châu Đại Dương, không những có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú mà còn giàu nguồn tài nguyên dầu khí. Hiện thăm dò được 8 bồn địa dầu khí, trữ lượng khoảng 30 tỉ tấn, được coi là “Vịnh Ba Tư thứ hai”. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh, “quần đảo Trường Sa (Nam Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc”, nhưng để bảo vệ hoà bình ổn định khu vực, thúc đẩy hợp tác phát triển có thể trước tiên gác lại tranh chấp, tiến hành cùng nhau khai thác theo nguyên tắc cùng hưởng lợi ích, hợp tác cùng có lợi. Thông qua việc này, Trung Quốc muốn đánh bóng hình ảnh, và nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực.
Từ những vấn đề trên cho thấy, quan điểm “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” của Trung Quốc chỉ là cách để Trung Quốc đánh lừa cộng đồng quốc tế và tìm cách độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc khẳng định khai thác chung vùng biển Trường Sa trên cơ sở Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo. Đây là điều Việt Nam cũng như các bên tranh chấp khác không thể chấp nhận.