Wednesday, December 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrò bẩn viện trợ để lôi kéo đồng minh của TQ đang...

Trò bẩn viện trợ để lôi kéo đồng minh của TQ đang phản tác dụng

Trung Quốc vừa trao cho El Salvador một khoản viện trợ không hoàn lại nhằm “cảm ơn” nước này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tuy nhiên, những chiêu trò trên của Bắc Kinh đang làm các nước nhận viện trợ lo ngại “bẫy nợ” nguy hiểm của Trung Quốc.

Viện trợ để lôi kéo đồng minh

Trong những năm gần đây, cùng với việc Trung Quốc vươn lên trở thành nên kinh tế thứ 2 trên thế giới, đã thuận lợi cho nước này dùng con bài kinh tế để tác động, lôi kéo quan hệ ngoại giao và tác động các nước ủng hộ Bắc Kinh trong những vấn đề chiến lược của nước này. Số đối tượng nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc có thể kể đến như Campuchia, Lào, Philippines, El Salvador, Sri Lanka, Solomon…

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống El Salvador Nayib Bukele (3/12), phía Trung Quốc đồng ý chi tiền xây sân vận động và thư viện ở El Salvador sau khi đảo quốc này cắt quan hệ với Đài Loan. Hai nước cũng ra tuyên bố chung cho biết Bắc Kinh sẽ trả tiền xây dựng hai dự án cấp nước, cũng như tiến hành “sửa chữa và mở rộng” khu du lịch Surf City và bến tàu La Libertad dọc bờ biển El Salvador. Trước đó, Trung Quốc đã thông báo đồng ý rót vốn vào một quỹ phát triển của Solomon để thay thế cho một quỹ tương tự do Đài Loan cấp cho Solomo. Đổi lại, Solomon phải chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chính thức thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Giới nghị sĩ Solomon cho biết đề xuất của Trung Quốc sẽ giúp bù đắp khoảng trống bỏ lại trong trường hợp Solomon cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau 36 năm. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội của quốc đảo Solomon Peter Kenilorea (2/9) cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi cho biết quần đảo này có thể sẽ đưa ra kiến nghị bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.

Trong khu vực Đông Nam Á, quan hệ gần gũi của Lào và Campuchia với Trung Quốc gắn với khả năng của Trung Quốc đưa ra các ưu đãi kinh tế để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ. Đổi lại, họ đóng vai trò như một hành lang địa lý chiến lược và “tự nhiên” cho dòng đầu tư, hàng hóa và con người của Trung Quốc từ Vân Nam tới Vịnh Thái Lan. Thật vậy, trong năm 2011, Chính phủ Trung Quốc đã xác định rõ Vân Nam là một “đầu cầu” để thâm nhập về kinh tế vào khu vực Đông Nam Á. Khuôn khổ bao trùm mới nhất là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đang phát triển, trong đó xác định Lào và Campuchia là các nút quan trọng trong “Hành lang bán đảo Đông Dương” với những hứa hẹn mang lại nhiều phúc lợi kinh tế và phát triển hơn. Ở Lào, quy mô của các dự án BRI được minh họa bằng dự án đường sắt cao tốc (HSR) với chi phí 6,8 tỷ USD, bằng khoảng 1/2 GDP năm 2015 của nước này là 12,3 tỷ USD. Tuyến đường dài 417 km từ biên giới Trung Quốc tới Viêng Chăn sẽ đi qua 154 cây cầu và 76 đường hầm, và cuối cùng là một phần của tuyến đường sắt xương sống chạy từ Côn Minh tới Singapore. Campuchia vẫn chưa có một dự án BRI trọng điểm tương tự như HSR, nhưng Chính phủ Campuchia đã ký bản “Đề cương về kế hoạch hợp tác song phương cùng xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” vào tháng 5/2017, tập trung vào 7 khu vực hợp tác chủ chốt. Trong khi đó, Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến các dự án phát triển trị giá hàng tỷ USD cho một sân bay mới (ở Siem Reap), các cảng biển (thuộc tỉnh Koh Kong), đường cao tốc và các nhà máy thủy điện trong khuôn khổ BRI.

Do mức độ phát triển thấp, các chính phủ Lào và Campuchia đã mở rộng vòng tay chào đón những đề xuất và sáng kiến kinh tế của Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, tổng đầu tư tích lũy của Trung Quốc tại Lào đã vượt mức 6 tỷ USD trong năm 2016 – khiến Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở nước này. Bộ này cũng xác định Trung Quốc là bên cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất hay nhà tài trợ lớn nhất cho Lào trong năm 2014 với tổng vốn tài trợ là 187 triệu USD. Ở Campuchia, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng vốn đầu tư tích lũy đạt gần 12 tỷ USD tính đến cuối năm 2016. Nó rõ ràng chiếm tới gần 35% tổng FDI vào Campuchia. Tương tự, Campuchia cũng coi Trung Quốc là đối tác viện trợ tài chính và phát triển quan trọng nhất của nước này (Lưu ý: các khoản vay và cho vay ưu đãi đã làm nên một khoản “viện trợ” khổng lồ từ Trung Quốc nhưng chúng không được tính vào tính toán về ODA của OECD và phương Tây). Khoản viện trợ kinh tế và cho vay chính xác của Trung Quốc dành cho Lào và Campuchia vẫn chưa được xác định do số liệu rải rác. Tuy nhiên, chúng rất lớn và hầu hết dành cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm mang tính chiến lược. Ví dụ, văn phòng của Ngân hàng thế giới ở Viêng Chăn ước tính Trung Quốc đã bổ sung khoảng 4,8 tỷ USD vào khoản vay cho Lào chỉ riêng trong dự án HSR. Ở Campuchia, Trung Quốc được xác định là bên cho vay nước ngoài lớn nhất của Campuchia từ năm 2010 với các dự án như dự án thủy điện Hạ Sesan 2 trị giá 900 triệu USD và một dự án xây dựng đường cao tốc quốc gia trị giá 1,6 tỷ USD được tài trợ bằng tiền của Trung Quốc.

Bẫy nợ khổng lồ

Chính sách “ngoại giao bẫy nợ” được Trung Quốc thực hiện trên khắp thế giới. Trung Quốc phóng tay cho nhiều quốc gia không giàu có, nhưng có vị trí chiến lược, vay tiền. Tờ Thời báo tự do (Đài Loan, ngày 6/3), đưa tin, nhằm đấy mạnh triển khai cái gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) tại 68 quốc gia bao trùm khu vực châu Á, châu Phi và châu Âu, dự kiến Trung Quốc sẽ phải chi tới gần 8.000 tỷ USD. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của phía Mỹ, chiến lược này của Trung Quốc đã khiến 8 quốc gia bao gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mongolia, Montenegro, Pakistan, Tajikistan đứng bên bờ vực khủng hoảng tài chính.

Không những vậy, khu vực Nam Thái Bình Dương đang là một trong những địa điệm ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Theo Viện nghiên cứu Lowy của Australia, trong thời gian từ năm 2006 đến 2016, Trung Quốc đã viện trợ cho các nước Nam Thái Bình Dương tổng cộng 17,8 tỷ USD và trở thành đối tác cung cấp viện trợ lớn thứ ba cho khu vực này, chỉ sau Australia và Mỹ. Cụ thể, Bắc Kinh đã cung cấp cho Tonga 172 triệu USD để hỗ trợ nước này xây dựng các công trình giao thông công cộng và trường học, hỗ trợ Papua New Guinea 632 triệu USD, Fiji 360 triệu USD, Vanuatu 243 triệu USD và đảo Cook 50 triệu USD. Ngược lại, nền kinh tế của các nước này cũng dần phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Đơn cử, số nợ của Tonga với Trung Quốc chiếm 64% tổng số nợ nước ngoài và chiếm tới 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Sự viện trợ ồ ạt vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại Nam Thái Bình Dương mà không cần quan tâm đến nhu cầu sử dụng đang là một vấn đề đối với khu vực này. Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Australia, bà Concetta Fierrevanti-Wells mới đây đã chỉ trích việc làm này của Bắc Kinh, nêu rõ rằng các công trình không cần thiết đang “đầy rẫy” tại khu vực này. Tuyên bố của bà Wells chứa đựng hàm ý rằng Trung Quốc chỉ đang muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực chứ không thực tâm hỗ trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho rằng Thái Bình Dương giờ đây đang trở thành khu vực chiến lược tranh giành giữa các nước lớn. Do đó, New Zealand sẽ cùng với Australia buộc phải xem xét lại chiến lược và củng cố ảnh hưởng truyền thống tại đây.

Bắc Kinh trấn an không thành

Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, chủ yếu là từ các nước phương Tây, rằng họ đang “trói buộc” các nước nghèo và các nước đang phát triển bằng những khoản vay mà đối phương không có khả năng hoàn trả, để từ đó thúc đẩy ảnh hưởng chính trị. Bắc Kinh bác cáo buộc, khẳng định các khoản vay của họ là rất cần thiết và được hoan nghênh ở những nước bị phương Tây bỏ qua, đồng thời chỉ ra việc họ cung cấp chúng mà không đi kèm bất cứ điều kiện chính trị nào.

Để ngụy biện về bẫy nợ của mình đối với các nước nhận viện trợ, Ngoại trưởng Vương Nghị (20/9) từng trấn an Maldives khi cho rằng “hợp tác Trung Quốc – Maldives nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng của người dân Maldives, không có ý đồ chính trị và không tìm kiếm lợi ích địa chính trị”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói sẽ hỗ trợ Maldives hết sức có thể mà không đi kèm các điều kiện chính trị cũng như không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này và khẳng định “hoàn toàn không có căn cứ khi nói Maldives bị sa lầy vào bẫy nợ của Trung Quốc”.

Bất chấp việc Trung Quốc đưa ra các cam kết khẳng định “không có ý đồ chính trị và không tìm kiếm lợi ích địa chính trị” khi viện trợ các nước, Malaysia đã ngừng một số dự án Trung Quốc và muốn thương lượng lại vì lo gánh nợ quá lớn và đối mặt với vấn đề chính trị nhạy cảm. Theo đó, tại Malaysia, một công ty điện Trung Quốc đang đầu tư vào cảng nước sâu đủ lớn để tiếp tàu sân bay, một công ty quốc doanh Trung Quốc đang cải tạo bến cảng dọc theo Biển Đông. Mạng lưới đường sắt chủ yếu được tài trợ bởi ngân hàng chính phủ Trung Quốc đang được xây dựng, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc còn đang xây 4 đảo nhân tạo để làm nhà ở cho gần 700.000 người, với khách hàng mục tiêu là công dân Trung Quốc. Các dự án này là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành được ảnh hưởng toàn cầu. Malaysia từng hào hứng chào đón đầu tư từ Trung Quốc nhưng giờ đây họ đang thận trọng vì lo sợ phải gánh khoản nợ quá lớn với các dự án không khả thi hoặc không cần thiết. Chính quyền Mahathir cũng đang cho dừng để xem xét lại thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để xây dựng đường ống dẫn khí đốt ở Malaysia.

Ủy ban bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) vừa cảnh báo về những rủi ro khi làm ăn với các công ty Trung Quốc, đồng thời nêu bật nỗi lo liên quan đến nỗ lực của Bắc Kinh trong việc gia tăng ảnh hưởng kinh tế lên quốc gia Đông Nam Á này. Phó Chủ tịch KPK Laode Muhammad Syarif cho biết, “KPK đang kêu gọi chính phủ cẩn trọng hơn với đầu tư đến từ Trung Quốc. Họ đang làm điều đó như một phần của nỗ lực tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Vì thế, chúng ta phải rất thận trọng”. Kim ngạch thương mại hai chiều Indonesia – Trung Quốc đạt 72,3 tỉ USD trong năm 2018, tăng 22% so với năm trước đó. Trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia ngày càng tăng, Bắc Kinh là một đối tác kinh tế quan trọng của Jakarta. Trung Quốc đang hỗ trợ Indonesia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên giữa Jakarta và TP Bandung. Tuy nhiên, đã xuất hiện chất vấn về tính minh bạch của dự án 6 tỉ USD này. Ngoài ra, ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc dẫn đến nhận định rằng Jakarta đang quá phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Papua New Guinea, quốc gia Tây Nam Thái Bình Dương với dân số 8 triệu, là một trong những mục tiêu mới nhất của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng gây ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc hiện đã thay thế Nhật Bản trở thành quốc gia cho vay song phương lớn nhất ở Papua New Guinea. Dự kiến đến cuối năm nay, Papua New Guinea sẽ nợ Trung Quốc 1,9 tỷ USD từ các khoản vay ưu đãi, chiếm khoảng 25% tổng nợ của nước này. IMF cảnh báo những quốc gia khác vay tiền từ Trung Quốc ở khu vực như Samoa, Tonga hay Vanuatu cũng có nguy cơ cao rơi vào cảnh nợ nần và phải trả giá trong tương lai.

Các nước trả nợ cho Trung Quốc như thế nào

Để thanh toán các khoản nợ khổng lồ tường trừng “béo bở” của Bắc Kinh, các nước đang phải gán nợ bằng đất đai, tài nguyên, thậm chí là các thỏa thuận chính trị ngầm.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn ở Zambia và nhiều nước châu phi khác thông qua các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) “vô điều kiện” nhưng hầu hết các dự án đấu thầu công khai ở các nước này đều được trao cho các nhà thầu Trung Quốc. Trên khắp đất nước Zambia, các công ty Trung Quốc xây dựng sân bay, đường sá, nhà máy… mà chi phí phần lớn đều dựa vào vốn vay từ Trung Quốc. Chính phủ Zambia đã ký hợp đồng với người Trung Quốc khi không suy nghĩ gì và cố tình che đậy nhiều chi tiết nhưng tất cả mọi việc chỉ khiến sự hợp tác này biến thành chủ nghĩa thực dân thời hiện đại. Theo đó, Trung Quốc hiện đang đề xuất tiếp quản sân bay quốc tế Kenneth Kaunda nếu Chính phủ Zambia không trả được khoản nợ nước ngoài khổng lồ đúng hạn. Vấn đề ở đây là liệu nền kinh tế Zambia có còn đủ sức để trả khoản nợ đó hay không. Đây chính là chiến lược điển hình Trung Quốc. Hơn nữa, đó không phải là điều duy nhất Zambian phải chịu từ Trung Quốc. Người Trung Quốc đang sở hữu 60% cổ phần của tập đoàn truyền hình quốc gia Zambia, điều đó có nghĩa là, người Trung Quốc có quyền quyết định những gì được hay không được công chiếu trên các kênh truyền hình quốc gia.

Ghanacũng đang nối bước Zambia vì các nhà lãnh đạo của nước này đã bắt đầu ký kết hợp đồng với Trung Quốc. Cụ thể, Công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc, STARTIME đang dần có được vị trí trong các tổ chức lớn, các công ty khai thác lớn nhất của Ghana cũng sẽ sớm bị thâu tóm bởi một công ty Trung Quốc và nhiều công ty khác.

Chính phủ Kenya dường như cũng sẽ không thể trả được khoản vay nợ xây hàng loạt các cơ sở hạ tầng ở quốc gia châu Phi như đường cao tốc và đường sắt tiêu chuẩn (SGR) từ Mombasa tới thủ đô Nairobi, công trình có mục tiêu nhằm kết nối hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. “Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (CEB) sẽ nắm Cơ quan Quản lý cảng Kenya (KPA) nếu Tập đoàn Đường sắt Kenya (KRC) vỡ nợ. Khi đó, CEB sẽ thực thi quyền đối với tài sản dùng để bảo đảm tài khoản ký quỹ (gồm cảng Mombasa)”, theo African Stand. Trang tin châu Phi cho rằng Trung Quốc có thể sẽ giành quyền kiểm soát những công trình trên đất Kenya giờ vào chính sách “ngoại giao bẫy nợ”. Một trong số những tài sản mà Kenya có thể phải bàn giao là cảng Mombasa, cảng được đánh giá là lớn và tiềm năng nhất quốc gia châu Phi. Ngoài ra, danh sách này còn có cả công trình SGR và nhà kho container ở Nairobi. Africa Stand cho biết, trong năm 2018, công trình SGR lỗ tới 98 triệu USD. Con số này đưa đến một viễn cảnh ảm đạm rằng Kenya sẽ không thể trả được khoản nợ lên tới 4,9 tỷ USD để xây SGR. Tháng 11/2018, hãng tài chính Moody’s của Mỹ đã cảnh báo rằng Kenya có khả năng cao sẽ bị mất quyền kiểm soát những công trình chiến lược vì nợ nần Trung Quốc.

Năm 2010, Sri Lanka vay Trung Quốc 1,5 tỷ USD để xây một cảng cỡ lớn tại thị trấn Hambantota. Sau khi hoàn thành, cảng này gần như không có tàu bè neo đậu và vận chuyển hàng hóa. Do giá trị kinh tế của cảng biển mới này quá thấp và không sinh lời, Sri Lanka không có tiền để trả lại Trung Quốc, vì thế họ đã ký hợp đồng cho thuê luôn toàn bộ cảng cho Trung Quốc trong vòng 99 năm. Công ty China Merchants Port Holdings có 70% cổ phần chi phối tại cảng Hambatota. Cảng nước sâu trị giá 1,5 tỉ USD này dường như đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Các nguồn tin chính phủ và ngoại giao Sri Lanka nói rằng Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc có thể dùng cảng này làm căn cứ hải quân. Tuy nhiên, chính phủ Sri Lanka và Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo phủ nhận mối lo ngại này, khẳng định rằng thỏa thuận thuê cảng này có bao gồm một điều khoản nêu rõ không dùng cảng với mục đích quân sự. Và một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Hambatota sẽ là quá gần tới mức gây khó chịu cho đối thủ Ấn Độ. Đây có thể là lý do tại sao Ấn Độ có thể phải mong muốn cân nhắc một thỏa thuận với Sri Lanka để tự bỏ tiền ra điều hành “sân bay trống trải nhất thế giới”. Sân bay quốc tế Mattala Rajpaksa, một địa điểm khá gần với cảng Hambatota – tức là cũng liền kề Ấn Độ – được xây dựng bằng những khoản vay lãi suất cao từ Trung Quốc. Sau khi hoàn thành và được phong là “sân bay cô đơn nhất thế giới”, chính phủ Sri Lanka nghĩ ra ý tưởng dùng vị trí của sân bay này và mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhằm để thuyết phục Ấn Độ chi tiền ra bù lỗ cho mình, tuy nhiên có vẻ Ấn Độ không hài lòng với kế hoạch này cho lắm.

Pakistan cũng là một quốc gia có vị trí gần Ấn Độ khác rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Hiệp ước song phương Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) có số kinh phí được loan báo là lên đến hơn 40 tỷ USD, vốn là một phần quan trọng trong dự án Vành đai – Con đường. Sau các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, Pakistan đã nợ Trung Quốc hơn 6 tỷ USD. Số nợ này cho phép Trung Quốc thực hiện một số tham vọng của mình. Đầu tiên Trung Quốc đã hoàn tất thương vụ thuê cảng nước sâu chiến lược Gwadar trong vòng 40 năm. Hiện nay, Trung Quốc lại cho xây một căn cứ quân sự tại Pakistan ngay gần với cơ sở thương mại mà Trung Quốc đã xây ở cảng Gwadar. Theo báo cáo “Thẩm tra tác động nợ của Sáng kiến Vành đai, Con đường từ quan điểm chính sách” của Trung Tâm Phát triển Toàn cầu xuất bản tháng 3/2018, Pakistan không chỉ nợ Trung Quốc hàng tỷ đồng, họ còn phải trả nợ với lãi suất cao, trong đó có các khoản lên tới 5%. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư Trung Quốc được cam kết lãi suất cao một cách không tưởng cho các dự án xây dựng tại Pakistan. Chẳng hạn, các dự án nhà máy điện do Trung Quốc đầu tư được chính phủ Pakistan hứa tỷ suất hoàn vốn 34% mỗi năm trong vòng 30 năm. Nhưng có lẽ chính phủ Pakistan không muốn tiếp tục dấn sâu vào con đường nợ nần với Trung Quốc. Tháng 11/2017, Pakistan loan báo họ sẽ không “tìm kiếm nguồn tài chính từ Trung Quốc” cho một dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn mới. Pakistan nói rằng các điều kiện của Trung Quốc để cho vay dự án đập thủy điện Diamer-Basha trên sông Indus chi phí 14 tỷ USD “là bất khả thi và đi ngược lại lợi ích của chúng ta”. Pakistan cũng đang mấp mé khủng hoảng nợ, tức là họ có thể phải xin cứu cánh từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hơn nữa, sau cuộc bầu cử gần đây, hiện chưa rõ chính phủ mới của Thủ tướng Imra Khan sẽ làm gì với các dự án đang diễn ra với Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc tích cực ra bài khuyên ông Imra đừng tin lời đường mật của phương Tây và củng cố chặt chẽ quan hệ Pakistan – Trung Quốc. Liệu chính phủ mới của Pakistan có học được bài học gì sau khi buộc phải cho Trung Quốc xây căn cứ quân sự trên đất của mình hay không, có lẽ tương lai mới có thể rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới