Friday, December 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThấy gì qua việc Campuchia và TQ tiếp tục tiến hành cuộc...

Thấy gì qua việc Campuchia và TQ tiếp tục tiến hành cuộc tập trận chung “Rồng Vàng 2020” sắp tới?

Bộ Quốc phòng Campuchia loan báo cuộc tập trận “Rồng Vàng 2020” giữa Campuchia và Trung Quốc sẽ được tổ chức từ ngày ngày 14/3 đến ngày 1/4/2020 tại tỉnh Kampot của Campuchia, với chủ đề “Cùng nhau chống khủng bố và nhân đạo”. Hai nước sẽ huy động hơn 3.000 binh sỹ hai bên cùng nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại tham gia. Giới qua sát nhận định cuộc tập trận trên cho thấy hai bên tiếp tục thúc đẩy mạnh hợp tác song phương nói chung và đặc biệt la hợp tác quốc phòng.

TQđang là nhà đầu tư và tài trợ quân sự lớn nhất cho Campuchia và xu hướng đang ngày càng gia tăng

Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 11,2 tỷ USD trong năm 2017 vàtrên 100 triệu USD trong năm 2018. Để mua chuộc Campuchia, Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng đối với Campuchia trong nhiều lĩnh vực. Bắc Kinh là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia trong giai đoạn năm 2013-2017. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia thời gian này tổng cộng lên tới 5,3 tỷ USD. Năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ở Campuchia là 1,4 tỷ USD, chiếm 27% tổng đầu tư nước ngoài vào Campuchia. Tính đến nay, nợ công của chính phủ Campuchia cộng dồn lại là hơn 13 tỷ USD, trong đó 51% là nợ Trung Quốc. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Thủ tướng Hun Sen đã nhấn mạnh rằng việc tăng cường quan hệ Campuchia- Trung Quốc, trong đó có hợp tác quân sự, đã được lãnh đạo hai nước khẳng định qua các thỏa thuận cấp cao, đó sự hợp tác hành động trong các vấn đề chứ không chỉ là “những lời nói cho đẹp lòng nhau”.

Trung Quốc bắt đầu cung cấp sự hỗ trợ dài hạn về kinh tế và quân sự cho Campuchia từ những năm 1950, mặc dù Campuchia còn nhận viện trợ từ Mỹ hay Nhật Bản nhưng quy mô không thể sánh với Bắc Kinh. Hiện nay trang bị tiêu chuẩn của bộ binh Campuchia vẫn là súng trường tấn công Type 56 – phiên bản AK-47 do Trung Quốc sản xuất, ngoài ra còn có pháo phòng không Type 85, xe tăng hạng nhẹ Type 62, xe tăng chiến đấu chủ lực Type 59, hệ thống pháo phản lực phóng loạt Type 81 và súng trường bullpup QBZ-97. Không chỉ có vậy, gần đây Trung Quốc đã cung cấp cho Campuchia 1 tỷ USD trang thiết bị quân sự từ xe tải cho tới 12 trực thăng đa dụng Z-9 và 2 máy bay vận tải hạng nhẹ MA-60 cùng quân phục và trang bị cá nhân như giáp, mũ bảo hộ, mặt nạ phòng chống độc… Trung Quốc cũng là địa chỉ thường xuyên của các học viên quân sự Campuchia, khoảng 30% nhân lực của quân đội nước này được đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn trên đất Trung Quốc, quy mô khó một đối tác nào theo kịp. Hỗ trợ của Trung Quốc rõ ràng giữ vai trò cực kỳ quan trọng, quy mô Quân đội Campuchia với 125.000 lính thương trực, 70.000 quân dự bị, 21 máy bay cánh cố định, 17 trực thăng 550 xe tăng, 300 xe bọc thép, 600 khẩu pháo các loại cùng 53 tàu chiến trong khi ngân sách quốc phòng hàng năm chỉ có 192 triệu USD, không đủ cho nhu cầu tối thiểu. Sau cuộc tập trận “Rồng Vàng 2019”, Bắc Kinh đã tặng Campuchia toàn bộ số phương tiện quân sự mang sang Campuchia để tham gia tập trận. Đây thực chất là một hình thức viện trợ quân sự mới của Trung Quốc cho Campuchia trong bối cảnh nước này đang chịu nhiều cấm vận của Mỹ và EU do liên quan đến bầu cử và nhân quyền.

Theo thỏa thuận được ký giữa Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Bắc Kinh hôm 20/10/2019, Bắc Kinh cam kết viện trợ 600 triệu nhân dân tệ (hơn 84,8 triệu USD) để hỗ trợ Bộ Quốc phòng Campuchia. Tướng Tea Banh đang dẫn đầu phái đoàn Campuchia tới Trung Quốc để hội đàm về hợp tác quân sự.Theo thông báo, ông Ngụy ca ngợi tướng Tea Banh vì những nỗ lực tăng cường quan hệ, hợp tác giữa hai nước và khẳng định Trung Quốc cam kết cung cấp viện trợ và hỗ trợ để phát triển lĩnh vực quân sự của Campuchia. Đáp lại, Tea Banh cho rằng quan hệ hai nước phát triển trong những năm qua và ngày càng được tăng cường dưới thời Thủ tướng Hun Sen.

Campuchia sẽ duy trì chính sách ủng hộ các yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông và là nhân tố gây khó khăn đối với ASEAN

Trong vấn đề Biển Đông, tuy không phải là có bên tranh chấp ở Biển Đông, song Campuchia là nước đã ủng hộ lập trường, chính sách Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trong suốt những năm qua. Trong các tuyên bố, giới lãnh đạo Campuchia đều thể hiện sự ủng hộ với Trung Quốc, như hoan nghênh và ủng hộ viễn cảnh về việc tranh thủ hoàn thành COC trong vòng 3 năm do Bắc Kinh nêu ra, phản đối sự can dự của các nước bên ngoài, thúc đẩy đàm phán song phương. Sở dĩ Campuchia sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại ASEAN nói riêng và trên bình diện quốc tế nói chung chính là do Campuchia hiện đang chịu ảnh hưởng chi phối khác lớn từ Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế. Điều này đã được tạo ra trong một quá trình lâu dài dưới những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen (1/2019) cho biết, Trung Quốc đã hứa sẽ viện trợ cho nước này 588 triệu USD, trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2021. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hứa, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 400 ngàn tấn gạo của Campuchia trong năm nay, tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD vào năm 2023 và khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào Campuchia. Ngoài ra, Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) có thể đã phải dựa vào Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo trước đảng đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP). Không những vậy, Trung Quốc cũng đã ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Thủ tướng Hun Sen và CPP tranh cử tại cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7/2018, bất chấp những chỉ trích, trừng phạt của Mỹ và EU. Thậm chí, Trung Quốc đã cấp kinh phí cho Ủy ban bầu cử quốc gia và cử quan sát viên người Trung Quốc trong cuộc bầu cử.

Mối quan hệ quá phụ thuộc vào TQ và xa rời xu thế phát triển chung của ASEAN sẽ chỉ mang lại cho Campuchia những hệ lụy tiêu cực

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng sức mạnh kinh tế để lôi kéo, mua chuộc Campuchia. Đánh vào tâm lý cần vốn vay để phát triển kinh tế, song điều kiện vay vốn tại các ngân hàng khu vực và quốc tế quá khắt khe, khiến Campuchia không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay này, các ngân hàng của Trung Quốc có thể đa dạng hóa các mục tiêu cho vay phù hợp với từng đối tượng và dự án cụ thể. Mặt khác, tình trạng giá nhiên liệu cao và lao động tay nghề thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề thu hút đầu tư của Campuchia. Trong khi đó, các công ty xây dựng và ngân hàng Trung Quốc lại đáp ứng được hầu hết các quan ngại của Campuchia.

Thứ hai, Bắc Kinh nắm giữ những công trình mang tính sống còn đối với Campuchia. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào xây dựng các đập thủy điện tại Campuchia. Hiện 6 nhà máy thủy điện đã hoàn thành và họ đang tiếp tục triển khai xây dựng các công trình tiếp theo. Theo các quan chức Campuchia, ngoại trừ dự án thủy điện Hạ Sesan công suất 400 MW với số vốn 781 triệu USD được xây dựng trên sông Sesan ở phía Đông Bắc Campuchia, các công ty Trung Quốc đã cung cấp 100% vốn cho tất cả các các công trình thủy điện khác của Campuchia. Những nhà máy thủy điện này rất quan trọng bởi vì nó góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của Campuchia ngày càng tăng cao.

Nhìn chung, hiện nay Campuchia phụ thuộc vào đầu tư và viện trợ tài chính của Trung Quốc để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cần thiết và thoát khỏi vị thế một nước chậm phát triển. Trung Quốc hiện là đối tác duy nhất có đủ vốn và nguồn lực để đầu tư vào các dự án 1-2 tỷ USD mà có thể giúp Campuchia phát triển các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đóng vai trò như một hành lang địa lý chiến lược và tự nhiên cho dòng đầu tư, hàng hóa và con người của Trung Quốc. Trung Quốc có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình để buộc Campuchia phải chấp thuận cho Bắc Kinh sử dụng các cảng biển trên thành căn cứ hải quân của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới