Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại diễn biến tình hình thế giới năm 2019 và xu...

Nhìn lại diễn biến tình hình thế giới năm 2019 và xu hướng trong năm 2020

Năm 2019 kết thúc với những xung đột lớn chưa ngã ngũ: thương chiến Mỹ – Trung tạm lắng xuống, các cuộc biểu tình ở Hong Kong chưa chấm dứt, Biển Đông vẫn có những diễn biến phức tạp, diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc… Điều này đã tác động trực tiếp đến xu hướng tình hình khu vực và thế giới trong năm 2020.

Năm 2019 đầy biến động và căng thẳng

Đầu tiên, cuộc chiến Mỹ – Trung leo thang, chưa có hồi kết. Năm 2019, Mỹ đã gia tăng các đòn thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để đáp trả điều mà Washington xem là thương mại không bằng không tôn trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã tác động mạnh tới châu Á, làm thay đổi lại hàng loạt chuỗi cung ứng và phân phối lại các tuyến vận tải. Các công ty tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất hoặc chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chi phí tăng cao do cuộc chiến thương mại. Washington cũng tìm cách chặn đứng hành vi lâu nay của các doanh nghiệp Trung Quốc về việc vận chuyển các hàng hóa gắn sai mác xuất xứ. Sự kết hợp của việc thay đổi chuỗi cung ứng, vốn xảy ra do căng thẳng thương mại và đòn thuế quan, được dự báo sẽ giúp tăng cường năng lực sản xuất trong khu vực.

Không những vậy, cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tràn tới châu Á, khi Washington liên tục gây sức ép lên các đối tác nhằm buộc họ phải đi theo Mỹ trong việc liệt các công ty viễn thông Trung Quốc vào danh sách đen. Lý do mà Mỹ đưa ra là những lo ngại về rủi ro liên quan tới an ninh quốc gia và gián điệp. Hồi tháng 4, Nhật Bản đã chỉ định các công ty viễn thông của nước này tham gia vào việc phát triển mạng lưới 5G, đồng thời yêu cầu các công ty này phải thực thi các biện pháp về an ninh mạng để ngăn họ sử dụng các thiết bị do các công ty viễn thông của Trung Quốc như Huawei hay ZTE sản xuất. Tuy vậy, ở những nơi khác, nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn sự lan rộng của công nghệ Trung Quốc dường như không đạt được nhiều kết quả. Hàn Quốc, đồng minh then chốt của Mỹ ở Đông Á, trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực phủ sóng 5G trên toàn quốc khi khởi động các dịch vụ viễn thông vào tháng 4 bằng việc sử dụng các thiết bị của Huawei, bao gồm cả các trạm phát và máy phát. Hồi tháng 6, Philippines trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sở hữu mạng lưới 5G sau khi nhà mạng viễn thông Globe Telecom của nước này vận hành mạng lưới 5G với công nghệ của Huawei. Trong năm 2019, Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều đã thử nghiệm các dịch vụ 5G với công nghệ của Huawei. 

Thứ hai, Nhật Bản và Hàn Quốc “sứt mẻ” quan hệ. Mối quan hệ giữa hai “ông lớn” châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu vẫn tồn tại những âm ỉ do các vấn đề lịch sử nhưng đã bùng phát căng thẳng trong năm qua do các mâu thuẫn về thương mại. Căng thẳng bắt đầu từ việc Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba nguyên liệu dùng để sản xuất chip và màn hình – hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc – với cáo buộc Seoul để các nguyên liệu này lọt vào Triều Tiên giúp nước này chế tạo vũ khí. Hai bên liên tiếp có các biện pháp đáp trả lẫn nhau, khiến cả hai nền kinh tế lớn của châu Á đều bị tác động mạnh. Căng thẳng từ thương mại đã nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác như chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa, du lịch… Đỉnh điểm, chính phủ Nhật Bản đã loại Hàn Quốc khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi về thủ tục nhập khẩu. Các biện pháp “ăn miếng trả miếng” của hai bên đã khiến các sản phẩm xuất khẩu của hai nước sang nhau giảm mạnh và lượng khách du lịch qua lại hai bên cũng tụt dốc. Một tín hiệu khả quan đã đến vào dịp cuối năm tại thượng đỉnh 3 nước Trung Quốc – Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra ở Thành Đô (Trung Quốc) khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In có cuộc gặp song phương và nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ sau một giai đoạn khó khăn giữa hai nước. Mâu thuẫn giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 4 châu Á – và cũng là hai đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực – đã khiến Washington rơi vào tình thế “khó xử”. Mỹ đã nỗ lực hàn gắn hai bên trong bối cảnh Washington luôn coi hợp tác với Seoul và Tokyo có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực ứng phó với các vấn đề khu vực.

Thứ ba, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên rơi vào bế tắc. Sau những thành công bước đầu khi trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên, nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân không đạt được nhiều tiến triển trong năm nay. Mỹ không thể duy trì động lực mà nước này có được với Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào năm 2018. Cuộc gặp thứ hai của hai nhà lãnh đạo tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề phi hạt nhân hóa. Sau nhiều tháng rơi vào bế tắc, Triều Tiên tháng này tuyên bố đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm tại bãi phóng tên lửa Sohae. Động thái này làm dấy lên đồn đoán rằng, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị động cơ mới cho tên lửa đạn đạo liên lục địa trong tương lai. Sau khi Triều Tiên đặt ra hạn chót cuối năm cho Mỹ để đưa ra một thỏa thuận phi hạt nhân hóa mới, nếu không Washington có thể sẽ phải nhận một “món quà Giáng sinh” từ Bình Nhưỡng, năm 2019 kết thúc bằng một “nốt trầm” ảm đạm cho triển vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Thứ tư, căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc – Đài Loan. “Cạnh tranh” ngoại giao giữa Trung Quốc và Đài Loan làm nóng khu vực Thái Bình Dương trong năm 2019. Đài Loan đã mất đi hai trong số những đồng minh ít ỏi còn lại trên thế giới, trong bối cảnh các quốc đảo Thái Bình Dương ngày càng xích lại gần Trung Quốc và ủng hộ chính sách của Bắc Kinh, trong đó coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Solomon, đồng minh lâu năm của Đài Loan, đã “quay lưng” với hòn đảo hồi tháng 9 sau khi nhận thấy những lợi ích kinh tế từ các thỏa thuận đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Sau Solomon, Kiribati cũng rời bỏ Đài Loan và chuyển sang quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ còn 4 nước ở Thái Bình Dương, gồm Nauru, Palau, Tuvalu và quần đảo Marshall vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan. Trong khi đó, Mỹ cũng tăng cường nỗ lực để thắt chặt quan hệ với 3 quốc đảo Thái Bình Dương mà nước này vẫn duy trì thỏa thuận quốc phòng. Điều này cho phép Washington có khả năng tiếp cận quân sự độc quyền với các vùng biển của Palau, Marshall và Micronesia. Tổng thống Donld Trump hồi tháng 5 đã đón lãnh đạo của 3 nước trên tại Nhà Trắng. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trải thảm đỏ đón Tổng thống Micronesia David Panuelo tại Bắc Kinh hồi tháng 12. Ông Panuelo được cho là đã ký các thỏa thuận trị giá 70 triệu USD để tăng cường quan hệ kinh tế của Micronesia với Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng tại Thái Bình Dương.

Thứ năm, Mỹ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tháng 11/2017, tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, được cho là nhằm củng cố vị thế của Washington tại một khu vực địa chiến lược trọng yếu và ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Chiến lược của chính quyền Trump được thực hiện rộng khắp trên các “mặt trận”, từ kinh tế, chính trị, đến công nghệ, quốc phòng và an ninh. Một mặt, chiến lược nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, mặt khác kiềm chế các nước thách thức vị thế của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương rõ ràng cho thấy Mỹ không thể ngồi yên khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh mềm khắp thế giới thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Đúng 2 năm sau khi khai sinh tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, vào tháng 11/2019, Mỹ đã công bố báo cáo về việc thực hiện chiến lược này: “Chính phủ Mỹ đã tiến hành nhiều bước đi nhằm hiện thực hóa ưu tiên của Tổng thống Trump đối với khu vực. Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Bộ Ngoại giao và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã cung cấp hơn 4,5 tỷ viện trợ nước ngoài đối với khu vực. Trong 3 năm đầu của chính quyền Trump, Mỹ đã tăng 25% viện trợ cho khu vực so với 3 năm đầu của chính quyền tiền nhiệm, cho thấy sự chuyển dịch đáng kể của các nguồn lực đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đó là chưa kể hàng trăm tỷ USD tài chính phát triển, các khoản đầu tư của các công ty Mỹ và các nguồn khác”. Việc thúc đẩy một Biển Đông tự do và rộng mở là một trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Trump nhằm chống các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh đối với hầu hết vùng biển chiến lược này. Kể từ năm 2017, hải quân Mỹ đã gia tăng các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, thường xuyên điều tàu áp sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép, gia tăng tập trận với các đồng minh trong khu vực, thúc đẩy hợp tác theo cơ chế “bộ tứ” với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Mỹ cũng gia tăng các chỉ trích công khai các hành động bành trướng của Trung Quốc tại các diễn đàn đa phương như tại Đối thoại Shangri-La, các hội nghị cấp cao khu vực…

Thứ sáu, cuộc điều trần luận tội Tổng thống Mỹ. Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump bắt đầu hồi tháng 9 sau khi thông tin về cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa ông và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bị rò rỉ, trong đó ông bị cáo buộc đã gây sức ép với chính phủ Ukraine điều tra cha con ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden để giành lợi thế chính trị trước cuộc bầu cử 2020. Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát ngày 18/12 đã bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump gồm: lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Ông Trump là tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội, sau cố Tổng thống Andrew Johnson và cựu Tổng thống Bill Clinton. Hạ viện dự kiến sẽ trình bản luận tội đối với ông Trump lên Thượng viện để xem xét trước khi phiên xét xử ông diễn ra. Nếu 2/3 trong số 100 thành viên của Thượng viện ủng hộ các điều khoản luận tội, ông Trump sẽ bị phế truất khỏi ghế tổng thống. Tuy nhiên, viễn cảnh này được cho là khó xảy ra do đảng Cộng hòa của ông Trump hiện đang kiểm soát Thượng viện.

Thứ bảy, Nga tiếp tục bị cô lập. Quan hệ giữa Nga và phương Tây cơ bản vẫn chưa được cải thiện trong năm qua, thậm chí còn căng thẳng và phức tạp hơn bao giờ hết. Các hợp tác dân sự và quân sự giữa Nga và NATO vẫn trong tình trạng đóng băng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và ủng hộ phe đòi độc lập ở miền đông Ukraine. Để “đề phòng mối đe dọa từ Nga”, NATO đã tăng cường sự răn đe và thế phòng thủ ở phía đông, với việc triển khai hơn 4.000 quân tại Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic sát biên giới là Estonia, Latvia and Lithuania, song song với việc đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania và Ba Lan. Cũng trong năm 2019, Mỹ và Nga đều đồng loạt rút khỏi hiệp ước Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), khiến thế giới lo ngại về một cuộc đua vũ trang tiềm tàng giữa hai nước. Đến cuối năm, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kể từ năm 2017 và cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris bàn về tình hình miền đông Ukraine, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, đã làm dấy lên hy vọng về viễn cảnh tan băng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Trong bối cảnh tiếp tục bị phương Tây cô lập, Nga đã đẩy mạnh chính sách hướng Đông, đặc biệt chú trọng quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN, thông qua các diễn đàn mà Nga đóng vai trò lãnh đạo hoặc chủ chốt như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok, Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tầm với của Nga đã ngày càng được mở rộng với sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại, hợp đồng vũ khí và các cuộc diễn tập quân sự. Trong năm 2019, Tổng thống Nga Putin lần đầu chào đón các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Philippines tới thăm. Giới phân tích cho rằng, mặc dù chính sách hướng Đông của Nga không phải mới, nhưng trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây đóng băng, Moscow chắc chắn sẽ xoay trục về phương Tây ngày càng mạnh mẽ hơn.

Thứ tám, nguy cơ xung đột tại Iran. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran năm 2019 đã suýt leo thang thành xung đột quân sự, khi Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng chính ông đã hủy lệnh không kích các mục tiêu tại Iran chỉ 10 phút trước khi khai hỏa, sau khi một máy bay trinh sát không người lái trị giá khoảng 200 triệu USD của Mỹ bị tên lửa phòng không Iran bắn hạ gần eo biển Hormuz. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Cộng hòa Hồi giáo, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng leo thang căng thẳng. Washington đã cáo buộc Tehran tấn công các tàu chở dầu trên vịnh Oman, tấn công 2 nhà máy lọc dầu tại Ả-rập Xê-út. Đáp trả, Washington đã điều thêm quân và các khí tài như tàu sân bay, máy bay chiến đấu hiện đại F-22 tới khu vực để răn đe Iran, trong khi Tehran đáp trả bằng việc làm giàu uranium trở lại, phát triển các loại vũ khí mới. Giới phân tích cho rằng quan hệ Mỹ – Iran đang ở giai đoạn rất nhạy cảm và chỉ cần một động thái bị cho là khiêu khích ở bất kỳ phía nào thì các căng thẳng có thể bùng phát thành đối đầu quân sự tại một trong những khu vực nóng bỏng nhất thế giới.

Thứ chín, biểu tình kéo dài tại Hong Kong. Các cuộc biểu tình tại Hong Kong đã nổ ra hồi tháng 6, bắt đầu là nhằm phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, cho phép Hong Kong dẫn độ nghi phạm tới những nơi chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Những người biểu tình lo ngại rằng dự luật làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mà đặc khu hành chính này được hưởng và điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới các quyền lợi của họ. Mặc dù dự luật đã bị hủy bỏ vĩnh viễn, nhưng các cuộc xuống đường vẫn tiếp diễn và mở rộng ra làn sóng biểu tình ủng hộ các quyền tự do và phản đối cảnh sát. Căng thẳng tại Hong Kong chỉ tạm lắng xuống sau cuộc bầu cử hội đồng quận, trong đó phe đối lập giành chiến thắng áp đảo. Kết quả này được xem là một thông điệp rõ ràng của cử tri nhằm gửi tiếng nói tới chính quyền vốn được Bắc Kinh hậu thuẫn, sau các cuộc biểu tình phản đối chính quyền kéo dài suốt 6 tháng qua. Sau cuộc bầu cử, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cho hay chính quyền của bà tôn trọng kết quả bầu cử và cam kết lắng nghe tiếng nói của người dân.

Xu hướng trong năm 2020

Trong năm 2020, diễn biến tình hình khu vực và thế giới chịu ảnh hưởng và tác động nhiều vào kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Theo đó, kết quả bầu cử Mỹ năm 2020 sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn đối với diễn biến tình hình khu vực và thế giới. Chính sách kinh tế – thương mại, đối ngoại và nhập cư của ông Trump đã gây xáo trộn lớn cho cục diện quốc tế, đơn cử là màn thương chiến với Trung Quốc, việc rút Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế (thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP), các đợt áp thuế lên đồng minh, đối tác, thái độ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO… Không những vậy, tháng 1/2020 là lúc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận “giai đoạn 1” để giải quyết mâu thuẫn, nhưng việc có “giai đoạn 2” hay một thỏa thuận tổng thể hay không tất nhiên sẽ tùy thuộc vào chuyện ông Trump còn làm tổng thống tiếp tục hay không. Một “mặt trận” khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là số phận của Huawei và nền tảng 5G, hay nói chung là một cuộc chạy đua công nghệ mang dáng dấp địa chính trị của năm 2020.

Ngoài ra, cuộc bầu cử Mỹ tiếp tục thể hiện sức ảnh hưởng lên tình hình Trung Đông, một trong những điểm nóng địa chính trị quốc tế và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Trump. Cách Mỹ xử lý mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, với Iran, là nhân tố tác động lớn lên chính những gì Washington và đồng minh châu Âu phải đối diện. Châu Âu đã trải qua giai đoạn đầy biến cố với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, và thực trạng này có phần đóng góp không nhỏ từ cuộc khủng hoảng Syria cũng như Trung Đông nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới