Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaYêu sách “đường chín đoạn” trọng tâm trong hoạt động tuyên truyền...

Yêu sách “đường chín đoạn” trọng tâm trong hoạt động tuyên truyền của TQ về Biển Đông trong năm 2019 và những điều rút ra hiện nay

Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục tăng tần suất, phạm vi, hình thức và nội dung tuyên truyền về các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, trong đó các cụm từ như “đường lưỡi bò”, “đường chín đoạn”… của Trung Quốc xuất hiện với tần suất khá nhiều, được truyền thông các nước vạch trần.

Bản đồ “đường lưỡi bò”, “đường chín đoạn” xuất hiện với tần suất khá nhiều trên phương tiện truyền thông

Năm 2019, các cụm từ như “đường lưỡi bò”, “đường chín đoạn”… của Trung Quốc xuất hiện với tần suất khá nhiều trên phương tiện truyền thông như việc một nhóm khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và cố tình mặc theo các áo phông có in bản đồ “hình lưỡi bò” đến hàng loạt các phần mềm trò chơi trực tuyến, giao dục cho học sinh, ứng dụng tìm kiếm trên mạng internet hay bản đồ định vị trên oto đều được Trung Quốc lồng ghép hình ảnh bản đồ “đường chín đoạn”, “đường lưỡi bò” phi pháp. Thậm chí trên các lĩnh vực giải trí thương mại như điện ảnh, Trung Quốc cũng cố lồng ghép những chi tiết “đường lưỡi bò” hay các yêu sách chủ quyền như vụ việc liên quan bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ”, “Người Tuyết bé nhỏ” vừa qua. Đối với thể loại truyền hình, Trung Quốc công chiếu 6 bộ loạt phim tài liệu về Biển Đông bịa đặt về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc còn tiếp tục cho lưu hành hộ chiếu có in bản đồ “hình lưỡi bò” khi nhập cảnh vào các nước. Trong lĩnh vực giao dục, Trung Quốc cho lưu hành bộ sách giáo khoa lịch sử tái bản cấp 2 với nhiều sửa đổi, bổ sung nhấn mạnh về các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố yêu sách với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông, đi cùng đó là những lập luận, bằng chứng phi lý, không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hiện đại, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Những yêu sách chính của Trung Quốc ở Biển Đông như: Các yêu sách với các đảo, đá, bãi ngầm được gọi chung là lại Tứ Sa (Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa và Trung Sa) và yêu sách đường cơ sở thẳng cho Hoàng Sa và các vùng biển xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa; yêu sách đường lưỡi bò. Nghiên cứu một cách chi tiết cho thấy các yêu sách này đều có vấn đề. Trung Quốc không có bằng chứng pháp lý và lịch sử đáng tin cậy là cơ sở cho yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, hành vi sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi đá ngầm ở Trường Sa năm 1988 là bất hợp pháp. Yêu sách đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa, các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa cho các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa, yêu sách đường lưỡi bò đều không đúng và không có cơ sở trong UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên.

Những điều gì rút ra qua hoạt động tuyên truyền thực tế của TQ

Qua những hoạt động của Trung Quốc trên lĩnh vực truyền thông trong một năm vừa qua, có thể thấy Trung Quốc đang dồn nhiều các nguồn lực để tuyên truyền về Biển Đông thể hiện qua việc nước này luôn duy trì một bộ máy chỉ đạo nhất quán, thông suốt; sử dụng linh hoạt các nguồn khác nhau, đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền; đa dạng hóa các kênh bao gồm báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình và các công cụ như hội nghị, hội thảo, hội chợ, sự kiện thể thao, phim ảnh, hoạt động du lịch lữ hành… Từ thực tiễn có thể thấy tuy không có văn bản hay phát ngôn chính thức về mặt chính sách, song chính phủ Trung Quốc đã tiếp cận có chủ đích, nhất quán và đầu tư nguồn lực lớn để truyền bá các yêu sách bất hợp pháp, “lấp liếm” các quan điểm phi lý, và bao biện cho những hành động ngang ngược của mình. Trung Quốc đã sử dụng tuyên truyền như một mặt trận, thậm chí một “phương thức đấu tranh”, nhằm tạo ra những lợi thế về nhận thức trong dư luận, hỗ trợ cho các mặt trận thực địa, quân sự, pháp lý và ngoại giao của nước này trên Biển Đông. Nội dung bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ tầm quan trọng của tuyên truyền trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc, làm rõ những yêu sách và hành động phi lý phía sau những “câu chuyện” cuốn hút trên truyền thông, qua đó phân tích mục đích, nội dung, bộ máy chỉ đạo cũng như các kênh tuyên truyền về Biển Đông của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo gần đây của Trung Quốc gia tăng tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, coi đó như là một thành công chính trị để củng cố tính chính danh của mình. Tuy nhiên, trong vấn đề Biển Đông, tuyên truyền của Trung Quốc đa phần là sai trái, cố tính tạo ra quan điểm sai nhưng “ăn sâu vào tiềm thức” của người dân về cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi áp đặt quan điểm đó với nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc lại lấy “cớ” cái gọi là “sự đồng thuận” để thúc đẩy những chính sách quyết đoán, hành động phi pháp trên Biển Đông. Tuyên truyền cũng hết sức quan trọng bởi bản thân thế giới luôn nghi ngờ ý đồ và kế hoạch Trung Quốc. Từ lâu nay các nước vẫn nhìn nhận Trung Quốc như là một “mối đe doạ” hay là một thế lực tham lam nhằm “xâm lấn lãnh thổ”, “cướp bóc tài nguyên”. Đặc biệt trên hồ sơ Biển Đông, yêu sách hiện nay của Trung Quốc hết sức phi lý và phi pháp, trong khi đó, nước này lại áp dụng những biện pháp thiên về sức mạnh như xây dựng đảo, quân sự hóa, ngoại giao pháo hạm, chủ động gây hấn, ngang ngược triển khai thăm dò dầu khí trong vùng biển của quốc gia khác… Do đó, dễ hiểu Trung Quốc phải lu loa để lớn tiếng lấn át sự phản đối của các nước khác và quốc tế. Theo đó, truyền thông đố ngoại là công cụ hữu hiệu mà nước này đã và đang hướng đến để định hướng, lôi kéo dư luận trong nước và quốc tế đồng thời tìm cách thao túng và điều khiển tư duy, hành động của các đối tượng liên quan theo hướng có lợi cho yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bất chấp sự phản đối của các nước, Trung Quốc vẫn triển khai các hoạt động trên mọi lĩnh vực để hiện thực hóa các yêu sách trên. Trong lĩnh vực pháp lý, nước này ráo riết tiến hành công tác xây dựng nội luật về biển, ban hành nhiều văn bản với quy định đi ngược lại pháp luật quốc tế và vi phạm lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác. Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc đầu tư lớn cho quốc phòng, đẩy mạnh hiện đại hoá hải quân, phát triển lực lượng chấp pháp và dân binh. Trong lĩnh vực chính trị – ngoại giao, Trung Quốc vẫn thúc đẩy kênh đàm phán song phương, đối thoại ASEAN-Trung Quốc về COC, thúc đẩy khai thác chung, sáng kiến con đường tơ lụa trên biển, cộng đồng chung vận mệnh trên biển. Trên thực địa, Trung Quốc thường xuyên tổ chức tập trận quy mô lớn, chủ động gây hấn với các bên yêu sách cũng như đẩy mạnh việc thăm dò, khảo sát biển trong vùng biển của các quốc gia khác. Đặc biệt nghiêm trọng là việc gần đây Trung Quốc đã ngang ngược đưa Tàu Địa chất Hải dương 8 thăm dò vùng biển nằm trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam từ tháng 7/2019.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và ngày càng nhiều nước chỉ trích khiến hình ảnh Trung Quốc trở nên “bá quyền” trong mắt bạn bè quốc tế, Trung Quốc càng có nhu cầu khẳng định chủ quyền, định hướng dư luận và xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, có chính nghĩa. Do đó, Trung Quốc thực hiện chiến lược tuyên truyền về Biển Đông một cách toàn diện, bài bản, đầy đủ, gồm những hướng chủ yếu như khẳng định quyền và quyền lợi trên Biển Đông và quyết tâm không bao giờ từ bỏ chủ quyền, biện minh cho yêu sách của Trung Quốc; phản bác yêu sách và lâp luận của các bên yêu sách khác, tố cáo các bên trong tranh chấp vi phạm chủ quyền của Trung Quốc hòng cố tình biến các vùng biển của các nước khác thành vùng tranh chấp; cổ súy cho chính sách giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhấn mạnh biện pháp song phương, nhấn mạnh thiện chí của Trung Quốc; biện minh, lấp liếm cho các hành vi gây hấn, quyết đoán của Trung Quốc, trấn an quốc tế rằng Trung Quốc không làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải; tố cáo, phản đối bên thứ ba can dự, lôi kéo các nước khu vực, làm phức tạp tranh chấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới