Những thông điệp trao đổi bí mật thông qua Thụy Sĩ mang tính chất kiềm chế, khác hẳn với những phát ngôn chỉ trích gay gắt được lên tiếng công khai.
Vài giờ sau khi tướng Qasem Soleimani của Iran bị giết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, gửi thông điệp khẩn tới Tehran với yêu cầu kiềm chế leo thang xung đột – tờ Wall Street Journal, dẫn nguồn các quan chức Mỹ, cho biết. Thông điệp được mã hóa và truyền qua kênh Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Iran.
“Chúng tôi không đàm phán quá nhiều với người Iran, nhưng khi chúng tôi bắt đầu tiến hành thì Thụy Sĩ đã đóng vai trò quyết định trong việc truyền tải thông điệp, và điều đó cũng giúp tránh những tính toán sai lầm” – một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Theo các nguồn tin, thông điệp ban đầu mà Mỹ muốn gửi cho Iran đã được truyền đến máy fax bảo mật cao của cơ quan ngoại giao Thụy Sĩ ở Tehran. Kênh này kết nối với Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ tại Bern và đại sứ quán ở Washington. Đại sứ Thụy Sĩ tại Iran, Markus Leitner, đích thân trao công văn cho Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif.
Ông Zarif, theo các nguồn tin của Wall Street Journal, đã nhận thông điệp với một sự phẫn nộ, và gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo là “kẻ hay kiếm chuyện” và nước Mỹ là “nguyên nhân của mọi vấn đề”. Tuy nhiên, những thông điệp trao đổi bí mật tiếp theo thông qua Thụy Sĩ lại mang tính chất kiềm chế, khác hẳn với những phát ngôn chỉ trích gay gắt được lên tiếng công khai.
“Người Thụy Sĩ, vào những thời điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ với Iran, đóng góp một vai trò hữu ích và đáng tin cậy mà cả hai bên đều coi trọng. Hệ thống của họ giống như một ánh sáng không bao giờ tắt” – nguồn tin cho biết.
Đại diện của phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc từ chối đưa ra bình luận, nhưng lưu ý rằng, Tehran đánh giá cao sự hỗ trợ của Thụy Sĩ trong việc cung cấp các kênh liên lạc.
Tướng Qasem Soleimani chết hôm 3/1 trong cuộc không kích của Mỹ vào Baghdad, Iraq. Washington không nêu chi tiết mà chỉ giải thích quyết định của mình bằng cách nói rằng, Tư lệnh lực lượng Quds đang lên kế hoạch tấn công công dân Mỹ.
Mỹ sau đó cũng không cung cấp dữ liệu cụ thể. Tehran hứa sẽ trả thù cho cái chết của tướng Qasem Soleimani. Ban đầu, Iran cắt giảm nghĩa vụ đối với thỏa thuận hạt nhân, sau đó, Quốc hội nước này thông qua dự luật mà theo đó quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc bị coi là tổ chức khủng bố.
Ngày 8/1, Iran phóng 15 quả tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq. Đáp lại hành động của Iran, ông Donald Trump tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.