Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiều gì khiến TQ đòi các nước muốn tập trận chung ở...

Điều gì khiến TQ đòi các nước muốn tập trận chung ở Biển Đông phải có sự đồng ý trước

Tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN để tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn đang diễn ra với bao kỳ vọng của tất cả những người quan tâm đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á. Người ta mong muốn COC cho dù không giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông giữa các nước, nhưng chí ít nó cũng là một văn bản mang tính pháp lý, quy định chi tiết cho những hành vi được phép hay không được phép trên một phạm vi biển nhất định, nhằm loại bỏ những hiểu lầm không đáng có, nhất là loại bỏ những yếu tố vi phạm luật pháp quốc tế trong ứng xử giữa các quốc gia có chủ quyền xung quanh Biển Đông. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán trên có vẻ “dẫm chân tại chỗ” khi Trung Quốc đưa ra ba điều kiện tiên quyết để đạt được COC. Một trong ba điều kiện đó là: Các nước bên ngoài khu vực muốn tập trận chung với các nước trong khu vực thì phải có sự đồng ý trước. Điều kiện trên không nói rõ nước cụ thể nào ngoài khu vực muốn tập trận chung với nước cụ thể nào trong khu vực và phải có sự đồng ý của ai. Nhưng người ta vẫn hiểu được thâm ý của Trung Quốc là các nước ngoài khu vực muốn tập trận ở Biển Đông với các nước trong khu vực phải được sự “cho phép” của Trung Quốc. Điều kiện trên thoạt nghe có vẻ như đề cao ý thức gìn giữ hòa bình và tư cách làm chủ khu vực của các nước. Nhưng thực chất, nó lại chỉ phục vụ cho Trung Quốc hướng lái COC trong tương lai theo ý đồ của họ mà thôi.

Trước hết, cần phải hiểu rằng, trong quan hệ quốc tế, kể cả quan hệ song phương và đa phương, quốc phòng – an ninh là lĩnh vực nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, có sự cọ xát và kiểm chứng qua thời gian, và do đó nó thường phát triển đi sau các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế, văn hóa… Khi các bên đã ký kết hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh, nhất là phối hợp tổ chức các cuộc tập trận chung, thì điều đó có thể hiểu là mối quan hệ trên các lĩnh vực giữa hai nước hoặc giữa các bên đã có sự phát triển cao. Trên một bình diện khác, trong đời sống chính trị quốc tế, thông thường mỗi khi ở một khu vực nào đó của thế giới có chuyện bất ổn, hay giữa hai quốc gia gần nhau có chuyện bất ổn trong quan hệ thì người ta thường tính đến chuyện “động binh” để răn đe và phòng ngừa, trong đó tập trận quân sự là “bài” đầu tiên. Biển Đông với những diễn biến gần đây đã trở thành khu vực bao hàm trong nó cả hai nhân tố khuyến khích cho các hoạt động tập trận quân sự diễn ra. Nhân tố thứ nhất là do quan hệ của các nước trong khu vực với các nước lớn ngoài khu vực đã phát triển nhanh chưa từng có. Thậm chí, hầu hết các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga… đều đã trở thành đối tác chiến lược của ASEAN. Các nước trên đã lần lượt “đánh tiếng” muốn tập trận quân sự với từng nước ASEAN hay nhiều nước ASEAN. Việc Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga… muốn tập trận chung với các nước trong khu vực Biển Đông là có nhiều lý do, nhưng nó cũng cho thấy, quan hệ giữa các nước này với các nước ASEAN đã có sự phát triển ngày càng gắn bó mật thiết hơn. Còn nhân tố thứ hai lại cho thấy Biển Đông gần đây luôn diễn biến căng thẳng, phức tạp do các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với ngư dân và hoạt động kinh tế bình thường của các nước có chủ quyền xung quanh. Những hành động đó làm cho an ninh Biển Đông bất ổn, khiến người ta buộc phải tính đến tập trận quân sự để phòng ngừa, răn đe.

Trung Quốc, với tham vọng trở thành “nhà lãnh đạo” khu vực, đương nhiên không lấy gì làm hào hứng lắm với cả hai nhân tố trên. Vì để cho các nước tập trận ở Biển Đông với bất cứ lý do nào thì cũng đều “tổn hại” cho họ. Nếu các nước thông báo trước hoạt động tập trận chung, Trung Quốc sẽ không đến nỗi bị lép vế và mất thế độc tôn trong cái gọi là “độc quyền” kiểm soát Biển Đông. Ít ra, Trung Quốc sẽ kiểm soát được mức độ mối quan hệ của các nước trong khu vực với các nước bên ngoài trong trường hợp thứ nhất và sẽ chủ động đối phó với những gì sẽ diễn ra trong trường hợp thứ hai. Vì thế, cần phải yêu cầu các nước muốn tập trận phải có sự đồng ý trước.

Thứ hai, theo tuyên truyền của Trung Quốc thì hiện nay, Biển Đông vẫn “bình yên”, làm gì có bất ổn. Có chăng chỉ là do có sự can dự của các nước bên ngoài khu vực vào đây, trong đó có hoạt động tập trận quân sự, khiến cho Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nên cần loại bỏ yếu tố này. Truyền thông Trung Quốc lập luận, kể từ khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vấn đề Biển Đông đến nay, Trung Quốc và các nước có tranh chấp ở Biển Đông đã đạt được một số nhận thức chung trong việc đàm phán, bàn bạc giải quyết tranh chấp, các cuộc tham vấn về COC được đẩy nhanh, hợp tác thực chất trên biển được thúc đẩy, tình hình Biển Đông ổn định theo chiều hướng tích cực, có thể kiểm soát. Tuy nhiên, các quốc gia ngoài khu vực mà đứng đầu là Mỹ thông qua tăng cường sự hiện diện quân sự và bán quân sự của mình ở khu vực Biển Đông, thắt chặt quan hệ hợp tác an ninh song phương với các nước có yêu sách chủ quyền nhằm mục đích làm suy yếu sức mạnh quân sự đang không ngừng được tăng cường của Trung Quốc ở Biển Đông, thách thức chủ trương của Trung Quốc ở vùng biển này, tình hình ở Biển Đông vì thế đang đối mặt với những bất ổn “không đáng có”. 

Cũng theo truyền thông Trung Quốc, sau khi chuyển từ chiến lược “tái cân bằng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương” sang chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Mỹ tiếp tục đầu tư chiến lược vào Biển Đông thông qua việc tăng cường bố trí tiền đồn, mở rộng các nước đối tác an ninh và xây dựng mạng lưới an ninh khu vực lấy Mỹ làm trung tâm để nhằm mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Việc Mỹ triển khai lực lượng quân sự ở Biển Đông và khu vực xung quanh ngày càng nhiều và mang tính khiêu khích hơn đã gia tăng mức độ đe dọa quân sự đối với Trung Quốc. Mặt khác, “Chương trình tự do hàng hải” của Mỹ lấy phán quyết của PCA làm căn cứ, thách thức chủ trương mang tính tổng thể về quần đảo của Trung Quốc, có ý đồ chia các đảo đá, rạn san hô ở Trường Sa thành từng rạn đá hoặc vùng cận duyên (nổi khi triều thấp, chìm khi triều cao) không có quyền quản lý vùng biển hoặc quyền lợi biển hạn chế, khiến cho diện tích vùng biển mà Trung Quốc chủ trương kiểm soát ở Biển Đông bị “vỡ vụn”. Bên cạnh đó, dưới sự khuyến khích của Mỹ, các nước đồng minh như Nhật Bản, Australia, Anh… cũng lần lượt đưa tàu chiến tiến vào Biển Đông, cố ý khuấy động tình hình Biển Đông vốn đang ổn định theo chiều hướng tích cực. Năm 2019, Mỹ còn triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển đến Biển Đông để giám sát tàu thực thi pháp luật và tàu cá của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ đối xử giống nhau đối với tàu cảnh sát biển, tàu cá và nhân viên quân sự Trung Quốc phối hợp với các hoạt động hải quân. Đồng thời, Mỹ còn dần thắt chặt quan hệ quốc phòng với các nước có tranh chấp ở Biển Đông, chẳng hạn như dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, bán tàu chiến, tặng tàu tuần tra cao tốc, nâng cao năng lực phòng vệ trên biển của Việt Nam. Đặc biệt, cùng Philippines, Malaysia tổ chức tập trận chung nhằm vào Trung Quốc…

Với luận điệu tuyên truyền trên, Trung Quốc đang ra sức đổ lỗi về những bất ổn ở Biển Đông thời gian qua chủ yếu là do các hành động can dự, trong đó có hoạt động tập trận quân sự của các nước bên ngoài khu vực.

Nhưng trên thực tế, chính các hoạt động của Trung Quốc đã và đang đe dọa đến các lợi ích trên biển không chỉ đối với các nước trong khu vực, mà còn cả đối với các nước ngoài khu vực theo quy định của luật pháp quốc tế. Sau khi PCA ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc, với ưu thế sức mạnh và tham vọng của mình đã tìm mọi cách để xoay chuyển tình thế trên tất cả các mặt trận để nắm quyền kiểm soát Biển Đông. Họ không hề “chùn bước” trước phán quyết của PCA mà ngược lại, còn triển khai nhiều hoạt động bất chấp lẽ phải và đạo lý. Cùng với việc tiến hành cuộc chiến pháp lý, truyền thông, ngoại giao, Trung Quốc đã triển khai hoạt động bồi đắp, cải tạo các đá ngầm, bãi cạn và tiến hành “quân sự hóa” trên diện rộng ra khắp Biển Đông. Đã hoàn thiện ba đường băng dài trên 3.000m, thiết lập hệ thống tên lửa, mạng lưới radar, anten…tại quần đảo Trường Sa; lắp đặt trang thiết bị mở rộng phạm vi giám sát trên không, trên biển và tác chiến điện tử ở quần đảo Hoàng Sa, đồng thời có kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thành “căn cứ hậu cần chiến lược”. Tại đảo Hải Nam, Trung Quốc đã nâng cấp 4 căn cứ không quân và xây dựng căn cứ tên lửa chiến lược liên lục địa. Nếu triển khai các loại máy bay chiến đấu hiện đại với phạm vi hoạt động từ 1.000 – 1.500km tại các căn cứ trên, thì Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát trên không toàn bộ Biển Đông và một phần lãnh thổ các nước ven Biển Đông. Không những thế, Trung Quốc còn đẩy mạnh triển khai hệ thống cảnh báo, giám sát dưới mặt biển như Khu nhận dạng hàng hải (MNIZ) và Khu nhận dạng âm thanh dưới mặt biển (UAIZ) ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện lực lượng hải quân, hải cảnh, hải giám để tuần tra, xua đuổi, bắt giữ phương tiện, tàu thuyền các nước ở Biển Đông; tích cực sử dụng hàng nghìn tàu cá vỏ sắt có công suất lớn, tàu cá dân binh như một mạng lưới trinh sát trên Biển Đông; gây sức ép với Philipppines tại đảo Thị Tứ; đưa tàu khảo sát địa chất xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính. Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức nhiều cuộc tập trận với tần suất và quy mô ngày càng mở rộng, trong đó có cuộc duyệt binh hải quân trên biển (tháng 4/2018) gần đảo Hải Nam với quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm phô trương sức mạnh, xa hơn là răn đe các nước.

Cho dù Trung Quốc cố tình “lấp liếm” sự thật trên thì trong thâm tâm họ cũng phải thừa nhận Biển Đông đã bị quốc tế hóa và nguy cơ xung đột xảy ra ngày càng cao. Chính vì vậy, để Biển Đông ổn định theo sự kiểm soát của Trung Quốc trong tương lai, một trong những điều kiện khi COC ra đời là Bắc Kinh bắt buộc các nước ngoài khu vực muốn tập trận chung thì phải thông báo cho họ, tức là phải “xin phép” Trung Quốc.

Thứ ba, hiện nay Trung Quốc chưa từ bỏ tham vọng chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông thông qua cái gọi là yêu sách “đường chín khúc” chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Bất chấp luật pháp quốc tế, như UNCLOS 1982, DOC, các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và ASEAN, giữa Trung Quốc với các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của PCA, Trung Quốc đã thực thi nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông theo yêu sách “đường chín khúc”, từng bước biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Trong các thủ đoạn, biện pháp và bước đi hiện thực hóa “đường chín khúc”, thủ đoạn trên mặt trận pháp lý được Trung Quốc chú trọng. Việc Trung Quốc đưa điều kiện các nước trong và ngoài khu vực muốn tập trận chung ở Biển Đông phải được sự đồng ý (của Trung Quốc), điều này có thể hiểu là nếu các nước đó thực hiện yêu cầu này của Trung Quốc thì vô hình chung đã thừa nhận Biển Đông là của Trung Quốc. Tức là Biển Đông là của tôi (Trung Quốc), anh muốn vào thì phải “xin phép” và có sự đồng ý của tôi thì mới được. Đây là cái “bẫy pháp lý” Trung Quốc đang giăng ra để “bẫy” các nước đang đàm phán với họ về COC, qua đó tạo sự thừa nhận gián tiếp chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông theo yêu sách “đường chín khúc”. Vì thế, các nước ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc nên tỉnh táo tránh xa “cạm bẫy” này.

Thứ tư, thực tế tình hình Biển Đông hiện nay cũng cho thấy, Mỹ và nhiều nước ngoài khu vực đã gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông để đối phó với các hành động quân sự của Trung Quốc. Từ khi lên nắm quyền năm 2017, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng cường điều tàu chiến, tàu sân bay, máy bay tuần tra Biển Đông, đặc biệt đã tiến hành 13 đợt hoạt động tự do hàng hải (so với 5 đợt dưới thời Tổng thống B.Obama), để ngỏ khả năng lập căn cứ quân sự mới gần Biển Đông. Mỹ cũng lôi kéo các đồng minh gia tăng hiện diện quân sự và tập trận chung ở Biển Đông và khu vực xung quanh, như tập trận chung với Nhật Bản, Anh, Ôxtrâylia và Philippines; tập trận chung chống ngầm với Anh, Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương; lên kế hoạch cho các cuộc tập trận đa quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào “kịch bản Biển Đông”. Gần đây nhất, từ ngày 02 đến ngày 06/09/2019), lần đầu tiên Hải quân Mỹ và Hải quân 10 nước ASEAN đã tiến hành cuộc tập trận hàng hải chung, địa điểm nằm bên ngoài “đường chín khúc” để tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên dư luận cho rằng, cuộc tập trận này xác định đối tượng giả định tuy không phải là Trung Quốc, nhưng thực chất nhằm đối phó lại với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Eric Sayers – người từng giữ vai trò cố vấn cho Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, bằng cuộc tập trận với ASEAN, Lầu Năm Góc muốn hình thành “các căn cứ quân sự tạm thời” để ngăn chặn khả năng Trung Quốc tấn công vào các căn cứ của Mỹ. Cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Elbridge Colby nhận định rằng, các hành vi gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đang hạ thấp hình ảnh và uy tín của Mỹ trong mắt các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, đã tới lúc Washington cần phải tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, bao gồm cả việc công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của một số nước đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chia sẻ thông tin tình báo, kết hợp đào tạo và tăng cường năng lực hàng hải cho các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Còn các chuyên gia trong khu vực thì cho rằng, cuộc tập trận lần này do Mỹ cầm đầu là để tăng cường quan hệ giữa Quân đội Mỹ và ASEAN nhằm cân bằng ảnh hưởng hàng hải của Trung Quốc trong khu vực, đối phó với thách thức và thúc đẩy quan hệ đối tác hàng hải, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Như vậy có thể hiểu là, chính các hành động phi pháp của Trung Quốc đã “kéo” các nước bên ngoài can thiệp ngày càng nhiều hơn đối với khu vực này, và những hành động can thiệp đó không chỉ để bảo vệ các quyền lợi trên biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế đối với các nước này, mà nó còn cho Trung Quốc thấy một điều rằng, chính Bắc Kinh đã “bôi mỡ cho kiến đốt” khi tạo ra nhiều mối đe dọa đối với mình. Đã đến lúc Bắc Kinh không thể không lo ngại đối với các hoạt động quân sự của các nước bên ngoài tại Biển Đông. Bởi ai biết được rằng trong quá trình tập trận đó, phương án giả định của tình huống diễn tập bất ngờ được chuyển thành phương án thật cho tình huống chiến tranh thì Trung Quốc có mà “trở tay không kịp”. Do đó, để đảm bảo chống bất ngờ trong mọi tình huống ở Biển Đông trong tương lai khi có một COC mới ra đời, Trung Quốc nhất thiết yêu cầu các nước phải đáp ứng điều kiện trên.

Xét cho cùng, điều kiện Trung Quốc yêu cầu các nước trong và ngoài khu vực muốn tập trận chung ở Biển Đông phải có sự đồng ý trước vẫn chỉ là xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho tham vọng yêu sách chủ quyền theo cái gọi là “đường chín khúc” ở Biển Đông được hiện thực hóa. Chừng nào Bắc Kinh còn nuôi tham vọng này, thì chừng đó họ còn tìm mọi cách, mọi lý do, điều kiện để làm chậm hay gây cản trở, khó khăn cho tiến trình đàm phán COC. Vì vậy, các nước ASEAN, nhất là những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông phải kiên trì nhưng cũng hết sức cảnh giác, khôn khéo trong đàm phán thì mới mong có được COC thực chất.

RELATED ARTICLES

Tin mới