Sau gần một thập kỷ đưa ra các dự án thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc, đặc biệt dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte song hai bên vẫn chưa thể đi đến những điểm chung. Giới chức Manila thông tin Philippines và Trung Quốc sẽ sớm gặp mặt để phá vỡ bế tắc này.
Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Thượng viện Philippines Sherwin Gatchalian hôm 7/1 cho biết các quan chức ngoại giao và năng lượng nước này sắp gặp các đại diện của Trung Quốc để giải quyết những vấn đề bị đình trệ từ tháng 10/2019. Khi đó hai bên không thể thống nhất “cách thúc đẩy và xác định các điều luật quản lý dự án thăm dò dầu khí chung”. Bế tắc tương tự cũng từng khiến kế hoạch thăm dò dầu khí được đề xuất hồi năm 2011 giữa Trung Quốc và Chính quyền cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino phải dừng lại. Ông Gatchalian cho rằng việc hai nước đạt được thỏa thuận thăm dò dầu khí chung tại Biển Đông sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng các bên “có thể tìm ra giải pháp thương mại cùng có lợi bất chấp những vấn đề địa chính trị”.
Trong bản ghi nhớ được ký năm 2018, Trung Quốc và Philippines nhất trí rằng dự án này không đồng nghĩa với việc một trong hai bên từ bỏ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 9/2019 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề nghị ông gạt bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) để đổi lấy lợi ích ở Biển Đông. Năm 2016, PCA đã bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra nhằm đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. Cũng từ năm 2016, sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Duterte đã thực thi chính sách xích lại gần Trung Quốc và né tránh thực thi phán quyết của PCA vì cho rằng điều đó sẽ dẫn đến chiến tranh.
Tiến triển đáng kể nhất trong dự án thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila là việc Lãnh đạo Trung Quốc đề nghị trao cổ phần theo tỷ lệ 60:40 cho Philippines trong một liên doanh khai thác dầu khí tại bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện do Philippines kiểm soát), nếu Manila bỏ qua phán quyết này. Tuy nhiên, phe đối lập tại Philippines cảnh báo những kế hoạch thăm dò chung với Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh khẳng định tuyên bố chủ quyền vốn không được luật pháp quốc tế công nhận, đồng thời đề nghị Duterte công khai các chi tiết trong dự án với Trung Quốc.
Cần phải nhắc lại rằng chính sách kết thân với Trung Quốc và các dự án hợp tác khai thác chung dầu khí với Bắc Kinh của Chính quyền Manila đang vấp phải những dư luận phản đối mạnh mẽ từ nội bộ Chính quyền và người dân Philippines. Không những vậy điều này còn vấp phải rào cản lớn nhất đó chính là tính chất pháp lý tại Philippines mà các nhà luật học cho rằng có thể trái với Hiến Pháp. Hiến pháp Philippines quy định khi đề cập đến thăm dò, phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên, chính phủ Philippines chỉ có thể ký kết “những thỏa thuận liên doanh, cùng khai thác hoặc phân chia sản lượng khai thác” với các công dân hoặc doanh nghiệp có 60% cổ phần do phía Philippines nắm giữ.
Một thực tế nữa là những tiêu cực mà chính quyền và người dân Philppines có thể nhìn thấy rõ những tác động tiêu cực và những kết quả trên giấy từ những hứa hẹn hợp tác, đầu tư của Bắc Kinh. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết 27 hợp đồng với tổng giá trị lên tới 24 tỷ USD. Theo đó, Bắc Kinh đồng ý cấp cho Manila 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm khoản tín dụng trị giá 3 tỷ với Ngân hàng Trung Quốc. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cam kết cấp khoản đầu tư trực tiếp trị giá 15 tỷ USD vào các dự án đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai thác mỏ, nhưng không nêu cụ thể thời gian tiến hành. Tới nay, Philippines mới hoàn thành một hợp đồng vay vốn từ Trung Quốc trị giá 73 triệu USD để tài trợ cho dự án thủy lợi phía bắc thủ đô Manila, theo Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia. Hai cây cầu ở Manila, một dự án khác được Trung Quốc hỗ trợ 75 triệu USD, cũng mới được khánh thành. Dù vậy, Bộ trưởng Pernia cho rằng quá trình Philippines nhận viện trợ từ Trung Quốc “dường như diễn ra chậm hơn” các nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản. Quan hệ Trung Quốc – Philippines thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn khi một tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đâm vào tàu cá nhỏ hơn của Phillippines và bỏ mặc 21 ngư dân Philippines giữa biển trước khi được một tàu cá Việt Nam giải cứu hồi đầu tháng 6. Các quan chức nội các của Duterte cũng chỉ trích Trung Quốc ngày càng gay gắt trong những tuyên bố của họ.