Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến mới, nhất là việc Trung Quốc gia tăng hoạt động đóng tàu chiến khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn, dễ dẫn đến xung đột và chạy đua vũ trang trên biển.
Trung Quốc liên tục hạ thủy tàu chiến khủng
Trong năm 2019, Trung Quốc đã hạ thủy và đưa vào biên chế 24 tàu chiến các loại, nhằm gia tăng sức mạnh hải quân.
Đầu tiên, Trung Quốc (12/2019) chính thức biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên – Sơn Đông cho Hạm đội Nam Hải. Thiết kế của tàu Sơn Đông chủ yếu dựa vào tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô. Nó được cải tiến và nâng cấp một chút so với Liêu Ninh, với radar cải tiến và tăng khả năng tích trữ đạn dược và nhiên liệu, cho phép nó mang theo nhiều máy bay hơn so với Liêu Ninh. Theo thiết kế, tàu sân bay Sơn Đông có thể mang theo 36 tiêm kích J-15 trong khi tàu Liêu Ninh chỉ mang được 24 chiếc. Tính tổng cộng, tàu Sơn Đông có thể mang theo 40 chiếc máy bay bao gồm các trực thăng Z-9 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600. Tàu có chiều dài khoảng 300 mét, lượng choán nước khoảng 50.000 tấn (70.000 tấn khi đầy tải). Con tàu này sử dụng nồi hơi đốt dầu thông thường để chạy các tua bin hơi. Dự kiến, biên chế của biên đội tàu sân bay Sơn Đông có thể gồm: 02 Tàu khu trục tên lửa Type 052C; 01 Tàu khu trục tên lửa Type 052D; 02 Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A; 01 Tàu hộ vệ tên lửa Type 056A; 01 Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A; 01 Tàu tấn công nhanh.
Trung Quốc đã hạ thủy tàu đổ bộ trực thăng Type 075 – tàu được phát triển, dựa trên các tàu tấn công đổ bộ của Mỹ. Theo đó, tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng cỡ lớn Type 075 của hải quân Trung Quốc dài 250m, chiều rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn và có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý trên giờ tương đương với khoảng 42,5 km/h. Tàu có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Những loại trực thăng dự kiến sẽ được Trung Quốc đưa lên tàu đổ bộ Type 075 bao gồm trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D hoặc loại hạng trung Z-20, đi kèm trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Trong tương lai Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu một mẫu tiêm kích hạm tàng hình có khả năng cất hạ cánh tương tự như F-35B Lightning II của Mỹ, đó có thể là chiếc J-26 như một số bản đồ họa từng xuất hiện. Bên cạnh đó do vẫn được thiết kế với khoang đổ bộ ngập nước, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.
Trung Quốc cũng đã hạ thủy tàu khu trục hạng nặng Type 055 thứ 5 và thứ 6 cho hải quân Trung Quốc và theo dự kiến sẽ được biên chế vào hạm đội sau khi thực hiện các chuyến đi biển thử nghiệm. Các tàu khu trục Type 055 được coi là những tàu khu trục đang phục vụ mạnh nhất trên thế giới ngày nay. Lớp tàu Type 055 được đóng dựa trên những thành công mà các kỹ sư quân sự Trung Quốc thu hái được trong việc chế tạo lớp tàu khu trục hạng nhẹ hơn trước đó là tàu Type 052. Các tàu Type 052 bắt đầu gia nhập các hạm đội của hải quân Trung Quốc từ năm 2014, cũng được tích hợp hệ thống ống phóng thẳng đứng tiên tiến như tàu Type 055. Cả hai tàu dùng chung công nghệ cảm biến. Tuy nhiên tàu Type 055 được trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS) với 112 ống, có thể triển khai 10 loại tên lửa cho các mục tiêu tác chiến khác nhau. Trong số các tên lửa mà hệ thống VLS của Type – 055 có thể triển khai có tên lửa đối không HHQ-9B được quảng cáo là có năng lực chống tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối (tương tự hệ thống phòng không THAAD của Mỹ). Ngoài ra còn có tên lửa chống tên lửa đạn đạo HQ-26, tên lửa tiên tiến DK-10A Quad đất đối không, cùng tên lửa đa nhiệm tầm xa HQ-10. Điều này về lý thuyết cung cấp cho con tàu khu trục số 1 của Trung Quốc và đội tàu đi kèm năng lực chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay và tên lửa. Có thể nói xét theo các chỉ số được công bố, tàu Type 055 có năng lực phòng thủ tên lửa không kém gì các tàu tuần dương của Mỹ. Xét về các tên lửa hành trình chống hạm của tàu Type 055, nhiều trong số này được nói là có tốc độ và tầm bắn ngang ngửa với các loại đang được trang bị cho tàu khu trục và tàu tuần dương của hải quân Mỹ. Ví dụ tên lửa hành trình YJ-18 với tầm bắn 540km, tốc độ Mach 3, tên lửa cận âm YJ-100 chậm hơn nhiều nhưng với tầm bắn tới 1.000km. Các loại vũ khí hiện đại có thể được trang bị trong tương lại là súng điện từ, tên lửa hành trình siêu thanh JY-XX. Chương trình YJ-XX được “khoe” là có nhiều điểm tương đồng với chương trình tên lửa siêu thanh Zircon của Nga (Zircon có tốc độ Mach 8 và tầm bắn trên 1.000km).
Mới đây nhất, Trung Quốc vừa hạ thủy tàu Type 052D thứ 23 của Bắc Kinh. Đây là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường do Công ty Công nghiệp Đóng tàu Đại Liên tại tỉnh Liêu Ninh đóng. Type 052D là thế hệ khu trục hạm lớn và hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc. Được mệnh danh là “Aegis Trung Hoa”, lớp tàu chiến này có cấu trúc rất giống Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, trong đó nổi bật là radar mảng pha quét điện tử chủ động H/LJG-346A “Dragon Eye” bao gồm 4 mảng radar quay về 4 hướng, cho khả năng bao quát trọn vẹn 360 độ. Nhiệm vụ chính của Type 052D là phòng không hạm đội, do vậy nó được lắp đặt 64 bệ phóng thẳng đứng (VLS) tương tự Mk 41 của Mỹ, mang theo tên lửa đánh chặn tầm xa HHQ-9B tầm bắn 200 km. Tuy nhiên thực chất phải coi Type 052D là một khu trục hạm đa năng, nó mạnh toàn diện cả về công lẫn thủ khi hệ thống VLS này còn triển khai được cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 lẫn tên lửa chống hạm tầm xa. Đã có khá nhiều suy đoán về chủng tên lửa chống hạm mà Type 052D sẽ mang, trong đó có cả vũ khí cơ bản của Hải quân Trung Quốc là YJ-83, loại tên lửa siêu âm mới phát triển YJ-12A, hoặc một phiên bản sao chép từ 3M-54E của Nga. Và mới đây, một bức ảnh xuất hiện trên các trang mạng quân sự Trung Quốc đã cho câu trả lời rõ ràng, tên lửa chống hạm trang bị cho Type 052D chính là YJ-18. Ưng Kích 18 (Ying Ji-18 – YJ-18, NATO gọi bằng cái tên CH-SS-NX-13) là một gia đình tên lửa chống hạm và tấn công mặt đất do Trung Quốc chế tạo dựa trên nguyên mẫu Klub của Nga, được thiết kế với khả năng triển khai từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu mặt nước hoặc từ ống phóng lôi của tàu ngầm. Thông số của YJ-18 tương đối giống với Klub nguyên bản, đó là có chế độ bay kết hợp cận âm Mach 0,8 trong giai đoạn tiếp cận mục tiêu, rồi đột ngột tăng vọt lên tới Mach 2,5 – Mach 3 khi bước vào chế độ công kích. Phạm vi hoạt động của YJ-18 dao động trong khoảng 220 – 540 km (tùy chế độ bay và phiên bản), mang theo đầu đạn trọng lượng 140 – 300 kg. YJ-18 sẽ sử dụng hệ dẫn đường Bắc Đẩu do chính Trung Quốc phát triển để dẫn hướng cho tên lửa trước khi đầu dò radar chủ động phát huy tác dụng. Ngoài khu trục hạm Type 052D và Type 055, YJ-18 được dự báo sắp có biến thể phóng từ dưới nước để trang bị cho tàu ngầm hạt nhân Type 095. Tầm bắn của YJ-18 gần tương đương với Klub nội địa của Nga và vượt trội BrahMos, Yakhont hay các phiên bản Klub xuất khẩu cho nhiều quốc gia châu Á khác, đây sẽ là vũ khí cực kỳ nguy hiểm của Hải quân Trung Quốc, không thể xem thường.
Tốc độ đóng tàu nhanh chóng mặt
Những năm gần đây, tốc độ và trình độ chế tạo, sản xuất tàu chiến của Trung Quốc đang ngày càng được cải thiện. Trung Quốc đã dần theo kịp trình độ của một số cường quốc quân sự trên thế giới. Từ năm 2013 đến 2018, Trung Quốc đã đóng mới và đưa vào biên chế 77 tàu chiến các loại, từ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến khinh hạm, tàu hậu cần. Con số đó chưa bao gồm các tàu đang được thử nghiệm trên biển và sẽ sớm gia nhập hải quân Trung Quốc trong 1, 2 năm tới. Trong đó, năm 2016, Trung Quốc đã biên chế đưa vào sử dụng 25 tàu chiến, tàu hộ vệ hoạt động trên mặt nước, trong đó có 1 tàu khu trục, 3 tàu khu trục loại nhỏ, 7 tàu hộ vệ, 2 tàu phá mìn, 5 tàu đổ bộ, 3 tàu tiếp dầu, 2 tàu phá băng và 2 tàu địa lý thủy văn. Năm 2017, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tổng cộng 17 tàu chiến mới, ít hơn năm 2016 (không tính đến tàu ngầm), gồm: 2 tàu khu trục lớp 052D có trọng tải 7.000 tấn gồm tàu Tây Ninh số hiệu 117 và tàu Hạ Môn số hiệu 154; 2 tàu khu trục loại nhỏ (khinh hạm) lớp 054A có trọng tải 4.053 tấn gồm tàu Vu Hồ số hiệu 539 và tàu Hứa Xương số hiệu 536; 8 tàu hộ vệ chống tàu ngầm lớp 056A có trọng tải 1.340 tấn gồm các tàu mang các số hiệu 514, 551, 552, 553, 520, 556, 518, 535; 1 tàu tiếp dầu Hồ Hô Luân lớp 901 số hiệu 965 (trọng tải 50.000 tấn); 1 tàu đặt cọc tiêu quân sự lớp 744A (trọng tải 1.750 tấn); 1 tàu huấn luyện Thích Kế Quang lớp 927 số hiệu 83 (trọng tải 9.000 tấn); 1 tàu kéo ngoài khơi (trọng tải 6.000 tấn); 1 tàu tình báo điện tử lớp 815A số hiệu 856 (trọng tải 6.000 tấn).
Nếu so sánh với năm 2016, số tàu chiến mới đưa vào sử dụng năm 2017 giảm 32% về số lượng và giảm 33,13% về trọng tải (trọng tải 105.576 tấn năm 2017 so với 157.881 tấn năm trước đó). Ngoài ra, số tàu đổ bộ và tàu tiếp liệu cũng giảm. Ngược lại, các loại tàu hàng đầu đóng mới như tàu khu trục, tàu hộ vệ vẫn giữ nguyên. Việc Trung Quốc giảm số lượng tàu chiến đưa vào sử dụng trong năm qua chỉ đơn giản do các công xưởng hải quân Trung Quốc thay đổi chu kỳ sản xuất. Ví dụ nhà máy đóng tàu Đại Liên ở miền Bắc Trung Quốc sản xuất cùng lúc 1 tàu sân bay lớp 002, 2 tàu khu trục lớp 055 trọng tải 12.000 tấn và 5 tàu khu trục lớp 052D trọng tải 7.000 tấn. Hay như nhà máy đóng tàu Giang Nam Trường Hưng đã bắt đầu xây dựng cơ ngơi để chuẩn bị đóng tàu sân bay thứ ba. Nhà máy này đang đóng 3 tàu khu trục trọng tải 12.000 tấn, tối thiểu 4 tàu khu trục trọng tải 7.000 tấn, nhiều tàu ngầm tấn công diesel và tàu đệm khí. Năm nhà máy đóng tàu khác của Trung Quốc cũng đang hoạt động hết công suất.
Hiệp hội ngành đóng tàu quốc gia Trung Quốc mới cho biết nước này vẫn giữ vững vị trí đứng đầu trong lĩnh vực đóng tàu toàn cầu năm 2018. Cụ thể, số tàu mà các công ty của Trung Quốc đóng được trong năm 2018 chiếm 43,2% tổng số tàu được đóng mới trên thế giới, tăng so với tỷ trọng 41,9% được ghi nhận năm 2017, qua đó củng cố vị trí dẫn đầu của nước này trong lĩnh vực đóng tàu toàn cầu. Cũng trong năm 2018, Trung Quốc nhận được 43,9% lượng đơn đặt hàng mới và đang nắm giữ 42,8% số đơn đang thực hiện trên toàn cầu.
Động lực của Trung Quốc trong việc đóng và biên chế tàu chiến được đẩy mạnh sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền. Tuy nhiên theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, mặc dù các tàu mới vẫn được bổ sung vào lực lượng hải quân Trung Quốc hàng năm, song không có sự gia tăng về tổng số tàu trong hạm đội vì nhiều tàu cũ được thay thế dần bằng các tàu mới. Theo nhà bình luận quân sự Hong Kong Tống Trung Bình, trước đây Trung Quốc thường tập trung vào việc phòng vệ gần bờ, còn bây giờ, nước này đã đưa tàu tới các vùng biển xa hơn nhằm phục vụ cho tham vọng hàng hải. Chuyên gia Tống Trung Bình cho rằng việc Trung Quốc hạ thủy các tàu mới nhất phù hợp với chiến lược hàng hải đang phát triển của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu muốn nâng cao khả năng tác chiến, Trung Quốc vẫn cần phải cải thiện các hệ thống năng lượng bên trong các tàu chiến của nước này. Giới phân tích vẫn chưa thực sự đánh giá cao năng lực của các tàu Trung Quốc, thậm chí cả tàu sân bay Sơn Đông mới được Bắc Kinh biên chế trong tháng này.
Trong khi đó, theo chuyên gia Koh, sự phát triển nhanh chóng của khí tài quân sự Trung Quốc đòi hỏi phải có sự phát triển song hành của lực lượng nhân sự chuyên nghiệp, chất lượng cao để vận hành và bảo trì những khí tài đó. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn bị tụt hậu về vấn đề này.