Nhìn lại tình hình thế giới năm qua chắc ai cũng cảm nhận thấy rằng đó là một năm đầy sóng gió cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Do biến đổi khí hậu, trái đất phải hứng chịu nhiều cơn siêu bão, những đợt nắng nóng tột độ, những vụ cháy rừng khủng khiếp… Bầu không khí kinh tế-xã hội cũng như chính trị-an ninh toàn cầu cũng không kém phần nóng bỏng.
Ta hãy lần lượt điểm lại từng mặt. Sau những năm tháng phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, kinh tế thế giới trong năm qua lại giảm tốc, thậm chí có lúc tưởng như sẽ rơi vào vòng xoáy của một cuộc suy thoái mới. Gốc gác của thực trạng đáng buồn này bắt nguồn từ khó khăn nội tại của nhiều nền kinh tế chủ chốt cũng như những bất ổn về chính trị-an ninh ở nhiều khu vực, song nhân tố nổi trội hơn cả là những tranh chấp kinh tế-thương mại.
Thật ra chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ không phải là điều gì mới, song cuộc chiến lần này có những nét rất riêng. Một là vì mục tiêu “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã khơi mào bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính người tiền nhiệm Barack Obama khởi xướng. Hai là mâu thuẫn, tranh chấp mang tính “đa tuyến”, không phân biệt đối thủ hay đồng minh: Mỹ-Canada-Mexico, Mỹ-Liên minh châu Âu… trong đó gay gắt, lắt léo, dai dẳng hơn cả là giữa Mỹ và Trung Quốc-hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ba là các biện pháp trừng phạt kinh tế mang nặng tính chính trị tiếp tục được áp đặt đối với Nga, Triều Tiên, Iran, Cuba, Venezuela… và cả Thổ Nhĩ Kỳ-một đồng minh quan trọng của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)!
Trong mớ bòng bong ấy, nhiều người cho rằng xu thế toàn cầu hóa đã đến hồi cáo chung. Có lẽ, không phải như vậy, bởi toàn cầu hóa là một xu thế khách quan, xuất phát từ nhu cầu của mọi quốc gia cần có thị trường tiêu thụ hàng hóa, huy động vốn đầu tư, khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên… để phát triển. Để điều tiết những nhu cầu ấy, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) đã ra đời vào năm 1947 và được thay thế bằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995 với tư cách là các thể chế đàm phán về các luật lệ chung. Cũng vì mục đích trên, hàng trăm thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhỏ đã được hình thành.
Quá trình làm ăn buôn bán đương nhiên nảy sinh khúc mắc, so đo thiệt hơn, thậm chí xung đột về lợi ích nên mới bùng phát căng thẳng, thậm chí là các cuộc chiến tranh thương mại, thuế quan, tiền tệ… trong đó, người ta đòi xét lại các luật chơi cho “công bằng” hơn. Những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy đang diễn ra quá trình điều chỉnh luật chơi chứ không phải là xóa bỏ cuộc chơi. Bằng chứng là Mỹ chỉ đòi sửa đổi thỏa thuận về FTA với Canada, Mexico; điều chỉnh thỏa thuận với Nhật Bản, Tây Âu, thậm chí với Trung Quốc cũng chỉ đôi co về luật chơi chứ đâu có xóa bỏ hoàn toàn quan hệ làm ăn? Nói cho cùng thì trong các cuộc chiến kinh tế chẳng có kẻ thắng, người thua hoàn toàn, mà kết cục luôn là mọi người đều thiệt!
Bức tranh toàn cảnh về chính trị-an ninh toàn cầu cũng có nhiều mảng tối, trong đó nổi lên là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Thực ra cục diện này không phải là điều mới lạ. Trong hàng nghìn năm qua, lịch sử từng chứng kiến sự thịnh suy của hết đế chế này đến đế chế khác: La Mã, Nguyên Mông, Trung Hoa, Anh, Pháp, Ottoman, Sa Hoàng, Áo-Hung…
Bước vào thiên niên kỷ mới, sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001, Mỹ ngày càng sa lầy vào các cuộc chiến ở Trung Cận Đông trong khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với khát vọng thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” chiếm lĩnh vị trí trung tâm thiên hạ. Trong bối cảnh đó, các giới cầm quyền Mỹ đều muốn ngăn chặn kịch bản trên xảy ra hoặc bằng chính sách “can dự” hoặc bằng thủ thuật “cạnh tranh”. Nét mới là trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tháng 12 vừa qua, NATO cũng coi Trung Quốc là đối tượng cạnh tranh chủ yếu.
“Tuần trăng mật” Mỹ-Trung sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ khá ngắn ngủi. Chẳng bao lâu sau đã bùng phát cuộc chiến thương mại đầy kịch tính theo kiểu “ăn miếng trả miếng” kéo dài chưa biết bao giờ kết thúc. Sự cạnh tranh chiến lược ấy đâu có dừng lại ở lĩnh vực kinh tế-thương mại mà lan sang cả các lĩnh vực khoa học-công nghệ, chạy đua vũ trang, chính trị-ngoại giao… mà điển hình là sự đối lập giữa chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Trong trào lưu cạnh tranh chiến lược như vậy, ở khu vực Đông Á cùng lúc nảy sinh mấy điểm nóng. Vấn đề Triều Tiên có phần nóng trở lại sau hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore và Hà Nội. Đôi khi Nhật-Trung lại “tiếng bấc tiếng chì” xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nội tình Hồng Công, Đài Loan chứng kiến những diễn biến phức tạp mới. Về vấn đề Biển Đông, đã có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam. Trong khi đó, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ, Tây Âu với Nga vẫn chưa được giải tỏa, cuộc chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt.
Tuy vậy, vào những ngày cuối năm đã diễn ra vài ba sự kiện hé lộ một số hy vọng về chiều hướng hòa dịu hơn. Đó là chuyến thăm Washington mới đây của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cho vấn đề miền Đông Ukraine. Mỹ-Trung tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1… Hy vọng rằng những “cánh én mùa xuân” ấy sẽ đưa tới sự hòa dịu nhất định.
Mặt khác, chính trường thế giới vào những ngày cuối năm lại chứng kiến hai sự kiện đáng quan tâm. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sớm, mở ra khả năng đẩy nhanh tiến trình Brexit, đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Điều tra luận tội tổng thống báo hiệu nhiều điều khó lường trong năm bầu cử sắp tới ở Mỹ.
Thế mới biết, thế giới ngày nay rối rắm biết bao, chứa đựng biết bao chuyện bất ngờ, bất định, bất an. Bảo đảm cho thành công của chúng ta vẫn là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; kiên trì giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Bước vào năm mới, nước ta có ba “bảo bối” quan trọng: Đó là tình hình tốt đẹp của đất nước cả về chính trị-an ninh, kinh tế lẫn đối ngoại; đó là vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chắc chắn rằng, với hành trang như vậy, nước ta sẽ có những đóng góp quan trọng mới cho một thế giới an bình hơn, thân thiện hơn và thịnh vượng hơn.