Trong bối cảnh phải tập trung vào cuộc chiến chống dịch cúm do virus corona gây ra, song nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn tỏ ra rất hung hăng khi cho máy bay chiến đấu uy hiếp Đài Loan. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc và phi cơ tháp tùng đã bay ngang qua lằn ranh giới trên eo biển Đài Loan phân chia không phận giữa hai bên. Chiếc máy bay này đã bay trở lại không phận Trung Quốc sau khi các chiến đấu cơ phản lực của Đài Loan cất cánh để thi hành các biện pháp ngăn chặn và cảnh báo.
Kể từ tháng 3/2019, đây là lần thứ hai máy bay quân sự Trung Quốc vượt qua lằn ranh phân chia không phận giữa hai bên. Vào tháng 3/2019, 2 chiến đấu cơ phản lực J-11 của Trung Quốc đã vượt qua lằn ranh này. Đài Bắc đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc có hành động gây hấn.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành Tổng thống Đài Loan lần đầu tiên vào năm 2016, Trung Quốc thi hành chính sách gây sức ép lên chính quyền Đài Loan, đưa ngày càng nhiều chiến đấu cơ và chiến hạm đến gần Đài Loan hoặc đi qua eo biển Đài Loan để uy hiếp; đe dọa sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Tháng 12/2019, ngay trước khi diễn ra bầu cử ở Đài Loan, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc tự đóng, chiếc Sơn Đông, đã đi qua eo biển Đài Loan để biểu dương lực lượng.
Những hành vi dọa nạt, cưỡng ép của Bắc Kinh đối với chính quyền của bà Thái Anh Văn gây quan ngại cho Hoa Kỳ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường quan hệ giao lưu ở các cấp với Đài Loan và bán các vũ khí hiện đại trị giá nhiều tỷ USD cho Đài Loan. Riêng trong năm 2019, Mỹ đã quyết định bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá trên 10 tỷ USD (tháng 7/2019, Tổng thống Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán 2,2 tỉ đô la vũ khí cho Đài Loan, trong đó có 108 xe tăng loại M1A2T Abrams và 250 tên lửa Stinger; tháng 8/2019, Tổng thống Trump đã bật đèn xanh cho việc bán 66 chiến đấu cơ F-16V, trị giá 8 tỉ đô la cho Đài Loan).
Các chiến hạm của Mỹ tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) qua eo biển Đài Loan để hậu thuẫn cho chính quyền bà Thái Anh Văn. Trong năm 2019, các chiến hạm của Mỹ đã 9 lần đi qua eo biển Đài Loan nhằm gửi tới Bắc Kinh thông điệp mạnh mẽ “hãy ngừng ngay các hành vi uy hiếp”.
Chưa đầy 1 tuần sau khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử Tổng thống Đài Loan với chiến thắng vang dội của Đảng Dân tiến trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, ngày 16/01/2020, tuần dương hạm USS Shiloh, lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải và bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền của bà Thái Anh Văn trong cuộc đối phó với sức ép từ Trung Quốc.
Hợp tác quân sự Mỹ-Đài Loan được tăng cường thêm một mức khi Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin ngày 17/12/2019 đã ký với tập đoàn Phát triển Công ghiệp Hàng không Vũ trụ Đài Loan một thỏa thuận hợp tác chiến lược, mở đường cho việc xây dựng một trung tâm bảo trì chiến đấu cơ F-16 ngay tại Đài Loan.
Lockheed Martin chính là nhà sản xuất loại phi cơ tiêm kích F-16, mà thế hệ F-16V thuộc diện hiện đại nhất. Đài Loan hiện đã có 144 chiến đấu cơ F-16A và F-16B, và loại phi cơ này sẽ được nâng cấp thành loại F-16V từ nay đến năm 2023. Trung tâm bảo trì tiêm kích F-16 dự kiến được hoàn thành vào năm 2023. Đây là thỏa thuận mới nhất trong số các văn bản quan trọng mà Đài Bắc đạt được với Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Việc chiến đấu cơ của Trung Quốc đi vào không phận Đài Loan hôm 10/02/2020 là động thái mới nhất của Bắc Kinh gây sức ép với bà Thái Anh Văn kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan tháng ngày 11/01/2020. Điểm đáng chú ý ở đây là động thái này được Bắc Kinh thực hiện giữa lúc đang phải đối phó với dịch bệnh corona đang tràn lan khắp Trung Quốc.
Điều này cho thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh không từ bỏ dã tâm bắt nạt, cưỡng ép đối với chính quyền của bà Thái Anh Văn mặc dù chính sách này của Bắc Kinh đối với Đài Bắc trong 4 năm cầm quyền của bà Thái Anh Văn đã phản tác dụng, khiến người dân Đài Loan quay sang tập trung phiếu bầu cho bà Thái Anh Văn và Đảng dân tiến.
Những người cầm quyền ở Bắc Kinh cần phải hiểu rõ Đài Loan luôn có vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực, bao gồm chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở. Việc Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép với Đài Loan chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”, tạo điều kiện cho Mỹ có cớ thắt chặt hơn quan hệ với Đài Bắc. Mỹ có lợi ích lớn trong việc duy trì nguyên trạng 2 bờ eo biển Đài Loan, mưu toan của Trung Quốc phá vỡ hiện trạng 2 bờ sẽ buộc Mỹ phải hành động, tạo bầu không khí bất an ở khu vực.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng giữa lúc dịch cúm virus corona đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, có khả năng việc nhà cầm quyền Bắc Kinh có động thái hù dọa Đài Bắc còn là nhằm “xì hơi” cho những khó khăn mà chính quyền Bắc Kinh đang phải đối mặt.
Với cách nhìn này, một số chuyên gia cảnh báo rằng với bản chất hung hăng của những người cầm quyền ở Bắc Kinh không loại trừ Bắc Kinh cũng sẽ có những hành động gây hấn mới ở Biển Đông ngay trong thời điểm dịch cúm corona đang hoành hành ở Trung Quốc để chuyển bớt những khó khăn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt ra ngoài. Do vậy, các nước ven Biển Đông cần hết sức cảnh giác. Một mặt, hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch corona, mặt khác đề phòng với những tình huống xấu có thể xuất hiện ở Biển Đông.