Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2020 đã xuất hiện một điểm nóng mới ở khu vực phía Nam Biển Đông sau khi Trung Quốc liên tiếp cho hàng chục tàu cá với sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia nằm ở phía Nam Biển Đông từ cuối tháng 12/2019.
Ngày 19/12/2019, đã có ít nhất 65 tàu cá Trung Quốc được hai chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc bảo vệ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna. Cách thức hành động của Bắc Kinh trong vụ việc mới với Indonesia đi đúng theo bài bản, cho tàu dân sự tiến vào vùng biển của nước khác nhưng bị Trung Quốc tự nhận là của mình, và cho tàu hải cảnh hộ tống để sẵn sàng can thiệp khi lực lượng chấp pháp của nước sở tại đến chặn bắt các tàu Trung Quốc. Đây cũng là cách được Bắc Kinh sử dụng để áp đặt quyền kiểm soát của họ trong những vùng biển của Philippines, Malaysia, Việt Nam, và một lần nữa với Indonesia.
Indonesia đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta lên để phản đối, đồng thời gửi công hàm phản đối và đưa vụ việc ra công luận. Tuy nhiên, các tàu của Trung Quốc không chịu rút đi mà vẫn tiếp tục hoạt động ở khu vực này. Mặt khác, ngày 31/12/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn ngạo mạn tuyên bố rằng “Bắc Kinh có chủ quyền trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) và vùng biển lân cận”; cả Trung Quốc lẫn Indonesia đều có hoạt động đánh bắt “bình thường” tại đó.
Cùng với việc đấu tranh ngoại giao và dư luận, Jakarta đã triển khai thêm tàu chấp pháp đến vùng biển Natuna để đối phó với vụ việc tàu Trung quốc xâm phạm và đánh bắt trái phép ở khu vực Bắc Natuna. Quyết định tăng cường tuần tra tại vùng biển Natuna đã được ông Nursyawal Embut, Giám đốc phụ trách các hoạt động trên biển thuộc cơ quan an ninh hàng hải Indonesia và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi xác nhận. Phát biểu với giới báo chí, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đồng thời nhắc lại những lời tố cáo Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Indonesia.
Theo nguồn tin của quân đội Indonesia, máy bay quân sự và ba tàu chiến với khoảng 600 quân nhân Indonesia đã được triển khai tới vùng biển quanh quần đảo Natuna gần kề Biển Đông. Indonesia cũng đã điều 8 chiến hạm và 4 chiến đấu cơ được triển khai tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng quần đả Natuna. Đây là lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay được triển khai đến khu vực, cả trên bình diện phương tiện vũ khí, lẫn quân lính. Mục tiêu là để đối phó với những hành vi bị Jakarta coi là sự xâm lấn ngày càng tăng của tàu thuyền Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna.
Ngoài ra để tăng cường lực lượng sẵn sàng đáp trả các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, chính quyền Indonesia sẽ huy động ngư dân đến vùng Natuna sát Biển Đông để hỗ trợ cho các chiến hạm đã có mặt trong vùng. Ngày 06/01/2020, Bộ trưởng phụ trách an ninh Indonesia Mahfud MD cho biết khoảng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được gửi lên vùng quần đảo Natuna, cách đấy khoảng 1.000 km về phía bắc. Không chỉ thế, Jakarta còn tính đến việc đưa thêm tàu đánh cá từ vùng duyên hải phía Bắc và những vùng khác đến Natuna để tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trong một động thái chính trị nhằm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ngày 08/01/2020 Tổng thống Indonesia Joko Widodo đích thân tới thăm Natura. Trước báo giới, Tổng thống Indonesia tuyên bố : “Tôi đã nhiều lần nói rằng Natuna là thuộc chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi… Không có gì phải bàn luận, tôi hy vọng điều đó là rõ ràng”; đồng thời khẳng địnhIndonesia sẽ không có bất kỳ đàm phán nào khi vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước.
Indonesia từng bắt giữ tàu Trung Quốc ở khu vực trên trong quá khứ. Song với việc Tổng thống Joko Widodo ra thị sát Natuna với những phát biểu cứng rắn khác thường cùng với việc Indoniesia điều động tàu chiến và máy bay chiến đấu đến khu vực này có thể thấy đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của Indonesia trên những vấn đề liên quan đến Biển Đông thời gian gần đây.
Trên nguyên tắc, Indonesia không có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Indonesia luôn luôn khẳng định rằng Jakarta không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông. Thông cáo hôm 30/12/2019 của Bộ Ngoại giao Indonesia một lần nữa nhắc lại lập trường của Jakarta, theo đó nước này không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc và nhất là không công nhận cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh dùng để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, quan điểm của Bắc Kinh lại khác. “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra để khẳng định yêu sách chủ quyền lịch sử của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông, có chỗ ăn sâu vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna.
Hiểu rõ mưu đồ của Trung Quốc thông qua các hành vi cưỡng ép, lấn lướt để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, tiến tới khống chế và độc chiếm Biển Đông. Trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Jakarta đã nhắc lại việc Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Còn Thông cáo của cơ quan quốc phòng Indonesia tố cáo các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được tàu tuần duyên nước ngoài bảo vệ được coi là những hành động vi phạm chủ quyền của Indonesia.
Thông cáo ngày 01/01/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia yêu cầu Trung Quốc giải thích“cơ sở pháp lý và ranh giới rõ ràng” của các yêu sách mà nước này đưa ra về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Theo Jakarta, yêu sách của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia dựa trên cơ sở các ngư dân Trung Quốc từng hoạt động từ lâu ở đó chỉ là “đơn phương”,“không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận”.
Trước các phản ứng kiên quyết của Indonesia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cố gắng giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, khẳng định “không hề có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ” giữa Bắc Kinh và Jakarta. Trong cuộc họp báo ngày 08/01/2020 tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục xử lý một cách đúng đắn các bất đồng với Indonesia” và “Trung Quốc, Indonesia vẫn luôn duy trì trao đổi thông tin qua kênh ngoại giao về vấn đề này”.
Do có mối quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với Trung Quốc nên lâu nay Indonesia thường giữ im lặng trước các hành vi xâm lấn, gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển của các nước láng giềng như Malaysia, Philippines, Việt Nam. Với vụ việc mà Trung Quốc gây ra trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna lần này, Indonesia mới thấu hiểu được những khó khăn thách thức mà những nước này phải gánh chịu.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, có thể sau vụ việc lần này Indonesia phải thay đổi cách tiếp cận của họ trên vấn đề Biển Đông, không thể “đứng ngoài cuộc” trong việc đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông bởi lẽ các hành vi hung hăng ngày càng leo thang thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Indonesia. Những phản ứng mạnh mẽ của Indonesia trước hành động xâm lấn của Trung Quốc những ngày gần đây thể hiện rõ điều này.
Tình trạng căng thẳng và những tranh cãi gay gắt trong quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc trong những ngày qua, là dấu hiệu cho thấy Biển Đông sẽ dậy sóng trong năm 2020. Đây sẽ là một thách thức lớn mà Việt Nam phải xử lý trong năm 2020 trên cương vị Chủ tịch ASEAN.
Mặt khác, phản ứng gay gắt của Indonesia trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông, tạo đồng thuận chung trong ASEAN để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông cũng như trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).