Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện về các nỗ lực thực hiện Chiến lược quốc phòng trong bối cảnh có nhiều cạnh tranh quyền lực, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood (5/12) cho biết, Mỹ tiếp tục xây dựng mối quan hệ quốc phòng hiệu quả với Việt Nam và cùng nhau vượt qua hậu quả chiến tranh.
Nội dung điều trần của Thứ trưởng John Rood bao gồm việc xác định thách thức từ sự cạnh tranh quyền lực của Trung Quốc và Nga cũng như nỗ lực của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc triển khai Chiến lược quốc phòng trong vòng 2 năm qua. Tại phiên điều trần, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood cho rằng Trung Quốc đang sở hữu một trong những quân đội lớn nhất trên thế giới và tiếp tục củng cố khả năng quân sự cũng như gia tăng các hành động gây hấn ở Biển Đông và châu Phi. Theo ông John Rood, các diễn biến trong năm 2019 cho thấy các hoạt động của Trung Quốc bao gồm việc quân sự hóa ở Biển Đông, phát triển năng lực tấn công mạng và không gian, cũng như các nỗ lực nhằm đạt được các công nghệ nhạy cảm hoặc tiến bộ nhằm phục vụ các mục đích quân sự, không tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ông John Rood cũng nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ đang tăng cường mạng lưới các đồng minh và đối tác trong đó có Việt Nam. Theo ông John Rood, Mỹ tiếp tục xây dựng mối quan hệ quốc phòng hiệu quả với Việt Nam và cùng nhau vượt qua hậu quả chiến tranh. Năm 2018, một tàu sân bay thuộc hải quân Mỹ đã tới thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Mỹ cũng đã chuyển giao cho Việt Nam một tàu tuần duyên và trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã tuyên bố sẽ chuyển giao thêm một tàu tuần duyên nữa cho Việt Nam. Thứ trưởng John Rood thông báo Mỹ sẽ đầu tư 521 triệu USD trong vòng 5 năm tới đối với các chương trình như Sáng kiến an ninh hàng hải nhằm xây dựng năng lực của các đối tác và đồng minh trong khu vực. Các chương trình này cũng sẽ giúp xây dựng năng lực của các đối tác trong việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải cũng như thúc đẩy việc trao đổi thông tin với các lực lượng của Mỹ.
Quan hệ hợp tác Việt – Mỹ được cải thiện trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên đến 52 tỷ USD năm 2016, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Trong hợp tác quốc phòng, Việt Nam đã được mời tham gia các cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn của Mỹ, trong khi Mỹ chuyển giao nhiều khí tài quân sự và điều các tàu chiến tới thăm Việt Nam. Đại diện Đại sứ quán Mỹ hôm 1/4 cũng đã bàn giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Việt Nam tại Khánh Hoà.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều tàu hải quân Mỹ cập cảng Cam Ranh của Việt Nam. Trước đó, theo Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, nhiều tàu quân sự của Hải Quân Mỹ đã ghé thăm Khánh Hòa, như tàu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Mỹ đã cập cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào tháng 5/2018; tàu vận tải đổ bộ USNS Fall River thăm Cam Ranh vào tháng 5/2017; tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG 56) lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ do Đoàn Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ do thượng nghị sĩ John McCain dẫn đầu đã cập cảng Cam Ranh vào tháng 6/2017; tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ cũng ghé thăm Cam Ranh vào tháng 12/2016; đặc biệt, vào năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm tàu USNS Richard E. Byrd khi neo đậu tại Cam Ranh.
Mỹ cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. Mỹ (5/2017) đã bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). USCGC Morgenthau có choán nước toàn tải 3.250 tấn, chiều dài 115 m, rộng 13 m, mớn nước 4,6 m, thủy thủ đoàn 160 người. Tàu có tốc độ tối đa 53,7 km/h, phạm vi hoạt động hơn 22.500 km và có thể hoạt động liên tục 45 ngày. Sau khi được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam, tàu được đổi tên thành CSB 8020. CSB 8020 dự kiến giúp nâng cao năng lực nhận thức về các vấn đề hàng hải của Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường năng lực trong thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, ứng phó nhân đạo. Ngoài ra, con tàu còn mang ý nghĩa biểu tượng và cụ thể về Quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ. Trong tháng 3/2019, Mỹ cũng đã chuyển giao 6 xuồng cao tốc Metal Shark cho Vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam. Động thái trên là một bước tiến quan trọng nữa trong việc mở rộng hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ. Nó còn thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực thực thi luật hàng hải, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển, hợp tác trợ giúp nhân đạo hàng hải trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mới, đây, phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã tuyên bố Mỹ sẽ chuyển giao chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam. Việc chuyển giao con tàu này – một trong những lớp tàu lớn nhất trong hạm đội Tuần duyên Mỹ – là biểu tượng cho quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam và sẽ giúp tăng cường thực thi luật hàng hải và khả năng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam. Ông Esper nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược này bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan tâm chung như an ninh hàng hải, hoạt động gìn giữ hoà bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ. Điều này bao gồm việc trang bị cho Việt Nam năng lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên để tiếp tục lớn mạnh”. Ngay sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, giới truyền thông nhận định nhiều khả năng tuần duyên lớp Hamilton mà Mỹ sắp chuyển giao cho Việt Nam là tàu tuần tra cỡ lớn USCGC John Midgett (WHEC 726) thuộc lớp Hamilton. Tàu tuần tra USCGC John Midgett có lượng giãn nước đầy tải 3.250 tấn; chiều dài 115m; chiều rộng 13m; mớn nước 4,6m; thủy thủ đoàn 160 người (20 sĩ quan, 140 thuyền viên). WHEC 726 được trang bị hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbine khí, cho tốc độ tối đa 29 hải lý/h (53,7 km/h), tầm hoạt động 14.000 hải lý (22.531 km), thời gian bám biển liên tục 45 ngày. Vũ khí trang bị của WHEC 726 gồm radar trinh sát đường không 2D AN/SPS-40, pháo hạm Oto Breda cỡ 76,2mm, hệ thống phòng thủ tầm cực gần 20mm Phalanx CIWS. Bên cạnh đó trên tàu còn có pháo tự động M242 Bushmaster cỡ 25 mm, súng máy hạng nặng M2 Browning cỡ 12,7mm và súng máy hạng nhẹ M240 cỡ nòng 7,62mm.