Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThỏa thuận Mỹ - Trung hạn chế, nhưng là thứ Tổng thống...

Thỏa thuận Mỹ – Trung hạn chế, nhưng là thứ Tổng thống Trump cần lúc này

Sau nhiều vòng đàm phán, chính quyền Trump không thể đạt được cam kết đáng kể từ Trung Quốc mà chỉ nhận được bản thỏa không đủ bù đắp tổn thất.

Thỏa thuận thương mại hạn chế mà chính quyền Trump và Bắc Kinh công bố hôm 13/12 có nghĩa là người Mỹ sẽ tránh tăng thuế nghỉ lễ đối với đồ chơi, quần áo và điện thoại thông minh nhập khẩu. Nông dân Mỹ có thể bán thêm đậu nành và thịt lợn cho Trung Quốc. Và các công ty Mỹ sẽ đối mặt ít áp lực hơn khi giao bí mật thương mại cho Bắc Kinh.

Nhưng những gì chính quyền thu được từ thứ được gọi là thỏa thuận Giai đoạn 1 mà Tổng thống Donald Trump ăn mừng không đáp ứng được những yêu cầu mà ông đưa ra khi phát động cuộc chiến thương mại chống lại Bắc Kinh 17 tháng trước. Các vòng đàm phán tiếp theo là cần thiết để đạt được một thỏa thuận đáng kể hơn.

Dù vậy, thỏa thuận sơ bộ hôm 13/12 đã giải quyết được ít nhất một cuộc xung đột khiến các nhà đầu tư lao đao và làm chậm tăng trưởng kinh tế trước khi bước vào năm bầu cử, khi ông Trump tái tranh cử với lời hứa về sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Thỏa thuận hỗn hợp

Theo thỏa thuận, chính quyền Trump đã bỏ kế hoạch áp thuế mới đối với 160 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 15/12, loại thuế có thể sẽ dẫn đến giá cao hơn đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng. Chính quyền cũng đồng ý giảm thuế nhập khẩu hiện tại đối với khoảng 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các phóng viên rằng đổi lại, Trung Quốc đã đồng ý mua 40 tỷ USD/năm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong hai năm, mặc dù xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc chưa bao giờ đạt 26 tỷ USD/năm. Ngoài ra, Bắc Kinh cam kết chấm dứt gây áp lực để các công ty phải bàn giao công nghệ của họ như điều kiện để tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Ông Lighthizer cho biết Trung Quốc cũng đồng ý dỡ bỏ một số rào cản thị trường đối với các sản phẩm như thịt bò, thịt gia cầm, hải sản, thức ăn cho vật nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Tổng cộng, Mỹ dự kiến tăng 200 tỷ USD xuất khẩu trong hai năm nhờ thỏa thuận này.

“Chúng tôi kỳ vọng thâm hụt thương mại giảm xuống”, ông Lightizer nói và cho biết thêm rằng thỏa thuận có thể sẽ được ký vào tuần đầu tiên vào tháng 1 và có hiệu lực sau 30 ngày.

Tuy nhiên, chính quyền không công bố bản thảo chi tiết của thỏa thuận. Trong quá khứ, hai bên từng rất gần đạt được thỏa thuận để rồi đàm phán lại sụp đổ.

Đồng thời, thỏa thuận Giai đoạn 1 để lại một số vấn đề lớn chưa được giải quyết, đáng chú ý là các khiếu nại về việc Bắc Kinh trợ cấp không công bằng cho các công ty của mình để mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nhiều nhà phân tích thương mại cho rằng thỏa thuận chỉ đạt được mỗi thứ một ít. “Thỏa thuận này còn một chặng đường dài để đảo ngược vòng xoáy đi xuống trong quan hệ thương mại song phương và tăng sự chắc chắn cho các doanh nghiệp Mỹ”, Wendy Cutler, cựu đàm phán thương mại Mỹ, hiện là phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết.

“Chỉ bằng những nhượng bộ hạn chế, Trung Quốc đã có thể bảo tồn hệ thống kinh tế theo chủ nghĩa trọng thương của mình và tiếp tục các chính sách phân biệt đối xử gây bất lợi cho các đối tác thương mại và nền kinh tế toàn cầu”, Scott Kennedy, chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét gay gắt hơn.

“Ông Trump có thể đảo ngược tiến trình và gia hạn thuế quan. Nhưng Bắc Kinh đã tự mua cho mình quãng nghỉ khỏi sự bấp bênh hàng ngày trong ít nhất vài tháng và có lẽ trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện tại của ông Trump”, ông nói với AP.

Không đủ bù đắp tổn hại

Ông Trump lần đầu tiên tuyên bố thỏa thuận Giai đoạn 1 trở lại vào ngày 11/10 nhưng các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục trong hai tháng nữa. Tổng thống, người đã công bố thỏa thuận mới nhất qua Twitter, nói rằng công việc cho thỏa thuận Giai đoạn 2 tiếp theo sẽ bắt đầu ngay lập tức.

 Thông báo của ông được đưa ra vài phút sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện phê chuẩn cáo buộc luận tội lạm quyền và cản trở quốc hội đối với ông. Nhà Trắng cho biết tổng thống sẽ “không bao giờ ngừng làm việc và tiếp tục đạt được các thỏa thuận thành công có lợi cho đất nước”.

Tại Bắc Kinh, các quan chức cho biết nếu chính quyền Trump giảm thuế, Trung Quốc sẽ giảm hình phạt thương mại đối với hàng hóa Mỹ và hủy kế hoạch thuế quan mới vào ngày 15/12.

Thoa thuan My - Trung han che, nhung la thu Tong thong Trump can luc nay hinh anh 2

 Các quan chức Trung Quốc (từ trái) Ninh Cát Đề, phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia; Liêu Mẫn, phó Giám đốc Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương và Thứ trưởng Bộ Tài chính; Trịnh Trạch Quang, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tham dự họp báo về thỏa thuận thương mại với tại Bắc Kinh, ngày 13/12. Ảnh: AP.

Theo AP, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tranh chấp về các ngành công nghiệp của tương lai và cách Trung Quốc kinh doanh – sự pha trộn của chủ nghĩa tư bản và kiểm soát nhà nước.

Chính quyền cáo buộc Trung Quốc gian lận trong nỗ lực phát triển các công nghệ tiên tiến như xe không người lái và trí tuệ nhân tạo. Họ cho rằng Trung Quốc đánh cắp công nghệ, buộc các công ty nước ngoài phải trao các bí mật thương mại, trợ cấp không công bằng cho các công ty của chính họ và dựng lên những rào cản quan liêu cho các đối thủ nước ngoài.

Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc và cho rằng Washington chỉ đang cố gắng đàn áp một đối thủ đang lên trong thương mại quốc tế.

Kể từ tháng 7/2018, chính quyền Trump đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc, đôi khi thay đổi hoặc trì hoãn tăng thuế theo kế hoạch.

Thông báo hôm 13/12 có nghĩa là Mỹ vẫn sẽ tiếp tục áp thuế nhập khẩu 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sẽ giảm một nửa mức thuế đối với 112 tỷ USD hàng hóa khác xuống còn 7,5%. Họ sẽ bỏ kế hoạch nhắm tới thêm 160 tỷ USD hàng hóa, ngừng mở rộng mức thuế đối với tất cả mọi thứ mà Trung Quốc bán cho Mỹ và thuế đánh vào các mặt hàng tiêu dùng như đồ chơi và điện thoại thông minh.

Bắc Kinh trả đũa bằng cách đánh thuế lên 120 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác rất quan trọng đối với nhiều người ủng hộ ông Trump ở nông thôn Mỹ.

Rob Atkinson, Chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, cho biết, thỏa thuận này thể hiện sự tiến bộ nhưng nói rằng “Mỹ vẫn phải giải quyết toàn diện các hoạt động của chủ nghĩa trọng thương mới tràn lan của Trung Quốc”.

Mary Lovely, nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết thỏa thuận hôm 13/12 có thể không mang lại đủ lợi ích cho Mỹ để bù đắp tổn hại của cuộc chiến thương mại cho đến nay.

Nông dân Mỹ bị mất hàng tỷ USD thu nhập, các công ty đã trả hàng tỷ USD thuế quan và trong nhiều trường hợp đã thay đổi chuỗi cung ứng của họ còn người tiêu dùng phải chịu giá cả tăng.

Ông Lighthizer cho biết thỏa thuận Giai đoạn 1 đã giải quyết một trong những quan tâm chính của Mỹ: đảm bảo rằng một thỏa thuận có thể được thực thi. Chính quyền Trump và các nhà phê bình khác nói rằng Trung Quốc có truyền thống vi phạm các lời hứa của họ.

Thỏa thuận hôm 13/12 thiết lập quy trình giải quyết tranh chấp, trong đó nếu một khiếu nại không được giải quyết, bên bất mãn có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả thuế quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới