Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnHạc vàng bay về

Hạc vàng bay về

Việt Nam, dù cũng đang căng mình chống dịch, vẫn viện trợ, hỗ trợ 600.000 USD vật dụng y tế để chia sẻ với nhân dân TQ trong lúc khó khăn…- một nghĩa cử khiến Đại sứ TQ tại VN – ông Hùng Ba – trích dẫn câu nói của người TQ: ‘Hoạn nạn mới biết chân tình’ để thể hiện sự tri ân.

 Lầu Hoàng Hạc

Vũ Hán – Thủ phủ Hồ Bắc, một tỉnh miền trung Trung Quốc – có lẽ là địa danh được nói đến nhiều nhất trong hơn nửa tháng qua.

Không chỉ người Trung Hoa đại lục, cái tên Vũ Hán, trong những ngày này còn là sự quan tâm củatoàn nhân loại.

Thực ra, địa danh Vũ Hán không hề xa lạ. Thậm chí, nó nổi tiếng vì lầu Hoàng Hạc – một trong “Tứ đại danh lâu” của TQ, xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 3, là nơi được nhiều thi nhân tụng ca. Cũng lầu này là nguồn cảm hứng để Thôi Hiệu, thi sĩ TQ đời thịnh Đường, viết nên bài thơ Hoàng Hạc Lâu hay đến mức thi bá lẫy lừng như Lý Bạch, khi đến đây cũng phải buông bút, ngả mũ thán phục.

Chỉ có điều éo le, Vũ Hán bỗng được quan tâm lúc này không phải bởi Lầu Hoàng Hạc cổ kính, u trầm nghìn năm; cũng không phải bởi tuyệt thi nói trên của Thôi Hiệu thi nhân, mà bởi đây là nơi khởi phát, đồng thời cũng đang là tâm dịch bệnh viêm phổi virus corona chủng mới.

Số người nhiễm bệnh và tử vong tại thành phố này tăng lên kinh hoàng mỗi ngày. Tới thời điểm đầu ngày 5/2, đã có tới gần 23.865 người dương tính với virus corona, số người tử vong là 492, trong đó, riêng Hồ Bắc có tới 479 người chết và 16678 người nhiễm bệnh – theo số liệu chính thức của nhà chức trách TQ.

Cả một thành phố vốn nhộn nhịp, tấp nập bỗng tiêu điều, u ám, vắng lặng. “Thành phố ma” – ấy là từ người ta từng dùng trong mấy ngày qua để chỉ một Vũ Hán, dù vẫn sừng sững còn đó bao cảnh quan, thắng tích.

Mỗi ngày, mỗi đêm trôi qua với ngươi dân nơi đây nặng nề, dài dằng dặc với bao nỗi thấp thỏm, lo âu.

Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, người Vũ Hán bỗng cảm nhận nhiều hơn những tấm tình của bao nhiêu con người ở khắp mọi miền đất nước TQ mênh mông.

Những nhóm chuyên gia giỏi nhất về dịch tễ học hối hả được cử đến Vũ Hán, trong đó, có cả những nhà khoa học tuổi bát tuần tham gia một cách tự nguyện.Hơn 3000 cán bộ y tế từ nhiều nơi trong nước được gửi đến Vũ Hán và các địa điểm khác của Hồ Bắc. Chắc chắn, con số này sẽ tăng thêm nữa trong những ngày tới.

Số lượng đã đành, nhưng cái quan trọng hơn là tinh thần trách nhiệm, sự quả cảm của những tình nguyện viên, những y bác sĩ nói trên ở Vũ Hán và các địa phương trong toàn TQ.

Để chống dịch, họ làm việc xuyên ngày đêm, làm việc như trong chiến tranh, như trên chiến trường.

Để cứu bệnh nhân, họ không quản nguy hiểm đối với chính mình.Có người đã ngã gục vì kiệt sức, như Tống Anh Kiệt (Song Ying Jie) – một bác sĩ tại bệnh viện Mã Tích Vệ ở trấn Đông Hồ, huyện Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đột tử ngày 5/2.Được biết, Mã Anh Kiệt đã tham gia cuộc chiến chống virus corona liên tục hàng chục ngày đêm.

Cả Vũ Hán bỗng chốc trở thành một bệnh viện lớn. Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn, quy mô hơn 1000 giường, đã tiếp nhận bệnh nhân hôm 3/2, sau 10 ngày thi công thần tốc.

Bệnh viện Lôi Thần Sơn,quy mô gấp rưỡi Hỏa Thần Sơn, cũng đang thi công và sẽ tiếp nhận nhận bệnh nhân trong vài ngày tới.

Các nhà máy sản xuất dụng cụ y tế hối hả chạy hết công suất để sản xuất khẩu trang, phương tiện xét nghiệm gửi tới Vũ Hán.

Dân làng Thạch Bản Trại ở tỉnh Vân Nam cùng nhau đi chặt chuối, quyên góp 22 tấn chuối để gửi cho những người dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh ở tỉnh Hồ Bắc.

Một người đàn ông 68 tuổi tại quận Donggang – Vũ Hán đã gửi 1800USD – phần tiền chắt chiu cả đời công nhân vệ sinh của mình, góp phần vào công việc chống dịch. Cũng thầm lặng như ông, một cậu bé học sinh tiểu học cùng quận Donggang chuyển 140 USD cho các bệnh nhân ở Vũ Hán.

Một thanh niên khác mang hơn 500 chiếc khẩu trang tới đồn công an tỉnh An Huy nhờ phát miễn phí cho người dân. Anhlàm việc này một cách lặng lẽ, như một việc cần phải làm, và đi ngay sau đó, không kịp nhận một lời cảm ơn…

Những tấm tình không chỉ ở TQ, của người TQ.

Bởi nhân loại không chỉ đứng nhìn, lo lắng từ bên ngoài và tìm cách phòng, chặn dịch cho riêng mình. Một chiến dịch mang tên “Ngoại giao virus corona” với sự tham gia của nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, như Ai Cập, Đức, Nhật Bản, Ủy ban Châu Âu, Quỹ Nhi đồng LHQ…đã sớm được triển khai nhằm hỗ trợ TQ về vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết đối phó với dịch.

Việt Nam, nước láng giềng TQ, dù cũng đang phải căng mình chống dịch, vẫn viện trợ, hỗ trợ 600.000 USD vật dụng y tế để chia sẻ với nhân dân TQ trong lúc khó khăn…- một nghĩa cử khiến Đại sứ TQ tại VN – ông Hùng Ba – trích dẫn câu’Hoạn nạn mới biết chân tình’ của người TQ để thể hiện sự tri ân.

Lại nhớ tới câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng qua bản dịch cũng nổi tiếng không kém của thi sĩ Tản Đà: Hạc vàng ai cưỡi đi đâu/ Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ…

Hạc vàng trong thơ Thôi Hiệu bay xa nghìn năm trước, nhưng trong thời điểm khó khăn này như lại trở về. Lầu Hoàng Hạc không cô độc, thành phố Vũ Hán không cô đơn, người TQ không lẻ loi mà vẫn đang được chia sẻ, sởi ấm bởi bao nhiêutấm lòng chân tình từ TQ, từ VN, và từ nhiều nơi khác trên thế giới.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới