Ngày 25/11, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019, nhằm công khai đường lối chính sách quân sự Nhà nước Việt Nam, theo đó tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ.
Đây là Sách trắng Quốc phòng lần thứ 4 của Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã ba lần xuất bản Sách trắng Quốc phòng vào các năm 1998, 2004 và 2009. Sách trắng quốc phòng 2009 gồm 3 phần (tình hình an ninh và chính sách quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng; xây dựng Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ) cùng 11 phụ lục kèm theo như sơ đồ tổ chức Bộ Quốc phòng; cơ quan Tuỳ viên Quốc phòng Việt Nam tại nước ngoài; hệ thống học viện, nhà trường, viện nghiên cứu chủ yếu của quân đội…Sách trắng này thông tin, Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với quân số khoảng 450.000 người.
Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam được chia thành 3 phần. Phần thứ nhất là bối cảnh chiến lược và chính sách quốc phòng, tập trung khái quát tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam; Chiến lược bảo vệ tổ quốc; Chiến lược quốc phòng; Chiến lược quân sự Việt Nam; Chính sách quốc phòng Việt Nam… Cuốn sách cũng nêu rõ những thách thức và những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng của Việt Nam, cơ cấu của Bộ Quốc phòng; tổ chức, phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ đất nước… Phần thứ hai là xây dựng nền quốc phòng toàn dân gồm 4 nội dung là xây dựng tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; và lãnh đạo, quản lý quốc phòng. Phần thứ 3 nói về truyền thống lịch sử quân sự Việt Nam; lịch sử hình thành và phát triển, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 được in thành 2 bản tiếng Việt và tiếng Anh, cung cấp cho các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước, đại sứ quán, tuỳ viên quân sự các nước… Bên cạnh sách trắng Quốc phòng Việt Nam, Sách ảnh Quốc phòng Việt Nam cũng được công bố, tập hợp hình ảnh quân đội từ những ngày đầu, trải qua các cuộc chiến tranh, quá trình xây dựng đất nước, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Theo Sách trắng, quốc phòng Việt Nam được đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, nhưng không chạy đua vũ trang. Ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%… 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36%.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 đến nay chưa lạc hậu, các chính sách chiến lược cũng cần có thời gian để được kiểm nghiệm. Sau 10 năm, sự nghiệp xây dựng quân đội, quốc phòng có bước phát triển mới, bối cảnh chiến lược có thay đổi nên cần có Sách trắng Quốc phòng mới. Ông nhấn mạnh, mục đích, ý nghĩa của Sách trắng Quốc phòng nhằm minh bạch hóa chính sách quốc phòng, xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới; là tài liệu để toàn xã hội, nhất là lớp thanh niên trẻ tiếp cận được với đường lối của Đảng trong xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc. Cuốn sách đề cập đến những vấn đề mới trong bối cảnh chiến lược, những thách thức; bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự, xây dựng quân đội phù hợp yêu cầu mới, trình độ hiện đại hóa… Tuy nhiên, những nột dung cốt lõi không thay đổi so với 2009. “Sách trắng lần này không ngại giới thiệu trang bị vũ khí của quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện sự minh bạch của Quốc phòng Việt Nam. Vũ khí của Việt Nam vừa đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc và không phương hại đến quốc gia nào”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định và cho biết thêm, tỷ lệ trang bị vũ khí do Việt Nam tự sản xuất hiện nay đã nhiều hơn trước, chứng tỏ sự tự lực của Việt Nam trong vũ khí những năm qua.Theo Bộ Quốc phòng, Việt Nam “đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác bằng các biện pháp hòa bình, góp phần xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình ổn định và thịnh vượng”.