Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc trong năm 2019 và...

Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc trong năm 2019 và xu hướng thời gian tới

Trong năm 2019, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng trong nước. Theo số liệu thống kê không chính thức, tính riêng trong năm, Trung Quốc đã đưa ra xét xử ít nhất 23 cán bộ diện trung ương quản lý.

Kết quả đáng nể của Trung Quốc trong năm 2019

Trong số 23 quan tham bị trừng trị, có các cán bộ lãnh đạo của các bộ và ủy ban ở trung ương, cũng có các “quan đầu” của các tỉnh, thành và khu tự trị, hoặc người phụ trách các doanh nghiệp nhà nước quan trọng. Điều này đã kế tiếp những đặc điểm “sâu rộng và không có vùng cấm” của cuộc chiến “đả Hổ” ở Trung Quốc những năm gần đây. Điều đáng chú ý là, trong số 23 “Hổ” bị đưa ra xét xử có 8 Phó tỉnh trưởng  hoặc Phó chủ tịch Khu tự trị. Trong đó 7 người, gồm Lưu Cường, Phó tỉnh trưởng Liêu Ninh; Phùng Tân Trụ, Phó tỉnh trưởng Thiểm Tây; Quý Tương Kỳ, Phó tỉnh trưởng Sơn Đông; Lý Di Hoàng, Phó tỉnh trưởng Giang Tây; Bạch Hướng Quần, Phó chủ tịch Khu tự trị Nội Mông; Bồ Ba, Phó tỉnh trưởng Quý Châu và Miêu Thụy Lâm, Phó tỉnh trưởng Giang Tô, đều bị quật ngã khi đang trong nhiệm kỳ giữ chức; 4 người thuộc hệ thống Hội nghị Chính trị Hiệp thương, gồm Cận Tuy Đông, Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Hà Nam; Lý Sĩ Tường, nguyên Ủy viên Dự khuyết Trung ương khóa 18, Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương thành phố Bắc Kinh. Đáng chú ý, trong số các quan chức bị xử lý năm 2019, có Trương Hóa Vi là một cán bộ lâu năm trong hệ thống kiểm tra kỷ luật. Ông từng là Trưởng phòng Phòng 5 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Phó trưởng Đoàn Kiểm tra Tài chính Doanh nghiệp đầu tiên của Ban Tổ chức Trung ương. Ông là người lãnh đạo Đoàn Kiểm tra đầu tiên của Trung ương bị ngã ngựa.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng đã bắt giữ một số quan chức cấp tỉnh, song chưa đưa ra xử lý trong năm 2019. Trong đó có Từ Quang, Phó tỉnh trưởng Hà Nam và Lý Khiêm, Phó tỉnh trưởng Hà Bắc lần lượt bị điều tra vào tháng 8 năm nay.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng đã công bố báo cáo Tổng kết cho biết, trong 6 năm qua, các cơ quan kiểm tra giám sát kỷ luật Trung Quốc đã thụ lý 2.674.000 hồ sơ, lập án 1.545.000 trường hợp, xử lý 1.537.000 trường hợp quan chức các cấp vi phạm kỷ luật. Trong đó có 43 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Khóa XVIII đã bị bắt giữ hoặc cho thôi chức vì tội tham nhũng và mắc những sai phạm nghiêm trọng khác; 9 người thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương; hơn 8.900 cán bộ cấp Cục, Sở; 63.000 cán bộ cấp Huyện, Phòng; hơn 250 quan chức cao cấp, gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp và tướng lĩnh quân đội bị bắt giữ; 648.000 quan chức ở cấp xã vi phạm kỷ luật và tham nhũng quy mô nhỏ. Trung Quốc đồng thời phối hợp với cảnh sát quốc tế để truy lùng tội phạm tham nhũng qua khuôn khổ các chiến dịch “Lưới trời” và “Săn cáo”. Tính tới cuối tháng 8/2017, đã có 3.453 đối tượng trốn chạy ra nước ngoài bị bắt giữ, trong đó có 628 là cựu quan chức; đã tịch thu được 1,41 tỷ USD. Trong số 100 nghi phạm thuộc diện bị truy nã gắt gao theo danh sách của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol), 46 đối tượng đã bị bắt. Đáng chú ý, CCDI cho biết, năm 2017, trong số 122.100 vụ việc liên quan đến 159.100 người, 48.700 vụ liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo. Trung Quốc nhiều năm qua thực hiện chiến dịch chống tham nhũng lớn, trong đó cơ quan chống tham nhũng bắt quả tang nhiều quan chức hàng đầu có hành vi sai trái. 

Nhận hối lộ là tội phổ biến nhất

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc công bố, đa phần quan tham Trung Quốc đều vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, quy tắc chính trị và kỷ luật liêm khiết, thường xuyên giao du với các nghiệp chủ, phần tử xã hội phi pháp, lợi dụng ảnh hưởng chức vụ để thực thi hành vi phạm pháp, tạo điều kiện thuận lợi để họ trục lợi rồi nhận tiền hối lộ. Khi bị bắt giữ, khám xét đều phát hiện có một lượng lớn tiền mặt, vàng và đồ xa xỉ phẩm trị giá hàng trăm triệu USD. Trong số 23 quan tham đã bị xét xử trong năm 2019, người liên quan nhiều tội nhất là Lý Di Hoàng, cựu Phó tỉnh trưởng Giang Tây, dính đến 4 tội danh: nhận hối lộ, tham ô, biển thủ công quỹ và nhân viên doanh nghiệp nhà nước lạm quyền. Hai người khác phạm 3 tội danh. Về kết quả tuyên án, nặng nhất là Hình Vân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Khu tự trị Nội Mông, bị kết án “tử hoãn” (tử hình hoãn thi hành) và 4 người bị kết án tù chung thân. Trong số các tội danh, nhận hối lộ có thể được coi là “tiêu chuẩn”. Tất cả 23 quan tham đã hầu tòa đều có liên quan đến tội nhận hối lộ và phải nhận các mức hình phạt khác nhau cho các khoản tiền và tình tiết khác nhau. Trong số đó, Hình Vân liên quan đến số tiền hơn 400 triệu NDT bị kết án tử hình hoãn thi hành 2 năm, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Sau 2 năm hoãn thi hành án tử hình được giảm xuống án tù chung thân, nhưng không được giảm án tiếp hoặc phóng thích.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Hiện nay, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc được tiến hành dựa trên bốn sách lược chính, đó là: làm cho “không dám tham nhũng”, làm cho “không thể tham nhũng”, làm cho “không muốn tham nhũng” và làm cho “không cần tham nhũng”. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn phát huy vai trò cốt yếu của các cơ quan Đảng, trong đó nòng cốt là Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Thứ nhất, làm cho “không dám tham nhũng”. Đây là sách lược thiên về tâm lý, thể hiện ở việc răn đe làm triệt tiêu ý chí và động cơ hành động thu lợi bất chính, khiến cho mọi cá nhân không dám và không có cơ hội tham nhũng. Để răn đe, Trung Quốc tập trung vào 4 phương diện: (1) Xây dựng, củng cố ý chí chính trị vững vàng: Phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến rất khó khăn, phức tạp, cần phải có quyết tâm rất cao. Nó được xem như là “cái tên bắn ra khỏi cánh cung”, phải làm cho bay đi đến đích vì không thể lấy lại. Để có ý chí vững vàng, trước hết, ban lãnh đạo phải trong sạch, vì nếu bản thân cũng tham nhũng thì không thể đấu tranh quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tham nhũng. (2) Trừng trị tham nhũng một cách nghiêm khắc, triệt để: Điều này là bởi lợi ích có được từ tham nhũng có hấp lực rất lớn, nếu không bị trừng phạt nghiêm khắc và triệt để thì không thể triệt tiêu được hấp lực đó. Theo phương châm này, trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã không chỉ “diệt ruồi” mà còn “đả hổ” – tức là trừng trị tham nhũng trong bộ máy lãnh đạo các cấp, kể cả ở cấp cao nhất là uỷ viên Bộ chính trị. Sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô và mức độ quyết liệt chưa từng có kể từ khi nước này thực hiện chính sách mở cửa. Kết quả là hàng loạt “hổ lớn tham nhũng” đã bị bắt, truy tố và bỏ tù, bao gồm cả Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị – một trong “tứ trụ quyền lực” của nước này. Cũng theo phương châm này, Trung Quốc vẫn duy trì hình phạt tử hình với tội tham nhũng, dù gặp nhiều phản đối và khó khăn trong việc hợp tác tư pháp với một số quốc gia. Thêm vào đó, Trung Quốc xử lý cả hành vi đưa và nhận hối lộ (trước đây pháp luật chỉ quy định trừng phạt những người nhận hối lộ mà không trừng phạt người đưa hối lộ). Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (năm 2012), nước này đã sửa luật hình sự trong đó quy định những đối tượng có hành vi đưa hối lộ, nếu bị phát hiện đều sẽ bị trừng phạt. Doanh nghiệp nào đưa hối lộ để có được dự án đầu tư công thì người đứng đầu sẽ bị truy tố, hợp đồng đã ký bị coi là vô giá trị và doanh nghiệp còn bị phạt tiền. (3) Tăng cường hợp tác quốc tế trong Phòng, chống tham nhũng: Điều này là bởi trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc đi ra nước ngoài rất dễ dàng, rất nhiều quan chức tham nhũng của Trung Quốc chạy ra nước ngoài, nên nếu không hợp tác quốc tế sẽ không thể phòng, chống hiệu quả. Sự hợp tác quốc tế được thực hiện trên nhiều nội dung, song Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến hợp tác tư pháp, cụ thể là việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm tham nhũng. Điều này để khắc phục tình trạng trì trệ trước đây khi mà thiếu thỏa thuận hợp tác về vấn đề dẫn độ tội phạm kinh tế khiến cho chiến dịch truy lùng quan tham ẩn náu ở nước ngoài của Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ việc ký kết thêm các hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm tham nhũng, hiệu quả của việc truy bắt tội phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài của Trung Quốc trong mấy năm vừa qua tăng lên rõ rệt. Trước đây có nhiều vụ án ở Trung Quốc mà quan chức chạy ra nước ngoài thường phải mất 10 năm mới bắt được vì gặp khó khăn trong vấn đề dẫn độ, song gần đây với chiến dịch “Lưới trời”, chỉ riêng trong năm 2016, nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ và đưa về nước 1.032 nghi phạm tham nhũng lẩn trốn tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 134 cựu quan chức thuộc các cơ quan nhà nước, 19 người trong số này nằm trong danh sách truy nã khẩn cấp, thu hồi về 2,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 346 triệu đô la Mỹ). Đặc biệt, Trung Quốc đã dẫn độ được Lệnh Hoàn Thành, một doanh nhân tham nhũng đang ẩn náu tại Mỹ, là anh trai của Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng, trợ lý của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Bản thân Lệnh Kế Hoạch cũng là một trong những quan chức cấp cao nhất của nước này sa lưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Theo một số cơ quan truyền thông nước ngoài, Lệnh Hoàn Thành có liên quan đến ít nhất 3 vụ án tham nhũng và rửa tiền với số tiền lên tới 1 tỷ USD. (4) Xây dựng một hệ thống giám sát tham nhũng chặt chẽ: Giám sát là nền tảng để phát hiện, từ đó ngăn ngừa và xử lý tham nhũng. Trung Quốc nhận thức rõ điều đó nên tìm cách tăng cường hoạt động này bằng cách thông qua “Luật Giám sát quốc gia” vào ngày 13/3/2018. Luật này có 9 chương, 67 điều và Phụ lục, quy định về nguyên tắc chung, cơ quan giám sát, phạm vi giám sát, chức trách giám sát, quyền hạn giám sát, trình tự giám sát, hợp tác quốc tế chống tham nhũng, giám sát cơ quan/nhân viên giám sát và chức trách luật pháp. Việc ban hành đạo luật này được xem là yêu cầu tất yếu để xây dựng hệ thống giám sát thống nhất, tập trung, có uy quyền và hiệu quả cao do đối tượng và phạm vi tác động của Luật rất rộng, bao phủ toàn bộ cơ quan trong và ngoài đảng, trong và ngoài quân đội, các đảng phái, công chức, doanh nghiệp quốc doanh/tư nhân, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức quần chúng, thậm chí tới tận nhân viên quản lý từ Trung ương tới địa phương.

Thứ hai, làm cho “không thể tham nhũng”. Đây là sách lược về mặt kỹ trị, thể hiện qua các biện pháp kiểm soát quyền lực, làm cho người nắm giữ quyền lực không thể lạm dụng quyền lực được giao. Về vấn đề này, ông Tập Cận Bình đã có câu nói nổi tiếng là phải “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế”. Hiện tại, để thực hiện sách lược làm cho “không thể tham nhũng”, Trung Quốc đã và đang thực hiện các biện pháp cụ thể đó là: (1) Phòng ngừa xung đột lợi ích: Thể hiện ở việc xác định các tình huống có thể dẫn đến xung đột giữa lợi ích công và lợi ích tư mà cán bộ, công chức cần phải tránh, chẳng hạn như tuyển dụng người nhà vào các vị trí công việc ở trong cơ quan do mình lãnh đạo. (2) Kê khai, công khai tài sản, thu nhập: Trung Quốc đã thực hiện chế độ kê khai tài sản của các lãnh đạo. Mặc dù bản kê không được công khai rộng rãi nhưng đều được tổ chức kiểm tra, giám sát, nhất là trước khi bổ nhiệm cán bộ, để bảo đảm việc kê khai là trung thực. Việc kiểm tra tính trung thực trong kê khai tài sản được thực hiện với mọi cán bộ trước khi bổ nhiệm và cả ở thời điểm trước khi ra khỏi đơn vị. Quy định về vấn đề này rất chi tiết, ví dụ, trường hợp phát hiện có dấu hiệu thiếu trung thực thì người đó trong vòng ½ năm sẽ không được bổ nhiệm; nếu phát hiện đúng là kê khai không trung thực thì trong vòng 24 tháng sẽ không được bổ nhiệm. Dù vậy, việc kê khai và kiểm tra tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ cũng đang gặp những khó khăn vì 2 nguyên nhân: Thứ nhất là do tài sản, thu nhập của cá nhân ngày càng đa dạng, phức tạp. Trước đây tài sản của cán bộ, công chức thường chỉ là sổ tiết kiệm, trái phiếu nhà nước… nhưng nay còn bao gồm nhiều hình thức khác như cổ phiếu, chứng khoán, nhà, đất… dẫn đến việc kiểm tra bản kê khai rất khó khăn. Thứ hai, mặc dù pháp luật quy định người nhà cán bộ, công chức cũng phải kê khai tài sản, song việc phối hợp của người nhà không phải lúc nào cũng tốt, dẫn đến việc kê khai không đầy đủ. Vì thế, vấn đề kê khai, công khai tài sản, thu nhập ở Trung Quốc vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Thứ ba, làm cho “không muốn tham nhũng”. Sách lược này thực chất là làm cho người nắm giữ quyền lực mất đi động cơ tham nhũng, hay không còn ý thức tham nhũng. Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc thực thi 3 biện pháp chính đó là: (1) Giáo dục pháp luật và sự liêm chính. Việc này được thực hiện dưới nhiều hình thức như thông qua các lớp bồi dưỡng ở trường đảng, trường hành chính; đưa vấn đề liêm chính, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy ở các trường học, kể cả đại học và phổ thông, để hình thành tính cách liêm chính cho thế hệ trẻ, tiến tới xây dựng một nền văn hóa liêm chính trong xã hội. (2) Nâng cao đạo đức của các cán bộ, đảng viên: Việc này được thực hiện bằng cách đưa vấn đề tu dưỡng đạo đức vào Điều lệ Đảng và vào nội dung giảng dạy của hệ thống trường đảng. (3) Giáo dục lòng yêu nước, ý thức cộng đồng: Điều này là để khắc phục hạn chế của nền văn hóa Trung Quốc trong đó đặt vấn đề “thân” (cá nhân), “gia” (gia đình) lên trước “quốc” (nước) – cơ sở sâu xa của hành vi tham nhũng.

Thứ tư, làm cho ‘“không cần tham nhũng”. Trung Quốc hiểu rằng tham nhũng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ đời sống gặp khó khăn dẫn tới cán bộ, công chức phải tìm kiếm nguồn thu nhập bổ sung bằng nhiều cách, trong đó có việc nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp để được hối lộ. Vì vậy, Nhà nước Trung Quốc đã cố gắng bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức để họ yên tâm làm việc mà không bị thôi thúc bởi động lực phải tìm kiếm thu nhập thêm để nuôi sống gia đình. Dù vậy, việc này cũng gặp những trở ngại, khó khăn do đội ngũ cán bộ, công chức… ở Trung Quốc đông trong khi ngân sách của Nhà nước là có hạn.

Xu hướng chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc

Giai đoạn trước đây, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung thúc đẩy điều tra rộng khắp, cử các điều tra viên đến khắp nơi, thành lập các cơ quan giám sát cán bộ trong nội bộ chi ủy. Tuy nhiên, các mục tiêu quan chức cấp cao không còn nhiều nên thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung vào các quan chức cấp địa phương hoặc cơ sở. Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ chậm lại và trở thành một hình thức giám sát thường lệ. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dựa nhiều vào những phương tiện như Nhóm kiểm tra Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và những cơ quan chống tham nhũng trực thuộc Viện Kiểm sát và Chính phủ để giám sát không chỉ đảng viên mà còn tất cả cán bộ, công chức; tăng cường lãnh đạo thống nhất tập trung của Đảng đối với công tác chống tham nhũng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung xét xử những cán bộ lãnh đạo “không dừng lại, không thu tay, tập trung đầu mối vấn đề, bị quần chúng phản ứng gay gắt, hiện giữ cương vị lãnh đạo quan trọng, có thể còn muốn được đề bạt sử dụng”; xét xử nghiêm túc những hành vi dùng lợi ích để kết bè kéo cánh, xây dựng ảnh hưởng cá nhân trong đảng, kết thành nhóm lợi ích, xét xử  nghiêm túc những “kẻ hai mặt” không trung thành, không thành thật, bằng mặt mà không bằng lòng với đảng, vấn đề làm trái với đường lối chính trị của đảng, phá hoại môi trường chính trị trong đảng.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng sẽ tập trung xử lý, bắt giữ và điều tra, trừng trị tham nhũng vặt đối với các quan chức địa phương nhằm bảo vệ thiết thực cho lợi ích của quần chúng và làm thay đổi tác phong của cán bộ ở cơ sở và cải thiện môi trường chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa đảng với nhân dân, giữa cán bộ với dân, tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Trung ương Đảng. Trong năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc sẽ liên tục triển khai xử lý tập trung vấn đề tham nhũng và xây dựng tác phong trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, tiến hành bảo đảm vững chắc cho người dân nông thôn Trung Quốc thoát nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành vào năm 2020. Theo đó, trọng điểm triển khai lần này vừa có vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, vừa có vấn đề thực hiện thiếu hiệu quả trách nhiệm liên quan. Điều đáng chú ý là các vấn đề như chống chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, quyết sách mù quáng, cách làm dối trá, thoát nghèo bằng con số… cũng sẽ trở thành trọng điểm công tác.

RELATED ARTICLES

Tin mới