Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn nhận về khả năng TQ sử dụng vũ lực giải quyết...

Nhìn nhận về khả năng TQ sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Trong xu thế hiện nay, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai gần là khá thấp nhưng chúng ta cần có những đối sách phù hợp, tránh bị động, bất ngờ nhằm gìn giữ hoà bình ở Biển Đông.

Vì sao Trung Quốc không chịu từ bỏ độc chiếm Biển Đông

Xét về yếu tố địa chính trị, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển và cường quốc thế giới. Muốn vậy, Trung Quốc cần phải mở rộng không gian sinh tồn. Tuy nhiên, nếu mở rộng lên phía Bắc, Trung Quốc phải đối mặt với vùng khí hậu khắc nghiệt, đối mặt với Nga, một siêu cường về quân sự; phát triển sang phía Tây và Tây Nam, là vùng rừng núi hiểm trở, không thuận tiện cho việc giao thương; hướng sang phía Đông là Nhật Bản, Đài Loan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không thuận tiện cho quá trình lưu thông thương mại đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, ở phía Nam là các quốc gia nhỏ, không có mối quan hệ bền chặt với các siêu cường trên thế giới nhưng lại có một vùng biển “màu mỡ”, đầy tiềm năng, do đó chỉ có phát triển xuống phía Nam, giành quyền kiểm soát Biển Đông, sẽ mở rộng được “không gian sinh tồn”, vì vậy Trung Quốc đã tập trung phát triển lực lượng Hải quân hùng mạnh.

Giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ giành được nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và dồi dào, đặc biệt là dầu khí. Tuy nhiên, phần lớn các nguồn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc ở khu vực này đều đi qua Biển Đông, chi phí vận chuyển lớn, vấn đề an ninh, an toàn hàng hải phức tạp… Trong khi đó, Biển Đông được đánh giá là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới, với trữ lượng dầu mỏ ước tính lên đến hàng trăm tỉ thùng. Do đó, nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ làm chủ được nguồn tài nguyên quý giá đó, đáp ứng “cơn khát” năng lượng hiện tại và tương lai của Trung Quốc. Ước tính tổng giá trị hàng hoá được vận chuyển qua vùng biển này mỗi năm lên tới 5.000 tỷ USD và có tới 11 tỷ thùng dầu thô cùng 190.000 tỷ mét khối khí ga tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông đang chờ được khai thác. Chính vì vậy, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có những lợi ích rất lớn ở Biển Đông và do đó, mọi tranh chấp trên vùng biển này đều có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang nếu không được quản trị một cách khéo léo.

Không những vậy, giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng nhất thế giới, kiểm soát được tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á, kiểm soát được con đường vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ngoài ra, khống chế, làm chủ được Biển Đông là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để Trung Quốc thực hiện được tham vọng nước lớn, hiện thực hóa giấc mơ Đại Trung Hoa. Ngược lại, nếu mất quyền kiểm soát Biển Đông, bị phong tỏa các tuyến giao thông huyết mạch qua Biển Đông, nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc bị gián đoạn, nền kinh tế, xã hội của Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng. Chính vì vậy, trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã, đang nỗ lực thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông bằng nhiều biện pháp.

Vấn đề Biển Đông tác động chiến lược biển của Trung Quốc

Trong những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động lớn đến môi trường hòa bình ổn định của khu vực, chủ quyền và lợi ích của nhiều nước.

Trung Quốc đang mở rộng không gian chiến lược hướng biển để duy trì sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Nghiên cứu chiến lược biển được Trung Quốc đặc biệt quan tâm, nhất là chiến lược khai thác phát triển Biển Đông. Trung Quốc coi khống chế được Biển Đông tức là khống chế được cả vùng Đông Nam Á và con đường giao lưu huyết mạch từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Giành được vị thế ở Biển Đông sẽ giúp nước này giành được thế chủ động để vươn ra các vùng biển khác, đồng thời giúp Trung Quốc tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước trong khu vực. Chiến lược biển của Trung Quốc phải bảo đảm ba yếu tố: Các lợi ích chung về biển của Trung Quốc; Các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc; Xây dựng một “xã hội hòa hợp” về biển, trong đó công nhận sự cạnh tranh toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển đang tăng lên. Không những vậy, các nhiệm vụ chính về biển của Trung Quốc trong tương lai gồm: bảo vệ nguồn lực về biển của Trung Quốc đối với “các vùng nước liên quan”; phát triển kinh tế biển; tăng cường việc sử dụng biển và quản lý các đảo; duy trì môi trường biển; phát triển các ngành công nghiệp biển và khoa học về biển; nâng cao sự đóng góp của Trung Quốc vào hải dương học toàn cầu. Ngoài ra, Chiến lược biển của Trung Quốc đã thay đổi theo hướng “chủ động, tích cực” hơn, biểu thị rõ ràng thái độ kiên quyết không từ bỏ cái mà họ coi là quyền lợi “chính đáng”.

Do đó, trong các bên có tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc có lập trường cứng rắn nhất và cũng là nước có sức mạnh vượt trội nhất cả về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Việt Nam sẽ chịu thiệt hại lớn nếu chiến tranh xảy ra và do đó, đánh giá chính xác khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và tìm các phương sách để bảo vệ hoà bình ở Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của các Ngoại giao Việt Nam tại thời điểm này.

Khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông

Việc Trung Quốc có sử dụng vũ lực ở Biển Đông hay không phụ thuộc một phần rất lớn vào giá trị của vùng biển này đối với họ. Rõ ràng, với vị trí là cửa ngõ yết hầu ở Đông Nam Á cùng các tài nguyên ở đây, toàn bộ khu vực Biển Đông và các đảo, bãi đá và bãi cạn đều có giá trị rất lớn đối với Trung Quốc về mặt an ninh, chiến lược, kinh tế và chính trị. Tuy Trung Quốc đã nhiều lần thoả hiệp trong các tranh chấp lãnh thổ trước đây, nhưng vì Biển Đông có giá trị quá lớn về mọi mặt nên Trung Quốc sẽ khó lòng nhượng bộ trừ khi họ không còn cách nào khác, tức khi họ đã suy yếu đến mức không thể duy trì yêu sách chủ quyền của mình.

Trung Quốc sẽ cảm thấy cần sử dụng vũ lực khi vị thế đàm phán của họ bị suy yếu rõ rệt và họ đứng trước nguy cơ mất toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, tới thời điểm này, vị thế đàm phán của Trung Quốc vẫn tương đối vững vàng và ổn định. Nhiều khả năng vị thế này sẽ còn mạnh lên trong thời gian trước mắt do họ đang nhanh chóng củng cố khả năng kiểm soát các đảo ở Biển Đông đã chiếm trái phép bằng việc xây dựng các căn cứ quân sự và hiện đại hoá hải quân. Hơn nữa, cho đến giờ, các bên còn lại trong cuộc tranh chấp như Việt Nam và Philippines vẫn còn khá mềm mỏng với Trung Quốc và luôn cố gắng tránh các động thái có thể khiêu khích hay đột ngột làm suy yếu vị thế đàm phán của Bắc Kinh.

Khi Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc đã lập tức tẩy chay phán quyết, trong khi các nước được hưởng lợi từ phán quyết như Philippines hay Việt Nam vẫn hành xử tương đối kiềm chế cũng như chưa sử dụng phán quyết để gây sức ép lên Trung Quốc. Chính vì vậy, phán quyết chưa ảnh hưởng quá nhiều đến vị thế đàm phán của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là khi sức mạnh của họ trên thực địa không hề bị giảm sút.

Cuối cùng, khi có nhiều vấn đề nội bộ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ muốn hướng sự chú ý của người dân ra bên ngoài. Trong tương lai gần, Trung Quốc có thể chưa phải đối mặt với nhiều mối đe doạ an ninh từ bên ngoài, mà chính là thách thức an ninh tiềm tàng ở trong nước. Mặc dù vậy, những vấn đề nội bộ Trung Quốc đã có từ lâu và trừ khi có một diễn biến quá bất ngờ thì mới có khả năng bùng phát thành một cuộc khủng hoảng quy mô lớn.

Dựa vào ba nhận định trên, có thể kết luận rằng khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông để giải quyết tranh chấp trong thời gian tới là tương đối thấp. Họ sẽ giữ vững lập trường không thoả hiệp và không hợp tác nhưng khi vị thế của họ vẫn vững vàng và tình hình đối nội Trung Quốc chưa có gì biến động mạnh, thì chưa có lý do gì buộc họ phải sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Đối sách nào cho Việt Nam

Để bảo vệ hoà bình ở Biển Đông, các quốc gia trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng cần theo đuổi một chính sách ngoại giao mềm mỏng nhưng vững vàng và toàn diện để vừa hạn chế các hành động đơn phương của Trung Quốc vừa trấn an nước này đồng thời nâng cao năng lực phòng vệ của bản thân, từ đó góp phần tăng khả năng ngăn ngừa chiến tranh nổ ra ở Biển Đông.

Thứ nhất, các quốc gia có liên quan tới tranh chấp Biển Đông nói chung và Việt Nam nói riêng cần tránh ở mức độ tối đa việc đưa ra những thay đổi đột ngột trong chính sách an ninh, quân sự và ngoại giao, nhất là những chính sách liên quan trực tiếp tới Biển Đông để Trung Quốc không cảm thấy vị thế đàm phán của họ bị suy yếu một cách đột ngột bởi điều này có thể khiến Bắc Kinh kết luận rằng dùng vũ lực là biện pháp cuối cùng của họ để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Thứ hai, về mặt quốc phòng, chúng ta cần tiếp tục hiện đại hoá quân đội và đầu tư trang bị các loại vũ khí tối tân cho lực lượng hải quân, nhằm gia tăng sức mạnh phòng vệ của mình. Cụ thể, chúng ta cần tăng cường đầu tư tàu ngầm và các hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển để tối đa hoá chi phí và tổn thất cho bất kì quốc gia nào quyết định sử dụng vũ lực để chiếm đảo của chúng ta ở Biển Đông. Khi biết rõ không thể giành được chiến thắng một cách nhanh chóng với chi phí thấp trên biển, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực sẽ thấp hơn.

Thứ ba, Việt Nam cần duy trì các chính sách ngoại giao hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện, trong đó có hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Mỹ, Nhật, Philippines và Ấn Độ. Chỉ cần chúng ta kiềm chế được khuynh hướng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và tối đa hoá chi phí, tổn thất mà họ sẽ phải trả cho bất kỳ xung đột vũ trang nào ở Biển Đông, sớm muộn ít nhất Trung Quốc cũng sẽ phải thoả hiệp.

Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy mạnh vai trò của mình trong ASEAN và thúc đẩy việc cải cách ASEAN. ASEAN là cầu nối hết sức quan trọng giữa các quốc gia trong khu vực và khi các quốc gia này đoàn kết, khả năng kiềm chế tham vọng của Trung Quốc sẽ tăng lên.

Nhìn chung, tuy khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai gần là khá thấp, song đây là một mối hiểm họa chưa thể loại trừ và chúng ta cần phải có những đối sách phù hợp nhằm gìn giữ hoà bình ở Biển Đông. Đối với Việt Nam, chính sách phù hợp nhất hiện tại để vừa giảm thiểu khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông, là một chính sách ngoại giao linh hoạt nhưng vững vàng, khuyến khích mặt hợp tác và từng bước khiến Trung Quốc cư xử phù hợp với luật pháp quốc tế trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới