Iran vẫn để ngỏ cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, bất chấp căng thẳng với Mỹ đang leo thang đỉnh điểm.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã mất đi phần lớn giá trị sau khi Iran hồi cuối tuần qua thông báo dỡ bỏ mọi giới hạn đối với số lượng máy ly tâm mà nước này có thể sử dụng để làm giàu urani. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo cũng cho thấy sự thận trọng chiến lược khi tránh một sự phá vỡ đột ngột mọi cam kết.
Theo các nhà phân tích, điều này cũng đồng nghĩa với việc Iran vẫn để ngỏ cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao nhằm cứu vãn văn kiện, bất chấp căng thẳng với Mỹ đang leo thang đỉnh điểm.
Quyết định dỡ bỏ mọi giới hạn về số lượng máy li tâm được đánh giá là “nhẹ” hơn so với những gì mà các chuyên gia lo ngại đó là Iran có thể khôi phục hoạt động làm giàu urani cấp độ 20%, mức bị nghi ngờ phục vụ mục đích quân sự.
Theo chuyên gia Robert Kelley, cựu quan chức Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, về một mặt nào đó, tuyên bố của Iran phần nào khiến các nước “nhẹ lòng”. Bởi việc giảm cam kết của nước này không hề đột ngột, mà là sự tiếp nối của những thông báo trước đó. Về mặt chính trị, Iran đã cho thấy sự cẩn trọng.
Điểm quan trọng khác đối với những nước đang quyết tâm bảo vệ thỏa thuận, đó là cùng với tuyên bố giảm cam kết Iran cũng khẳng định tiếp tục hợp tác với các thanh sát viên của IAEA và vì thế, cơ quan liên hợp quốc này vẫn có thể tiếp cận với các cơ sở hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, thời gian là rất gấp gáp. Mục tiêu của thỏa thuận là kéo dài thêm 1 năm thời gian cần thiết để Iran có thể sở hữu bom hạt nhân nếu nước này có ý định, điều mà Iran luôn bác bỏ. Và thời gian đếm ngược đã bắt đầu kể từ khi Iran thực hiện kế hoạch giảm cam kết và làm giàu urani vượt mức cho phép.
Theo chuyên gia Robert Kelley, sau nhiều lần giảm cam kết của Iran, thời hạn này chỉ còn chưa đầy 1 năm. Nếu Iran làm giàu urani vượt ngưỡng 20%, cùng với sự gia tăng năng suất của các máy li tâm, thời gian này sẽ giảm hơn nữa.
Trong một phản ứng mới nhất trước tuyên bố của Iran, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell ngày 6/1 bày tỏ lấy làm tiếc, đồng thời nhấn mạnh, việc tất cả các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân hiện quan trọng hơn bao giờ hết vì sự ổn định khu vực và an ninh toàn cầu.
“Liên minh châu Âu thực sự lấy làm tiếc về thông báo của Iran. Song việc cần làm lúc này là tin tưởng và chờ đợi báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Vì thế, ở giai đoạn hiện nay, chúng tôi sẽ tin tưởng vào kết quả xác minh của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đối với tất cả những biện pháp mà Iran đang thực hiện, cũng như những cam kết mà nước này dường như vẫn đang tôn trọng”, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peter Stano nhấn mạnh.
Các máy li tâm là không thể thiếu để sản xuất urani làm giàu. Theo thỏa thuận Viên, Iran đã giảm số lượng máy li tâm xuống còn 5.060 so với hơn 19.000 trước đây, cam kết không vượt quá con số này trong 10 năm. Tháng 9/2019 vừa qua, nước này đã đưa các máy li tâm tiên tiến bị cấm theo thỏa thuận vào sử dụng tại cơ sở hạt nhân Natanz, song với số lượng hạn chế. Đến tháng 11, nước này bắt đầu làm giàu urani bằng các máy li tâm lắp đặt tại nhà máy Fordo và với thông báo mới nhất này, quy mô lắp đặt các máy li tâm sẽ như thế nào?
Iran đã tuyên bố, những biện pháp này sẽ được đảo nước nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Dù bế tắc ngoại giao hiện nay khiến kịch bản này trở nên khó khăn hơn, song rõ ràng Iran cũng đang cho thấy “sẽ theo thỏa thuận đến cùng” để không bị “mang tiếng” là rời bỏ thỏa thuận như cách Mỹ đã làm