Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaXu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông...

Xu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông trong năm 2020

Trong năm 2020, về cơ bản Mỹ sẽ duy trì cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông như hiện nay. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, gia tăng các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác và tập trận chung với các nước đồng minh và nghiên cứu, tìm kiếm các biện pháp trừng phạt Trung Quốc khi có các hành vi khiêu khích ở Biển Đông.

Chủ trương, chính sách và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông trong năm 2019

Trong năm 2019, Mỹ đã thúc đẩy nhiều hoạt động thực tế nhằm đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Những tuyên bố, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đều được triển khai dựa trên chính sách mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó, Mỹ sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải, ngoại giao pháp lý, hỗ trợ an ninh trên biển và hỗ trợ các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc.

Về tuyên bố ngoại giao.

Giới chức quân sự Mỹ cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa từng đưa ra hồi năm 2015 về việc không tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông; nhấn mạnh hành vi mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa to lớn và lâu dài trong việc duy trì tự do thương mại và tự do di chuyển trong khu vực; khẳng định “bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tư tưởng của mình để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hiện có. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (1/6) chỉ trích hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh có lẽ mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực đến từ các nhân vật tìm cách phá hoại, thay vì tuân thủ, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bộ Quốc phòng Mỹ (27/8) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về các hoạt động trên biển của nước này ở ngoài khơi Việt Nam trên Biển Đông; khẳng định Trung Quốc đã nối lại “việc can thiệp mang tính cưỡng ép” vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam; cho rằng với chiến thuật kiểu “bắt nạt” như vậy, Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.

Giới chức ngoại giao Mỹ đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích Trung Quốc, cho rằng việc Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng với các tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”; tái khẳng định các công ty năng lượng của Mỹ có lợi ích ở Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất dầu khí không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu.

Giới chức Chính phủ, nghị sỹ Mỹ lên án Bắc Kinh cũng tố cáo Trung Quốc muốn “lập tỉnh mới” ở Biển Đông và khẳng định Mỹ sẽ ngăn chặn Bắc Kinh lộng hành trên Biển Đông; khẳng định các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, các tuyên bố chủ quyền vô lý, hành động quân sự hóa các thực thể, phớt lờ Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực bác bỏ dứt khoát yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông cũng như việc Bắc Kinh gây áp lực buộc các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho mình là các vấn đề mà Mỹ cần ưu tiên lưu tâm vào thời điểm hiện tại.

Đưa ra một số Dự luật trừng phạt Trung Quốc

Trong năm 2019, Thượng Nghị sĩ Todd Young và Mitt Romney của đảng Cộng hòa cùng Maggie Hassan và Catherine Cortez Masto của đảng Dân chủ (25/9) đệ trình “Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2019”. Theo đó, Dự luật kêu gọi Chính quyền Mỹ tăng cường hợp tác với các nước đồng minh đối phó với Trung Quốc. Nếu được thông qua, dự luật sẽ thúc đẩy Mỹ cùng các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu đưa ra giải pháp thống nhất nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không những vậy, Hạ viện Mỹ (24/9) đã thông qua “Dự luật Chiến lược Đông Nam Á” (Southeast Asia Strategy Act) nhằm tăng cường sự can dự của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á và đảm bảo rằng các đối tác quan trọng trong khu vực nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ của Washington. Hiện dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét. Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã đề xuất “Dự luật trừng phạt Trung Quốc do các hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Đến năm 2019, Dự luật trên tiếp tục được 13 nghị sỹ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đưa ra thảo luận. Nếu được thông qua, “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” sẽ cho phép chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính tại Mỹ, thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ đối tượng nào bị cáo buộc có liên quan tới “các hoạt động hay chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” trên Biển Đông.

Về việc tăng cường hiện diện quân sự

Mỹ thúc đẩy nhiều hoạt động tập trận, tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo đó, Hải quân Mỹ (7/1) đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; Mỹ (11/2) đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa; Mỹ (19/5) điều tàu USS Preble (DDG-88) trang bị tên lửa Tomahawk đã đi dọc theo bãi cạn Scarborough ở Biển Đông; Hải quân Mỹ (6/5) điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma; Mỹ (28/8) đã điều tàu khu trục USS Wayne E. Meyer áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập; Mỹ (13/9) điều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer áp sát khu vực quần đảo Hoàng Sa; Mỹ (9/2019) cũng đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông; Hải quân Mỹ (11/2019) điều 2 tàu khu trục trang bị tên lửa tuần tra Hoàng Sa và đá Vành Khăn.

Hợp tác với các nước đồng minh và các nước trong khu vực. Trong năm 2019, cùng với những hoạt động trên thực địa và tuyên bố ngoại giao, Mỹ tăng cường quan hệ với các nước đồng minh thân thiết trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Philippines, Anh, Pháp… để tìm cách kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Hải quân Mỹ nhiều lần cử tàu sân bay, tàu khu trục… tham gia giao lưu, tập trận chung với các nước đồng minh và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đáng chý, Mỹ lần đầu tiên (2019) tiến hành tập trận hải quân chung với các nước ASEAN trên Biển Đông.

Xu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông trong năm 2020

Việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông không đơn thuần xuất phát quan tâm đến hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, mà chủ yếu là xuất phát từ toan tính tổng thể về địa chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm phục vụ cho chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của nước này. Theo quan điểm của Mỹ, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ là lực lượng chính làm thay đổi kết cấu địa chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, do vậy, việc đề phòng và ngăn chặn Trung Quốc là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Mỹ tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông là để phục vụ cho mục tiêu này. Trước khi mục tiêu nói trên bị thất bại hoặc không thể khả thi, ít khả năng Mỹ thay đổi cách tiếp cận này đối với vấn đề Biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và các khu vực lân cận, đẩy mạnh quan hệ kinh tế và quân sự với các nước Đông Nam Á.

Trong năm 2020, Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm và can dự vào vấn đề Biển Đông, nhưng đồng thời cũng phải thấy được giới hạn và trở ngại mà Mỹ phải đối mặt khi can dự vào khu vực này. Giới hạn và trở ngại trước hết đến từ tình hình thực tế của bản thân nước Mỹ, vai trò của ASEAN, và ảnh hưởng của Trung Quốc. Vị thế của Mỹ ở Biển Đông đứng trước nhiều thách thức. Thứ hai, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính cùng với hệ lụy của các cuộc chiến tranh Afghanistan và Irắc sức mạnh tương đối của Mỹ sụt giảm. Xu thế suy thoái của Mỹ đã rõ, chiến lược toàn cầu của Mỹ bắt đầu thu hẹp. Thứ ba, xét từ bố cục chiến lược toàn cầu của Mỹ, Đông Nam Á cũng không phải là địa bàn chiến lược hàng đầu của Mỹ, hiện nay Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông một mặt tích cực hơn trước đây chủ yếu là nhằm đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của mình. Mỹ sẽ không áp dụng biện pháp này đến mức vượt quá mục tiêu. Thứ tư, tuy Mỹ giữ cho khu vực Biển Đông căng thẳng ở mức độ vừa phải để duy trì lợi ích chiến lược của mình, nhưng cũng không muốn thấy khu vực này xảy ra chiến tranh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của tuyến đường hàng hải thương mại và quân sự của Mỹ và tăng thêm tính phức tạp trong việc xử lý mối quan hệ với các nước đồng minh khu vực của họ. Còn đối với các nước ASEAN như Philippines, Indonesia mục tiêu là đẩy mạnh chiến lược cân bằng nước lớn, chứ không muốn khu vực này trở thành chiến trường để các nước lớn ngoài khu vực tranh giành lợi ích địa chính trị, cũng sẽ không muốn đi với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Philippines đưa thế lực ngoài khu vực như Mỹ vào vấn đề Biển Đông nhằm cân bằng ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này. Nhằm tăng cường bảo vệ các đảo xa bờ, Philippines cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ quân sự phía Tây đảo Palawan. Động thái này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động để khẳng định những yêu sách đơn phương áp đặt trên Biển Đông.

Thực tế là Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều lợi ích chung quan trọng, hai nước lệ thuộc lẫn nhau cao độ về mặt kinh tế nên sẽ tránh đối đầu toàn diện chỉ vì vấn đề Biển Đông. Vấn đề Biển Đông tuy quan trọng nhưng trong đại cục quan hệ Trung – Mỹ nhưng chỉ là thứ yếu so với lợi ích hợp tác thương mại toàn diện giữa hai nước. Mặc dù sự can dự của Mỹ làm phức tạp thêm tranh chấp, nhưng khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông không nhiều. Trong tương lai Mỹ tiếp tục can dự của Mỹ vào Biển Đông nhưng sẽ có giới hạn và mang tính lựa chọn.

Tuy nhiên, do tầm quan trọng của tự do đi lại trên biển đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ, có thể dự báo, lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông trong tương lai không thể mềm dẻo hơn. Theo đó, chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn. Về khía cạnh ngoại giao, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông; chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông; Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…) để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực; thông qua các kênh khác nhau góp phần thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông. Về khía cạnh quân sự, Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn; gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực; Đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại, Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới