Tổng thống Mỹ Donald Trump (10/2) đã công bố đề xuất gói ngân sách cho năm 2021 trị giá 4,8 nghìn tỷ USD, trong đó bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu cho một loạt chương trình như hỗ trợ trả nợ cho sinh viên, nhà ở, tem thực phẩm và bảo hiểm y tế Medicaid.
Theo đó, ngân sách mới cho năm tài chính 2021 (bắt đầu từ tháng 10/2020) bao gồm 740,5 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, 590 tỷ USD cho ngân sách phi quốc phòng và 3,5 nghìn tỷ USD cho các khoản chi tiêu an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi tiêu khác.
Theo đề xuất trên, khoản chi tiêu quốc phòng tăng lên 740,5 tỷ USD bao gồm việc tăng kinh phí cho nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với chiến tranh trong tương lai. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm tài khóa 2021 có một số điều chỉnh so với năm 2020. Theo đó, Hải quân Mỹ đã đề xuất lên Tổng thống Donald Trump khoản ngân sách năm 2021 không những không tăng mà còn giảm hàng tỷ USD so với năm 2020, động thái gây ngạc nhiên và thậm chí là tranh cãi trên các diễn đàn quốc hội. Trong bản đề xuất ngân sách, hải quân Mỹ cắt giảm số tàu chiến mới họ muốn mua sắm trong năm nay và 5 năm tới. Các số liệu trong bản kế hoạch tài chính 2021-2025 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy những khó khăn đối với mục tiêu đóng mới 355 tàu hải quân trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, nhưng trì hoãn đến khi nào, và với mức độ nào là chuyện còn phải tranh luận trong các phiên điều trần sắp tới. Ngân sách của hải quân Mỹ trong năm tới bắt đầu từ 1/10 giảm 2 tỷ USD so với con số đã được thông qua của năm tài chính 2020 là 207 tỷ USD trong tổng ngân sách quốc phòng 705,4 tỷ USD. Tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm 2021 cũng giảm nhẹ so với năm nay (712, 6 tỷ USD). Theo bản tổng quan ngân sách, hải quân Mỹ yêu cầu được mua sắm 44 tàu từ nay tới năm 2025, thay vì con số 55 tàu đưa ra hồi năm ngoái. Trong số này có 16 tàu chưa xác định cụ thể gồm 10 tàu mặt nước không người lái và 6 tàu ngầm. Việc cắt giảm mua sắm tàu bắt đầu ngay từ năm tới, khi hải quân Mỹ chỉ đòi hỏi 8 tàu mới, giảm so với con số 12 tàu của năm nay và 13 tàu trong năm 2019. Trong khi tiền chi cho hải quân giảm, Bộ Quốc phòng Mỹ lại có kế hoạch tăng chi cho các hệ thống vũ khí hạt nhân, ví dụ các tên lửa liên lục địa và tàu ngầm, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghệ, đầu tư cho lực lượng không gian, trong bản đề xuất ngân sách năm tới. Ngân sách quốc phòng Mỹ năm tới không chỉ rút bớt phần bánh của hải quân, mà không quân Mỹ cũng bị giảm trừ để phục vụ các ưu tiên mới của Tổng thống Trump, bao gồm lực lượng không gian mới được thành lập. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dành ra 2,4 tỷ USD mua sắm cho lực lượng không gian, 2,6 tỷ USD chi cho hoạt động và bảo trì. Rõ ràng kế hoạch phân bổ ngân sách quốc phòng đã phản ánh mong muốn của tổng thống Mỹ, ưu tiên ngân quỹ cho “các hệ thống vũ khí liên quan đến không gian và hoạt động của lực lượng này”. Không chỉ ưu tiên lực lượng không gian, ngân sách quốc phòng 2021 của Mỹ còn đề nghị chi 106,5 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển “các công nghệ quan trọng mới nổi lên”. Trong khi đó, đề xuất chi cho các loại vũ khí thông thường mà hiện nay vẫn đóng vai trò chủ chốt trong quân đội ở mức 136,8 tỷ USD, giảm 6,8 tỷ USD so với năm 2020.
Tuy không tăng chi cho không quân nhưng vẫn có các mặt hàng ưu tiên. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất mua 79 tiêm kích tàng hình F-35 tối tân của nhà thầu quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin, cho dù mới đây người ta ghi nhận chiếc máy bay đắt đỏ này vẫn còn hơn 800 lỗi cần chỉnh sửa. Lầu Năm Góc cũng đang quan tâm các tiêm kích mới F-15EX của hãng Boeing, khi đề xuất mua 12 chiếc, tăng 4 chiếc so với năm 2020. Ngân sách năm tới cũng được đề xuất chi 2,8 tỷ USD cho dự án máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider, thấp hơn ngân khoản chi cho dự án này trong năm nay 100 triệu USD.
Trong khi đó, các khoản chi tiêu trong nước lại bị cắt giảm thông qua những thay đổi đối với các chương trình liên bang. Theo đó, ngân sách chi cho Bộ Thương mại giảm 37%, Cơ quan Bảo vệ Môi trường giảm 26%, Bộ Phát triển Nhà và Đô thị 15%, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh 9%, Bộ Giáo dục 8%, Bộ Nông nghiệp 8%, Bộ Ngoại giao và viện trợ nước ngoài 21%, Bộ Lao động 11% và Bộ Năng lượng 8%.
Tổng thống Trump cho biết với đề xuất ngân sách ngân sách này, ông sẽ đưa thâm hụt ngân sách của Mỹ về mức 0 trong thời gian không lâu, mặc dù dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2020 là 1.000 tỷ USD và năm 2021 là 966 tỷ USD. Đề xuất ngân sách nói trên đã từ bỏ mục tiêu chấm dứt thâm hụt ngân sách trong 10 năm như đã tuyên bố trước đó, thay vào đó đẩy thời hạn mục tiêu này lên năm 2035.Tuy nhiên, kể cả như vậy thì lộ trình được kéo dài này cũng dựa trên dự đoán rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng xấp xỉ 3%/năm đến hết năm 2030, qua đó giúp tăng doanh thu thuế. Đây là mức tăng trưởng “không tưởng”, đặc biệt đối với một nền kinh tế đã trải qua chuỗi 11 năm tăng trưởng liên tiếp.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump (12/2019) đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020. Đạo luật NDAA cho phép ngân sách quốc phòng Mỹ năm tài khóa 2020 sử dụng 738 tỷ USD. Trong số tiền này, 658,4 tỷ USD được phê duyệt cho các chi phí cơ bản, 71,5 tỷ USD được sử dụng cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp ở nước ngoài (Overseas Contingency Operations) và 5,3 tỷ USD được sử dụng để khắc phục thảm họa khẩn cấp (emergency disaster recovery). Đạo luật cũng cho phép chi 1 tỷ USD để mua thêm 12 máy bay chiến đấu F-35A, đồng thời ủy quyền chi 440 triệu USD để mua lại số máy bay chiến đấu F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng ban đầu, hỗ trợ tiền vốn cho việc phát triển máy bay chiến đấu tầm xa B-21, hỗ trợ yêu cầu ngân sách mua 8 máy bay F-15EX; cho phép chi thêm 75,6 triệu USD cho chương trình máy bay tấn công tầm xa trong tương lai; hỗ trợ gần 1 tỷ USD cho dự án chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Không quân. Ngoài ra, NDAA còn quy định tăng 3,1% tiền lương cho quân đội – mức tăng lớn nhất trong 10 năm.